Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1037/KH-UBND

An Giang, ngày 09 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG GIAO NỘP VÀ PHÒNG NGỪA, ĐẤU TRANH VỚI TỘI PHẠM, VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ VÀ PHÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG NĂM 2023

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy; Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành tổ chức triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2019; Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo và các văn bản hướng dẫn thi hành bước đầu đã đạt được nhiều kết quả; nhất là công tác tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, góp phần bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến cần phải được quan tâm của các cấp, các ngành, nhất là tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ trên không gian mạng, dịch vụ bưu chính, phương tiện giao thông trở nên khá phổ biến; các đối tượng thường sử dụng sim rác hoặc đăng ký nhiều tài khoản ảo trên các trang, mạng xã hội (Zalo, Facebook...) để hướng dẫn về cách chế tạo, lắp ráp vũ khí và pháo; đối tượng phạm tội tự chế tạo và sử dụng các loại súng tự chế ngày càng nhiều với tính chất liều lĩnh, manh động và nguy hiểm, gây khó khăn cho công tác quản lý, đấu tranh, ngăn chặn của các lực lượng chức năng. Riêng 9 tháng đầu năm 2023, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 19 vụ liên quan 26 đối tượng vi phạm pháp luật về pháo; 24 vụ, 98 đối tượng vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (trong đó: Xử lý hình sự 04 vụ, 06 đối tượng phạm tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng (súng); 12 vụ, 59 đối tượng phạm tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng (súng), công cụ hỗ trợ (dao tự chế, dùi cui điện); qua đó lực lượng đã tiến hành thu giữ nhiều tang vật có liên quan đến vụ việc gây án.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; thực hiện nghiêm túc Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2019; Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và toàn dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

2. Thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn trôi nổi ngoài xã hội, không để tội phạm sử dụng gây án và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra, nhất là tai nạn bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh.

3. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phạm tội vi phạm pháp luật về mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên không gian mạng và ngoài xã hội từ xa, từ sớm đảm bảo an ninh trật tự Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

4. Nâng cao hơn nữa tính chủ động, sáng tạo và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội; nhằm bảo đảm việc tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo được nghiêm túc, đạt hiệu quả.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm Công văn số 1289/UBND-NC ngày 04/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

2. Tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo

a) Nội dung: Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2019; Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo và các văn bản hướng dẫn thi hành; hậu quả, tác hại, những nguy hiểm và hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

b) Biện pháp:

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, hệ thống truyền thanh, truyền hình, panô, áp phích; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu… các quy định của Luật số 14/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số 50/2019/QH14 ngày 25/11/2019); Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo và các văn bản hướng dẫn thi hành; đưa nội dung này vào sinh hoạt các tổ chức chính trị - xã hội, các cuộc sinh hoạt tại cộng đồng cơ sở; tranh thủ người có uy tín tại địa phương, các chức sắc tôn giáo trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động. Tập trung tuyên truyền tại địa bàn trọng điểm còn tồn đọng nhiều vũ khí, vật liệu nổ do chiến tranh để lại và địa bàn phức tạp về an ninh trật tự; đồng bào dân tộc; các cá nhân trước đây được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ nay không thuộc đối tượng được trang bị, sử dụng; tuyên truyền tính nguy hiểm và tác hại của việc tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, từ đó mọi người tự giác phát hiện, tố giác và vận động giao nộp.

- Rà soát, lên danh sách các đối tượng nghi vấn còn tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; các cá nhân còn lưu giữ vũ khí, công cụ hỗ trợ làm kỷ vật; số súng săn trước đây đã trang bị cho các cá nhân sử dụng; đồng bào dân tộc thiểu số còn chế tạo, lưu giữ, sử dụng vũ khí tự chế như: Súng kíp, súng hơi... trong phạm vi từng khóm, ấp, xã, phường, thị trấn để có biện pháp tuyên truyền, vận động giao nộp phù hợp; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền tập trung và tuyên truyền cá biệt. Đối với những đối tượng cố tình không giao nộp thì có biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

- Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hướng tới mục tiêu từng địa bàn, tổ dân phố, khu dân cư, địa bàn cấp xã, cấp huyện không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; duy trì, nhân rộng mô hình, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm hoạt động hiệu quả, phát hiện sớm, giải quyết kịp thời mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân; tổ chức vận động Nhân dân cam kết không sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; kịp thời biểu dương, khen thưởng các mô hình hay, gương người tốt, việc tốt, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện công tác này.

