Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 16 tháng 01 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

LẬP VÀ QUẢN LÝ HÀNH LANG BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Thực hiện Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính Phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh với những nội dung chính như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NHIỆM VỤ

1. Mục đích

- Bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước;

- Phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước;

- Bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước;

- Tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước;

- Chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước được thể hiện trong Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước và là căn cứ để xác định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.

2. Yêu cầu

- Bảo đảm yêu cầu bảo vệ nguồn nước, đồng thời bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan;

- Ranh giới hành lang bảo vệ nguồn nước được thể hiện trên bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác phải đảm bảo việc duy trì, phát triển các chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đã được phê duyệt;

- Việc lập hành lang bảo vệ nguồn nước phải bảo đảm công khai, dân chủ.

3. Nhiệm vụ

- Điều tra, đánh giá hiện trạng sạt lở bờ sông, suối, kênh mương, hồ chứa;

- Đánh giá số lượng, chất lượng của nguồn nước, hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; dự báo xu thế biến động dòng chảy đối với từng nguồn nước;

- Tổng hợp chức năng nguồn nước, phân loại, xác định danh mục nguồn nước phải lập hành lang;

- Xác định danh mục sông, suối, kênh, hồ chứa cần lập hành lang bảo vệ nguồn nước;

- Xác định phạm vi hành lang bảo vệ của từng nguồn nước;

- Đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện cắm mốc hành lang nguồn nước và hướng giải quyết đối với các hoạt động đang tồn tại trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.

II. NỘI DUNG CÔNG TÁC LẬP VÀ QUẢN LÝ HÀNH LANG BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC

Việc lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước được thực hiện theo các bước sau:

1. Thu thập thông tin

- Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội và các đối tượng khai thác, sử dụng nước;

- Đặc điểm địa hình, địa chất, thủy văn, môi trường, sinh thái; diễn biến lòng dẫn, bờ sông, suối, hồ chứa, kênh mương;

- Tài liệu về hiện trạng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch của ngành có liên quan đến nguồn nước.

2. Điều tra, khảo sát thu thập tài liệu, số liệu

- Điều tra, khảo sát thu thập bổ sung tài liệu, số liệu hiện trạng khai thác, sử dụng nước mặt;

- Điều tra, khảo sát thu thập bổ sung tài liệu, số liệu về chất lượng nước, hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của các khu vực ven nguồn nước;

- Điều tra thêm số hộ dân đang sinh sống, các công trình kiến trúc hạ tầng hiện có trong hành lang bảo vệ nguồn nước;

- Điều tra, đánh giá chức năng của các bờ sông, suối, kênh, hồ cần phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước;

- Khảo sát, đo đạc địa hình các sông.

3. Xác định danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ

4. Xác định phạm vi hành lang bảo vệ đối với từng nguồn nước

5. Xây dựng kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước

III. SẢN PHẨM, KẾT QUẢ

1. Báo cáo thuyết minh hành lang bảo vệ nguồn nước

2. Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ

3. Các bản đồ, sơ đồ

- Bản đồ các nguồn nước phải lập hành lang;

- Sơ đồ mặt bằng hành lang bảo vệ từng nguồn nước.

IV. PHẠM VI THỰC HIỆN

Điều tra trên toàn bộ đoạn sông, suối, kênh, hồ chứa trong phạm vi địa giới tỉnh Thừa Thiên Huế.

V. THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 1: Từ tháng 01/2017 đến tháng 3/2017.

- Lập đề cương và dự toán chi tiết trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

2. Giai đoạn 2: Từ tháng 3/2017 đến tháng 9/2017.

- Lập danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và xác định phạm vi hành lang bảo vệ cho từng nguồn nước, trình phê duyệt theo quy định.

- Tổ chức công bố danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo tới UBND các huyện, thị xã, thành phố và niêm yết công khai tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn nơi có nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ;

3. Giai đoạn 3: Từ tháng 9/2017 đến tháng 12/2020.

- Xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước. Tổ chức thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sau khi được phê duyệt.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Giao thông Vận tải và các Sở, ngành có liên quan và các đơn vị sử dụng nguồn nước; UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện việc lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo đúng quy định.

- Chủ trì thực hiện các nội dung trong Kế hoạch liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Lập, tổng hợp kế hoạch và dự toán kinh phí, báo cáo UBND tỉnh;

- Định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch, đề xuất giải quyết những vấn đề phát sinh trong việc thực hiện Kế hoạch về UBND tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện kế hoạch.

3. Các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan trong Kế hoạch; báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch hàng năm cho UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường).

4. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn;

- Phối hợp với tổ chức, cá nhân vận hành hồ chứa trong việc xây dựng phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn và phối hợp thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa sau khi phương án cắm mốc giới được phê duyệt;

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở đô thị, khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác trên địa bàn và phối hợp thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa sau khi phương án cắm mốc giới được phê duyệt.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần thiết phải bổ sung, điều chỉnh các nội dung của Kế hoạch, các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- CVP và các PCVP UBND tỉnh;
- Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, KHĐT, Tài Chính, Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Xây dựng, GTVT;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, CT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