UBND TỈNH BẠC LIÊU | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 900/HD-BCĐ | Bạc Liêu, ngày 02 tháng 07 năm 2008 |
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 188/2007/QĐ-TTg NGÀY 6/12/2007 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP MỘT LẦN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 290/2005/QĐ-TTg
Căn cứ Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 6/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư Liên tịch số 21/2008/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 26/02/2008 của Bộ Quốc phòng - Bộ Lao động-TB&XH - Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số đối tượng hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg ;
Theo tinh thần Quyết định 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ thì có 3 nhóm đối tượng nằm trong diện được hưởng chế độ trợ cấp một lần cho thời gian tham gia hoạt động kháng chiến chống Mỹ giai đoạn từ tháng 7/1954 đến tháng 4/1975;
Ban chỉ đạo 290 tỉnh Bạc Liêu hướng dẫn cụ thể việc triển khai tổ chức thực hiện Quyết định 188/2007/QĐ-TTg ở cơ sở như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG 1 (Vẫn giữ nguyên theo Quyết định 290, không có sửa đổi, bổ sung):
1. Đối tượng:
- Là những người tham gia hoạt động kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường B, C, K trong giai đoạn từ tháng 7/1954 đến tháng 4/1975 không có thân nhân chủ yếu phải trực tiếp nuôi dưỡng ở miền Bắc, bao gồm cán bộ, công nhân viên ban ngành đoàn thể từ cấp huyện trở lên, kể cả Bộ đội, Công an, Thanh niên xung phong đã nghỉ việc về gia đình địa phương kể từ ngày 31/12/1976 trở về trước mà không được hưởng các chế độ như hưu trí, bệnh binh, mất sức lao động có trợ cấp hàng tháng.
2. Điều kiện:
- Nghỉ việc từ ngày 31/12/1976 trở về trước và sau khi nghỉ việc không tái tham gia thoát ly trở lại.
- Lý do nghỉ việc là tự ý nghỉ (bỏ việc), không phải được đơn vị cho phục viên hoặc thôi việc (trừ các trường hợp phục viên trước ngày 30/4/1975).
- Đối tượng phải công tác ở chiến trường B, C, K trước 30/4/1975 và không có thân nhân chủ yếu phải trực tiếp nuôi dưỡng ở miền Bắc (bao gồm cha, mẹ, vợ, con)
3. Mức hưởng trợ cấp một lần cho đối tượng 1:
- Cứ 1 năm tham gia kháng chiến ở chiến trường B, C, K được tính 600.000 đồng, tính từ lúc tham gia đến lúc nghỉ; Trong tổng số thời gian tham gia kháng chiến, nếu có tháng lẻ thì số lẻ từ 6 tháng trở lên được tính là 1 năm, từ 1 tháng đến 5 tháng được tính nửa năm. Thí dụ: 5 năm 5 tháng được tính 5,5 năm và nếu 5 năm 6 tháng thì được tính là 6 năm.
- Thời gian được tính kể từ ngày tham gia kháng chiến đến lúc nghỉ nhưng nằm trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 1954 đến tháng 12 năm 1976.
- Đối tượng được tính mức thấp nhất là 1.200.000 đồng. Thí dụ: người tham gia hoạt động kháng chiến từ tháng 1 năm 1975 đến tháng 4 năm 1975 nghỉ việc = 4 tháng, vẫn được tính 1.200.000 đồng (bằng đồng chí có 2 năm hoạt động kháng chiến).
4. Thủ tục hồ sơ cho đối tượng 1:
- Bản khai cá nhân hoặc thân nhân: mẫu 1A áp dụng cho đối tượng còn sống, mẫu 1B áp dụng cho đối tượng đã từ trần. Lưu ý: đối với đối tượng đã từ trần, thân nhân đứng khai phải là thân nhân chủ yếu bao gồm cha, mẹ, vợ, con. Các thân nhân khác không được thừa kế hưởng.
- Biên bản Hội nghị Liên tịch (mẫu 05).
- Biên bản Hội nghị BCH Hội cựu chiến binh (mẫu 06).
- Công văn đề nghị của UBND xã, phường, thị trấn (Mẫu 7A).
