Hệ thống pháp luật
Loading content, please wait a moment ...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2012/TTLT-BTP-BGTVT

Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2012

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC ĐĂNG KÝ, CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ CẦM CỐ TÀU BAY, THẾ CHẤP TÀU BAY, THẾ CHẤP TÀU BIỂN

Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm;

Căn cứ Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải.

Bộ Tư pháp và Bộ Giao thông vận tải thống nhất hướng dẫn việc đăng ký, cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc đăng ký, cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay tại Cục Hàng không Việt Nam và đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp tàu biển tại cơ quan đăng ký tàu biển khu vực.

Điều 2. Các trường hợp đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển

Các trường hợp đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay và đăng ký thế chấp tàu biển được thực hiện theo quy định tại Thông tư này gồm:

1. Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; thế chấp tàu biển;

2. Thay đổi nội dung cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển đã đăng ký;

3. Sửa chữa sai sót về đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển;

4. Đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm là tàu bay, tàu biển trong trường hợp đã đăng ký cầm cố, thế chấp;

5. Xóa đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển.

Điều 3. Tàu bay, tàu biển được đăng ký cầm cố, thế chấp

1. Tàu bay.

2. Tàu biển Việt Nam bao gồm:

a) Tàu biển đăng ký không thời hạn;

b) Tàu biển đăng ký có thời hạn;

c) Tàu biển đang đóng;

d) Tàu biển đăng ký tạm thời.

Điều 4. Nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển

1. Người yêu cầu đăng ký, người yêu cầu cung cấp thông tin kê khai hồ sơ đăng ký, yêu cầu cung cấp thông tin và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, hợp pháp, trung thực và chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký, hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin.

2. Việc cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển được đăng ký trên cơ sở nội dung kê khai của người yêu cầu đăng ký trong đơn yêu cầu đăng ký, các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký và phù hợp với thông tin được lưu giữ trong Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam hoặc Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam tại khu vực.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan trong hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển

1. Cục Hàng không Việt Nam, Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 48 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Nghị định số 83/2010/NĐ-CP).

2. Cục Hàng không Việt Nam, Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực có trách nhiệm sau đây:

a) Bảo đảm nội dung đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển phù hợp với thông tin trong Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam hoặc Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam tại khu vực;

b) Cung cấp chính xác thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển được lưu trữ trong Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam hoặc Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam tại khu vực.

3. Trách nhiệm thực hiện báo cáo 06 tháng, hàng năm về công tác đăng ký, cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển

a) Cục Hàng không Việt Nam, Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực có trách nhiệm báo cáo Bộ Giao thông vận tải về công tác đăng ký, cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển.

b) Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm gửi Báo cáo về công tác đăng ký, cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển đến Bộ Tư pháp (đầu mối là Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm) để tổng hợp, báo cáo Chính phủ chậm nhất là 25 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo.

4. Kỳ báo cáo được xác định như sau:

a) Đối với báo cáo 06 tháng, thời điểm lấy số liệu tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 31 tháng 3 năm sau;

b) Đối với báo cáo hàng năm, thời điểm lấy số liệu tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 30 tháng 9 năm sau.

Điều 6. Người yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin

1. Người yêu cầu đăng ký là một trong các bên ký kết hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp hoặc người được một trong các chủ thể này uỷ quyền.

2. Trong trường hợp thay đổi một trong các bên ký kết hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp thì bên bảo đảm mới, bên nhận bảo đảm mới cũng có thể là người yêu cầu đăng ký thay đổi.

3. Cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển.

Điều 7. Kê khai thông tin về các bên trong Đơn yêu cầu đăng ký cầm cố, thế chấp

1. Thông tin về các bên được kê khai như sau:

a) Chứng minh nhân dân đối với công dân Việt Nam;

b) Hộ chiếu đối với người nước ngoài;

c) Thẻ thường trú đối với người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam;

d) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập hoặc Giấy phép đầu tư đối với tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc nhà đầu tư nước ngoài.

2. Đối với tổ chức được thành lập, hoạt động theo pháp luật nước ngoài thì kê khai tên được đăng ký tại cơ quan nước ngoài có thẩm quyền. Trong trường hợp tên được đăng ký của tổ chức không viết bằng chữ Latinh thì kê khai tên giao dịch bằng tiếng Anh.

