ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1010/KH-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 3 năm 2018 |
KẾ HOẠCH
THÀNH LẬP TRUNG TÂM AN TOÀN THÔNG TIN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (SOC)
I. MỤC ĐÍCH
- Đảm bảo an toàn thông tin mạng, bảo vệ các hệ thống thông tin và các hệ thống tự động hóa, hệ thống giám sát, điều khiển trong các cơ sở hạ tầng trọng yếu của thành phố, các hệ thống thông tin, dữ liệu tập trung đang được xây dựng trong đề án “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
- Đánh giá rủi ro, giám sát, phát hiện tấn công, cảnh báo sớm, ngăn chặn kịp thời và ứng cứu các sự cố liên quan đến an toàn thông tin cũng như an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu của thành phố.
- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về an toàn thông tin, an toàn cho cách hệ thống tự động hóa, hệ thống giám sát, điều khiển.
- Hỗ trợ kỹ thuật và tham gia ngăn chặn, ứng cứu các sự cố liên quan đến an toàn thông tin, an toàn hệ thống cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
- Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin cho thành phố.
- Hợp tác với các cơ quan, tổ chức an toàn thông tin (ATTT) trong và ngoài nước, hình thành mạng lưới đảm bảo ATTT rộng khắp.
II. CÁC YÊU CẦU ĐỐI VỚI TRUNG TÂM
1. Phạm vi, đối tượng hoạt động:
- Trung tâm là đầu mối tiếp nhận và ứng cứu sự cố an toàn thông tin, an toàn hệ thống cơ sở hạ tầng của thành phố Hồ Chí Minh: các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước, các báo đài thành phố, các hệ thống thông tin của các đơn vị, lĩnh vực, ngành...;
- Đảm bảo cho ATTT cho chương trình Đô thị thông minh: từ hạ tầng thu thập thông tin (sensor, camera...), hạ tầng viễn thông, trung tâm dữ liệu, các cơ sở dữ liệu, các ứng dụng... của các cơ quan doanh nghiệp Tp.HCM
- Tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp, dịch vụ bảo đảm an toàn cho các hệ thống dùng chung, các Trung tâm dữ liệu, Trung tâm giám sát/ điều khiển của thành phố.
- Cung cấp các dịch vụ an toàn thông tin, an toàn hệ thống cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
- Thực hiện nhiệm vụ ATTT cho các địa phương, tỉnh thành khác khi có yêu cầu
- Tham gia hợp tác quốc tế với các tổ chức an toàn thông tin và các Trung tâm ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính (CERT).
Trung tâm An toàn thông tin có nhiệm vụ chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị chức năng theo sự phân công của Sở Thông tin và Truyền thông trong tất cả các hoạt động về An ninh mạng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh với các nhiệm vụ cụ thể như sau:
- Giám sát 24/7, bảo đảm an toàn, an ninh mạng thông tin đối với các hạ tầng CNTT - TT, Hệ thống cơ sở dữ liệu quan trọng, các ứng dụng và dịch vụ công trên nền tảng CNTT - TT cho các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan trực thuộc Bộ, Ngành Trung ương đóng trên địa bàn thành phố.
- Bằng các công cụ kỹ thuật và các biện pháp nghiệp vụ khác thực hiện việc giám sát hoạt động, thực hiện cảnh báo về các sự cố an ninh thông tin trong thời gian thực đối với các đơn vị doanh nghiệp cần bảo vệ. Thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột xuất khi có sự cố về an ninh thông tin cho Sở Thông tin và Truyền thông.
- Sử dụng nguồn lực của mình và huy động nguồn lực xã hội khác chủ trì, phối hợp tham gia ứng cứu xử lý khắc phục sự cố về an ninh thông tin trên địa bàn Thành phố, hoặc trên toàn quốc khi có yêu cầu.
- Chủ động kết nối và thu thập các thông tin về tình hình an ninh thông tin trên Internet, từ các đối tác, nhà cung cấp về các lỗi bảo mật, các thủ đoạn mới, các vũ khí mới, các nguy cơ tiềm ẩn được cảnh báo sớm bởi các tổ chức, đơn vị, chuyên gia nhằm thực hiện các hoạt động đánh giá định kỳ và đột xuất, phản ứng thích hợp trước và khi đang bị tấn công.
- Tổ chức nghiên cứu, sử dụng các môi trường giả lập để đào tạo về an ninh thông tin, đề xuất với Sở Thông tin và Truyền thông các mô hình, yêu cầu, tiêu chí cho các hệ thống, ứng dụng tham gia hạ tầng chung của Tp.HCM.