- Các giấy tờ có liên quan như lý lịch các loại, Huân Huy chương, các Quyết định phong quân hàm, bổ nhiệm chức hoặc các giấy tờ khác có liên quan đến thành tích hoạt động kháng chiến. Nếu không có lý lịch hoặc các giấy tờ để chứng minh cho thời gian hoạt động kháng chiến của bản thân thì phải có các nhân chứng công tác chung trước đây xác nhận.
II. ĐỐI TƯỢNG 2 (có sửa đổi, bổ sung theo Quyết định 188):
1. Đối tượng:
- Là những người tham gia hoạt động kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường B, C, K trong giai đoạn từ tháng 7/1954 đến tháng 4/1975 không có thân nhân chủ yếu phải trực tiếp nuôi dưỡng ở miền Bắc, bao gồm:
+ Cán bộ, công nhân viên các ban ngành đoàn thể từ cấp xã trở lên, kể cả Bộ đội, Công an, Thanh niên xung phong. Riêng đối tượng là Bộ đội, Công an, Thanh niên xung phong theo quy định trước đây là phải giữ chức vụ từ Trung đội bậc phó trở lên trước ngày 30/4/1975 thì nay sửa đổi, bổ sung lại là kể cả Hạ sỹ quan chiến sỹ nếu công tác ở chiến trường B, C, K trong khoảng thời gian từ tháng 7/1954 đến tháng 4/1975, trong thời gian chiến đấu ở chiến trường B, C, K không có thân nhân chủ yếu phải trực tiếp nuôi dưỡng ở miền Bắc thì đều được tính hưởng.
+ Cán bộ thuộc ban ngành đoàn thể cấp xã theo quy định trước đây chưa được tính hưởng thì nay sửa đổi, bổ sung lại là cán bộ xã ở miền Nam, tính từ vĩ tuyến 17 trở vào được hưởng chế độ chiến trường B, C, K theo đối tượng 2.
2. Điều kiện:
- Phải có thời gian công tác ở chiến trường B, C, K trong giai đoạn từ tháng 7 năm 1954 đến tháng 4 năm 1975. Không có thân nhân chủ yếu phải trực tiếp nuôi dưỡng ở miền Bắc trong thời gian chiến đấu, công tác ở chiến trường B, C, K.
- Không giải quyết đối với các trường hợp đã được hưởng trợ cấp một lần chế độ chiến trường B, C, K theo Nghị định 23/1999/NĐ-CP ngày 15/4/1999 của Chính phủ (gọi tắt là B trọc và B trụ).
3. Thời gian tính hưởng và mức hưởng trợ cấp một lần cho đối tượng 2:
a. Thời gian tính hưởng:
- Được tính hưởng từ ngày tham gia cán bộ từ cấp xã ở miền Nam trở lên đến ngày 30/4/1975, nhưng mốc tính sớm nhất cũng từ tháng 7 năm 1954 và mốc cuối cùng là ngày 30/4/1975.
b. Mức hưởng:
- Cứ 1 năm làm cán bộ từ cấp xã ở miền Nam hoặc cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ hoạt động ở chiến trường B, C, K được hưởng mức 500.000 đồng, nhưng thấp nhất cũng được 1.000.000 đồng. Thí dụ: 1 đồng chí tham gia hoạt động nhập ngũ tháng 2/1975 tính cho đến lúc giải phóng 30/4/1975 chỉ được 3 tháng, vẫn được hưởng 1.000.000 đồng (bằng đồng chí có 2 năm hoạt động kháng chiến).
- Trong thời gian công tác chiến đấu ở chiến trường B, C, K nếu có tháng lẻ thì cách tính như sau: Nếu số tháng lẻ từ đủ 6 tháng trở lên được tính là 1 năm, thí dụ: 5 năm 6 tháng được tính là 6 năm; Nếu số tháng lẻ từ 1 tháng đến 5 tháng thì được tính nửa năm, thí dụ: 5 năm 5 tháng được tính 5,5 năm.
4. Thủ tục hồ sơ cho đối tượng 2:
- Bản khai cá nhân hoặc thân nhân: mẫu 2A áp dụng cho đối tượng còn sống, mẫu 2B áp dụng cho đối tượng đã hy sinh hoặc từ trần do thân nhân đúng khai. Lưu ý nếu thân nhân đứng khai phải là thân nhân chủ yếu bao gồm cha, mẹ, vợ, con. Các thân nhân khác không được thừa kế hưởng.
- Giấy báo tử Liệt sỹ (nếu đối tượng là Liệt sỹ): Trường hợp gia đình không còn Giấy báo tử thì phô tô Bằng Tổ quốc ghi công đối với đối tượng là Liệt sỹ (Bản phô tô có chứng thực của UBND xã).
- Lý lịch cá nhân: có thể sử dụng một trong các loại lý lịch sau: Lý lịch Đảng viên, Lý lịch Hưu trí, hồ sơ Bệnh binh, hồ sơ Mất sức lao động, Lý lịch quân nhân, Lý lịch cán bộ công chức, Quyết định phục viên xuất ngũ (Bản phô tô có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền). Đối tượng là cán bộ xã diện được bổ sung hưởng theo Quyết định 188 mà không có các loại lý lịch trên thì phải có nhân chứng xác nhận quá trình công tác. Các trường hợp phục viên, xuất ngũ, thôi việc nhưng hiện nay không còn lưu giữ được các loại hồ sơ, lý lịch thì dùng xác nhận của người công tác chung để làm cơ sở xem xét giải quyết.
- Bản trích sao lý lịch (Mẫu 2C) do cơ quan quản lý lý lịch ký xác nhận (đối với người có lý lịch kèm theo hồ sơ).
- Công văn đề nghị của UBND xã, phường, thị trấn (Mẫu 7A).
* Đối với các trường hợp đã được hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg nhưng còn tính thiếu thời gian do sửa đổi, bổ sung theo Quyết định 188/2007/QĐ-TTg thì lập lại hồ sơ mới (theo mẫu 2A-1 hoặc mẫu 2B-1) và gởi kèm Quyết định hưởng trợ cấp một lần của đợt trước (bản phô tô có chứng thực của UBND xã).
III. ĐỐI TƯỢNG 3 (có sửa đổi, bổ sung):
1. Đối tượng:
- Dân quân ở miền Bắc được điều động tập trung lên huyện trong giai đoạn từ tháng 8/1964 đến tháng 01/1973, Du kích xã ở miền Nam tính từ vĩ tuyến 17 trở vào, kể cả số cán bộ nhân viên thuộc Công trường xã ở miền Nam trong giai đoạn từ tháng 7/1954 đến ngày 30/4/1975. Nay sửa đổi, bổ sung thêm lực lượng Du kích ấp ở miền Nam.
2. Điều kiện:
- Sau 30/4/1975 nghỉ công tác, không thoát ly và không hưởng các chế độ như Hưu trí, Bệnh binh, Mất sức lao động có trợ cấp hàng tháng. Thời gian qua, một số địa phương nhầm lẫn giữa hưởng chế độ Thương binh và Bệnh binh; Riêng các trường hợp đang hưởng chính sách Thương binh, chính sách tù đày hoặc chất độc màu da cam, mặc dù có trợ cấp hàng tháng nhưng vẫn được tính hưởng chế độ theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg nếu đủ điều kiện theo quy định.
3. Thời gian tính hưởng và mức hưởng trợ cấp một lần cho đối tượng 3:
a. Thời gian tính hưởng:
- Thời gian hưởng được tính từ ngày tham gia Du kích đến ngày 30/4/1975, trong quá trình tham gia nếu có tháng lẻ thì cách tính như sau: Nếu số tháng lẻ từ đủ 6 tháng trở lên được tính là 1 năm, thí dụ: 5 năm 6 tháng được tính là 6 năm; Nếu số tháng lẻ từ 1 tháng đến 5 tháng thì được tính nửa năm, thí dụ: 5 năm 5 tháng được tính 5,5 năm.
b. Mức hưởng:
- Cứ 01 năm tham gia Du kích (từ ấp đến xã) được hưởng mức 400.000 đồng, nhưng thấp nhất cũng được 800.000 đồng. Thí dụ: 1 đồng chí tham gia Du kích tháng 2/1975 tính cho đến lúc giải phóng 30/4/1975 chỉ được 3 tháng, vẫn được hưởng 800.000 đồng (bằng đồng chí có 2 năm tham gia Du kích).
- Lưu ý: Riêng số Dân quân ở miền Bắc thời gian tính hưởng từ tháng 8/1964 đến tháng 01/1973 và khi làm hồ sơ phải có chứng thực của cơ quan Quân sự huyện nơi triệu tập, không chấp nhận xác nhận của cá nhân.