Điều 8. Thời điểm đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển và thời hạn có hiệu lực của đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển

1. Thời điểm đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển được xác định như sau:

a) Thời điểm đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển là thời điểm thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển được ghi vào Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam hoặc Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam tại khu vực.

b) Trong trường hợp đăng ký thay đổi do bổ sung tài sản bảo đảm là tàu bay, tàu biển thì thời điểm đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển được xác định là thời điểm nội dung đơn yêu cầu đăng ký thay đổi đó được ghi vào Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam hoặc Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam tại khu vực.

c) Trong trường hợp đăng ký thay đổi các nội dung khác đã đăng ký, yêu cầu sửa chữa sai sót do lỗi của người thực hiện đăng ký thì thời điểm đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển được xác định là thời điểm đăng ký ban đầu.

2. Thời điểm cơ quan đăng ký tiếp nhận hồ sơ yêu cầu đăng ký là căn cứ để xác định thứ tự ghi thông tin vào Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam hoặc Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam tại khu vực.

3. Thời hạn có hiệu lực của đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển được tính từ thời điểm đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển được ghi vào Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam, Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam tại khu vực đến thời điểm xóa đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển.

Điều 9. Tài liệu trong hồ sơ yêu cầu đăng ký

1. Trong hồ sơ yêu cầu đăng ký, nếu có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật.

2. Đơn yêu cầu đăng ký phải có chữ ký, con dấu (nếu có) của tổ chức, cá nhân là người yêu cầu đăng ký.

3. Đơn yêu cầu xóa đăng ký cầm cố, thế chấp phải có đầy đủ chữ ký, con dấu (nếu có) của các bên ký kết hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp hoặc người được uỷ quyền.

Trong trường hợp Đơn yêu cầu xóa đăng ký cầm cố, thế chấp chỉ có chữ ký, con dấu (nếu có) của bên thế chấp, bên cầm cố thì phải có văn bản đồng ý xóa đăng ký của bên nhận thế chấp, bên nhận cầm cố hoặc văn bản chứng minh nghĩa vụ được bảo đảm đã chấm dứt.

4. Đơn yêu cầu đăng ký chỉ cần chữ ký của Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản trong trường hợp Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản là người yêu cầu đăng ký.

Điều 10. Phương thức và địa điểm nộp hồ sơ đăng ký cầm cố, thế chấp

Hồ sơ đăng ký được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến trụ sở của Cục Hàng không Việt Nam trong trường hợp đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực nơi tàu biển đó đăng ký trong trường hợp đăng ký thế chấp tàu biển.

Chương II

HỒ SƠ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ CẦM CỐ TÀU BAY, THẾ CHẤP TÀU BAY

Điều 11. Hồ sơ đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay

1. Đơn yêu cầu đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay theo Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này (01 bản chính);

2. Hợp đồng cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay (01 bản chính);

3. Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu).

Điều 12. Thủ tục đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay

1. Người yêu cầu đăng ký nộp một (01) bộ hồ sơ đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đến địa điểm và theo phương thức quy định tại Điều 10 Thông tư này.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ quy định tại Điều 18 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, người thực hiện đăng ký thực hiện các công việc sau đây:

a) Kiểm tra, xác minh các thông tin trong hồ sơ với các thông tin được lưu giữ trong Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam;

b) Ghi thời điểm đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm), ghi nội dung đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay theo hướng dẫn trong Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam.

c) Ghi thời điểm đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm) vào điểm 11, ghi tên bên cầm cố, bên thế chấp vào điểm 7, tên bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp vào điểm 8 Mục I Phụ lục II của Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam.

d) Cấp Giấy chứng nhận đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay theo Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này cho người yêu cầu đăng ký hoặc gửi qua đường bưu điện cho người yêu cầu đăng ký sau khi có biên lai chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.

3. Trong trường hợp hồ sơ yêu cầu đăng ký thuộc một trong các trường hợp từ chối đăng ký quy định tại khoản 1 Điều 11 của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP thì Cục Hàng không Việt Nam từ chối đăng ký bằng văn bản (nêu rõ lý do từ chối), trả hồ sơ đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 13. Hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký

Khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 12 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP thì người yêu cầu đăng ký thay đổi nộp một (01) bộ hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký gồm:

1. Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký theo Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này (01 bản chính);

2. Hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay (01 bản chính) hoặc văn bản chứng minh nội dung thay đổi (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực);

3. Giấy chứng nhận đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã cấp (01 bản chính);

4. Danh mục các hợp đồng cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư này (01 bản chính) đối với trường hợp thay đổi tên của bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp hoặc thay đổi bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp trong nhiều giao dịch bảo đảm đã đăng ký;

5. Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu).

Điều 14. Thủ tục đăng ký thay đổi nội dung cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký

1. Người yêu cầu đăng ký nộp một (01) bộ hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký đến địa điểm và theo phương thức quy định tại Điều 10 Thông tư này.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ quy định tại Điều 18 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, người thực hiện đăng ký thực hiện các công việc sau đây:

a) Kiểm tra, xác minh các thông tin trong hồ sơ với các thông tin được lưu giữ trong Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam;

b) Ghi thời điểm đăng ký thay đổi (giờ, phút, ngày, tháng, năm) và các nội dung sau đây vào điểm 15 Mục I Phụ lục II của Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam như sau:

Trường hợp thay đổi một trong các bên hoặc các bên ký kết hợp đồng cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay thì ghi “Thay đổi bên cầm cố, thế chấp (hoặc bên nhận cầm cố, thế chấp) thành bên cầm cố, thế chấp mới (hoặc bên nhận cầm cố, thế chấp mới) là … (ghi tên bên mới thay đổi) theo Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký ngày … / … / …”;

Trường hợp thay đổi tên của một trong các bên hoặc các bên ký kết hợp đồng cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay thì ghi “Thay đổi tên của bên cầm cố, thế chấp (hoặc bên nhận cầm cố, thế chấp) thành tên mới là … (ghi tên bên mới thay đổi) theo Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký ngày … / … / …”;

Trường hợp rút bớt tài sản cầm cố, thế chấp là tàu bay thì ghi "Rút bớt tài sản cầm cố, thế chấp là ...(ghi thông tin về tài sản bị rút bớt); tài sản cầm cố, thế chấp còn lại là… (ghi nội dung thông tin về tài sản còn lại) theo Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký ngày … / … / …”;

Trường hợp bổ sung tài sản cầm cố, thế chấp tàu bay thì ghi “Bổ sung tài sản cầm cố, thế chấp là … (ghi thông tin về tài sản được bổ sung) theo Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký ngày … / …/ …”;

Trường hợp thay thế tài sản cầm cố, thế chấp là tàu bay thì Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ, thực hiện thủ tục xóa đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay theo quy định tại Điều 19, Điều 20 và thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định tại các Điều 11, Điều 12 của Thông tư này;

c) Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã cấp;

d) Cấp Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi nội dung cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký theo Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư này cho người yêu cầu đăng ký hoặc gửi qua đường bưu điện cho người yêu cầu đăng ký sau khi có biên lai chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.

3. Trong trường hợp hồ sơ yêu cầu đăng ký thay đổi thuộc một trong các trường hợp từ chối đăng ký quy định tại khoản 1 Điều 11 của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP thì Cục Hàng không Việt Nam từ chối bằng văn bản (nêu rõ lý do từ chối), trả hồ sơ đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 15. Hồ sơ sửa chữa sai sót về đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay

1. Đơn yêu cầu sửa chữa sai sót về đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay theo Phụ lục 06 ban hành kèm theo Thông tư này (01 bản chính);

2. Giấy chứng nhận đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay do cơ quan đăng ký cấp có sai sót (01 bản chính);

3. Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu).

Điều 16. Thủ tục sửa chữa sai sót về đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay do lỗi của người thực hiện đăng ký

1. Trong trường hợp người thực hiện đăng ký phát hiện trong Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam hoặc Giấy chứng nhận có sai sót về nội dung đã đăng ký thì người thực hiện đăng ký thực hiện các công việc sau đây:

a) Đính chính thông tin sai sót về nội dung đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay trong Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam sau khi báo cáo và được sự đồng ý của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam;

b) Trong trường hợp có sai sót trên Giấy chứng nhận đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay thì thông báo với người yêu cầu đăng ký để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã cấp và cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay cho người yêu cầu đăng ký theo địa chỉ ghi trên Đơn yêu cầu đăng ký.

2. Trong trường hợp người yêu cầu đăng ký phát hiện có sai sót về nội dung đã đăng ký thì việc sửa chữa sai sót được thực hiện như sau:

a) Người yêu cầu đăng ký nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu sửa chữa sai sót nội dung đã đăng ký cho Cục Hàng không Việt Nam;

b) Trong thời hạn giải quyết hồ sơ quy định tại Điều 18 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, người thực hiện đăng ký thực hiện các công việc theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này.

3. Việc yêu cầu sửa chữa sai sót do lỗi của người thực hiện đăng ký không làm thay đổi thời điểm đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay và không phải nộp lệ phí yêu cầu sửa chữa sai sót.

Điều 17. Hồ sơ đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp là tàu bay trong trường hợp đã cầm cố, thế chấp

1. Đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp là tàu bay theo Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư này (01 bản chính);

2. Văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm là tàu bay (01 bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

3. Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

4. Giấy chứng nhận đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã cấp (01 bản chính).

Điều 18. Thủ tục đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp là tàu bay trong trường hợp đã đăng ký cầm cố, thế chấp

1. Người yêu cầu đăng ký nộp một (01) bộ hồ sơ đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm là tàu bay trong trường hợp đã đăng ký cầm cố, thế chấp đến địa điểm và theo phương thức quy định tại Điều 10 Thông tư này.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ quy định tại Điều 18 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, người thực hiện đăng ký thực hiện các công việc sau đây:

a) Kiểm tra, xác minh các thông tin trong hồ sơ với các thông tin được lưu giữ trong Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam;

b) Ghi thời điểm đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm) vào điểm 6 Mục II Phụ lục II của Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam; ghi “Đã có văn bản thông báo về việc xử lý … (ghi tên tài sản phải xử lý) đã cầm cố, thế chấp với (ghi tên bên nhận cầm cố, thế chấp) theo Đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản cầm cố, thế chấp ngày … / … / …” vào các điểm từ điểm 1 đến điểm 5 và tại điểm 8 Mục II Phụ lục II của Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam;

c) Cấp Giấy chứng nhận đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp là tàu bay theo Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư này cho người yêu cầu đăng ký hoặc gửi qua đường bưu điện cho người yêu cầu đăng ký sau khi có biên lai chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.

d) Thông báo bằng văn bản về việc xử lý tài sản bảo đảm là tàu bay cho các bên cùng nhận cầm cố, cùng nhận thế chấp trong trường hợp tàu bay được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự.

Điều 19. Hồ sơ xóa đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay

Khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 13 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP thì người yêu cầu xóa đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay nộp (01) một bộ hồ sơ xóa đăng ký gồm:

1. Đơn yêu cầu xóa đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay theo Phụ lục 09 ban hành kèm theo Thông tư này (01 bản chính).

2. Giấy chứng nhận đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã cấp (01 bản chính).

3. Văn bản đồng ý xóa đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay của bên nhận cầm cố tàu bay, nhận thế chấp tàu bay hoặc văn bản chứng minh nghĩa vụ được bảo đảm chấm dứt trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký là bên cầm cố, bên thế chấp.

4. Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu).

Điều 20. Thủ tục xóa đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay

1. Người yêu cầu đăng ký nộp một (01) bộ hồ sơ xóa cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đến địa điểm và theo phương thức quy định tại Điều 10 Thông tư này.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ quy định tại Điều 18 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, người thực hiện xóa đăng ký thực hiện các công việc sau đây:

a) Kiểm tra, xác minh các thông tin trong hồ sơ với các thông tin được lưu giữ trong Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam;

b) Ghi thời điểm xóa đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm) và ghi “Xóa cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay giữa (ghi tên bên cầm cố, thế chấp) và (ghi tên bên nhận cầm cố, thế chấp) theo Đơn yêu cầu xóa đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay ngày … / … / …” tại điểm 15 Mục I Phụ lục II của Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam;

c) Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã cấp;

d) Cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay theo Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư này cho người yêu cầu xóa đăng ký hoặc gửi qua đường bưu điện cho người yêu cầu xóa đăng ký.

Điều 21. Lưu hồ sơ đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay

Tùy từng trường hợp đăng ký cụ thể, hồ sơ lưu về đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay gồm có:

1. Đơn yêu cầu đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký; đơn yêu cầu sửa chữa sai sót về đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm là tàu bay; đơn yêu cầu xóa đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay (01 bản chính);

2. Hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp; hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp hoặc văn bản chứng minh nội dung thay đổi (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực);

3. Văn bản thông báo về việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp là tàu bay (01 bản chính);

4. Văn bản đồng ý xóa đăng ký cầm cố của bên nhận cầm cố, văn bản đồng ý xóa đăng ký thế chấp của bên nhận thế chấp hoặc văn bản chứng minh nghĩa vụ được bảo đảm chấm dứt trong trường hợp Đơn yêu cầu xóa đăng ký chỉ có chữ ký, con dấu của bên cầm cố, bên thế chấp (01 bản chính);

5. Văn bản uỷ quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản sao);

6. Giấy chứng nhận đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; giấy chứng nhận đăng ký thay đổi nội dung cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký; giấy chứng nhận đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp là tàu bay; giấy chứng nhận xóa đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã cấp (01 bản chính).

Chương III

HỒ SƠ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THẾ CHẤP TÀU BIỂN

Điều 22. Hồ sơ đăng ký thế chấp tàu biển

1. Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp tàu biển theo Phụ lục 11 ban hành kèm theo Thông tư này (01 bản chính);

2. Hợp đồng thế chấp tàu biển (01 bản chính);

3. Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu).

Điều 23. Thủ tục đăng ký thế chấp tàu biển

1. Người yêu cầu đăng ký nộp một (01) bộ hồ sơ đăng ký thế chấp tàu biển đến đến địa điểm và theo phương thức quy định tại Điều 10 Thông tư này.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ quy định tại Điều 18 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, người thực hiện đăng ký thực hiện các công việc sau đây:

a) Kiểm tra, xác minh các thông tin trong hồ sơ với các thông tin được lưu giữ trong Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam tại khu vực;

b) Ghi thời điểm đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm), ghi nội dung đăng ký thế chấp theo hướng dẫn trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam tại khu vực;

c) Ghi thời điểm đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm) vào cột “Ngày” và tại cột “Nội dung đăng ký” ghi “Thế chấp tàu biển giữa (ghi tên bên thế chấp) và (ghi tên bên nhận thế chấp) theo hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng tín dụng (trường hợp việc thế chấp được ghi trong hợp đồng tín dụng) số … /… ngày … / … / …” tại mục IV của Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam tại khu vực;

d) Cấp Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển theo Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này cho người yêu cầu đăng ký hoặc gửi qua đường bưu điện cho người yêu cầu đăng ký sau khi có biên lai chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.

3. Trong trường hợp hồ sơ yêu cầu đăng ký thuộc một trong các trường hợp từ chối đăng ký quy định tại khoản 1 Điều 11 của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP thì cơ quan đăng ký tàu biển khu vực từ chối đăng ký bằng văn bản (nêu rõ lý do từ chối), trả hồ sơ đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 24. Hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển đã đăng ký

Khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 12 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP thì người yêu cầu đăng ký thay đổi nộp một (01) bộ hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển đã đăng ký gồm:

1. Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển đã đăng ký theo Phụ lục 13 ban hành kèm theo Thông tư này (01 bản chính);

2. Hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng thế chấp tàu biển (01 bản chính) hoặc văn bản chứng minh nội dung thay đổi (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực);

3. Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển đã cấp (01 bản chính);

4. Danh mục các hợp đồng thế chấp tàu biển đã đăng ký (theo Phụ lục 14 ban hành kèm theo Thông tư này) (01 bản chính) đối với trường hợp thay đổi tên của bên nhận thế chấp hoặc thay đổi bên nhận thế chấp trong nhiều hợp đồng thế chấp tàu biển đã đăng ký;

5. Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu).

Điều 25. Thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển đã đăng ký

1. Người yêu cầu đăng ký nộp một (01) bộ hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển đã đăng ký đến đến địa điểm và theo phương thức quy định tại Điều 10 Thông tư này.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ quy định tại Điều 18 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, người thực hiện đăng ký thực hiện các công việc sau đây:

a) Kiểm tra, xác minh các thông tin trong hồ sơ với các thông tin được lưu giữ trong Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam tại khu vực;

b) Ghi thời điểm đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm) vào cột “Ngày” và tại cột “nội dung đăng ký” trong Mục IV của Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam tại khu vực ghi như sau:

Trường hợp thay đổi một trong các bên hoặc các bên ký kết hợp đồng thế chấp tàu biển thì ghi “Thay đổi bên thế chấp (hoặc bên nhận thế chấp) thành bên thế chấp mới (hoặc bên nhận thế chấp mới) là … (ghi tên bên mới thay đổi) theo Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển đã đăng ký ngày … / … / …”;

Trường hợp thay đổi tên của một trong các bên hoặc các bên ký kết hợp đồng thế chấp tàu biển thì ghi “Thay đổi tên của bên thế chấp (hoặc bên nhận thế chấp) thành tên mới là … (ghi tên bên mới thay đổi) theo Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển đã đăng ký ngày … / … / …”;

Trường hợp rút bớt tài sản bảo đảm bằng tàu biển thì ghi "Rút bớt tài sản thế chấp là ...(ghi thông tin về tài sản bị rút bớt); tài sản thế chấp còn lại là… (ghi nội dung thông tin về tài sản còn lại) theo Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển đã đăng ký ngày … / … / …”;

Trường hợp bổ sung tài sản bảo đảm bằng tàu biển thì ghi “Bổ sung tài sản thế chấp là … (ghi thông tin về tài sản được bổ sung) theo Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển đã đăng ký ngày … / …/ …”;

Trường hợp thay thế tài sản thế chấp là tàu biển thì cơ quan đăng ký hướng dẫn người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ, thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp tàu biển theo quy định tại Điều 30, Điều 31 và thực hiện thủ tục đăng ký thế chấp theo quy định tại các Điều 22 và Điều 23 của Thông tư này.

c) Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển đã cấp;

d) Cấp Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển đã đăng ký theo Phụ lục 15 ban hành kèm theo Thông tư này cho người yêu cầu đăng ký hoặc gửi qua đường bưu điện cho người yêu cầu đăng ký sau khi có biên lai chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.

3. Trong trường hợp hồ sơ yêu cầu đăng ký thay đổi thuộc một trong các trường hợp từ chối đăng ký quy định tại khoản 1 Điều 11 của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP thì cơ quan đăng ký từ chối bằng văn bản (nêu rõ lý do từ chối), trả hồ sơ đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 26. Hồ sơ sửa chữa sai sót về đăng ký thế chấp tàu biển

1. Đơn yêu cầu sửa chữa sai sót về đăng ký thế chấp tàu biển theo Phụ lục 16 ban hành kèm theo Thông tư này (01 bản chính);

2. Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển do cơ quan đăng ký cấp có sai sót (01 bản chính);

3. Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu).

Điều 27. Thủ tục sửa chữa sai sót về đăng ký thế chấp tàu biển do lỗi của người thực hiện đăng ký

1. Trong trường hợp người thực hiện đăng ký phát hiện trong Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam hoặc Giấy chứng nhận có sai sót về nội dung đã đăng ký thì việc sửa chữa sai sót được thực hiện như sau:

a) Báo cáo Thủ trưởng cơ quan đăng ký tàu biển khu vực xem xét, quyết định việc chỉnh lý thông tin;

b) Đính chính thông tin sai sót về nội dung đăng ký thế chấp tàu biển trong Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam tại khu vực và cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển cho người yêu cầu đăng ký theo địa chỉ ghi trên đơn yêu cầu đăng ký.

c) Trong trường hợp có sai sót trên Giấy chứng nhận thì thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển đã cấp và cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển cho người yêu cầu đăng ký theo địa chỉ ghi trên đơn yêu cầu đăng ký.

2. Trong trường hợp người yêu cầu đăng ký phát hiện có sai sót về nội dung đã đăng ký thì việc sửa chữa sai sót được thực hiện như sau:

a) Người yêu cầu đăng ký nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu sửa chữa sai sót nội dung đã đăng ký cho cơ quan đăng ký tàu biển khu vực nơi thực hiện đăng ký;

b) Trong thời hạn giải quyết hồ sơ quy định tại Điều 18 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, người thực hiện đăng ký thực hiện các công việc theo hướng dẫn tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

3. Việc sửa chữa sai sót do lỗi của người thực hiện đăng ký không làm thay đổi thời điểm đăng ký thế chấp tàu biển và không phải nộp lệ phí yêu cầu sửa chữa sai sót.

Điều 28. Hồ sơ đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp là tàu biển trong trường hợp đã đăng ký thế chấp

1. Đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp là tàu biển theo Phụ lục 17 ban hành kèm theo Thông tư này (01 bản chính);

2. Văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp bằng tàu biển (01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

3. Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển đã cấp (01 bản chính);

4. Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu).

Điều 29. Thủ tục đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp là tàu biển trong trường hợp đã đăng ký thế chấp

1. Người yêu cầu đăng ký nộp một (01) bộ hồ sơ đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp là tàu biển trong trường hợp đã đăng ký thế chấp đến địa điểm và theo phương thức quy định tại Điều 10 Thông tư này.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ quy định tại Điều 18 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, người thực hiện đăng ký thực hiện các công việc sau đây:

a) Kiểm tra, xác minh các thông tin trong hồ sơ với các thông tin được lưu giữ trong Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam tại khu vực;

b) Ghi thời điểm đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm) vào cột “Ngày” và tại cột “Nội dung đăng ký” ghi “đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý … (ghi tên tài sản phải xử lý) đã thế chấp với (ghi tên bên nhận thế chấp) theo Đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản thế chấp ngày … / … / …” tại mục IV của Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam tại khu vực;

c) Cấp Giấy chứng nhận đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp là tàu biển theo Phụ lục 18 ban hành kèm theo Thông tư này cho người yêu cầu đăng ký hoặc gửi qua đường bưu điện cho người yêu cầu đăng ký sau khi có biên lai chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.

d) Thông báo bằng văn bản về việc xử lý tài sản thế chấp là tàu biển cho các bên cùng nhận thế chấp trong trường hợp tàu biển được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự.

Điều 30. Hồ sơ xóa đăng ký thế chấp tàu biển

Khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 13 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP thì người yêu cầu xóa đăng ký thế chấp tàu biển nộp một (01) bộ hồ sơ gồm:

1. Đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp tàu biển theo Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này (01 bản chính);

2. Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển đã cấp (01 bản chính);

3. Văn bản đồng ý xóa đăng ký thế chấp tàu biển của bên nhận thế chấp tàu biển hoặc văn bản chứng minh nghĩa vụ được bảo đảm chấm dứt trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký là bên thế chấp.

4. Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu).

Điều 31. Thủ tục xóa đăng ký thế chấp tàu biển

1. Người yêu cầu đăng ký nộp một (01) bộ hồ sơ xóa đăng ký thế chấp tàu biển đến địa điểm và theo phương thức quy định tại Điều 10 Thông tư này.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ quy định tại Điều 18 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, người thực hiện xóa đăng ký thực hiện các công việc sau đây:

a) Kiểm tra, xác minh các thông tin trong hồ sơ với các thông tin được lưu giữ trong Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam tại khu vực;

b) Ghi thời điểm xoá đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm) vào cột “Ngày” và tại cột “nội dung đăng ký” ghi “Xóa thế chấp tàu biển giữa (ghi tên bên thế chấp) và (ghi tên bên nhận thế chấp) theo Đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp tàu biển ngày … / … / …” tại mục IV của Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam tại khu vực;

c) Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển đã cấp;

d) Cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký thế chấp tàu biển theo Phụ lục 20 ban hành kèm theo Thông tư này cho người yêu cầu xóa đăng ký hoặc gửi qua đường bưu điện cho người yêu cầu xóa đăng ký sau khi có biên lai chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Điều 32. Lưu hồ sơ đăng ký thế chấp tàu biển

Tùy từng trường hợp đăng ký cụ thể, hồ sơ lưu về đăng ký thế chấp tàu biển gồm có:

1. Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp tàu biển; đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển đã đăng ký; đơn yêu cầu sửa chữa sai sót về đăng ký thế chấp tàu biển; đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp là tàu biển; đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp tàu biển (01 bản chính);

2. Hợp đồng thế chấp; hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng thế chấp hoặc văn bản chứng minh nội dung thay đổi (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực);

3. Văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp là tàu biển (01 bản chính);

4. Văn bản đồng ý xóa đăng ký thế chấp của bên nhận thế chấp hoặc văn bản chứng minh nghĩa vụ được bảo đảm chấm dứt trong trường hợp Đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp tàu biển chỉ có chữ ký, con dấu của bên thế chấp (01 bản chính);

5. Văn bản uỷ quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản sao);

6. Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển; giấy chứng nhận đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển đã đăng ký; giấy chứng nhận đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp là tàu biển; giấy chứng nhận xóa đăng ký thế chấp tàu biển đã cấp (01 bản chính).

Chương IV

CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ CẦM CỐ TÀU BAY, THẾ CHẤP TÀU BAY, THẾ CHẤP TÀU BIỂN

Điều 33. Nộp Đơn yêu cầu cung cấp thông tin

1. Cá nhân, tổ chức có yêu cầu tìm hiểu thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay nộp một (01) Đơn yêu cầu cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay (01 bản chính) theo mẫu quy định tại Phụ lục 21 ban hành kèm theo Thông tư này đến Cục Hàng không Việt Nam theo một trong các phương thức quy định tại khoản 1 Điều 42 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP.

2. Cá nhân, tổ chức có yêu cầu tìm hiểu thông tin về thế chấp tàu biển nộp một (01) Đơn yêu cầu cung cấp thông tin về thế chấp tàu biển (01 bản chính) theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư này đến cơ quan đăng ký tàu biển khu vực theo một trong các phương thức quy định tại khoản 1 Điều 42 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP.

Điều 34. Tiếp nhận Đơn yêu cầu cung cấp thông tin

1. Sau khi nhận Đơn yêu cầu cung cấp thông tin, cơ quan đăng ký kiểm tra tính hợp lệ của Đơn yêu cầu cung cấp thông tin.

2. Trường hợp Đơn yêu cầu cung cấp thông tin không đúng quy định hoặc không thuộc thẩm quyền của cơ quan đăng ký thì cơ quan đăng ký từ chối bằng văn bản, trả hồ sơ đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện theo đúng quy định.

Điều 35. Giải quyết Đơn yêu cầu cung cấp thông tin

Trong thời hạn giải quyết hồ sơ quy định tại Điều 44 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, cơ quan đăng ký có trách nhiệm tra cứu thông tin lưu trữ trong Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam hoặc Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam tại khu vực và cấp Văn bản cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, Văn bản cung cấp thông tin về thế chấp tàu biển cho người yêu cầu cung cấp thông tin.

Điều 36. Trả kết quả cung cấp thông tin

Người yêu cầu cung cấp thông tin nhận Văn bản cung cấp thông tin (01 bản chính) trực tiếp tại cơ quan đăng ký hoặc nhận qua đường bưu điện.

Điều 37. Lưu hồ sơ cung cấp thông tin

Cơ quan đăng ký lưu hồ sơ cung cấp thông tin gồm các giấy tờ sau đây:

1. Đơn yêu cầu cung cấp thông tin (01 bản chính);

2. Văn bản cung cấp thông tin có chứng nhận của cơ quan đăng ký (01 bản chính).

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 38. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2012.

2. Ban hành kèm theo Thông tư này các Phụ lục sau đây:

2.1. Phụ lục 01: Mẫu đơn yêu cầu đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

2.2. Phụ lục 02: Mẫu giấy chứng nhận đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

2.3. Phụ lục 03: Mẫu đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký;

2.4. Phụ lục 04: Mẫu danh mục các hợp đồng cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký;

2.5. Phụ lục 05: Mẫu giấy chứng nhận đăng ký thay đổi nội dung cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký;

2.6. Phụ lục 06: Mẫu đơn yêu cầu sửa chữa sai sót về đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

2.7. Phụ lục 07: Mẫu đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp là tàu bay;

2.8. Phụ lục 08: Mẫu giấy chứng nhận đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp là tàu bay;

2.9. Phụ lục 09: Mẫu đơn yêu cầu xóa đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

2.10. Phụ lục 10: Mẫu giấy chứng nhận xóa đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

2.11. Phụ lục 11: Mẫu đơn yêu cầu đăng ký thế chấp tàu biển;

2.12. Phụ lục 12: Mẫu giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển;

2.13. Phụ lục 13: Mẫu đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển đã đăng ký;

2.14. Phụ lục 14: Mẫu danh mục các hợp đồng thế chấp tàu biển đã đăng ký;

2.15. Phụ lục 15: Mẫu giấy chứng nhận đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển đã đăng ký;

2.16. Phụ lục 16: Mẫu đơn yêu cầu sửa chữa sai sót về đăng ký thế chấp tàu biển đã đăng ký;

2.17. Phụ lục 17: Mẫu đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp là tàu biển;

2.18. Phụ lục 18: Mẫu giấy chứng nhận đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp là tàu biển;

2.19. Phụ lục 19: Mẫu đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp tàu biển;

2.20. Phụ lục 20: Mẫu giấy chứng nhận xóa đăng ký thế chấp tàu biển;

2.21. Phụ lục 21: Mẫu đơn yêu cầu cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

2.22. Phụ lục 22: Mẫu đơn yêu cầu cung cấp thông tin về thế chấp tàu biển.

Điều 39. Điều khoản chuyển tiếp

1. Trường hợp cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ đăng ký, cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển trước ngày Thông tư này có hiệu lực, nhưng hồ sơ chưa được giải quyết thì cơ quan đăng ký thực hiện việc đăng ký, cung cấp thông tin theo thủ tục quy định tại Thông tư này.

2. Trường hợp cá nhân, tổ chức đã đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển, đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản theo quy định tại Nghị định số 70/2007/NĐ-CP ngày 20 tháng 04 năm 2007 của Chính phủ về đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay dân dụng, Nghị định số 29/2009/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ về đăng ký và mua bán tàu biển, nhưng có yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, xóa đăng ký sau thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Điều 40. Trách nhiệm thi hành

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cá nhân, tổ chức phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp và Bộ Giao thông vận tải để phối hợp nghiên cứu, giải quyết./.

 

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

BỘ TƯ PHÁP
BỘ TRƯỞNG




Hà Hùng Cường

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN