Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/KH-BTNMT

Hà Nội, ngày 27 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG VÀ NHÂN RỘNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN GIAI ĐOẠN 2021-2025

Giai đoạn 2015-2020 các phong trào thi đua yêu nước là động lực to lớn thúc đẩy toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động của ngành tài nguyên và môi trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có những đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào thi đua của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ thông qua và các phong trào thi đua do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động; nhằm kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng và nêu gương, tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có những sáng kiến hay, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, những mô hình mới, nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt... tạo sự lan tỏa sâu rộng, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kế hoạch nhân rộng điển hình tiên tiến ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021-2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Xác định vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng gương điển hình tiên tiến là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua của toàn ngành trong giai đoạn hiện nay; xem đây là một trong những yếu tố quan trọng, có tác dụng nêu gương, khơi dậy tinh thần thi đua sôi nổi, rộng khắp, để thi đua trở thành động lực mạnh mẽ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

2. Các đơn vị thường xuyên bám sát phong trào thi đua, chú trọng công tác tuyên truyền, nhân rộng, nêu gương điển hình tiên tiến trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, từ đó phát hiện những nhân tố mới để bồi dưỡng, nhân rộng, nêu gương tại đơn vị và trong toàn ngành cho nhiều người học tập làm theo.

3. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy tinh thần tự giác, tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; rút ra bài học kinh nghiệm về tổ chức phong trào thi đua, công tác khen thưởng và xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, chất lượng công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW, quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và văn bản hướng dẫn thi hành.

4. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, xây dựng kế hoạch, đề ra tiêu chí cụ thể và triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đạt hiệu quả thiết thực.

II. NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHÍ

1. Nội dung

1.1. Thông qua quá trình tổ chức, triển khai và thực hiện các phong trào thi đua, lựa chọn những mô hình, gương điển hình tiên tiến là những tập thể, cá nhân, có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, sáng tạo, vượt khó trong lao động sản xuất, kinh doanh, học tập, công tác; là nhân tố tích cực, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương mẫu chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thi đua gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

1.2. Bên cạnh việc phát hiện nhân tố mới, coi trọng và quan tâm thường xuyên đến việc xây dựng điển hình; tạo điều kiện về tinh thần, vật chất, cơ chế chính sách, môi trường thuận lợi để các nhân tố mới phát huy được vai trò, tầm ảnh hưởng trong tập thể, tạo sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực công tác và đời sống xã hội.

1.3. Các tiêu chí điển hình tiên tiến của tập thể và cá nhân phù hợp với đặc điểm, tính chất, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Xác định rõ tiêu chí điển hình tiên tiến toàn diện và điển hình tiên tiến trên một số mặt công tác; lồng ghép nội dung, tiêu chí xây dựng điển hình tiên tiến của các cuộc vận động, các phong trào thi đua và hướng đến thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cơ quan, đơn vị và của toàn Ngành.

1.4. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tác dụng, tính hiệu quả, xác định khả năng phát triển của từng mô hình, việc ảnh hưởng của các điển hình ở mỗi cơ quan, đơn vị và trong xã hội, từ đó rút kinh nghiệm để điều chỉnh và bổ sung hoàn thiện. Phát hiện những khó khăn, vướng mắc, kịp thời có biện pháp giúp đỡ nhân tố phấn đấu, rèn luyện, duy trì thành tích và phát huy hiệu quả.

1.5. Định kỳ sơ kết, đánh giá trong mỗi giai đoạn, để kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo xây dựng, đồng thời lựa chọn những mô hình thật sự xuất sắc tiêu biểu, đem lại giá trị kinh tế cao, ý nghĩa xã hội lớn, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tổ chức tôn vinh khen thưởng, học tập và nhân rộng các mô hình trong phạm vi toàn Ngành.

1.6. Tổ chức tham quan trực tiếp, trao đổi học tập kinh nghiệm, phương pháp, cách làm đạt hiệu quả, đạt thành tích trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua và xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến.

1.7. Tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả những nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và biện pháp tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến theo hướng thiết thực, phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị và yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến phải bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu thi đua để tạo ra sức mạnh tập trung, giải pháp hiệu quả thúc đẩy phong trào thi đua.

2. Đối tượng

Là các tập thể, cá nhân đang công tác, lao động và học tập trên tất cả các lĩnh vực thuộc ngành tài nguyên và môi trường, là những nhân tố mới, những điển hình xuất sắc, tiêu biểu qua các phong trào thi đua; được tập thể thừa nhận, suy tôn; có tác dụng cổ vũ, lôi cuốn, nêu gương.

3. Tiêu chí chung

Gương điển hình tiên tiến phải là những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong lao động sản xuất, học tập, công tác; là nhân tố nổi trội, dẫn đầu trong các phong trào thi đua; gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành tài nguyên và môi trường.

