Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/KH-UBND

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN SỐ HÓA TRUYỀN HÌNH, PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH MẶT ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.

Thực hiện Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009; Thực hiện Luật Tần số Vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009; Thực hiện Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020; Thực hiện Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020; Thực hiện Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020; Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-BTTTT ngày 22/7/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Phê duyệt đề án thông tin tuyên truyền về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất; Thực hiện thông báo số 198/TB-VPCP ngày 23/5/2013 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. UBND thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

- Triển khai kịp thời, có hiệu quả Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.

- Chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số truyền hình.

- Phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh của Đảng và Nhà nước.

- Mở rộng vùng phủ sóng truyền hình, thu hút các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trên địa bàn Thành phố đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền, chính sách của Đảng và Nhà nước.

2. Chỉ tiêu cụ thể

- Việc triển khai kế hoạch phải đồng bộ, kịp thời phù hợp với lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 của Chính phủ.

- Thực hiện công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng về Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng.

- Đến năm 2015 phủ sóng truyền hình số mặt đất đến 80% diện tích thành phố Hà Nội (cũ), đến năm 2016 phủ sóng 100% diện tích toàn thành phố Hà Nội.

- Đảm bảo cơ bản đến năm 2016 đạt 60% số hộ gia đình trên địa bàn thành phố sử dụng truyền hình số mặt đất, đến năm 2017 có 80% số hộ sử dụng truyền hình số mặt đất, từ năm 2018 đến năm 2020 hoàn thiện cơ sở hạ tầng truyền dẫn, phát sóng, tiến hành duy tu, bảo dưỡng và phấn đấu hoàn thành 100% số hộ sử dụng truyền hình số mặt đất.

II. Nhiệm vụ

- Đến năm 2015: các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, truyền dẫn, phát sóng truyền hình có trách nhiệm triển khai và hoàn thành việc xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất để chuyển tải các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin truyền thông thiết yếu.

- Đến năm 2016: phủ sóng tới tất cả các khu vực dân cư, đảm bảo các hộ dân có thể thu được các chương trình truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam và các chương trình của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thông qua các máy thu hình thông thường.

- Từ năm 2015-2020: hoàn thành lộ trình số hóa mạng lưới truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất trên cơ sở 100% số hộ gia đình trên toàn Thành phố thu được chương trình truyền hình quảng bá thông qua các phương thức truyền dẫn phát sóng số. Các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có nhu cầu thu xem được cung cấp thiết bị thu kỹ thuật số với giá phù hợp, có hỗ trợ từ quỹ dịch vụ viễn thông công ích và ngân sách địa phương.

- Hoàn thành cơ sở hạ tầng truyền dẫn, phát sóng số trước ngày 31/12/2015, từng bước kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2016 (trong giai đoạn quá độ tiếp tục phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình kỹ thuật tương tự và kỹ thuật số).

III. Giải pháp thực hiện

1. Giải pháp về thông tin, truyền thông

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng, đồng bộ và có hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng về lợi ích khi chuyển đổi số hóa, thông tin về thời gian, thời điểm chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự trên địa bàn Thành phố; hướng dẫn các phương thức thu, xem truyền hình số, truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh; phổ biến các chính sách và chương trình hỗ trợ của Nhà nước cho người dân và doanh nghiệp khi chuyển đổi số hóa; thông tin các sự kiện quan trọng liên quan đến hoạt động số hóa.

- Phát sóng thường xuyên, liên tục vào thời gian thích hợp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, đài truyền thanh cơ sở về kế hoạch triển khai đề án số hóa trên địa bàn Thành phố; Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và người dân thực hiện việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số.

- Tổ chức hội nghị, hội thảo phổ biến về "Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020" cho lãnh đạo, cán bộ chủ chốt có liên quan của cơ quan quản lý nhà nước các cấp; các cơ quan báo đài, đài phát thanh, truyền hình trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Tổ chức hội nghị, hội thảo phổ biến về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định về quản lý chất lượng thiết bị truyền hình số mặt đất; lộ trình tích hợp tính năng thu truyền hình mặt đất vào các máy thu hình cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền, dẫn phát sóng, sản xuất, nhập khẩu, phân phối thiết bị truyền hình.

2. Giải pháp về thị trường và dịch vụ

- Thúc đẩy việc sử dụng các phương thức truyền dẫn, phát sóng truyền hình khác để đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, khuyến khích việc xây dựng và phát triển hạ tầng mạng tại các khu vực tập trung dân cư và có nhu cầu sử dụng cao. Khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đã được cấp phép triển khai các hệ thống truyền hình cáp, truyền hình cáp công nghệ IPTV và truyền hình Internet trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

- Các doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất dành dung lượng để truyền tải (không mã hóa) các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu, đảm bảo có ít nhất một mạng truyền dẫn, phát sóng số chuyển tải các kênh chương trình này.

- Kiểm tra, giám sát việc sản xuất và lưu thông kinh doanh trên thị trường các máy phát, máy thu truyền hình số, đầu thu truyền hình số theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng với từng thời điểm cụ thể.

3. Giải pháp về tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực: Từng bước sắp xếp lại bộ phận truyền dẫn, phát sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội theo lộ trình số hóa, đào tạo cán bộ theo hướng tập trung vào nhiệm vụ sản xuất nội dung chương trình sau khi kết thúc truyền hình tương tự.

4. Giải pháp về công nghệ và tiêu chuẩn: Áp dụng thống nhất tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật truyền hình số mặt đất đối với các máy phát, máy thu truyền hình số, đầu thu truyền hình số theo các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về thiết bị thu truyền hình số mặt đất DVB-T2-QCVN 63: 2012/BTTTT; Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tín hiệu phát truyền hình kỹ thuật số DVB-T2-QCVN 64: 2012/BTTTT và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phổ tần số và tương thích điện từ của máy phát hình số DVB-T2-QCVN 77:2013/BTTTT. Từng bước phát triển công nghệ truyền hình có độ phân giải cao (HDTV).

5. Giải pháp về đầu tư, tài chính

- Triển khai thực hiện có hiệu quả dự án đầu tư Chuyển đổi công nghệ số hóa sản xuất - phát sóng truyền hình Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội giai đoạn 2013-2015 đã được phê duyệt tại Quyết định số 6485/QĐ-UBND ngày 28/10/2013 của UBND thành phố Hà Nội.

- Về hạ tầng truyền dẫn, phát sóng: chỉ nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng đối với máy phát hình tương tự hiện có hoặc thay thế các máy phát đã hỏng.

- Hỗ trợ kinh phí mua đầu thu cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ ở vùng đặc biệt khó khăn.

IV. Kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí thực hiện bằng nguồn ngân sách hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương để phục vụ công tác triển khai Đề án.

V. Tổ chức thực hiện

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, đôn đốc triển khai, tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng trong quá trình triển khai kế hoạch này.

- Chủ trì phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất để nâng cao nhận thức và khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia thực hiện.

- Hướng dẫn các Đài Truyền thanh huyện, thị xã tổ chức thông tin, tuyên truyền về Kế hoạch số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình trên địa bàn Thành phố thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở; thực hiện biên tập nội dung, hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan thông tin đại chúng thành phố và hệ thống Đài phát thanh huyện, Đài truyền thanh xã, phường thông tin, thực hiện tuyên truyền Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác điều tra, thống kê hiện trạng phương thức thu xem truyền hình trên toàn Thành phố và thống kê danh sách các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo để có phương án hỗ trợ đầu thu truyền hình số theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.

2. Sở Công thương

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát việc kinh doanh trên thị trường các máy phát, máy thu truyền hình số, đầu thu truyền hình số theo tiêu chuẩn và quy chuẩn do Nhà nước quy định.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện công tác điều tra, thống kê hiện trạng phương thức thu xem truyền hình của các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Thành phố.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Thành phố.

4. Sở Tài chính

- Chủ trì, hướng dẫn Sở Thông tin và Truyền thông lập dự toán, đề xuất bố trí kinh phí kịp thời để triển khai Đề án số hóa truyền hình, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 theo quy định.

5. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

- Thực hiện công tác điều tra, thống kê phương thức thu xem truyền hình của các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn quản lý và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình số tại địa phương đảm bảo chính xác, kịp thời.

- Chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng kế hoạch thực hiện số hóa truyền hình mặt đất trên Đài phát thanh huyện, Đài truyền thanh cơ sở.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn thông tin, tuyên truyền số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất cho các đối tượng là lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn; cán bộ văn hóa cấp xã và người làm công tác truyền thanh cơ sở.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội

- Thực hiện phát sóng thường xuyên, liên tục vào thời gian thích hợp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (truyền hình, truyền thanh) thông báo chính thức về thời điểm, lộ trình kết thúc phát sóng truyền hình tượng tự để chuyển sang phát sóng truyền hình số.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về kế hoạch số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất để nâng cao nhận thức và khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia thực hiện.

- Phối hợp các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất để cho thuê lại cơ sở hạ tầng kỹ thuật thụ động hiện có trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên, nhằm khai thác tối đa các cơ sở hạ tầng đã được đầu tư.

- Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội từng bước sắp xếp lại bộ phận truyền dẫn, phát sóng theo lộ trình số hóa; chuyển tải các kênh chương trình của mình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất. Hoàn thành việc chuyển đổi công nghệ số hóa sản xuất - phát sóng truyền hình Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội trước năm 2015 (theo Quyết định số 6485/QĐ-UBND ngày 28/10/2013 của UBND thành phố Hà Nội).

7. Các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng

- Triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến cấp huyện, cấp xã...theo kế hoạch số hóa hạ tầng truyền dẫn, phát sóng của các doanh nghiệp. Chủ động đàm phán với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng khác để dùng chung cơ sở hạ tầng.

- Tham gia hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Thành phố.

VI. Tiến độ thực hiện

- Năm 2014: Tổ chức tuyên truyền về Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 theo Quyết định số 891/QĐ-BTTTT ngày 22/7/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông về phê duyệt đề án thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất và Triển khai công tác điều tra, thống kê hiện trạng phương thức thu xem truyền hình của các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo để thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình số.

- Từ năm 2014-2016: Triển khai dự án chuyển đổi công nghệ số hóa sản xuất - phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội.

- Tháng 12/2016: Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện.

Trên đây là Kế hoạch triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch này; định kỳ 06 tháng báo cáo tiến độ triển khai với
UBND Thành phố (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để tổng hợp báo cáo./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ TT&TT;
- TTTU-TTHĐND TP;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;
- Các Đ/c Phó Chủ tịch UBND TP;
- Các Sở, ban, ngành của TP;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Đài PT- TH Hà Nội;
- Các doanh nghiệp TH cáp;
- Các doanh nghiệp TDPS;
- VP UBNDTP: Đ/c CVP, Đ/c PCVP Đỗ Đình Hồng;
- Phòng VX, NC, TH;
- Lưu: VT, VXh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Bích Ngọc

 

KHÁI TOÁN

HỖ TRỢ ĐẦU THU TRUYỀN HÌNH SỐ CHO CÁC HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO, GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.
(thuộc Kế hoạch Triển khai Đề án s hóa truyền hình, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020)

STT

Đối tượng

Đơn vị tính

Ghi chú

Số lượng
(hộ gia đình)

Đơn giá
(VNĐ)

Thành tiền
(VNĐ)

1

Hộ nghèo

25,454

730,000

18,581,420,000

Trung ương hỗ trợ từ nguồn vốn thuộc danh mục Chương trình, dự án, đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ

2

Hộ cận nghèo

59,365

730,000

43,336,450,000

 

Tổng cộng

 

61,917,870,000

Bằng chữ: Sáu mươi mốt tỷ chín trăm mười bảy triệu tám trăm bảy mươi nghìn đồng chẵn.

Số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo: Theo Quyết định số 749/QĐ-LĐTBXH ngày 13/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.