4. Thủ tục hồ sơ cho đối tượng 3:
- Bản khai cá nhân hoặc thân nhân: mẫu 3A áp dụng cho đối tượng còn sống, mẫu 3B áp dụng cho đối tượng đã từ trần. Lưu ý: đối với đối tượng đã từ trần, thân nhân đứng khai phải là thân nhân chủ yếu bao gồm cha, mẹ, vợ, con. Các thân nhân khác không được thừa kế hưởng.
- Biên bản Hội nghị Liên tịch (mẫu 05).
- Biên bản Hội nghị BCH Hội Cựu chiến binh (mẫu 06).
- Công văn đề nghị của UBND xã, phường, thị trấn (Mẫu 7A).
- Các giấy tờ có liên quan như lý lịch các loại, Huân Huy chương, hoặc các giấy tờ khác có liên quan đến thành tích hoạt động kháng chiến. Nếu không có lý lịch hoặc các giấy tờ để chứng minh cho thời gian hoạt động kháng chiến của bản thân thì phải có các nhân chứng công tác chung trước đây xác nhận.
* Đối với các trường hợp đã được hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg nhưng còn tính thiếu thời gian do sửa đổi, bổ sung theo Quyết định 188/2007/QĐ-TTg thì lập lại hồ sơ mới (theo mẫu 3A-1 hoặc mẫu 3B-1) và gởi kèm Quyết định hưởng trợ cấp một lần của đợt trước (bản phôtô có chứng thực của UBND xã).
Ví dụ: Một đồng chí có 10 năm công tác du kích (trong đó 05 năm là du kích ấp, 05 năm là du kích xã), trước đó đã hưởng thời gian là du kích xã thì nay được hưởng bổ sung thêm thời gian là du kích ấp.
IV. QUY ĐỊNH VỀ NƠI ĐĂNG NẠP HỒ SƠ:
1. Đối với hồ sơ là Du kích, Công trường xã, Bộ đội: nạp về cho cơ quan Quân sự, lấy thời điểm công tác cuối cùng của đối tượng nếu đối tượng nghỉ trước 30/4/1975; hoặc lấy mốc thời điểm 30/4/1975 nếu nghỉ sau 30/4/1975 để xác định đối tượng. Thí dụ: Đối tượng có thời gian công tác ở nhiều ngành nhưng giai đoạn cuối chuyển về Bộ đội thì tính là Bộ đội.
2. Đối tượng là cán bộ thuộc các ban ngành đoàn thể dân chính Đảng từ cấp xã trở lên: Hồ sơ nạp về Phòng Nội vụ - Lao động TBXH, lấy giai đoạn công tác cuối cùng của đối tượng nếu đối tượng nghỉ trước 30/4/1975; hoặc lấy mốc thời điểm 30/4/1975 nếu nghỉ sau 30/4/1975 để xác định đối tượng. Thí dụ: Đối tượng có thời gian công tác ở nhiều ngành nhưng giai đoạn cuối chuyển về cán bộ dân chính Đảng thì tính là dân chính Đảng.
3. Đối tượng là Công an: Hồ sơ nạp về cho cơ quan Công an, lấy thời điểm công tác cuối cùng của đối tượng nếu đối tượng nghỉ trước 30/4/1975; hoặc lấy mốc thời điểm 30/4/1975 nếu nghỉ sau 30/4/1975 để xác định đối tượng. Thí dụ: Đối tượng có thời gian công tác ở nhiều ngành nhưng giai đoạn cuối chuyển về Công an thì tính là Công an.
* Mọi chế độ và quyền lợi đều như nhau, chỉ phân cấp chịu trách nhiệm xem xét giải quyết về mặt thủ tục.
Quá trình thực hiện có vấn đề gì chưa rõ, đề nghị các đơn vị liên hệ các cơ quan chức năng để được hướng dẫn cụ thể./.
Nơi nhận: | KT. TRƯỞNG BAN |
- 1 Thông tư liên tịch 21/2008/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC sửa đổi Thông tư liên tịch 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn Quyết định 290/2005/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của đảng và nhà nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính ban hành
- 2 Quyết định 188/2007/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 290/2005/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 290/2005/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Nghị định 23/1999/NĐ-CP về chế độ đối với quân nhân, cán bộ đi chiến trường B, C, K trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng và quân nhân cán bộ được Đảng cử ở lại miền Nam sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954