Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 5174/HD-BVHTT

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2005 

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM VÀ BỒI DƯỠNG BẰNG HIỆN VẬT ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NGÀNH VĂN HÓA - THÔNG TIN

Căn cứ Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức;
Căn cứ Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
Căn cứ Công văn số 3426/BNV-TL ngày 23/11/2005 của Bộ Nội vụ thỏa thuận chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, viên chức ngành văn hóa - thông tin;
Bộ Văn hóa – Thông tin hướng dẫn thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:

Cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương theo các bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ và theo bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ thừa hành, phục vụ ở các doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, hiện đang làm các nghề, công việc độc hại, nguy hiểm của ngành văn hóa - thông tin.

II. CÁC MỨC PHỤ CẤP:

Mức 4: Hệ số 0,40 so với lương tối thiểu áp dụng đối với diễn viên xiếc uốn dẻo, đế trụ, nhào lộn và xiếc biểu diễn trên cao.

Mức 3: Hệ số 0,30 so với lương tối thiểu áp dụng đối với những người trực tiếp làm các nghề, công việc sau:

- Múa ballet, múa cổ truyền và diễn viên tuồng;

- Nhạc hơi, nhạc trưởng (chỉ huy);

- Diễn viên rối nước;

- Diễn viên xiếc (trừ đối tượng hưởng mức 4);

- Dậy thú xiếc;

- Khảo sát, khai quật, khảo cổ;

- Vận hành, sửa chữa bảo dưỡng thiết bị kỹ thuật trong nhà hầm của bảo tàng.

Mức 2: Hệ số 0,20 so với lương tối thiểu áp dụng đối với những người trực tiếp làm các nghề, công việc sau:

- Vận hành máy in ôpsét, typô, máy xén, kẻ giấy;

- Sửa chữa cơ điện, các máy công cụ, máy in, xén;

- Tráng mạ, phơi và sửa

bản kẽm;

- Chụp ảnh, truyền phim sang bản kẽm;

- Sắp chữ điện tử;

- Pha chế, bảo quản các loại hóa chất;

- Vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị sản xuất phim;

- Dựng cảnh, làm khói lửa trong phim;

- Tráng phim, rửa ảnh;

- Dựng nhà bạt, rạp xiếc lưu động, nhà trưng bày triển lãm;

- Chăm sóc, nuôi dưỡng thú xiếc;

- Làm con rối;

- Nhạc công trong các dàn nhạc, đội nhạc;

- Diễn viên chèo, cải lương, dân ca, kịch, điện ảnh và ca sĩ chuyên nghiệp;

- Hướng dẫn khách thăm quan bảo tàng Hồ Chí Minh;

- Kiểm kê, bảo quản, xử lý kỹ thuật các hiện vật, tài liệu, sách báo, phim ảnh trong kho lưu trữ của bảo tàng, thư viện, và viện lưu trữ;

- Tu sửa, phục chế tài liệu, hiện vật của thư viện, viện lưu trữ và bảo tàng;

- Mộc chạm các công trình di tích lịch sử, tạc tượng và điêu khắc;

- Thông tin lưu động của các tỉnh miền núi và hải đảo.

III. CÁCH TÍNH VÀ CHI TRẢ PHỤ CẤP ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM:

Cách tính và nguồn kinh phí chi trả chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa - thông tin được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể như sau:

1. Cách tính và chi trả phụ cấp:

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm, nếu làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 tiếng trở lên thì được tính cả ngày làm việc.

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

2. Nguồn kinh phí chi trả chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm:

- Các đối tượng thuộc cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ, phụ cấp độc hại, nguy hiểm do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao cho cơ quan, đơn vị;

- Các đối tượng thuộc cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và các đối tượng thuộc các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ tài chính, phụ cấp độc hại, nguy hiểm do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ;

- Đối với các doanh nghiệp được tính trong đơn giá tiền lương và hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông.

IV. HIỆU LỰC THI HÀNH:

1. Bãi bỏ Thông tư số 46/TC-TT ngày 17/6/1997 của Bộ Văn hóa – Thông tin hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của ngành văn hóa - thông tin.

2. Chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm theo hướng dẫn này được tính hưởng kể từ ngày 01/10/2004 và căn cứ theo đúng mức lương tối thiểu trong từng thời kỳ (từ ngày 01/10/2004 đến ngày 30/9/2005 là 290.000 đồng, từ ngày 01/10/2005 là 350.000 đồng).

3. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động làm những công việc độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc trực tiếp ở nơi độc hại, nguy hiểm trong các cơ quan, đơn vị ngành văn hóa - thông tin thì phụ cấp độc hại, nguy hiểm (nếu có) được thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

4. Về chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại. Đề nghị thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/1999/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 17/3/1999 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế và Hướng dẫn số 1473/VHTT-TCCB ngày 17/4/1999 của Bộ Văn hóa – Thông tin.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Văn hóa – Thông tin để nghiên cứu, giải quyết./.

Nơi nhận:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở VHTT tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam;
- Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ VHTT;
- Lưu VT, Vụ TCCB (2, S230).

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng
 



Trần Chiến Thắng