Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/KH-BTNMT

Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ VI PHẠM VỀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI GIAI ĐOẠN ĐẾN 2020

Thực hiện Quyết định số 1675/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kế hoạch thực hiện Đề án như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường phát hiện và xử lý dứt điểm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai nhằm chấn chỉnh, tăng cường quản lý nhà nước về đất đai; góp phần nâng cao hiệu lực pháp luật đất đai, ngăn chặn, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật đất đai trên phạm vi cả nước, cụ thể gồm:

- Tăng cường năng lực cho hệ thống tổ chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai;

- Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trên phạm vi cả nước đối với một số loại đối tượng chủ yếu đang có nhiều vi phạm, gây bức xúc, tác động tiêu cực đến quản lý nhà nước về đất đai;

- Thông qua việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai để tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đất đai trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân; rà soát đánh giá hệ thống pháp luật đất đai và đánh giá tình hình chấp hành pháp luật đất đai; đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật và các biện pháp tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.

2. Phạm vi thực hiện

Đề án được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước.

II. NỘI DUNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Thực hiện các công việc chuẩn bị triển khai Đề án

a) Xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án ở các cấp:

Các Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ vào Kế hoạch này và Quyết định số 1675/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án cụ thể ở địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trước ngày 15 tháng 12 năm 2016.

b) Xây dựng, phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện Đề án:

- Tổng cục Quản lý đất đai xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Đề án đối với các nhiệm vụ do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện trình Bộ trưởng phê duyệt trước ngày 15 tháng 11 năm 2016;

- Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Đề án đối với các nhiệm vụ do địa phương chủ trì thực hiện trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trong Quý IV năm 2016.

c) Tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Đề án, gắn với việc tập huấn nâng cao nhận thức chính sách pháp luật đất đai và nội dung thanh tra, kiểm tra trong năm 2016-2017.

- Địa điểm: dự kiến tại tỉnh Bắc Ninh;

- Thời gian; dự kiến trong Quý IV năm 2016;

- Chủ trì Hội nghị: Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Thành phần dự hội nghị: Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có liên quan; đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án

2.1. Tăng cường năng lực cho các cơ quan thanh tra chuyên ngành về đất đai:

a) Đối với cơ quan Trung ương: kiện toàn tăng cường năng lực cho Cục Kiểm soát Quản lý và sử dụng đất đai trực thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, gồm các công việc sau:

- Tăng cường năng lực cán bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đất đai:

+ Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về thanh tra, cấp thẻ công chức thanh tra chuyên ngành và trang phục thanh tra cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra đất đai của Cục Kiểm soát Quản lý và sử dụng đất đai. Thời gian thực hiện trong 2 năm 2017 - 2018;

+ Tập huấn nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật đất đai cho cán bộ tham gia thực hiện thanh tra đất đai của các đơn vị trực thuộc Tổng cục Quản lý đất đai và các Sở Tài nguyên và Môi trường. Thời gian thực hiện hàng năm gắn với tập huấn nội dung thanh tra trong từng năm.

- Mua sắm trang thiết bị cho thực hiện nhiệm vụ của Đề án gồm:

+ Thiết bị phục vụ cho các đoàn thanh tra, kiểm tra: máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số, ổ cứng ngoài, máy ghi âm;

+ Thiết bị chuyên dùng và phần mềm phục vụ việc tiếp nhận, tổng hợp, theo dõi xử lý thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về tình hình vi phạm pháp luật đất đai (có đủ các chức năng nghe, ghi âm và tổng hợp lưu giữ cuộc gọi trên máy tính), gồm: Máy chủ, điện thoại IP Phone, thiết bị Gateway 8 cổng FXS

+ Thiết bị tăng cường năng lực cho hoạt động của Cục phục vụ thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra: Máy tính, máy in laze, máy fax, máy scan, máy chiếu.

Thời gian thực hiện trong năm 2017

b) Đối với địa phương: thực hiện kiện toàn tăng cường năng lực cho Thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường, cơ quan thanh tra trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã. Căn cứ vào các nội dung công việc kiện toàn, tăng cường năng lực cho Cục Kiểm soát Quản lý và sử dụng đất đai đã được nêu tại Điểm a Khoản này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, rà soát đánh giá tình hình năng lực của từng cơ quan thực hiện thanh tra chuyên ngành về đất đai ở địa phương để xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện việc kiện toàn, tăng cường cán bộ, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, mua sắm trang thiết bị cho các cơ quan nêu trên phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

2.2. Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai:

a) Cơ quan quản lý đất đai các cấp ở Trung ương, tỉnh, huyện cần thiết lập, công bố rộng rãi và thông báo thường xuyên về đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

b) Yêu cầu tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh vi phạm pháp luật đất đai:

- Việc tiếp nhận thông tin phản ánh phải theo nhiều hình thức: điện thoại, thư điện tử, qua đường bưu điện;

- Phải có cán bộ thường trực tiếp nhận thông tin phản ánh;

- Phải xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của từng cơ quan quản lý đất đai các cấp;

- Mọi thông tin phản ánh tiếp nhận phải được ghi vào sổ sách để theo dõi, đôn đốc thực hiện;

- Các thông tin phản ánh rõ nội dung sai phạm và có địa chỉ rõ ràng đều phải được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra để giải quyết triệt để theo đúng quy định của pháp luật đất đai;

- Kết quả giải quyết các thông tin phản ánh phải được tổng hợp gửi về cơ quan tiếp nhận thông tin để theo dõi, tổng hợp báo cáo. Các Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả tiếp nhận, giải quyết các thông tin phản ánh vi phạm pháp luật đất đai ở địa phương gửi về Tổng cục Quản lý đất đai trước ngày 30 tháng 11 hàng năm để tổng hợp báo cáo.

- Thời gian thực hiện liên tục, từ năm 2016 đến năm 2020.

c) Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì thực hiện:

- Thông báo lại trên các phương tiện thông tin đại chúng về đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai trong trường hợp cần thiết.

- Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các thông tin do Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận chuyển về địa phương để giải quyết;

- Thanh tra, kiểm tra đột xuất để chỉ đạo, giải quyết đối với các vụ việc phức tạp, nổi cộm.

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, chỉ đạo việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh vi phạm pháp luật đất đai tại địa phương bảo đảm yêu cầu quy định tại Điểm b Khoản này.

2.3. Tổ chức thanh tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai

Đề án sẽ thực hiện việc thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai thống nhất trên phạm vi cả nước theo từng chuyên đề mỗi năm, cụ thể như sau:

2.3.1. Đối tượng, nội dung thanh tra

a) Năm 2016, 2017:

Theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2016 sẽ thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp huyện, xã; năm 2017 sẽ thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai của các cấp.

Tổng cục Quản lý đất đai và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình thực hiện thanh tra trong năm 2016 để quyết định phạm vi, địa bàn thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp huyện, xã theo yêu cầu của Đề án và thực hiện lồng ghép với thanh tra thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trong năm 2017.

Nội dung, đối tượng thanh tra cụ thể:

- Thanh tra việc thực hiện các nội dung nhiệm vụ quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân cấp huyện; trọng tâm là các việc: lập, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân; thực hiện trách nhiệm kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về đất đai của người sử dụng đất tại địa phương;

- Thanh tra việc thực hiện các nội dung nhiệm vụ quản lý, sử dụng đất đai của Ủy ban nhân dân cấp xã; trọng tâm là các nội dung: quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp dành cho công ích của xã; tham gia thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân; việc thực hiện trách nhiệm kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai của người sử dụng đất tại địa phương;

- Thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai của các cấp, trọng tâm là các thủ tục: thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (kể cả thông qua đấu giá); đăng ký lần đầu và đăng ký biến động đất đai, cấp Giấy chứng nhận đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 đến thời điểm thanh tra.

b) Năm 2018; thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế;

c) Năm 2019: thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai; trọng tâm là việc giao đất, cho thuê đất, nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất; việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất tại các cơ sở này;

d) Năm 2020: thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa trên phạm vi cả nước; trọng tâm là việc quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa; việc thực hiện các quy định về điều kiện khi thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang mục đích khác; việc thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất có nguồn gốc từ đất trồng lúa.

2.3.2. Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì thực hiện các công việc:

a) Tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên môn và đánh giá kết quả thực hiện hàng năm trên phạm vi cả nước, gồm:

- Hội nghị tập huấn nội dung thanh tra, kiểm tra năm 2016 - 2017 và tập huấn nâng cao nhận thức chính sách pháp luật đất đai: (tổ chức gắn với hội nghị triển khai thực hiện Đề án);

- Hội nghị đánh giá kết quả thanh tra năm 2016 - 2017 và tập huấn thực hiện nội dung thanh tra năm 2018 gắn với tập huấn nâng cao nhận thức chính sách pháp luật đất đai: tổ chức tại tỉnh Ninh Bình, thời gian trong Quý I, năm 2018;

- Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án trong năm 2018 và tập huấn thực hiện nội dung thanh tra của năm 2019 gắn với tập huấn nâng cao nhận thức chính sách pháp luật đất đai: tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa, trong Quý I năm 2019;

- Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án trong năm 2019 và tập huấn thực hiện nội dung thanh tra của năm 2020 gắn với tập huấn nâng cao nhận thức chính sách pháp luật đất đai: tổ chức tại tỉnh Nam Định, trong Quý I, năm 2020;

Thành phần dự hội nghị gồm cán bộ tham gia chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, thực hiện thanh tra theo Đề án của các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dự kiến mỗi tỉnh 03 người).

b) Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thanh tra tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:

- Năm 2016, 2017: thực hiện thanh tra tại 08 tỉnh, trong đó:

+ Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp huyện, xã tại 03 tỉnh (mỗi tỉnh thanh tra 01 đơn vị cấp huyện và 2 đơn vị cấp xã trực thuộc), gồm: Phú Thọ (thành phố Việt Trì), Hà Tĩnh (thị xã Hồng Lĩnh), Khánh Hòa (thành phố Nha Trang). Riêng các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và An Giang sẽ kế thừa kết quả thanh tra trong năm 2016 để tổng hợp, đánh giá và báo cáo;

+ Thanh tra thực hiện thủ tục hành chính về đất đai tại 05 tỉnh, thành phố; mỗi tỉnh, thành phố thanh tra thủ tục hành chính do cấp tỉnh và 02 đơn vị cấp huyện thực hiện, gồm: Vĩnh Phúc (thành phố Vĩnh Yên và huyện Vĩnh Tường), Hà Nội (quận Hoàng Mai và huyện Thạch Thất), Thanh Hóa (thị xã sầm Sơn và huyện Quảng Xương), Gia Lai (thành phố PleiKu, huyện Chư Prông), Bà Rịa - Vũng Tàu (thành phố Bà Rịa và huyện Xuyên Mộc). Riêng tỉnh Bến Tre sẽ kế thừa kết quả thanh tra, kiểm tra trong năm 2016 để tổng hợp, đánh giá và báo cáo.

- Năm 2018: thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế tại 06 tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bình Định, Đồng Nai, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh (mỗi tỉnh thanh tra 3 khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế có dấu hiệu vi phạm);

- Năm 2019: thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai tại 06 tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Nghệ An, Bình Dương và Tây Ninh (mỗi tỉnh thanh tra 06 cơ sở sản xuất kinh doanh);

- Năm 2020: thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa tại 06 tỉnh: Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Long An và Hậu Giang.

Đối tượng thực hiện thanh tra cụ thể trong các năm 2018, 2019 và 2020 do Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để đề xuất danh sách gửi về Tổng cục Quản lý đất đai trước ngày 15 tháng 8 của năm trước năm thực hiện thanh tra.

c) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hàng năm việc thực hiện kết luận thanh tra của Tổng cục Quản lý đất đai đã thực hiện tại các tỉnh từ năm 2013 đến trước năm kiểm tra (trừ các kết luận thanh tra đã có báo cáo kết quả hoặc đã kiểm tra thực hiện kết luận).

d) Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện hàng năm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó:

- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc hàng năm việc thực hiện các nội dung của Đề án trong năm, mỗi năm kiểm tra tại khoảng 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho các vùng;

- Tổng hợp báo cáo kết quả kiện toàn, tăng cường năng lực cho các cơ quan thực hiện thanh tra chuyên ngành về đất đai của cả nước (vào tháng 12 năm 2018) và tổng hợp, báo cáo kết quả thanh tra hàng năm của cả nước gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.

đ) Thực hiện việc công khai kết quả thanh tra theo quy định của pháp luật thanh tra.

2.3.3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (kể cả các tỉnh mà Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện thanh tra) tổ chức chỉ đạo thực hiện các công việc sau:

a) Tổ chức thanh tra hàng năm về các nội dung, đối tượng như sau:

- Năm 2016, 2017: thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp huyện, xã và việc thực hiện các loại thủ tục hành chính về đất đai ở các cấp từ ngày 01/7/2014 đến thời điểm thanh tra; trong đó:

+ Cấp tỉnh thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp huyện, xã và việc thực hiện các loại thủ tục hành chính về đất đai đối với các hộ gia đình, cá nhân tại 05 đơn vị cấp huyện và 02 đơn vị cấp xã trực thuộc huyện thanh tra.

Ngoài ra, thanh tra việc thực hiện các loại thủ tục hành chính về đất đai do Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan ở cấp tỉnh thực hiện;

+ Ủy ban nhân dân cấp huyện thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với tối thiểu 05 đơn vị cấp xã thuộc mỗi huyện.

- Năm 2018: thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đối với khu kinh tế và 02 khu công nghiệp (nếu có), 02 cụm công nghiệp ở địa phương, trong đó chú trọng các khu, cụm công nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai;

- Năm 2019: thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại khoảng 20 cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu, cụm công nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai;

- Năm 2020: thanh tra việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cấp tỉnh và 05 huyện trực thuộc.

b) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hàng năm việc thực hiện các kết luận thanh tra về đất đai đã thực hiện ở các cấp từ năm 2013 đến trước năm kiểm tra (trừ các kết luận thanh tra đã có báo cáo kết quả hoặc đã kiểm tra thực hiện kết luận).

c) Tổng hợp báo cáo kết quả kiện toàn, tăng cường năng lực cho các cơ quan thực hiện thanh tra chuyên ngành về đất đai ở địa phương gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 10 năm 2018.

d) Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện thanh tra hàng năm gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 11 hàng năm.

đ) Thực hiện việc công khai kết quả thanh tra theo quy định của pháp luật thanh tra.

2.4. Đánh giá và đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai

Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì thực hiện các công việc sau:

a) Tổng hợp, báo cáo về những tồn tại, vướng mắc phát hiện trong quá trình thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai và đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai:

- Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương báo cáo hàng năm về những tồn tại, vướng mắc về chính sách pháp luật đất đai trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương phát hiện trong thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai;

- Tổng hợp hàng năm về những tồn tại, vướng mắc của chính sách pháp luật đất đai trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương phát hiện trong thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai;

- Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện các nghị định và thông tư quy định chi tiết thi hành Luật đất đai trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương phát hiện trong thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai;

- Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai. Thời gian thực hiện từ năm 2018 đến năm 2019.

b) Tổ chức các cuộc Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia và cơ quan quản lý đất đai các tỉnh, thành phố (dự kiến 02 cuộc tại 02 vùng trong năm 2019).

c) Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và Thông tư hướng dẫn Nghị định sửa đổi (nếu có). Thời gian thực hiện trong năm 2019.

3. Tổng kết Đề án

3.1. Tổng kết thực hiện Đề án tại các địa phương:

- Thời gian dự kiến: trước tháng 12 năm 2020;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng báo cáo và tổ chức tổng kết thực hiện Đề án tại địa phương.

3.2. Tổng kết thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước:

- Thời gian dự kiến: Tháng 12 năm 2020;

- Địa điểm dự kiến: tại tỉnh Thái Nguyên;

- Thành phần dự kiến: Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tài chính; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban nhân dân và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì xây dựng báo cáo và tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án của cả nước.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Ngân sách trung ương bố trí hàng năm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ của Đề án do Tổng cục Quản lý đất đai và các cơ quan có liên quan ở Trung ương thực hiện.

2. Ngân sách địa phương bố trí hàng năm bảo đảm yêu cầu thực hiện các nội dung nhiệm vụ của Đề án do Ủy ban nhân dân các cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách.

IV. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì phối hợp với Thanh tra Bộ thực hiện:

- Xây dựng kế hoạch thực hiện; lập dự toán chi tiết cho việc thực hiện các nội dung của Đề án do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện;

- Tổ chức hội nghị triển khai và chỉ đạo, tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nội dung của Đề án theo phân cấp;

- Tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại các điểm: các điểm 2.1.a, 2.2.a, 2.2.b, 2.2.c, 2.3.2 và 2.4 Khoản 2 và Điểm 3.2 Khoản 3 Mục II của Kế hoạch này;

- Theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện hàng năm và báo cáo tổng kết thực hiện Đề án gửi Thủ tướng Chính phủ.

2. Vụ Tổ chức cán bộ hướng dẫn, đề xuất tăng cường cán bộ cho Cục Kiểm soát Quản lý và sử dụng đất đai theo Đề án được duyệt.

3. Vụ Pháp chế phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai trong việc tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai.

4. Vụ Tài chính, Vụ Kế hoạch cân đối bố trí kinh phí hàng năm cho Tổng cục Quản lý đất đai để thực hiện Đề án theo kế hoạch và dự toán được duyệt.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm:

- Phê duyệt, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương cho việc thực hiện các nội dung nhiệm vụ Đề án của địa phương theo phân cấp;

- Chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các nội dung Đề án theo phân cấp quy định tại các điểm: Điểm 2.1.b, 2.2.a, 2.2.b, 2.2.d, 2.3.3 Khoản 2 và Điểm 3.1 Khoản 3 Mục II của Kế hoạch này;

- Thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm việc thực hiện các nội dung Đề án của địa phương gửi về Tổng cục Quản lý đất đai để tổng hợp báo cáo trình Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để hướng dẫn thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Thanh tra Chính phủ;
- Các Thứ trưởng;
- Các Vụ: KH, TC, PC, TCCB, Thanh tra và TCQLĐĐ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Sở TNMT;
- Lưu: VT, VP(TH), TCQLĐĐ.

BỘ TRƯỞNG




Trần Hồng Hà