Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/KH-UBND

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2016

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 21/7/2015 của UBND Thành phố Hà Nội về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch; Kế hoạch 162/KH-UBND ngày 10/8/2015 của UBND Thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; Quyết định số 6788/QĐ-UBND ngày 12/12/2015 của UBND Thành phố Hà Nội về việc giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội, dự toán thu, chi ngân sách năm 2016 của thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội năm 2016, với nội dung cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu và chỉ tiêu

1. Mục đích

- Triển khai đồng bộ, có hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 21/7/2015 của UBND Thành phố Hà Nội về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch; Kế hoạch 162/KH-UBND ngày 10/8/2015 của UBND Thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trên địa bàn Thủ đô và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội năm 2016

- Huy động và tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô tham gia phát triển du lịch, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm, nâng cao tính liên kết, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị vì mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch của cả nước và trong khu vực.

2. Yêu cầu

- Đảm bảo các hoạt động du lịch có tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn và đạt hiệu quả khi triển khai thực hiện vì mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.

- Các đơn vị liên quan chủ động phối hợp triển khai kế hoạch theo nhiệm vụ được giao, kịp thời báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện.

3. Chỉ tiêu

- Phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 21,165 triệu lượt khách, tăng 6,95% so với năm 2015, trong đó bao gồm: 3,765 triệu khách quốc tế tăng 12,05%. 17,4 triệu khách nội địa tăng 5,9% so với năm 2015.

- Tổng thu từ khách du lịch: Đạt 60.045 tỷ đồng, tăng 8,11% so với năm 2015.

II. Nhiệm vụ trọng tâm

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch

- Tổ chức quán triệt Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch, Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 4/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và vận động mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phối hợp, liên kết tham gia xây dựng sản phẩm, xây dựng môi trường du lịch văn minh, lịch sự, tôn trọng pháp luật, thân thiện, chất lượng và hoàn chỉnh để thu hút khách du lịch thông qua nhiều nội dung, hình thức đa dạng và phong phú, như việc: Tổ chức các hội nghị, các cuộc tọa đàm xây dựng sản phẩm du lịch giữa Sở Du lịch Hà Nội với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Tuyên truyền, quảng bá thông qua việc xây dựng hệ thống biển màn hình LED tuyên truyền, quảng bá du lịch Hà Nội. Xây dựng Pano tuyên truyền, quảng bá về du lịch trên các tuyến quốc lộ giáp ranh với các tỉnh bạn. Sửa chữa, in và căng mặt biển tuyên truyền, quảng bá về du lịch Hà Nội. Phối hợp và hỗ trợ tuyên truyền về du lịch Hà Nội trên hệ thống thông tin đại chúng của Trung ương và thành phố. Thiết kế, sản xuất các sản phẩm quà tặng du lịch; ấn phẩm quảng bá Du lịch Hà Nội.

2. Tăng cường hỗ trợ của nhà nước cho phát triển du lịch

- Trình Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình công tác của Thành ủy nhiệm kỳ 2015- 2020 về “Phát triển toàn diện du lịch Thủ đô đến năm 2020”. Trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết về “Phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020”.

- Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chương trình của Thành ủy và Nghị quyết của HĐND về phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020; Quy chế quản lý cơ sở lưu trú du lịch; Quy chế quản lý khu, điểm, tuyến du lịch trên địa bàn Thành phố Hà Nội và Quyết định thành lập Trung tâm hỗ trợ du khách và phát triển du lịch và Phòng Hợp tác quốc tế thuộc Sở Du lịch thành phố Hà Nội. Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển du lịch thành phố Hà Nội năm 2016.

- Chú trọng thực hiện công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch: Hoàn thành việc xây dựng chương trình mục tiêu thành phố về phát triển du lịch đến năm 2020; điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tiễn quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Hoàn thành lập, phê duyệt quy hoạch phát triển khu du lịch Ba Vì - Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Kêu gọi nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển du lịch khu vực Hồ Tây ( Hồ nước, trên không và xung quanh Hồ); Sông Hồng và 2 bên sông Hồng để phát triển du lịch; xây dựng đặc khu du lịch tại Đông Anh.