- Chủ trì và phối hợp tổ chức các hội thảo, diễn đàn, tổ chức diễn tập an ninh thông tin định kỳ và bất thường khi có yêu cầu.
- Tập hợp lực lượng xã hội (Trường, viện, hiệp hội, tổ chức...) trong công tác đảm bảo ATTT.
III. LỘ TRÌNH XÂY DỰNG TRUNG TÂM AN TOÀN THÔNG TIN THÀNH PHỐ
- Nhiệm vụ thực hiện:
Xây dựng đề án thành lập Công ty Cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin thành phố.
Xây dựng Quy chế vận hành của Trung tâm.
Xây dựng Quy chế phối hợp giữa Trung tâm ATTT thành phố với các đơn vị liên quan (Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông, Cục An toàn thông tin, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam,...) về công tác kiểm tra, giám sát an toàn thông tin.
Tuyển dụng, xây dựng lực lượng, nhân sự và vận hành chính thức Trung tâm.
Xác định địa điểm hoạt động của Trung tâm An toàn thông tin thành phố.
- Thời gian hoàn thành:
Hoàn thành Kế hoạch thành lập Trung tâm và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kế hoạch trong tháng 1 năm 2018.
Hoàn thành Đề án thành lập Công ty Cổ phần và trinh Ủy ban nhân dân thành phố trong quý 2 năm 2018 (trong đó có tham mưu về địa điểm hoạt động của Trung tâm).
Hoàn thành Quy chế vận hành Trung tâm An toàn thông tin thành phố và Quy chế phối hợp về công tác kiểm tra, giám sát an toàn thông tin thành phố trong quý 2 năm 2018.
Tuyển dụng, xây dựng lực lượng, nhân sự cho Trung tâm: Quý 2, 3 năm 2018.
Trung tâm An toàn thông tin thành phố vận hành chính thức: Quý 4 năm 2018.
- Nhiệm vụ thực hiện:
Theo dõi giám sát các điểm kết nối, các hệ thống tự động hóa, điều khiển trong các cơ sở hạ tầng trọng yếu (như Hệ thống quản lý nước thông minh, Dự án đường sắt đô thị, Dự án TT Điều khiển Giao thông thông minh, Dự án khu phức hợp khu vực Ba son và hệ thống công nghiệp/ chuyên ngành (nhà máy, cao ốc, trung tâm phức hợp, y tế, giáo dục) gắn liền với các dự án của đề án “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
Đào tạo, hoàn thiện lực lượng của Trung tâm An toàn thông tin.
Hoàn chỉnh và bổ sung các Quy trình giám sát và ứng cứu, thực hiện công tác thu thập thông tin tình báo trên mạng Internet và thông qua các đối tác.
Thực hiện liên tục và nâng cao chất lượng công tác ứng cứu và giám sát không chỉ cho hạ tầng CNTT thành phố mà cho một số hạ tầng khác, địa phương khác và mở rộng phạm vi cho các doanh nghiệp.
- Thời gian hoàn thành: đến hết năm 2020.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn chủ trì xây dựng đề án thành lập công ty cổ phần (trong đó phần vốn góp của nhà nước chiếm từ 51% trở lên vốn điều lệ, với sự tham gia góp vốn của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân) và phương án triển khai xây dựng Trung tâm An toàn thông tin theo Kế hoạch của Thành phố.
2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp nhận những đề xuất hợp tác, chương trình, viện trợ quốc tế hỗ trợ về đầu tư liên quan đến dự án theo quy định.
3. Giao Sở Tài chính phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu:
- Bố trí kinh phí hàng năm trong việc thực hiện duy trì hoạt động của Trung tâm An toàn thông tin thành phố.
- Hướng dẫn sử dụng các nguồn vốn vay và tài trợ.
- Hướng dẫn sử dụng các nguồn tài chính (ngân sách thành phố, quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp) để hoàn thiện phương thức tài chính thực hiện xây dựng Trung tâm.
- Hướng dẫn về các nguồn phí thu cho các loại dịch vụ cung cấp.
4. Giao Sở Thông tin và Truyền thông:
- Tham mưu Quy chế vận hành của Trung tâm An toàn thông tin và Quy chế phối hợp điều hành, giám sát, bảo đảm an toàn thông tin.
- Chủ trì tham mưu thành lập Tổ giúp việc triển khai Kế hoạch thành lập Trung tâm An toàn thông tin Thành phố.
- Chủ trì, tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Kế hoạch 2167/KH-UBND năm 2022 về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 2 Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2022 về đẩy mạnh triển khai hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 3 Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2022 về đẩy mạnh bảo đảm an toàn thông tin mạng và triển khai hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa