- 1 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2 Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3 Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 4 Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 năm 2024 định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ do Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ban hành
- 5 Công văn 7968/BNV-CCVC năm 2024 định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ công chức viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính do Bộ Nội vụ ban hành
- 6 Công văn 24/CV-BCĐTKNQ18 năm 2024 định hướng, gợi ý nội dung sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện do Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/KH-UBND | Hà Nội, ngày 02 tháng 01 năm 2025 |
KẾ HOẠCH
RÀ SOÁT, SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN, TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP KHỐI CHÍNH QUYỀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Thực hiện Công văn số 05-CV/BCĐ ngày 13/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 18-NQ/TW); Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 06/12/2024 của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ; Văn bản số 7968/BNV-CCCVC ngày 08/12/2024 của Bộ Nội vụ về việc định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp CBCCVC và người làm việc theo chế độ HĐNĐ khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính; Văn bản số 24/CV-BCĐTKNQ18 ngày 18/12/2024 của của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ về định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân cấp tỉnh, cấp huyện; Kế hoạch số 03-KH/BCĐ ngày 03/12/2024 của Ban Chỉ đạo Thành phố tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; Kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy tại kỳ họp ngày 26/12/2024 về phương án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Thành phố theo chỉ đạo của Trung ương;
UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập khối chính quyền thành phố Hà Nội như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ NGUYÊN TẮC SẮP XẾP
1. Mục đích
(1) Thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố; các phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch phục vụ Nhân dân; bảo đảm sự quản lý thông suốt từ Thành phố đến địa phương và phù hợp với yếu tố đặc thù của Thủ đô.
(2) Quá trình thực hiện sắp xếp tránh chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.
(3) Xác định và phân công nhiệm vụ cụ thể cho Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương, triển khai thực hiện đảm bảo mục tiêu, yêu cầu, tiến độ đề ra.
2. Yêu cầu
(1) Việc kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy thực hiện đúng định hướng, yêu cầu chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy. Việc triển khai phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, bảo đảm tính thống nhất, khoa học, tổng thể và bao quát, khắc phục triệt để sự giao thoa, cắt khúc công việc, bỏ sót nhiệm vụ; đánh giá toàn diện thực trạng tình hình và kết quả đạt được; xác định những yếu kém, bất cập, nguyên nhân để đề xuất nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; có sự đồng bộ, thống nhất giữa Thành phố và địa phương; thuận lợi trong công tác chỉ đạo điều hành.
(2) Làm tốt công tác tuyên truyền, công tác chính trị, tư tưởng; tạo sự đồng thuận, thống nhất trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện việc sắp xếp. đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; quan tâm giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sắp xếp theo quy định.
(3) Trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị, địa phương bảo đảm không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới, đặc biệt các nhiệm vụ liên quan đến phục vụ người dân và doanh nghiệp; tiếp tục tập trung hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030.
(4) Khi xây dựng Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; cơ quan, đơn vị, địa phương phải xây dựng phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị; việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải được thực hiện nghiêm túc, thận trọng, khoa học, chặt chẽ; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, có nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, địa phương; trong đó quan tâm bố trí sử dụng đối với cán bộ có năng lực nổi trội, có trách nhiệm, tâm huyết với công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện việc điều chỉnh số lượng biên chế công chức, viên chức bảo đảm theo quy định chung và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới hình thành sau sắp xếp.
(5) Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành ủy tại Công văn số 1376-CV/TU ngày 20/12/2024 về công tác cán bộ để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị Thành phố và Văn bản số 4290/UBND-SNV ngày 19/12/2024 của UBND Thành phố về việc tiếp nhận, tuyển dụng công chức; bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý.
3. Nguyên tắc sắp xếp
3.1. Nguyên tắc chung
(1) Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, tổ chức đảng trong sắp xếp tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, công chức, viên chức người lao động phải chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và quyết định của cấp có thẩm quyền. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm mục tiêu đề ra theo yêu cầu của Thành phố.
(2) Bám sát nội dung định hướng của Trung ương, Thành ủy về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để thực hiện việc sắp xếp, hợp nhất, điều chuyển chức năng của sở, ngành; đảm bảo tổ chức hợp lý các sở và tương đương quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc; một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; đồng thời sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tinh gọn. Căn cứ tình hình thực tiễn và hướng dẫn của bộ, ngành liên quan (nếu có) các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong phù hợp để thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo số lượng tổ chức giảm theo yêu cầu.
(3) Gắn việc bố trí, sắp xếp nhân sự với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của từng cơ quan, đơn vị và địa phương; tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên cơ sở yêu cầu của vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mới để thực hiện việc bố trí, sắp xếp nhân sự, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ.
(4) Quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định của Chính phủ và quy định của Thành phố, bảo đảm sau 05 năm phải hoàn thành việc sắp xếp đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và thực hiện việc quản lý, sử dụng biên chế theo yêu cầu chung của Thành phố tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mới hình thành sau sắp xếp (kể từ ngày cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án).
(5) Kịp thời rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy của các sở, ngành, UBND quận, huyện để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế; xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã sau khi hợp nhất, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ (ban hành sau khi có hướng dẫn của Trung ương).
3.2. Nguyên tắc cụ thể
3.2.1. Đối với các Sở thuộc diện sắp xếp, hợp nhất:
- Về tên gọi đơn vị mới: thực hiện theo định hướng tên gọi các Bộ ngành của Trung ương tương ứng.
- Về chức năng, nhiệm vụ: Trước mắt tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trước hợp nhất (các Sở có tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của đơn vị dự kiến giải thể thì bổ sung chức năng, nhiệm vụ của đơn vị giải thể). Thực hiện quy định lại chức năng, nhiệm vụ sau khi Trung ương ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ của Sở mới.
- Về cơ cấu tổ chức:
+ Hợp nhất, sáp nhập các phòng trùng lắp chức năng, nhiệm vụ (Văn phòng, Tổ chức - Cán bộ, Thanh tra, Kế hoạch - Tài chính). Chỉ duy trì phòng Tổ chức - Cán bộ; Kế hoạch - Tài chính đối với những Sở có số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và số lượng công chức, viên chức lớn.
+ Đối với các phòng chuyên môn: Thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng để sắp sếp theo nguyên tắc không bỏ sót, không trùng lặp, giao thoa chức năng, nhiệm vụ; thực hiện phòng quản lý đa nhiệm vụ, đa lĩnh vực và đảm bảo điều kiện, tiêu chí thành lập phòng theo quy định. Phấn đấu giảm khoảng 15% đầu mối tổ chức bên trong sau sắp xếp.
- Về nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất: Tiếp nhận nguyên trạng của các đơn vị trước hợp nhất. Đối với chức danh lãnh đạo phòng, sau khi có quyết định thành lập đơn vị mới, tập thể lãnh đạo sở mới xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
3.2.2. Đối với các Sở ngành thuộc diện bàn giao, tiếp nhận toàn bộ hoặc một phần, chức năng, nhiệm vụ.
Thực hiện rà soát chuyển và tiếp nhận toàn bộ hoặc bộ phận chuyên môn theo vị trí việc làm tương ứng với chức năng, nhiệm vụ; chuyển và tiếp nhận toàn bộ hoặc một phần các bộ phận hỗ trợ, dùng chung tương ứng với khối lượng nhiệm vụ chuyên môn điều chuyển (bao gồm nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất) đảm bảo theo nguyên tắc không bỏ sót, không trùng lặp, giao thoa chức năng, nhiệm vụ; thực hiện phòng quản lý đa nhiệm vụ, đa lĩnh vực và đảm bảo điều kiện, tiêu chí thành lập phòng theo quy định. Phấn đấu giảm khoảng 15% đầu mối tổ chức bên trong sau sắp xếp.
3.2.3. Đối với các Sở ngành không thuộc diện sắp xếp, hợp nhất
Thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ các phòng, đơn vị trực thuộc bảo đảm nguyên tắc khắc phục triệt để sự giao thoa, cắt khúc công việc, bỏ sót nhiệm vụ; thực hiện phòng quản lý đa nhiệm vụ, đa lĩnh vực; giảm khoảng 15% đầu mối tổ chức bên trong.
3.2.4. Đối với tổ chức hành chính trực thuộc các sở (Chi cục và tương đương)
Giải thể các Chi cục thuộc diện sắp xếp và tổ chức lại thành Phòng chuyên môn thuộc Sở theo nguyên tắc tinh gọn, cắt giảm tầng nấc trung gian, hoạt động không hiệu quả.
3.2.5. Đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện
- Thực hiện hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã bảo đảm theo định hướng của Trung ương và chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy.
- Thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ để thực hiện nguyên tắc đảm bảo không bỏ sót, không trùng lặp chức năng, nhiệm vụ; thực hiện phòng quản lý đa nhiệm vụ, đa lĩnh vực; đảm bảo điều kiện thành lập phòng theo quy định.
3.2.6. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập
- Tiếp tục thu gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng sáp nhập, hợp nhất các đơn vị theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW, quy định của Chính phủ, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy và UBND Thành phố.
- Tiến hành rà soát sắp xếp theo hướng chỉ giữ lại các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và các đơn vị gắn với chức năng, nhiệm vụ của sở, ngành đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định, phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực.
3.2.7. Về biên chế, số lượng người làm việc
- Tạm thời giữ nguyên số biên chế công chức, viên chức đã giao cho các cơ quan, đơn vị năm 2025. Số lượng biên chế của các cơ quan, địa phương, đơn vị mới được bố trí tối đa theo số biên chế được giao cho các cơ quan đơn vị cũ trước khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất.
- Sau khi kiện toàn, sắp xếp xong; các cơ quan, đơn vị xây dựng đề án vị trí việc làm, xác định rõ biên chế chính thức cần có và phương án giảm biên chế theo quy định của Trung ương. Thực hiện rà soát, giảm biên chế đối với các bộ phận dùng chung sau khi sáp nhập, hợp nhất theo lộ trình.
- Năm 2026, Thành phố thực hiện cắt giảm 5% biên chế để đảm bảo chỉ tiêu tinh giảm theo yêu cầu của Bộ Chính trị.
II. DỰ KIẾN PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP, TINH GỌN TỔ CHỨC BỘ MÁY
1. Đối với các sở, ngành thuộc diện sắp xếp hợp nhất, sáp nhập
1.1. Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính để thành lập Sở Kinh tế - Tài chính và tổ chức sắp xếp phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp.
1.2. Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thành lập Sở Nông nghiệp và Môi trường và tổ chức sắp xếp phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp.
1.3. Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ để thành lập Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông và tổ chức sắp xếp phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp.
1.4. Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ để thành lập Sở Nội vụ và Lao động và tổ chức sắp xếp phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, trong đó:
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Sở Nội vụ và tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, tiền lương và việc làm trong khu vực doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bình đẳng giới từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Sở Y tế.
- Chuyển chức năng quản lý nhà nước về xóa đói giảm nghèo sang Ban Dân tộc - Tôn giáo.
1.5. Hợp nhất Sở Ngoại vụ và Văn phòng UBND Thành phố; chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của Sở Ngoại vụ về trực thuộc Văn phòng UBND Thành phố; thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong cho phù hợp.
1.6. Hợp nhất Ban Quản lý các khu Công nghiệp và Chế xuất và Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc để thành lập Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Thành phố và tổ chức sắp xếp phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp.
1.7. Đối với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Xây dựng: Căn cứ kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và quyết định của cấp có thẩm quyền để thực hiện rà soát, sắp xếp.
2. Đối với các sở, ngành thuộc diện chuyển giao, tiếp nhận nhiệm vụ
2.1. Sở Y tế dự kiến tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong cho phù hợp.
2.2. Sở Giáo dục và Đào tạo dự kiến tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong cho phù hợp.
2.3. Sở Công Thương: tiếp nhận nguyên trạng Cục quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương; thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong cho phù hợp.
2.4. Ban Dân tộc: tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ; chức năng, nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thành lập Ban Dân tộc - Tôn giáo; thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong cho phù hợp.
2.5. Văn phòng UBND Thành phố tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của Sở Ngoại vụ và nhiệm vụ xúc tiến đầu tư nước ngoài từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội; thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong cho phù hợp.
3. Đối với các sở và tương đương không thuộc diện sắp xếp hợp nhất
Các sở được giữ nguyên, gồm: (1) Thanh tra Thành phố, (2) Sở Tư pháp, (3) Sở Văn hóa và Thể thao, (4) Sở Du lịch, (5) Sở Giao thông vận tải; (6) Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố:
Thực hiện kiện toàn phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, phấn đấu giảm 15% đầu mối tổ chức bên trong (trừ Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố giữ nguyên cơ cấu tổ chức phòng chuyên môn do mới thí điểm thành lập).
4. Đối với sắp xếp các Chi cục và tương đương thuộc Sở
a) Hợp nhất Chi cục phát triển nông thôn và Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường (thực hiện đồng thời với việc hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
b) Giải thể Chi cục Dân số Hà Nội để thành lập phòng chuyên môn thuộc Sở Y tế (thực hiện đồng thời với việc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).
5. Đối với phương án sắp xếp đơn vị sự nghiệp
5.1. Giải thể Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội
Chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan có liên quan, cụ thể:
- Chuyển nhiệm vụ, nhân sự thực hiện xúc tiến đầu tư về Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội thuộc Sở Kinh tế - Tài chính, đổi tên cho phù hợp.
- Chuyển nhiệm vụ, nhân sự thực hiện xúc tiến thương mại và dịch vụ về Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở Công Thương, đổi tên cho phù hợp.
- Chuyển nhiệm vụ, nhân sự thực hiện xúc tiến du lịch về Sở Du lịch.
- Riêng nhiệm vụ xúc tiến đầu tư nước ngoài chuyển về Văn phòng UBND Thành phố là đầu mối kết nối; phối hợp sở chuyên ngành tham mưu tổ chức cùng với các Đoàn lãnh đạo Thành phố đi làm việc ở nước ngoài.
5.2. Đối với cơ quan báo chí thuộc UBND Thành phố
Thực hiện sắp xếp, kiện toàn sau khi có kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và quyết định của cấp có thẩm quyền về sắp xếp các cơ quan báo chí của Thành phố.
5.3. Đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ngành
Tiến hành rà soát sắp xếp theo hướng chỉ giữ lại các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và các đơn vị gắn với chức năng, nhiệm vụ của sở, ngành đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định, phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực.
6. Đối với các phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã
6.1. Duy trì 07 phòng và tương đương: (1) Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện; (2) Phòng Tư pháp; (3) Phòng Tài chính - Kế hoạch; (4) Phòng Giáo dục và Đào tạo; (5) Phòng Y tế; (6) Phòng Quản lý đô thị; (7) Thanh tra.
6.2. Sắp xếp, hợp nhất, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ một số phòng
a) Sáp nhập phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và phòng Nội vụ (tên gọi sau sắp xếp: Phòng Nội vụ và Lao động); chuyển chức năng thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn về phòng Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn về phòng Y tế.
b) Đối với phòng Tài nguyên và Môi trường:
- Khối quận: Chuyển chức năng phòng chống thiên tai, các lĩnh vực chuyên ngành nông nghiệp (đối với các quận còn lĩnh vực nông nghiệp) từ phòng Kinh tế về phòng Tài nguyên và Môi trường; tên gọi sau sắp xếp là phòng Tài nguyên và Môi trường.
- Khối huyện và thị xã: Tiếp nhận chức năng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công tác phòng chống thiên tai từ phòng Kinh tế và đổi tên thành phòng Nông nghiệp và Môi trường.
c) Phòng Văn hoá - Thông tin tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo từ phòng Kinh tế và đổi tên thành phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin.
d) Đối với phòng Kinh tế:
- Khối quận: Chuyển chức năng phòng, chống thiên tai, các lĩnh vực thuộc chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn từ phòng Kinh tế về phòng Tài nguyên và Môi trường; chuyển chức năng thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo về phòng Văn hóa và Thông tin; đổi tên phòng Kinh tế thành phòng Công Thương.
- Khối huyện và thị xã: Chuyển chức năng lĩnh vực nông nghiệp; lâm nghiệp; thủy lợi; thủy sản; phòng, chống thiên tai; chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản; phát triển nông thôn về phòng Nông nghiệp và Môi trường; chuyển chức năng thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo về phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin; đổi tên phòng Kinh tế thành phòng Công Thương.
đ) Phòng Dân tộc (hiện chỉ có 01 phòng thuộc UBND huyện Ba Vì): Giải thể phòng Dân tộc thuộc UBND huyện Ba Vì, chuyển chức năng, nhiệm vụ của phòng Dân tộc về phòng Nội vụ và Lao động.
III. NHIỆM VỤ VÀ TRÌNH TỰ THỰC HIỆN
1. Nhiệm vụ cần tập trung triển khai
Các cơ quan, đơn vị thuộc diện rà soát, sắp xếp nêu tại mục II Kế hoạch này, cần tập trung thực hiện:
(1) Phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng Đề án sắp xếp các cơ quan, đơn vị theo phương án phê duyệt của Thành ủy, UBND Thành phố (hoàn thành xong trước 25/01/2025), gồm:
- Dự thảo Tờ trình thành lập, giải thể, chuyển giao chức năng, nhiệm vụ của UBND Thành phố;
- Dự thảo đề án thành lập, giải thể, chuyển giao chức năng, nhiệm vụ;
- Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố về thành lập, giải thể, chuyển giao chức năng, nhiệm vụ.
- Dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của đơn vị sau sắp xếp, hợp nhất.
(2) Thực hiện kiểm kê tài sản, tài chính, trụ sở để thực hiện bàn giao về cơ quan, đơn vị mới theo quy định.
(3) Rà soát, đánh giá đội ngũ công chức, viên chức để bố trí theo đúng vị trí việc làm theo cơ cấu tổ chức mới.
(4) Thực hiện chuyển đổi cơ quan chủ quản đối với các đơn vị trực thuộc sau khi hợp nhất, sáp nhập.
(5) Thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ các đơn vị trước khi hợp nhất, sáp nhập để có giải pháp đề xuất xử lý trong quá trình sắp xếp.
(6) Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo quy định của Trung ương và Thành phố.
(Kèm theo phụ lục phân công nhiệm vụ)
2. Trình tự thực hiện
(1) Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các Sở liên quan xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy các sở theo các nguyên tắc nêu trên. Hoàn thành trước 25/01/2025.
(2) Sở Nội vụ chủ trì làm việc với lãnh đạo các Sở thống nhất sơ bộ Đề án, phương án sắp xếp; phối hợp với Thủ trưởng các sở báo cáo xin ý kiến các đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách khối (trường hợp sở có nhiều Phó Chủ tịch phụ trách thì mời các Phó Chủ tịch cùng dự). Hoàn thành trước 15/02/2025.
(3) Sở Nội vụ hoàn thiện phương án báo cáo Ban cán sự Đảng UBND Thành phố. Hoàn thành trước ngày 20/02/2025.
(4) Ban Cán sự đảng UBND Thành phố báo cáo Ban chỉ đạo tổ chức bộ máy biên chế Thành phố. Hoàn thành trước ngày 25/02/2025.
(5) Ban Cán sự đảng UBND Thành phố trình, xin chủ trương Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành uỷ phê duyệt. Hoàn thành trước ngày 28/02/2025.
(6) UBND Thành phố chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và các sở, ngành có liên quan hoàn thiện hồ sơ theo hình thức văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để:
- Trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết đối với các nội dung thành lập các Sở tại kỳ họp chuyên đề của HĐND Thành phố.
- Ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các sở và tương đương, đơn vị sự nghiệp công lập (hoàn thành sau 10 ngày khi phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của thành phố Hà Nội được Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Chính trị phê duyệt và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2025 có hiệu lực).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Chủ tịch UBND Thành phố, các Phó Chủ tịch UBND Thành phố trực tiếp chỉ đạo sắp xếp, hợp nhất các sở, ngành thuộc UBND Thành phố và tổ chức bên trong các sở, ngành theo lĩnh vực được phân công phụ trách.
2. Giao Sở Nội vụ
- Tham mưu Văn bản của UBND Thành phố chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện theo phương án được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua.
- Chủ trì, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Chủ trì phối hợp các sở, ngành có liên quan tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ đối với các Sở thuộc diện hợp nhất, thẩm định báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố xem xét, quyết nghị (sau khi được Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất phương án).
- Thẩm định hồ sơ đề nghị phê duyệt quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức; hồ sơ sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Chủ trì hướng dẫn các cơ quan, địa phương, đơn vị xây dựng Đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sau sắp xếp, hợp nhất.
- Phối hợp các cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh biên chế đối với các cơ quan, địa phương, đơn vị khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
- Tổng hợp báo cáo UBND Thành phố kết quả sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các sở, ban, ngành và đơn vị sự nghiệp theo quy định.
3. Giao Sở Tài chính
Chủ trì hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan liên quan xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị. (Thời hạn hoàn thành trước ngày 20/02/2025).
4. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan liên quan xử lý việc chuyển tiếp quản lý dự án đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị. (Thời hạn hoàn thành trước ngày 20/02/2025).
5. Giao Sở Xây dựng
Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án bố trí sắp xếp lại trụ sở làm việc của các sở, ngành, cơ quan chuyên môn sau sắp xếp bảo đảm liên thông, đồng bộ phù hợp, hoạt động hiệu quả (phương án tạm thời và phương án lâu dài).
6. Giao Sở Tư pháp
- Chủ trì, thẩm định dự thảo Quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các đơn vị sau sắp xếp, hợp nhất đảm bảo tiến độ theo kế hoạch của Thành phố.
- Chủ trì hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, cơ quan thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy; tổng hợp kết quả rà soát của các bộ, ngành, cơ quan, báo cáo UBND Thành phố.
7. Các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện thị xã
- Căn cứ nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này, chủ động phối hợp thực hiện xây dựng Đề án theo hướng dẫn của Sở Nội vụ.
- Rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công chức, viên chức, người lao động để đề xuất bố trí, sắp xếp theo định hướng của Bộ Nội vụ tại Công văn số 7968/BNV-CCVC ngày 08/12/2024 (gửi kèm theo). Đề xuất giải quyết chế độ chính sách cho công chức, viên chức, người lao động thuộc diện sắp xếp theo quy định.
- Chủ động rà soát, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo, đề xuất UBND Thành phố (qua Sở Nội vụ) báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh biên chế khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ được giao.
- Chủ trì, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để xử lý những vấn đề vướng mắc khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; gửi Sở Tư pháp để tổng hợp.
- Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu thực hiện chuyển đổi cơ quan chủ quản đối với các đơn vị trực thuộc sau khi thực hiện sắp xếp, hợp nhất.
- Phối hợp với Công an Thành phố thực hiện thủ tục thu hồi con dấu và khắc dấu của đơn vị, tổ chức mới.
8. Giao Công an Thành phố
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện thu hồi con dấu cũ và khắc dấu mới để đảm bảo hoạt động của đơn vị mới được liên tục, không gián đoạn.
Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp có chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng của Trung ương, Thành ủy về phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan thuộc UBND Thành phố, UBND cấp huyện (nếu có sự thay đổi so với nhiệm vụ nêu trên); giao Sở Nội vụ đề xuất báo cáo UBND Thành phố điều chỉnh, bổ sung phương án sắp xếp theo quy định.
Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị nghiêm túc triển khai đạt hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch này, nếu có khó khăn, vướng mắc, cơ quan, đơn vị báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Nội vụ) xem xét, chỉ đạo kịp thời./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2 Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3 Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 4 Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 năm 2024 định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ do Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ban hành
- 5 Công văn 7968/BNV-CCVC năm 2024 định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ công chức viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính do Bộ Nội vụ ban hành
- 6 Công văn 24/CV-BCĐTKNQ18 năm 2024 định hướng, gợi ý nội dung sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện do Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ban hành