- Triển khai hợp tác phát triển sản phẩm du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nâng cấp phát triển điểm đến du lịch Hoàng Thành Thăng Long. Thực hiện chuẩn hóa và phát hành các bài thuyết minh tại các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội. Xây dựng và triển khai “Bản đồ số Hà Nội” theo công nghệ GIS.

- Tạo điều kiện về ngân sách, quỹ đất và triển khai các giải pháp để sớm khai thác, phát triển không gian du lịch Hồ Tây; xây dựng điểm trung chuyển dành cho khách du lịch đến Hà Nội. Nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch tại các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.

- Tập trung tạo dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh theo các trục trọng tâm: Khu vực Phố cổ, phố cũ và Hồ Hoàn Kiếm; Khu vực xung quanh Hồ Tây với bãi 2 bên Sông Hồng từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì. Khu vực Đông Anh gắn với du lịch tâm linh Cổ Loa - Múa rối nước Đào Thục và khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao. Khu vực trung tâm chính trị Ba Đình gắn với Hoàng Thành Thăng Long và Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khu vực Ba Vì và vùng phụ cận: Làng cổ Đường Lâm, làng nghề Vạn Phúc, Làng nghề Thường Tín, làng nghề Bát Tràng.

3. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch thông qua việc tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch

- Phối hợp với các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế trên địa bàn Thành phố để kết nối, giới thiệu quảng bá, hợp tác phát triển du lịch tại thị trường quốc tế và ngược lại.

- Mở rộng thị trường tiềm năng trong khu vực và quốc tế; tăng cường tuyên truyền, hợp tác, quảng bá, xúc tiến, liên kết điểm đến du lịch Hà Nội với các thị trường trong và ngoài nước. Tổ chức đoàn tham gia hội chợ du lịch quốc tế, tập trung vào các thị trường Pháp, Anh, Đức, Mỹ, Trung quốc, Nhật, Hàn Quốc, Indonesia... Mời các Hiệp hội, doanh nghiệp tham gia hợp tác phát triển du lịch xây dựng hình ảnh du lịch Hà Nội thân thiện, mến khách, hấp dẫn và chất lượng. Năm 2016, tổ chức đoàn tham gia hợp tác, xúc tiến, triển lãm du lịch quốc tế tại Hội nghị Hội đồng xúc tiến du lịch Châu Á (CPTA) thường niên lần thứ 15. Tham dự hội nghị Ban Điều hành Tổ chức Xúc tiến Du lịch các thành phố Châu Á-Thái Bình Dương (TPO). Hợp tác song phương với một số Thành phố CPTA: Tokyo, Kualalumpur - New Delhi, Jakarta,.. Đón đoàn doanh nghiệp và báo chí Hàn Quốc đến khảo sát điểm đến du lịch Hà Nội để tuyên truyền và gửi khách đến Thủ đô (Fam trip). Tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế tại Nhật Bản; Mỹ; vương quốc Anh; Trung quốc.

- Tăng cường xây dựng chương trình hợp tác, xúc tiến du lịch trong nước; xây dựng và tổ chức các sự kiện mang tính thường niên như: Chương trình “Ký ức Hà Nội”; liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội; liên hoan áo dài ba miền; đón vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đến Hà Nội; Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM); Mỗi thanh niên là một tuyên truyền viên tích cực cho phát triển du lịch... Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi kinh nghiệm; kết nối tour, tuyến và tham gia các hoạt động của Trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức nhằm thực hiện tốt liên kết phát triển du lịch nội địa.

4. Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia phát triển du lịch

- Tổ chức các hoạt động hỗ trợ nâng cao chất lượng phục vụ du khách, tạo dựng sản phẩm và cơ sở vật chất, tổ chức các hội nghị, tọa đàm giữa Sở Du lịch Hà Nội với các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhằm nghiên cứu và giải quyết những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch, ví dụ như với: Các làng nghề, phố nghề, hiệp hội làng nghề, các nghệ nhân, thợ giỏi, nghệ nhân nấu ăn nổi tiếng; Các điểm mua sắm, cửa hàng, cửa hiệu, trung tâm thương mại lớn. Các cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng phục vụ khách số lượng lớn. Các đơn vị lữ hành quốc tế, nội địa, hiệp hội lữ hành có đóng góp tỷ trọng cao. Các hãng vận chuyển khách du lịch lớn nhằm kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp.

- Chỉ đạo Sở, ban, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã rà soát và giao các công trình, biệt thự sử dụng không hiệu quả cho Sở Du lịch để huy động, kêu gọi doanh nghiệp xã hội hóa xây dựng điểm đến cho khách được thưởng thức không gian nghệ thuật giới thiệu và trao đổi sản phẩm làng nghề trong và ngoài nước; trước mắt tập trung ở khu vực phố cổ, phố cũ, như Tháp nước Hàng Đậu, nhà xây ngoài đê phường Phúc Xá (di dời hộ dân khi xây nhà Quốc Hội). Di dời bãi đỗ xe tĩnh Bờ Hồ - Hoàn Kiếm và giao cho Sở Du lịch trang trí xung quanh Hồ Gươm để xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo Hồ Gươm - Phố cổ. Giành đất khu xanh trong quy hoạch ở khu vực xung quanh Hồ Tây với bãi 2 bên Sông Hồng từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì hiện đang để hoang hóa hoặc giao sử dụng không hiệu quả để xây dựng điểm dừng chân; không gian nghệ thuật cho du khách trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn trong tuần và các ngày nghỉ cuối tuần.

5. Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố liên tục, thống nhất và hiệu quả. Phát triển du lịch gắn với thực hiện trật tự văn minh đô thị. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng giao tiếp ứng xử với du khách.

- Bảo đảm chất lượng phục vụ tại các điểm đến trên cơ sở đánh giá, công nhận các dịch vụ lưu trú, lữ hành, vận chuyển, nhà hàng... đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Tổ chức các cuộc bình chọn top 10, top 100 các món ăn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, doanh nghiệp vận chuyển, công ty lữ hành, hướng dẫn viên, bảo tang, nhà hát, điểm mua sắm.... cho khách du lịch có cơ hội được lựa chọn.

- Tăng cường triển khai thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú; cấp phép trong hoạt động lữ hành năm. Tiến hành thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch và đội ngũ hướng dẫn viên; quản lý giá của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn thành phố. Phối hợp xử lý các hiện tượng chèo kéo, ép giá, mất vệ sinh an toàn thực phẩm đối với khách du lịch. Duy trì, nâng cấp và mở rộng hoạt động bộ phận thông tin và hỗ trợ khách du lịch của Sở Du lịch Hà Nội.

- Đề cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Giao Sở Du lịch tăng cường xây dựng chương trình làm việc chuyên đề công tác quản lý nhà nước về du lịch với các sở, ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

6. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

- Tăng cường mở các khóa học bồi dưỡng kiến thức cộng đồng, kiến thức nghiệp vụ cho lãnh đạo các doanh nghiệp, các lớp thuyết minh viên, tập huấn về công tác thông tin hỗ trợ khách du lịch, công tác quản lý nhà nước đối với các quận, huyện, thị xã. Các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ khách sạn; hướng dẫn viên, thuyết minh viên, lái xe du lịch.

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn trong và ngoài nước cho lãnh đạo quản trị các doanh nghiệp du lịch; trưởng các bộ phận quan trọng của doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu mạnh cho du lịch Hà Nội.

III. Kinh phí hoạt động

1. Từ nguồn kinh phí ngân sách của UBND Thành phố cấp cho Sở Du lịch năm 2016.

2. Từ nguồn kinh phí các chương trình, các nguồn khác của thành phố cấp cho Sở Du lịch năm 2016.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Du lịch

- Là cơ quan thường trực và chịu trách nhiệm chủ trì triển khai các nội dung theo kế hoạch. Tổng hợp, đề xuất khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo UBND Thành phố.

- Chủ trì dự thảo Chương trình công tác của Thành ủy nhiệm kỳ 2015­-2020 về “Phát triển toàn diện Du lịch Thủ đô đến năm 2020”. Nghị quyết của HĐND Thành phố về “Phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020” và dự thảo Kế hoạch hành động của UBND Thành phố về thực hiện chương trình của Thành ủy và Nghị quyết của HĐND về phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020. Xây dựng chương trình mục tiêu thành phố về phát triển du lịch đến năm 2020; điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tiễn quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Hoàn thành lập, phê duyệt quy hoạch phát triển khu du lịch Ba Vì - Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Dự thảo Quy chế quản lý cơ sở lưu trú du lịch; Quy chế quản lý khu, điểm, tuyến du lịch trên địa bàn Thành phố Hà Nội trình UBND Thành phố phê duyệt.

- Chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước; UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố triển khai thực hiện các hoạt động du lịch năm 2016.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, các hiệp hội, câu lạc bộ, doanh nghiệp có liên quan trong việc thực hiện kế hoạch.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan đến phát triển du lịch Hà Nội.

2. Sở Văn hóa và Thể thao

- Chủ động phối hợp với Sở Du lịch, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan nâng cấp các điểm đến thuộc di tích, danh thắng; tập trung tại các di tích Hoàng Thành - Thăng Long; Cổ Loa; Văn Miếu - Quốc Tử Giám; di tích Đền Ngọc Sơn; Nhà tù Hỏa Lò...phục vụ khách du lịch.

- Phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và vận động mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xây dựng môi trường du lịch văn minh, lịch sự, thân thiện để thu hút khách du lịch và xử lý vi phạm thuộc phạm vi quản lý.

3. Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch

- Phối hợp với Sở Du lịch xây dựng kế hoạch xúc tiến du lịch theo chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị.

- Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch trong quá trình đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch.

- Chủ động chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm phục vụ khách du lịch.

4. Tổng Công ty Du lịch Hà Nội

- Phối hợp với Sở Du lịch xây dựng kế hoạch phát triển du lịch theo chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị.

5. Sở Nội vụ

- Phối hợp với Sở Du lịch tham mưu cho UBND Thành phố ban hành Quyết định thành lập Trung tâm hỗ trợ du khách và phát triển du lịch và Phòng Hợp tác quốc tế thuộc Sở Du lịch thành phố Hà Nội.

- Chủ động hướng dẫn xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành du lịch từ nguồn ngân sách Thành phố và các đơn vị liên quan.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ động hướng dẫn Sở Du lịch hoàn thiện hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin quản lý nhà nước và lập dự án đầu tư quản lý tài nguyên, sản phẩm du lịch, trang Website Sở Du lịch Hà Nội, số hóa cơ sở lữ hành, cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố. Xây dựng và triển khai việc cung cấp mạng WiFi miễn phí cho khách du lịch tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm tại Hoàn Kiếm, Ba Đình, Ba Vì.

- Phối hợp với Sở Du lịch trong công tác tuyên truyền trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước về vị trí, vai trò và hoạt động của ngành Du lịch và xử lý vi phạm thuộc phạm vi quản lý.

7. Sở Xây dựng

Chủ trì lập kế hoạch tổng thể việc đầu tư, nâng cấp, xây dựng các công trình vệ sinh công cộng trên địa bàn Thành phố (ưu tiên khu vực Hoàn Kiếm, Ba Đình); đảm bảo công tác vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp.

- Rà soát quỹ nhà sử dụng không hiệu quả báo cáo UBND Thành phố giao Sở Du lịch sử dụng làm điểm đến là sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

8. Sở Giao thông Vận tải

- Chủ trì hướng dẫn Sở Du lịch chuẩn hóa xe ô tô phục vụ vận chuyển khách du lịch. Nâng cấp chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa. Phối hợp kiểm tra, xử lý xe taxi dù, xích lô dù.

- Bố trí bãi, bến dành cho trung chuyển khách du lịch. Thường xuyên đầu tư nâng cấp, xây dựng hạ tầng du lịch vào các khách sạn, khu, điểm du lịch trên địa bàn Thành phố.

- Tiếp tục cấp biển hiệu cho xe ô tô vận chuyển khách du lịch.

9. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì bố trí quỹ đất, có cơ chế đặc thù về đất đai cho ngành Du lịch để thu hút nhà đầu tư chiến lược vào phát triển sản phẩm du lịch.

- Tăng cường quản lý môi trường trong hoạt động du lịch; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh du lịch không thực hiện đúng quy định về vệ sinh môi trường.

10. Sở Công thương

- Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch đầu tư phát triển du lịch làng nghề, xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề chất lượng và hoàn chỉnh phục vụ khách du lịch; bình chọn và giới thiệu top 10, top 100 các cửa hàng, cửa hiệu, làng nghề, nghệ nhân... để phục vụ du lịch.

- Phối hợp phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm ở các làng nghề; các điểm mua sắm, trung tâm thương mại phục vụ khách du lịch

- Xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng và nguồn gốc hàng hóa dịch vụ và các vi phạm thuộc phạm vi quản lý liên quan đến du lịch trên địa bàn thành phố.

11. Sở Y tế

Chủ trì phối hợp với Sở Du lịch trong công tác đảm bảo chăm sóc sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh công cộng, phòng chống dịch bệnh tại các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch. Thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý các vi phạm.

12. Công an Thành phố; Thanh tra Thành phố; Hải quan Thành phố

Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch trong công tác đảm bảo giữ gìn môi trường du lịch; ứng xử văn minh trong lĩnh vực du lịch đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.

13. Sở Ngoại vụ

Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch trong công tác đối ngoại, phát triển và hợp tác quốc tế trong hoạt động du lịch.

14. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch trong việc đầu tư, xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch từ nông nghiệp chất lượng cao; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng...

15. Sở Tài chính

- Chủ trì, hướng dẫn Sở Du lịch thẩm định, phê duyệt dự toán thu chi ngân sách liên quan đến hoạt động của ngành du lịch trong năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020.

- Tăng cường quản lý giá liên quan đến du lịch

16. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, hướng dẫn Sở Du lịch các nhiệm vụ liên quan xây dựng Chương trình Thành ủy và Nghị quyết của HĐND Thành phố và thủ tục đầu tư cải tạo trụ sở làm việc của đơn vị;

- Đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù thu hút nguồn vốn đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược vào thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch phù hợp với điều kiện, đặc điểm của Thủ đô.

- Kiểm tra, xử lý kịp thời các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh du lịch vi phạm pháp luật.

17. Đề nghị Hiệp hội du lịch Việt Nam và Hiệp hội du lịch Hà Nội

Chủ động phối hợp triển khai thực hiện công tác xây dựng sản phẩm du lịch, liên kết doanh nghiệp và các hoạt động liên quan đến phát triển du lịch của Hà Nội.

18. Các Sở, Ban ngành, Đoàn thể thành phố, các đơn vị có liên quan chủ động phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động quản lý và phát triển du lịch trên địa bàn.

19. UBND các quận, huyện, thị xã

- Chủ động phối hợp triển khai thực hiện các nội dung hoạt động của Sở Du lịch

- Chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin; các phòng chuyên môn có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động du lịch trên địa bàn. Cụ thể:

+ Tăng cường quản lý điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du lịch theo quy định của Luật Du lịch và Tiêu chuẩn quốc gia về du lịch và các dịch vụ có liên quan.

+ Tổ chức đoàn liên ngành của địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn; thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch theo thẩm quyền.

20. Các doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố

- Các doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động du lịch trên địa bàn Thành phố chủ động thực hiện các quy định trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh du lịch.

- Tích cực thực hiện áp dụng chuẩn hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật dịch vụ du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch.

- Chủ động phối hợp với Sở Du lịch thành phố để hỗ trợ phát triển du lịch theo kế hoạch được phê duyệt.

UBND Thành phố yêu cầu các Sở, Ban, ngành, đoàn thể thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn thành phố, căn cứ nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện với UBND Thành phố (qua Sở Du lịch) để tổng hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- TT TU, TT HĐND TP;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;
- Các đ/c PCT UBND TP;
- Tổng cục Du lịch;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUB : Đ/c CVP, các đ/c PCVP,
các phòng CV, TH;
- Lưu VT, VXh. 130

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn