Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
TIỂU BAN TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/KH-TBTT

Hà Nội, ngày 02 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRONG THỜI GIAN TỚI

Thời gian gần đây, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với nhiều chuỗi lây nhiễm cộng đồng, số ca mắc và các ca tử vong tăng cao ở một số tỉnh phía Nam. Ngày 22/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1099/CĐ-TTg yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch, với sự chi viện của các lực lượng quân đội, công an, y tế từ trung ương và các địa phương trên cả nước.

Tiểu ban Truyền thông, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 được thành lập theo Quyết định số 1438/QĐ-TTg ngày 25/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, có nhiệm vụ: “Chỉ đạo và hướng dẫn việc cung cấp thông tin bảo đảm thống nhất, kịp thời chính xác; chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch COVID-19; phát huy hiệu quả các công cụ công nghệ thông tin để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19”.

Nhằm tăng cường hiệu quả trong phối hợp chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, Tiểu ban Truyền thông, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 xây dựng Kế hoạch thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19, trước mắt tập trung tuyên truyền công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Huy động các lực lượng truyền thông (báo chí, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, trang tin điện tử, mạng xã hội, mạng viễn thông, các công nghệ hỗ trợ rà quét, phân tích, điều tiết xu hướng thông tin...) để tạo đồng thuận, đoàn kết toàn dân chống dịch, tin tưởng ủng hộ các giải pháp mạnh, tăng cường của Chính phủ, phát hiện kịp thời các vấn đề nảy sinh để giải quyết và tham mưu giải quyết, kiến nghị những giải pháp mới nhằm sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường; đấu tranh, phản bác kịp thời các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch COVID-19; cung cấp thông tin thống nhất, kịp thời, chính xác, nhất là các thông tin thiết thực, giúp nhân dân đảm bảo sinh hoạt thiết yếu, được chăm sóc sức khoẻ, không gây hoang mang, lo lắng nhưng cũng không gây tâm lý chủ quan trước dịch bệnh COVID-19.

2. Báo chí, truyền thông trực tiếp tham gia chống dịch, lấy việc thông tin, hướng dẫn, góp ý giải pháp chống dịch hiệu quả, ổn định đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân làm mục tiêu lớn nhất của công tác báo chí - truyền thông. Đẩy mạnh truyền thông về các mô hình, giải pháp y tế phòng, chống dịch, về điều trị cho người nhiễm bệnh (hoạt động của tổ COVID-19 cộng đồng, đội y tế lưu động test nhanh COVID-19, phát thuốc điều trị, thuốc điều trị cho người mới nhiễm để không trở nặng dẫn đến tử vong, việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận, phân phối, mua và sử dụng vắc-xin...).

3. Thông tin trung thực, khách quan, xây dựng và có trách nhiệm, giúp trung ương và địa phương điều hành, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong công tác phòng, chống dịch; giảm thiểu tác động tiêu cực đến hình ảnh và môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam.

4. Thông tin, tuyên truyền cân bằng, kịp thời, đúng bản chất, dễ hiểu đối với các quyết sách và các giải pháp mới của các ngành, các cấp (đặc biệt là các giải pháp mới về y tế, về đảm bảo lương thực, thực phẩm, an sinh xã hội) nhằm ngăn chặn và đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh; tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế về các biện pháp, kỹ năng phòng, chống dịch.

5. Thông tin cân đối về công tác phòng, chống dịch của các địa phương, của Việt Nam và thế giới phù hợp với diễn biến dịch bệnh và mục tiêu của công tác phòng, chống dịch theo từng giai đoạn.

6. Các tỉnh, thành phố, bộ, ngành thống nhất trong phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, cả về nội dung và tần suất, tùy theo yêu cầu và diễn biến của công tác phòng, chống dịch.

Mỗi địa phương, tùy tình hình phải xây dựng “kịch bản truyền thông”, trong đó lưu ý việc dự báo và đón bắt tâm lý của người dân để truyền thông sớm, truyền thông chủ động và hiệu quả, tránh bị động, lúng túng. Chọn lọc lắng nghe ý kiến đóng góp từ báo chí, truyền thông phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

7. Các yêu cầu truyền thông phù hợp với từng giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19, cụ thể:

a) Giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội:

- Các cơ quan báo chí, truyền thông “CHỦ ĐỘNG - CHÍNH XÁC - TRÁCH NHIỆM”, tuyên truyền để người dân “KHÔNG HOANG MANG - TIN TƯỞNG - ỦNG HỘ” đối với các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, với mục tiêu lớn là AN DÂN, để người dân được AN TOÀN.

b) Giai đoạn trong trạng thái “bình thường mới”:

- Các cơ quan báo chí, truyền thông “TÍCH CỰC - TRUYỀN CẢM HỨNG”, tuyên truyền để người dân KHÔNG CHỦ QUAN khi dịch bệnh được kiểm soát, luôn đề cao, cảnh giác; tăng cường hướng dẫn người dân về các kỹ năng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tạo thói quen phòng, chống dịch; truyền cảm hứng để người dân SÁNG TẠO, có nhiều ý kiến đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua, khích lệ các sáng kiến, giải pháp mới trong lao động sản xuất, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc sau dịch bệnh COVID-19.

Khuyến khích cơ quan báo chí, truyền thông có các thông điệp, nhằm tăng hiệu quả tuyên truyền, vận dụng linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn, tình hình trong thời gian tới (“Ai ở đâu, ở yên đó”, “Ở nhà cho y, bác sĩ về nhà”, “Cảm ơn các bạn luôn ở tuyến đầu vì chúng tôi”, “Mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”, “Vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”, “Hãy tiêm vắc-xin khi đến lượt để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng”…).

II. NỘI DUNG, KẾ HOẠCH CỤ THỂ

Bên canh việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đối với công tác truyền thông, các cơ quan báo chí, truyền thông và công nghệ cần thực hiện tốt những nội dung và yêu cầu sau:

1. Báo chí, Truyền thông

- Tuyên truyền nổi bật các chỉ đạo, giải pháp, hoạt động chống dịch của Chính phủ, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương; nỗ lực chăm lo đời sống của người dân trong và sau thời gian thực hiện giãn cách, đặc biệt tầng lớp người nghèo, người lao động tự do...

- Tăng cường thông tin hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, như: thực hiện giãn cách, đảm bảo phòng, chống dịch trong sinh hoạt hàng ngày, tự theo dõi, cách ly, điều trị tại nhà; các kỹ năng bảo vệ sức khỏe sau dịch bệnh.

- Tập trung thông tin về những nỗ lực trong công tác điều trị và các kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào điều trị, các loại thuốc hỗ trợ điều trị đang phát triển và thử nghiệm thành công trong nước; tiến độ tiếp nhận, phân phối, sử dụng và tiêm vắc-xin đảm bảo an toàn, công khai, minh bạch và miễn phí; tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước.

- Duy trì lượng thông tin phù hợp về hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, công nghệ, đầu tư, xuất nhập khẩu.

- Tăng cường thông tin phổ biến kiến thức hữu ích phục vụ độc giả, khán thính giả, giúp họ định hướng cuộc sống và công việc.

- Tăng cường đấu tranh phản bác các hành vi đưa tin sai lệch, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam.

- Các mạng xã hội trong nước, trang tin điện tử tổng hợp tham gia tích cực vào việc lan toả các thông tin hữu ích, thiết thực giúp các ngành, các cấp và người dân chống dịch hiệu quả, biết cách làm cụ thể để đảm bảo được các nhu cầu thiết yếu về ăn uống, sinh hoạt, giữ gìn sức khoẻ, tự bảo vệ bản thân và gia đình. Tăng cường hỗ trợ sử dụng các nền tảng ứng dụng zalo, viber... thông báo rộng rãi, ngắn gọn các chính sách để giúp người dân yên tâm thực hiện.

- Có giải pháp huy động các “KOLs”, đặc biệt là những tài khoản mạng xã hội có ảnh hưởng tốt trong giới báo chí, truyền thông cùng tham gia chia sẻ những quan điểm, góc nhìn, cách làm có tác động tích cực đến hiệu quả chung của công tác phòng, chống dịch.

- Dùng những cơ chế phối hợp đặc biệt với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, bao gồm cả các biện pháp kỹ thuật để xử lý, bóc gỡ triệt để tin giả, tin xuyên tạc, bóp méo các quan điểm, phương pháp chống dịch, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhân dân và ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chống dịch, ổn định xã hội.

2. Thông tin cơ sở

- Trong tình hình giãn cách xã hội, cần ưu tiên các phương tiện, phương thức truyền thông chính sách nhanh và tốt nhất đến người dân, đặc biệt là dân nghèo, người nhập cư khu ven đô (không tivi, không điện thoại thông minh, chính quyền khó quản lý...). Vì vậy, sử dụng hệ thống loa truyền thanh, hệ thống loa di động... để thông báo ngắn gọn các chính sách, đặc biệt là các thông tin, chính sách cụ thể giúp an dân (như: lịch chuyển, cách chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm, thuốc đến người dân, các biện pháp chăm sóc F0 ở nhà, các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng xã, phường...).

- Sử dụng, khôi phục, trang bị thêm hệ thống truyền thanh cơ sở, kể cả ở các đô thị lớn để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch.

- Tăng cường tuyên truyền những giải pháp, cách làm hay, sáng kiến, sáng tạo đạt hiệu quả của chính quyền, ngành y tế, các lực lượng tham gia chống dịch, doanh nghiệp và người dân trong phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

3. Thông tin đối ngoại

Tập trung thông tin, tuyên truyền trên báo chí bằng tiếng nước ngoài (và thông qua cả các cơ quan báo chí, thông tấn nước ngoài) về những biện pháp quyết liệt của Chính phủ Việt Nam, của các địa phương nhằm kiểm soát thành công sự lây lan của dịch bệnh, giảm thiểu các ca tử vong, điều trị thành công cho các bệnh nhân COVID-19; tăng cường thông tin cho người nước ngoài tại Việt Nam để họ hiểu, thực hiện và không gặp nhiều khó khăn trong công việc, giải quyết được các nhu cầu thiết yếu và chăm sóc sức khoẻ. Nêu bật các kết quả tích cực trong công tác kiểm soát dịch, giảm tỷ lệ tử vong ở Việt Nam, cũng như những khó khăn cần sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ngoại giao vắc-xin.

Tạo điều kiện để báo chí quốc tế tiếp cận thực địa ngay khi tình hình đã được kiểm soát, cho kết quả ban đầu tốt.

4. Viễn thông

Tiếp tục thực hiện việc nhắn tin SMS, gửi thông điệp qua nhạc chờ và qua các hình thức khác đối với người dân khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội để gửi các thông tin, khuyến cáo ngắn gọn, quan trọng cần người dân biết và tuân thủ thực hiện.

5. Công nghệ thông tin - An toàn thông tin

Tổ chức tốt việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ tập hợp, phân tích, đánh giá tình hình công tác phòng chống dịch, “lắng nghe” các ý kiến phản hồi, phản biện về các biện pháp, chiến thuật chống dịch cụ thể cần có điều chỉnh để phù hợp tình hình thực tế. Tổng hợp có chọn lọc các ý kiến, kiến nghị của nhân dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, bà con Việt kiều ở nước ngoài để cung cấp cho báo chí, truyền thông và tham mưu điều chỉnh chính sách, chiến thuật, giải pháp chống dịch.

Theo dõi thông tin trên báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, thống kê các dòng thông tin chính trong từng giờ, từ đó xác định sớm các dòng thông tin, các hướng khai thác thiếu tích cực, không có lợi chung để góp ý điều chỉnh ngay. Xác định được các xu hướng thông tin đang “nóng” hàng giờ để điều chỉnh, có phương án sử dụng truyền thông, báo chí để định hướng ngay; xác định xu hướng hoặc dòng thông tin tích cực trên mạng xã hội để báo chí lan toả.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập Tổ công tác có trách nhiệm tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng Tiểu ban Truyền thông, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Trưởng Tiểu ban Truyền thông.

2. Các cơ quan báo chí cử đại diện lãnh đạo tham gia đầy đủ các cuộc giao ban về phòng chống dịch để cùng đóng góp ý kiến và bàn, thực hiện các giải pháp thông tin, tuyên truyền, giúp tối ưu hoá các biện pháp, giải pháp cụ thể phòng chống dịch và đảm bảo lương thực, thực phẩm cho nhân dân, đặc biệt khi tình hình đòi hỏi phải có sự điều chỉnh kịp thời.

3. Các đơn vị quản lý nhà nước thuộc khối báo chí - truyền thông và ứng dụng công nghệ, an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ tại chỗ với các cơ quan, đầu mối các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan để hỗ trợ công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để thu thập, phân tích và điều hướng thông tin.

4. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, các cơ quan báo chí phối hợp với Bộ Y tế tăng cường sản xuất và phát sóng, đăng phát các video clip, áp-phích (poster) tuyên truyền, clip âm thanh hướng dẫn các kỹ năng sống an toàn trong mùa dịch, các chương trình phổ biến kiến thức cho nhân dân, đặc biệt là các clip hướng dẫn đến người dân như chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại nhà...; Tổ chức nhiều chương trình trò chuyện trực tiếp, trực tuyến để nắm bắt tâm tư, tình cảm, yêu cầu, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đối với Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch, đảm bảo sức khoẻ, tính mạng và an sinh xã hội; tăng cường các chương trình giải trí lành mạnh, hấp dẫn để nâng cao đời sống tinh thần nhân dân trong mùa dịch và trong vùng có dịch.

5. Đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền theo Kế hoạch số 3235/KH-BTTTT ngày 23/8/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tùy theo tình hình, Tiểu ban Truyền thông sẽ ban hành các Kế hoạch truyền thông phù hợp để thực hiện.

Yêu cầu các Thành viên Tiểu ban, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này. Trong thời gian thực hiện, cần chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, chủ động báo cáo Trưởng Tiểu ban xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng (để b/c);
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19;
- Các Tiểu ban thuộc BCĐ Quốc gia;
- Các thành viên Tiểu ban Truyền thông;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Các Thứ trưởng Bộ TTTT;
- Bộ TTTT: Văn phòng, Vụ Pháp chế, các Cục: BC, PTTH&TTĐT, THH, TTĐN, VT, TTCS, ATTT;
- Sở TTTT các tỉnh, thành phố;
- Các cơ quan báo chí;
- Lưu: VT, VP, TBTT, CBC (120).

TRƯỞNG TIỂU BAN




BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN
VÀ TRUYỀN THÔNG
Nguyễn Mạnh Hùng