- Tổ chức điểm tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thuận tiện để Nhân dân giao nộp tại trụ sở Công an xã, phường, thị trấn. Sau khi tiếp nhận phải thực hiện tốt công tác phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Riêng vũ khí thô sơ là đồ gia bảo, gia truyền theo phong tục, tập quán thì hướng dẫn Nhân dân khai báo theo đúng quy định của pháp luật.

3. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, về lĩnh vực bưu chính, phục vụ có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên không gian mạng, qua dịch vụ bưu chính; phối hợp các nhà cung cấp dịch vụ yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ tài khoản mạng xã hội, kênh youtube, video quảng cáo mua bán, hướng dẫn, chế tạo vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên không gian mạng.

- Thực hiện tốt công tác quản lý lĩnh vực công nghiệp và thương mại, quản lý địa bàn, chủ động phối hợp lực lượng chức năng có liên quan, tiến hành giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi ph ạm theo quy định của pháp luật.

- Làm tốt công tác quản lý người nước ngoài, kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh, phối hợp liên ngành để trao đổi thông tin, phục vụ kịp thời có hiệu quả công tác kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm đối với các hành vi tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ qua biên giới.

- Tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất trong việc thực hiện công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phép trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; các cơ sở đầu tư kinh doanh ngành nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; rà soát, đánh giá thực trạng tình hình sản xuất, kinh doanh nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở thiếu sót, không để tội phạm lợi dụng hoạt động.

4. Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để tập trung phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở để phát hiện, ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ từ nước ngoài vào Việt Nam; kịp thời phát hiện, đấu tranh xử lý nghiêm các đối tượng, băng nhóm, đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, truy xét nguồn gốc vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ xử lý triệt để.

Thực hiện nghiêm công tác chấp hành pháp luật trong giải quyết tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố; điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

5. Nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án liên quan vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Lựa chọn, xác định các vụ án lớn, trọng điểm, được dư luận quan tâm để kịp thời đưa ra xét xử, phục vụ tích cực, có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông về kết quả xét xử để tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

6. Tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê, sắp xếp theo quy định các kho chứa vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và kho, nơi cất giữ, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là vật chứng vụ án, vụ việc hoặc đã được thu hồi; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có các hành vi vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là hành vi làm mất vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hoặc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ không đúng mục đích.

7. Tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai để kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, những khó khăn, vướng mắc, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Phê bình, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị, địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra vụ việc, đối tượng chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh:

- Chủ trì theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tổng hợp tình hình, kết quả, báo cáo Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và ban, ngành có liên quan triển khai tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tổ chức thực hiện tốt việc tiếp nhận, bảo quản, phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.

- Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồng thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót không để tội phạm lợi dụng để hoạt động phạm tội.

- Huy động lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tăng cường công tác phối hợp với lực lượng chức năng như: Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh với các đường dây, đối tượng có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ở khu vực biên giới; nhất là triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phối hợp số 4708/KHPH ngày 05/12/2022 giữa Công an tỉnh - Bộ đội Biên phòng - Hải quan - Quản lý thị trường tỉnh về công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên tuyến biên giới, không gian mạng, dịch vụ bưu chính, phương tiện giao thông; Kế hoạch phối hợp số 2946/KHPH ngày 07/7/2023 giữa Công an tỉnh - Bộ đội Biên phòng - Hải quan tỉnh về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên tuyến biên giới.

- Phối hợp Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp lựa chọn các vụ án điểm, vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để đưa ra xét xử công khai nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng các tập thể, cá nhân triển khai thực hiện có hiệu quả và phê bình các tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ trong công tác tham mưu, tuyên truyền, vận động, thu gom, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

- Chỉ đạo cơ quan, đơn vị trong lực lượng tổ chức kiểm tra, rà soát các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang bị; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn quản lý chặt chẽ vũ khí, không để tội phạm trộm cắp, lấy cất giấu để sử dụng hoạt động phạm tội. Thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo thẩm quyền.

- Phối hợp với lực lượng Công an thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, thu gom tiếp nhận, phân loại và xử lý các loại vũ khí, vật liệu nổ do cơ quan Công an, các đơn vị, tổ chức, cá nhân giao nộp, làm tốt công tác bảo quản kho vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định. Tổ chức rà soát, thu gom xử lý theo thẩm quyền số bom, mìn, đạn dược, lựu đạn, quả nổ,... trên địa bàn tỉnh.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ở địa bàn biên giới; tổ chức các điểm tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ở các Đồn Biên phòng để Nhân dân giao nộp.

- Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và các Đồn Biên phòng tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang bị; đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên tuyến biên giới. Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu để kịp thời ngăn chặn hoạt động vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ từ phía Campuchia vào tỉnh An Giang.

- Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Hải quan... trong phòng ngừa, đấu tranh với các đường dây, đối tượng có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ở địa bàn biên giới.

4. Sở Công Thương:

- Làm tốt công tác tham mưu về công tác quản lý, kinh doanh, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp Công an tỉnh và các lực lượng chức năng có liên quan tổ chức thanh, kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót liên quan đến lĩnh vực này.

- Làm tốt công tác giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp, công tác tập huấn kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho cơ quan, doanh nghiệp thực hiện công tác quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

5. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn, hệ thống thông tin cơ sở tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động Nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Phối hợp Công an tỉnh triển khai các giải pháp phát hiện, ngăn chặn, thu hồi và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ qua đường bưu điện, dịch vụ chuyển phát nhanh và trên mạng internet.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Báo An Giang: Tăng cường công tác tuyên truyền; kịp thời xây dựng phóng sự, đưa tin tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong cán bộ, Nhân dân về giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp và chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện, các trường phổ thông trung học, trung học cơ sở trên địa bàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tổ chức cho sinh viên, học sinh ký cam kết không vi phạm quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

8. Cục Quản lý thị trường tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các địa bàn, tuyến, khu vực trọng điểm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động vận chuyển, sản xuất, kinh doanh hàng hóa để vận chuyển, sản xuất, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép.

9. Cục Hải quan tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vận chuyển, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ qua cửa khẩu.

10. Sở Tài chính: Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, phối hợp Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch trên cơ sở lồng ghép với các chương trình, dự án và các nguồn hợp pháp khác theo quy định về phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thanh, quyết toán kinh phí theo quy định.

11. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

12. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra các cấp làm tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm đảm bảo đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; lựa chọn các vụ án điểm có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh nhằm tuyên truyền, giáo dục, răn đe tội phạm.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh: Tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ và Nhân dân nơi cư trú tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và tích cực phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

14. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chỉ đạo các ban, ngành, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác vận động toàn dân giao nộp, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thông qua hệ thống loa phát thanh cơ sở; đồng thời, thông báo địa điểm, số điện thoại điểm tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ tại từng xã, phường, thị trấn để Nhân dân biết, liên hệ, giao nộp.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thành lập các điểm tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và bố trí cán bộ thường trực ở từng điểm thích hợp để Nhân dân giao nộp được nhanh chóng, thuận tiện hoặc tố giác các hành vi có liên quan.

- Huy động, bố trí kinh phí và các nguồn lực đảm bảo hỗ trợ cho các đơn vị, địa phương trên địa bàn thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, thu hồi, tiêu hủy và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

- Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác triển khai thực hiện có hiệu quả, phê bình các tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động, thu gom, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh/Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội) trước ngày 15/11/2023 để theo dõi. Định kỳ hàng năm (gửi trước ngày 16/12) báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh/Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội) để theo dõi, tổng hợp.

2. Giao Công an tỉnh chủ trì theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này. Tổng hợp kết quả tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Công an theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ Công an (Cục CSQLHC về TTXH);
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CA tỉnh, TAND tỉnh, VKSND tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, BCH BĐBP tỉnh, Cục Hải quan, Cục QLTT tỉnh;
- Các sở, ban ngành cấp tỉnh;
- Báo An Giang, Đài PT&TH tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đọa VU UBND tỉnh;
- Phòng NC, TH, KTTH;
- Lưu: HCTC, PC06 và PV01-CAT.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Thanh Bình