Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UBND TỈNH AN GIANG
SỞ TÀI NGUYÊN & MÔI TRƯỜNG – SỞ NÔNG NGHIỆP & PTNT
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 407/HD-TNMT-NNPTNT

An Giang, ngày 19 tháng 4 năm 2011

 

HƯỚNG DẪN LIÊN NGÀNH

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 06/TB-UBND ngày 21/01/2011 và Thông báo số 25/TB-UBND ngày 13/12/2010 giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thủ tục cho phép chuyển đổi đất lâm nghiệp phục vụ sản xuất nông lâm ngư kết hợp, xử lý các trường hợp chuyển nhượng đất trái phép và sử dụng đất rừng sai mục đích.

Căn cứ các quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về bảo vệ và quản lý rừng.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất hướng dẫn như sau:

1. Về việc cho phép sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp trong đất rừng sản xuất

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao, cho thuê, nhận khoán đất rừng sản xuất được phép sử dụng không quá 30% diện tích đất không có rừng để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp theo quy định tại Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng nhưng phải lập phương án sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp kết hợp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Việc cho phép sử dụng đất không có rừng để sản xuất nông nghiệp – ngư nghiệp kết hợp không làm thay đổi loại đất đã được ghi trong Quyết định giao đất, cho thuê đất, hợp đồng nhận khoán đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền cấp.

a) Trình tự lập, thẩm định và phê duyệt:

Bước 1. Lập bản đồ khu đất xin sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp kết hợp.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp trong diện tích đất rừng (sau đây gọi tắt là Chủ đầu tư) thuê đơn vị đo đạc (Văn phòng đăng ký đất các cấp) lập bản đồ khu đất, tỷ lệ 1 : 5000.

Văn phòng đăng ký đất tiến hành đo đạc, lập bản đồ khu đất và trả kết quả cho chủ đầu tư trong 20 ngày làm việc.

Bước 2. Lập phương án sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp kết hợp và trình phê duyệt.

Chủ đầu tư lập hoặc thuê đơn vị tư vấn lập phương án sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp kết hợp.

Sau khi lập xong, nộp một (01) bộ hồ sơ để trình phê duyệt như sau:

- Văn bản xin phép được sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp;

- Bản đồ khu đất;

- Phương án sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp kết hợp;

- Giấy tờ về quyền sử dụng đất (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất hoặc hợp đồng thuê đất, hợp đồng giao khoán đất).

b) Nơi nộp hồ sơ:

Chủ đầu tư là tổ chức, nộp hồ sơ tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chủ đầu tư là hộ gia đình, cá nhân, nộp hồ sơ tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ căn cứ vào quy hoạch, điều kiện thực tế tại khu vực rừng lập báo cáo thẩm định và trình UBND cùng cấp phê duyệt phương án và quyết định cho phép sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.

c) Thời gian thực hiện: 20 ngày làm việc.

2. Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng:

a) Các trường hợp không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng:

- Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt.

- Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng đất rừng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng; trong khu vực rừng phòng hộ nếu không sinh sống trong khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đó.

- Đất rừng do Nhà nước giao khoán, cho thuê.

- Đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

b) Trình tự thực hiện:

Người được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất rừng và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được chuyển nhượng đất rừng cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật đất đai. Trình tự thực hiện như sau:

Bước 1. Lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Các bên tham gia giao dịch lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Hợp đồng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật.

Bước 2. Đăng ký việc chuyển nhượng tại Văn phòng đăng ký đất.

Sau khi đã ký xong hợp đồng chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất có thẩm quyền (nếu bên nhận chuyển nhượng là tổ chức nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất cấp tỉnh; nếu là hộ gia đình, cá nhân thì nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất cấp huyện). Hồ sơ gồm (01 bộ):

- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng hoặc chứng thực;

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Nếu bên nhận chuyển nhượng là tổ chức thì nộp thêm bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có ngành nghề kinh doanh phù hợp với loại đất chuyển nhượng.

Văn phòng đăng ký đất thực hiện nghiệp vụ chuyên môn để cấp mới giấy chứng nhận cho bên nhận chuyển nhượng. Thời gian thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai.

3. Xử lý các trường hợp chuyển nhượng đất rừng trái phép:

Các cơ quan quản lý lâm nghiệp khi tiến hành giao khoán, cho thuê đất rừng phải hướng dẫn cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người nhận khoán, nhận thuê đất rừng.

Người chuyển nhượng, người nhận chuyển nhượng đất rừng trái pháp luật đều bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai. Ngoài ra, cơ quan đã giao khoán, cho thuê đất rừng phải lập các thủ tục để chấm dứt việc giao khoán, cho thuê đất rừng đối với các đối tượng vi phạm.

UBND cấp xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm, phòng Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra hiện trạng sử dụng đất rừng, khi phát hiện vi phạm UBND xã lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt. Trường hợp vượt thẩm quyền thì chuyển vụ việc vi phạm lên cấp có thẩm quyền để xử lý đúng quy định.

4. Xử lý các trường hợp sử dụng đất rừng sai mục đích:

UBND các huyện, thị xã nơi có rừng và đất rừng chỉ đạo UBND cấp xã, các hạt kiểm lâm, phòng Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất rừng, kịp thời phát hiện các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vượt quá diện tích cho phép sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp thì UBND xã lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt hoặc chuyển vụ việc vi phạm lên cấp có thẩm quyền để xử lý.

Người sử dụng đất rừng sai mục đích bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Các tổ chức, cá nhân khi phát hiện việc sử dụng đất rừng sai mục đích có trách nhiệm thông báo đến UBND cấp xã nơi có đất để xử lý.

UBND cấp xã phối hợp với hạt kiểm lâm tiến hành kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, lập biên bản vi phạm hành chính kèm biện pháp đình chỉ hành vi vi phạm, ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền hoặc chuyển vụ việc vi phạm lên UBND cấp có thẩm quyền để xử lý.

Trường hợp đối tượng sử dụng đất rừng sai mục đích là người nhận khoán, thuê đất của Nhà nước thì ngoài xử phạt hành chính theo quy định, UBND cấp xã có có văn bản gửi cơ quan giao khoán, cho thuê đất rừng để chấm dứt việc giao khoán, cho thuê đất hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất.

Trường hợp đối tượng được nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mục đích trồng rừng mà sử dụng đất sai mục đích ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu tái phạm thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Trong thời gian chưa chấp hành xong quyết định xử phạt khi có yêu cầu chuyển nhượng đất thì chưa được giải quyết.

4. Tổ chức thực hiện:

UBND các huyện, thị xã, UBND xã, thị trấn có đất rừng, Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm, cơ quan tài nguyên và môi trường, cơ quan nông nghiệp và phát triển nông thôn, các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc hướng dẫn này; công khai chủ trương cho phép sử dụng không quá 30% diện tích đất không có rừng để sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và trình tự, thủ tục thực hiện trên các phương tiện truyền thông để người dân biết, thực hiện đúng quy định.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp tục giải thích, hướng dẫn./.

 

SỞ NÔNG NGHIỆP & PTNT
GIÁM ĐỐC





Nguyễn Văn Thanh

SỞ TÀI NGUYÊN & MT
GIÁM ĐỐC




Cao Văn Be

 

Nơi nhận:
- UBND tỉnh (để b/cáo);
- UBND các huyện, thị: Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Đốc;
- Phòng TNMT các huyện, thị: Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Đốc;
- Phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện, thị: Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Đốc;
- Chi cục Kiểm lâm;
- VPĐKĐ & TTTNMT;
- Lưu: PĐĐ, VT.