3.1. Đối với tập thể đạt các tiêu chí:

- Sáng tạo, vượt khó, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

- Có phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả gắn với nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị và của Ngành.

- Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cắt bỏ các thủ tục rườm rà trong giải quyết công việc; phục vụ tốt lợi ích của nhân dân, doanh nghiệp.

- Chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy định văn hóa công sở và nội quy của cơ quan, đơn vị.

- Nội bộ đoàn kết, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác.

- Trong giai đoạn bình xét, liên tục các năm đều đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”; có nhân tố mới, mô hình mới; dẫn đầu trong phong trào thi đua, được tập thể thừa nhận, suy tôn.

3.2. Đối với cá nhân đạt các tiêu chí:

- Sáng tạo, vượt khó, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

- Có sáng kiến trong công tác, lao động, sản xuất; đổi mới sáng tạo trong xây dựng chính sách, thể chế, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin… để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

- Tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

- Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; có tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, tương trợ; có đạo đức, lối sống lành mạnh.

- Trong giai đoạn bình xét, liên tục các năm đều được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở” (ưu tiên những cá nhân được công nhận danh hiệu cao hơn).

Đối với cá nhân là lãnh đạo thủ trưởng đơn vị: ngoài các tiêu chí nêu trên, đơn vị phải là tập thể điển hình tiên tiến.

III. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 2021 - 2023

Quý III năm 2021, căn cứ điều kiện, bối cảnh cụ thể, các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2023 và đăng ký dự kiến số lượng điển hình tiên tiến để nuôi dưỡng, phát triển, xây dựng điển hình. Trong kế hoạch cần xác định rõ các giải pháp thực hiện, trách nhiệm của tổ chức đảng và chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động bồi dưỡng điển hình, công tác tuyên truyền, công tác biểu dương khen thưởng, chế độ thông tin báo cáo.

Từ Quý IV năm 2021 đến hết năm 2022, tổ chức thực hiện kế hoạch, thực hiện các giải pháp phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến.

Quý I và II năm 2023, tiến hành sơ kết đánh giá kết quả các phong trào thi đua và công tác phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến ở cấp cơ sở, cấp đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quý III và IV năm 2023, sơ kết đánh giá kết quả các phong trào thi đua và công tác phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến của ngành tài nguyên và môi trường. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ lựa chọn những gương điển hình xuất sắc, tiêu biểu để quyết định công nhận, biểu dương.

2. Giai đoạn 2023 - 2025

Quý I năm 2024, trên cơ sở những đánh giá trong sơ kết các phong trào thi đua và công tác phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến giai đoạn 2021-2023, các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch chi tiết của giai đoạn 2023-2025 nhằm điều chỉnh, bổ sung các nội dung, nhất là các giải pháp và hoạt động để phát huy những ưu điểm, khắc phục nhược điểm để tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thực hiện các phong trào thi đua và công tác phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến.

Từ Quý II năm 2024 đến hết Quý I năm 2025, tiếp tục thực hiện các nội dung, giải pháp của kế hoạch giai đoạn 2023-2025; rà soát, tổ chức bình xét, công nhận điển hình tiên tiến cấp cơ sở, đề nghị Bộ công nhận điển hình tiên tiến ngành tài nguyên và môi trường.

Quý II năm 2025, tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến cấp đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quý III năm 2025, Đại hội thi đua yêu nước ngành tài nguyên và môi trường lần thứ V tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ kế hoạch này, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện ở đơn vị, đồng thời lập danh sách đăng ký xây dựng điển hình tiên tiến kèm theo kế hoạch của đơn vị gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/9/2021.

2. Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch này; phối hợp với các cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin để giới thiệu, cổ vũ, nhân rộng các mô hình, gương điển hình xuất sắc tiêu biểu; tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, khen thưởng biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, sáng tạo, hiệu quả.

3. Kinh phí thực hiện kế hoạch được sử dụng từ Quỹ thi đua, khen thưởng cùng cấp, phù hợp các quy định hiện hành.

4. Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Báo Tài nguyên và Môi trường, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Cổng Thông tin điện tử của Bộ, các bản tin và trang tin điện tử của các đơn vị mở các chuyên trang, chuyên mục phổ biến kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền) để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- HĐTĐKT Trung ương (để báo cáo);
- Ban TĐKT Trung ương (để báo cáo);
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở TN&MT;
- Các thành viên Hội đồng TĐKT Bộ;
- Báo TNMT, Tạp chí TNMT, Cổng TTĐT Bộ;
- Lưu: VT, TĐKTTT. Thi

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Phương Hoa