Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/KH-TLĐ

Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN CÁC CẤP TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XI CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

Căn cứ quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; trên cơ sở ý kiến thảo luận, kết luận của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 4-5/01/2012, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Kế hoạch Tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XI Công đoàn Việt Nam như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN CÁC CẤP

1. Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các Nghị quyết của Ban Chấp hành TW Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp vào phong trào CNVCLĐ. Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hoạt động của tổ chức công đoàn; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm tập hợp rộng rãi CNLĐ vào tổ chức công đoàn, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh.

2. Đại hội công đoàn các cấp có nhiệm vụ đánh giá đúng thực trạng tình hình phong trào CNVCLĐ; kết quả thực hiện nghị quyết đại hội cấp mình, nghị quyết đại hội công đoàn cấp trên; rút ra những bài học kinh nghiệm về thành công, phân tích rõ yếu kém và nguyên nhân để xây dựng mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp các chỉ tiêu phấn đấu cho nhiệm kỳ tới.

3. Thông qua đại hội công đoàn các cấp lựa chọn bầu vào ban chấp hành công đoàn những cán bộ có đủ năng lực, trình độ, có khả năng tổ chức thực hiện nghị quyết của đại hội, có tâm huyết, nhiệt tình, có uy tín trong phong trào công nhân, công đoàn, dám đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ; tăng cường năng lực cán bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, đặc biệt là chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; nâng cao uy tín, vị thế công đoàn trong xã hội và trên thế giới.

4. Đại hội công đoàn các cấp phải thực sự là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, rộng rãi, sôi nổi của đoàn viên, CNVCLĐ và tổ chức công đoàn. Đi đôi với việc tổ chức đại hội, công đoàn các cấp phải quan tâm đến việc góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp; giữ vững an ninh quốc phòng, góp phần phát triển KT-XH của đất nước.

5. Phương châm của đại hội: Dân chủ, đoàn kết, đổi mới, thiết thực.

II. NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC VÀ THỜI GIAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN CÁC CẤP

1. Nội dung:

- Thảo luận, thông qua các báo cáo của ban chấp hành; quyết định phương hướng, nhiệm vụ của công đoàn nhiệm kỳ tới của cấp mình.

- Tham gia góp ý dự thảo các văn kiện của đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp.

- Đề xuất kiến nghị các nội dung, nhiệm vụ trình Đại hội XI Công đoàn Việt Nam và nội dung sửa đổi Điều lệ CĐVN.

- Bầu ban chấp hành nhiệm kỳ mới của công đoàn cấp mình và bầu đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên.

2. Phương thức tiến hành:

- Đại hội công đoàn các cấp chỉ tổ chức 1 lần từ cấp cơ sở trở lên.

- Công đoàn các cấp đã hết nhiệm kỳ, chưa hết nhiệm kỳ, nơi có BCH công đoàn lâm thời được phép kéo dài hoặc tổ chức đại hội sớm để từng bước phù hợp với tiến độ đại hội nhiệm kỳ chung của toàn quốc. Thời gian kéo dài hoặc đại hội sớm theo kế hoạch này không được vượt quá quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam (công đoàn cấp trên cơ sở không quá 12 tháng, công đoàn cấp cơ sở không quá 06 tháng).

- Những công đoàn cấp trên cơ sở, hoặc CĐCS đại hội theo nhiệm kỳ 5 năm 1 lần nếu mới đại hội trong năm 2011 thì chỉ tổ chức hội nghị đại biểu.

- Những nơi chưa ổn định về tổ chức, cán bộ thì phải kiện toàn ổn định trước khi tiến hành đại hội. Trường hợp không tổ chức được đại hội thì công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét quyết định cho mở hội nghị đại biểu để đóng góp dự thảo báo cáo và bầu đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên.

3. Một số yêu cầu cụ thể về nội dung, phương thức tổ chức đại hội.

3.1. Về chuẩn bị xây dựng, thảo luận báo cáo trình đại hội

- Về nguyên tắc, báo cáo phải được xây dựng từ cơ sở trở lên. Báo cáo của công đoàn các cấp cần xây dựng ngắn gọn, có phụ lục về kết quả hoạt động công đoàn số liệu để đại biểu theo dõi. Phải đánh giá rõ những vấn đề có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ như: Việc làm, tiền lương, điều kiện lao động, cơ chế dân chủ… kết quả thực hiện nghị quyết của đại hội công đoàn cấp mình trong nhiệm kỳ qua; rút ra khuyết điểm, yếu kém; làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, bài học kinh nghiệm. Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới, cần nêu rõ phương hướng chung, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, các nhiệm vụ và giải pháp.

- Báo cáo cần làm rõ nhiệm vụ và giải pháp của tổ chức công đoàn. Tập trung vào những vấn đề phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS và những vấn đề người lao động quan tâm như: Việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội.

- Trong quá trình thảo luận, công đoàn cấp dưới không nhất thiết phải thảo luận toàn bộ dự thảo báo cáo của công đoàn cấp trên, mà chỉ thảo luận những vấn đề sẽ được thảo luận, biểu quyết tại đại hội công đoàn cấp trên.

3.2. Về thảo luận tại đại hội

- Trong đại hội không tham luận, báo cáo thành tích, cần đi sâu thảo luận mục tiêu và biện pháp cụ thể trong dự thảo báo cáo; bổ sung những nội dung quan trọng cần được các cấp công đoàn quan tâm giải quyết và các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở.

- Khuyến khích đối thoại, chất vấn những vấn đề cụ thể tại đại hội.

4. Thời gian và tiến độ đại hội công đoàn các cấp:

- Công đoàn cấp cơ sở không quá 1 ngày; những CĐCS lớn, đông đoàn viên có thể tổ chức 1,5 ngày; tiến hành từ quý II/2012 và xong trong quý III/2012.

- Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không quá 2 ngày; tiến hành sau khi đại hội xong cấp CĐCS và xong trong quý IV/2012.

- Công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, LĐLĐ tỉnh, thành phố không quá 3 ngày, xong trong quý I/2013.

- Đại hội XI Công đoàn Việt Nam không quá 4 ngày, tổ chức vào đầu quý III/2013.

III. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI

1. Thành lập các tiểu ban chuẩn bị đại hội:

Ban thường vụ công đoàn các cấp có trách nhiệm giúp ban chấp hành toàn bộ công việc chuẩn bị cho đại hội, thành lập các tiểu ban để triển khai các công việc của đại hội gồm:

- Tiểu ban nội dung;

- Tiểu ban tổ chức phục vụ;

- Tiểu ban nhân sự;

- Tiểu ban tuyên truyền.

2. Về công tác chuẩn bị nhân sự bầu ban chấp hành công đoàn các cấp.

2.1. Tiêu chuẩn chung của ủy viên ban chấp hành:

- Có bản lĩnh chính trị vững vàng; nhiệt tình, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn; có uy tín, có phương pháp hoạt động quần chúng và khả năng đoàn kết tập hợp được đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ; có tinh thần đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ.

- Có năng lực tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào lĩnh vực công tác công đoàn và tham gia quyết định các chủ trương công tác của ban chấp hành công đoàn; có kiến thức về quản lý kinh tế, xã hội, pháp luật; có kỹ năng hoạt động và nghiệp vụ công tác công đoàn.

- Có tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể và tổ chức giao.

- Có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ; có đạo đức, lối sống lành mạnh, trung thực, giản dị; không cục bộ bản vị, cơ hội; không lãng phí, tham nhũng và bao che cho tham nhũng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí.

Căn cứ tiêu chuẩn trên, các cấp công đoàn cần cụ thể hóa cho sát yêu cầu nhiệm vụ của từng cấp công đoàn.

2.2. Điều kiện tham gia ban chấp hành:

Người tham gia ban chấp hành ngoài đảm bảo theo tiêu chuẩn, còn phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Về tham gia ban chấp hành lần đầu: Có đủ tuổi công tác để đảm nhiệm ít nhất trọn một nhiệm kỳ đại hội công đoàn.

- Về tái cử ban chấp hành: Có đủ tuổi công tác để đảm nhiệm ít nhất 1/2 nhiệm kỳ. Những trường hợp còn thời gian công tác dưới 1/2 nhiệm kỳ sẽ do công đoàn cấp trên và cấp ủy cùng cấp xem xét quyết định cụ thể.

- Người tham gia BCH phải có lý lịch rõ ràng, tự nguyện và có điều kiện tham gia các hoạt động của ban chấp hành.

2.3. Cơ cấu ban chấp hành công đoàn:

- Ban chấp hành công đoàn các cấp được cấu tạo theo hướng có cơ cấu, số lượng hợp lý, đảm bảo chất lượng, có tính kế thừa và sự phát triển, được chuẩn bị theo quy trình dân chủ, công khai, đúng nguyên tắc.

- Trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn ủy viên BCH công đoàn là chính, cần có cơ cấu hợp lý, đảm bảo tính đại diện của đoàn viên để đáp ứng tốt yêu cầu tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở mỗi cấp công đoàn, nhưng nhất thiết không vì cơ cấu mà làm giảm chất lượng ủy viên ban chấp hành.

- Ban chấp hành công đoàn các cấp cần có 3 độ tuổi (dưới 40 tuổi, từ 40 đến dưới 50 tuổi, từ 50 tuổi trở lên) bảo đảm tính phát triển, kế thừa, trẻ hóa và phát triển theo hướng tăng cường cán bộ nữ, phấn đấu đạt 30% nữ trong ban chấp hành công đoàn các cấp. Coi trọng cơ cấu đoàn viên trực tiếp thực hiện nghiệp vụ, sản xuất, là dân tộc ít người (nơi có đông đoàn viên dân tộc ít người), người ngoài đảng trong các thành phần kinh tế.

2.4. Số lượng ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra

Số lượng ủy viên ban chấp hành cấp nào do đại hội cấp đó quyết định, song không vượt quá số lượng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa X như sau:

- Ban chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn không quá 15 ủy viên. Công đoàn cơ sở có từ 3.000 đoàn viên trở lên không quá 17 ủy viên.

- Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không quá 25 ủy viên.

- Ban chấp hành CĐ tổng công ty trực thuộc TLĐ không quá 31 ủy viên.

- Ban chấp hành công đoàn ngành TW, LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng Liên đoàn không quá 35 ủy viên. Những công đoàn ngành TW, LĐLĐ tỉnh, thành phố có từ 100.000 đến dưới 400.000 đoàn viên không quá 45 ủy viên, từ 400.000 đoàn viên trở lên không quá 51 ủy viên.

- Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh không quá 55 ủy viên.

- Số lượng ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ do Đại hội XI Công đoàn Việt Nam quyết định.

Trường hợp do nhu cầu phải tăng thêm số lượng ban chấp hành vượt quá quy định phải được công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét đồng ý, nhưng số lượng ban chấp hành tăng thêm cũng không vượt quá 10% so với quy định trên.

Số lượng ủy viên ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp theo quy định của Điều lệ và hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa X.

3. Số lượng đại biểu đại hội và bầu đại biểu đi dự đại hội công Đoàn cấp trên:

3.1. Số lượng đại biểu chính thức của đại hội công đoàn các cấp do BCH công đoàn cấp triệu tập đại hội quyết định căn cứ vào số lượng đoàn viên, số lượng CĐCS, nghiệp đoàn và tình hình cụ thể của đơn vị theo quy định Hướng dẫn thi hành Điều lệ khóa X như sau:

- Đại hội CĐCS, nghiệp đoàn, CĐCS thành viên, không quá 150 đại biểu. CĐCS có từ 5.000 đoàn viên trở lên không quá 200 đại biểu.

- Đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không quá 200 đại biểu.

- Đại hội công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn không quá 250 đại biểu.

- Đại hội công đoàn tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW có: Dưới 80.000 đoàn viên không quá 250 đại biểu; từ 80.000 đoàn viên đến dưới 100.000 đoàn viên không quá 300 đại biểu; từ 100.000 đoàn viên đến 300.000 đoàn viên không quá 400 đại biểu; trên 300.000 đoàn viên không quá 500 đại biểu.

- Số lượng đại biểu Đại hội XI Công đoàn Việt Nam do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định.

Trường hợp đặc biệt, nếu cần phải tăng thêm số lượng đại biểu chính thức phải được công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét đồng ý, nhưng số lượng đại biểu tăng thêm cũng không vượt quá 10% so với quy định trên.

3.2. Việc bầu đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên và kiểm tra tư cách đại biểu thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Hướng dẫn số 703/HD-TLĐ ngày 06/5/2009 thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa X, ngoài ra cần chú ý một số vấn đề sau:

- Đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên được bầu theo sự phân bổ của công đoàn cấp triệu tập đại hội.

- Phải lựa chọn những đại biểu là cán bộ, đoàn viên có phẩm chất, có năng lực tiêu biểu cho phong trào công nhân và hoạt động công đoàn, cho trí tuệ của tập thể đoàn viên, công nhân viên chức lao động; có khả năng lĩnh hội, đóng góp vào các nghị quyết và sự thành công của đại hội.

- Bảo đảm các tiêu chuẩn, có cơ cấu hợp lý theo đặc điểm cụ thể của từng cơ sở, từng ngành, từng địa phương, vùng kinh tế trọng điểm, ngành kinh tế mũi nhọn để cơ cấu đại biểu là đoàn viên trực tiếp sản xuất đại diện cho các thành phần kinh tế, đại biểu là nữ.

- Những nơi có 2 công đoàn cấp trên (cấp chỉ đạo trực tiếp và cấp chỉ đạo phối hợp) phân bổ đại biểu thì được bầu 2 đoàn đại biểu.

4. Số lượng đại biểu là khách mời:

- Đại biểu khách mời dự đại hội công đoàn các cấp không quá 20% tổng số đại biểu chính thức đại hội. Trường hợp vượt quá số lượng quy định phải được sự đồng ý của công đoàn cấp trên.

- Việc mời đại biểu công đoàn quốc tế của các cấp công đoàn do Đoàn Chủ tịch TLĐ xem xét quyết định cụ thể.

5. Kinh phí tổ chức đại hội:

- Kinh phí tổ chức đại hội công đoàn các cấp được bố trí hợp lý, thiết thực trong kế hoạch tài chính hàng năm của các cấp công đoàn.

- Chế độ chi đại hội công đoàn từ cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên do Tổng Liên đoàn hướng dẫn. Chi đại hội công đoàn cấp cơ sở do ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Việc chỉ đạo đại hội công đoàn các cấp là trách nhiệm của tập thể ban chấp hành, ban thường vụ, Đoàn Chủ tịch. Trong quá trình chuẩn bị đại hội, ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn các cấp phải báo cáo cấp ủy đảng (nơi có tổ chức đảng); tranh thủ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền, chuyên môn. Đồng thời, yêu cầu chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, đại diện người sử dụng lao động có sự phối hợp để trả lời chất vấn, giải đáp và giải quyết các kiến nghị của đoàn viên, công nhân viên chức lao động mà đại hội công đoàn các cấp đặt ra.

2. Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có kế hoạch riêng.

3. Để có cơ sở rút kinh nghiệm kịp thời trong quá trình chỉ đạo và hướng dẫn đại hội công đoàn, mỗi cấp công đoàn cần chọn từ 1 đến 2 đơn vị tổ chức đại hội điểm. Đối với công đoàn cấp tỉnh và ngành TW, Đoàn Chủ tịch TLĐ sẽ chọn 3 đơn vị để tổ chức đại hội điểm (01 LĐLĐ cấp tỉnh, tp tại khu vực phía Bắc, 01 LĐLĐ cấp tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, 01 công đoàn ngành TW).

4. Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn quán triệt nội dung Kế hoạch này tới các cấp công đoàn; xây dựng kế hoạch chỉ đạo cụ thể của cấp mình và hướng dẫn tổ chức đại hội đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cấp cơ sở. Coi trọng chất lượng, thiết thực, tiết kiệm, tránh phô trương hình thức. Sớm báo cáo kết quả tổ chức đại hội công đoàn các cấp về Tổng Liên đoàn.

5. Ban Tổ chức TLĐ chủ trì phối hợp với Văn phòng, các Ban của TLĐ theo chức năng của mình hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc chuẩn bị tiến hành đại hội công đoàn các cấp; tổng hợp báo cáo Đoàn Chủ tịch TLĐ.

Kế hoạch này được triển khai thực hiện đến các cấp công đoàn./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy viên BCH TLĐ;
- Các LĐLĐ tỉnh, tp, CĐ Ngành TW, CĐTCTy trực thuộc TLĐ;
- Các Ban, đơn vị trực thuộc TLĐ;
- Lưu ToC, VT-TLĐ.
Đồng kính gửi:
- Ban Tổ chức TW;
- Ban Dân vận TW;
- Văn phòng TW;
- Văn phòng Chính phủ.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Tùng