BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 82-HD/BTGTW | Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2022 |
Ngày 21/10/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW “Về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” (viết tắt là Chỉ thị số 17-CT/TW). Thực hiện nhiệm vụ Ban Bí thư giao, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW như sau:
1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị và toàn xã hội đối với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, coi đây là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài đến sức khỏe nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc và sự phát triển bền vững của đất nước.
2. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 17-CT/TW, xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị đến từng chi bộ, đồng thời đề ra mục tiêu, chỉ tiêu bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
3. Tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Chỉ thị số 17-CT/TW, phù hợp với tình hình thực tiễn của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW và các văn bản liên quan.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ nội dung của Chỉ thị số 17-CT/TW và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị để xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị phù hợp với tình hình thực tiễn của từng cấp, ngành, địa phương, đơn vị và tập trung vào các nội dung trọng tâm sau:
1. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, ứng dụng công nghệ số trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin, tuyên truyền, biểu dương các doanh nghiệp, tôn vinh các sản phẩm bảo đảm tốt chất lượng an toàn thực phẩm, các tổ chức, đơn vị có thành tích tốt trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; công khai các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, kịp thời thông tin các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm theo quy định; phát động phong trào toàn dân thực hiện tố giác các hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm, kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực và lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.
2. Xác định trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; bảo đảm kiểm soát các yếu tố đầu vào gây nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm; nhanh chóng ứng dụng, chuyển giao công nghệ, xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, tuần hoàn để người dân được sử dụng thực phẩm an toàn, bền vững, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vụ việc vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm.
3. Nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác an ninh, an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ từ Trung ương tới địa phương. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp của cơ quan, đơn vị làm công tác an ninh, an toàn thực phẩm bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao; rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; sớm tổng kết việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm và tập trung xây dựng, triển khai các chính sách, thiết chế, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật trong việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị:
1. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; xác định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm tại cơ sở.
2. Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm phù hợp với tình hình mới; xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW. Tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
3. Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW. Chỉ đạo tổng kết thực hiện Luật An toàn thực phẩm; giao Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tham mưu Ban cán sự đảng Chính phủ kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối từ Trung ương tới địa phương. Chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng các cơ chế, chính sách tài chính, bố trí ngân sách đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; xây dựng quy chế hoạt động, thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức phối hợp, quản lý, điều hành của cơ quan, đơn vị làm công tác an ninh, an toàn thực phẩm, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả. Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
4. Ban cán sự đảng Bộ Y tế chỉ đạo việc tổng kết thực hiện Luật An toàn thực phẩm. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, các tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; các nguyên tắc, chế tài xử lý vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm, bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Nâng cao năng lực phòng ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp với các đơn vị liên quan của Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện nhiệm vụ theo Chỉ thị số 17-CT/TW. Hằng năm tiến hành đánh giá hiệu quả việc phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
5. Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, bảo đảm truy xuất nguồn gốc thực phẩm, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia; có chính sách khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và tập trung ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng, phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất được nguồn gốc; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội có chính sách hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh thực phẩm tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn. Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
6. Ban cán sự đảng Bộ Công thương chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng. Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistics, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn. Phát huy vai trò của hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm.
7. Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về bảo đảm an ninh về nước, đất và không khí, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
8. Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý, hướng dẫn các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, thường xuyên tuyên truyền các nội dung được nêu trong Chỉ thị số 17-CT/TW. Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời những hành vi ảnh hưởng xấu đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, nhất là trên môi trường Internet và mạng xã hội.
Phối hợp chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường mở các chuyên trang, chuyên mục, xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình nhằm tuyên truyền, quảng bá các mô hình sản xuất, cách chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Lên án các hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm.
9. Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; chủ động phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Có chính sách thỏa đáng, kịp thời khen thưởng và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm.
10. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động chỉ đạo, triển khai kế hoạch phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Xây dựng chương trình giám sát thực hiện Chỉ thị. Tích cực tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Lồng ghép nội dung công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.
11. Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy
Tham mưu giúp tỉnh ủy, thành ủy xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị, hướng dẫn tổ chức quán triệt Chỉ thị số 17-CT/TW đến chi bộ.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, đánh giá tình hình an ninh, an toàn thực phẩm và công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm ở địa phương; kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW.
12. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.
| K/T TRƯỞNG BAN |
- 1 Kết luận 11-KL/TW năm 2017 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2 Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2020 về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 1801/QĐ-BNN-QLCL năm 2020 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Kế hoạch 45/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình hành động 51-CTr/TU thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- 5 Công văn 787/BYT-ATTP năm 2023 về tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể do Bộ Y tế ban hành