Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 107/KH-UBND

Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ 10 NĂM THI HÀNH LUẬT THANH NIÊN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Luật Thanh niên; Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23/7/2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên; Công văn số 1982/BNV-CTTN ngày 13/4/2017 của Bộ Nội vụ về việc tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật Thanh niên, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật Thanh niên trên địa bàn thành phố Hà Nội, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật Thanh niên trên địa bàn Thành phố nhằm đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Luật Thanh niên. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, nội dung trọng tâm trong công tác thanh niên và phát triển thanh niên Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn tiếp theo.

2. Yêu cầu

Việc tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật Thanh niên đảm bảo khoa học, khách quan, toàn diện, đảm bảo tiến độ thời gian, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; kiến nghị, đề xuất cụ thể việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật.

II. NỘI DUNG

1. Đánh giá về công tác xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thanh niên thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND Thành phố.

2. Đánh giá về công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh niên, các văn bản hướng dẫn thi hành cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố.

3. Kết quả thực hiện các quy định của Luật thanh niên trong việc bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của Thanh niên.

4. Việc lồng ghép chính sách phát triển thanh niên khi xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành, lĩnh vực hàng năm và từng giai đoạn.

5. Đánh giá chung kết quả thực hiện Luật thanh niên và thực hiện công tác thanh niên trên địa bàn.

6. Kiến nghị, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Thanh niên.

7. Khen thưởng các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác thanh niên và thi hành Luật thanh niên.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo về Công tác thanh niên và Phát triển thanh niên thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo:

Tham mưu UBND Thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch, phân công thành viên Ban Chỉ đạo, thành viên tổ giúp việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

2. Sở Nội vụ:

- Là cơ quan Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo, UBND Thành phố tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật Thanh niên và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Chủ trì, phối hợp với Thành Đoàn và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổng hợp, xây dựng Dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật Thanh niên trên địa bàn Thành phố.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch; Hướng dẫn công tác khen thưởng và đề xuất khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai, thực hiện công tác thanh niên và thi hành Luật Thanh niên; tham mưu Ban Chỉ đạo, UBND Thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết cấp Thành phố và hoàn thiện báo cáo trình UBND Thành phố phê duyệt, báo cáo Bộ Nội vụ theo quy định trước ngày 15/7/2017.

- Lập dự trù, thanh quyết toán kinh phí tổ chức Hội nghị theo quy định.

3. Các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã:

- Xây dựng báo cáo bằng văn bản về tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật Thanh niên của cơ quan, đơn vị, địa phương (theo Đề cương báo cáo gửi kèm); gửi về Sở Nội vụ (Phòng Tổ chức phi chính phủ và Công tác thanh niên, địa chỉ email: ngoducthanh_sonv@hanoi.gov.vn) trước ngày 30/5/2017.

- Lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Luật Thanh niên, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố khen thưởng.

4. Văn phòng UBND Thành phố:

- Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho Chủ tịch UBND Thành phố tặng bằng cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong việc triển khai, thực hiện công tác thanh niên và thi hành Luật Thanh niên;

- Phối hợp với Sở Nội vụ chuẩn bị Hội nghị tổng kết.

5. Thành Đoàn Hà Nội:

- Phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng báo cáo tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật Thanh niên trên địa bàn Thành phố; đôn đốc, kiểm tra các quận, huyện, thị xã và đơn vị đoàn trực thuộc triển khai, thực hiện Kế hoạch;

- Phối hợp với Sở Nội vụ lựa chọn tập thể, cá nhân tiêu biểu trong việc triển khai thực hiện Luật Thanh niên đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố khen thưởng.

6. Sở Tài chính:

Có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch này, hướng dẫn chế độ chi và thanh quyết toán theo đúng quy định.

Trên đây là Kế hoạch tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật Thanh niên trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đề nghị các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã chủ động tổ chức triển khai, thực hiện.

Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo, UBND Thành phố xem xét, có ý kiến chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- Vụ CTTN, BNV;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;
- Các Sở, ban, ngành TP;
- UBND quận, huyện, thị xã;
- Phòng Nội vụ các quận, huyện, thị xã;
- Lưu: VT, SNV.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn

 

ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO

TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ 10 NĂM THI HÀNH LUẬT THANH NIÊN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Kèm theo Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân thành phố Hà Nội)

Phần thứ nhất

ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

1. Khái quát tình hình và những đặc điểm của Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã trong việc bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên; trách nhiệm của Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã trong tổ chức triển khai thực hiện chính sách pháp luật đối với thanh niên theo ngành, lĩnh vực và địa bàn lãnh thổ.

2. Việc phân công tổ chức máy thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên; việc bố trí công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên của các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã (nêu rõ số lượng lãnh đạo và công chức được phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên, tình hình di biến động).

Phần thứ hai

ĐÁNH GIÁ 10 NĂM THI HÀNH LUẬT THANH NIÊN

1. Công tác xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật niên theo thẩm quyền.

- Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong việc hướng dẫn và bảo đảm biện pháp thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên được quy định trong Luật thanh niên và Nghị định 120/2007/NĐ-CP ngày 23/7/2007 của Chính phủ hướng hành một số điều của Luật thanh niên (có phụ lục nêu rõ tên văn bản, nội dung chính của văn bản, tóm tắt về kết quả triển khai thực hiện văn bản đã ban hành).

- Việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các quy phạm pháp luật có liên quan đến thanh niên; việc tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.

- Đánh giá chung (đánh giá chung kết quả đạt được; những tồn tại và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế).

2. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật thanh niên

- Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, chính sách, pháp luật đối với thanh niên của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2005 - 2017.

- Các hình thức cụ thể đã thực hiện để quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật thanh niên (nêu rõ hình thức và số lần tổ chức tuyên truyền, quán triệt, phổ biến Luật thanh niên).

- Nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân về việc chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng thanh niên (nêu rõ số lượng cán bộ, công chức, viên chức được quán triệt, phổ biến Luật thanh niên).

- Đánh giá chung (đánh giá chung kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế).

3. Kết quả thực hiện các quy định của Luật thanh niên trong việc bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước có liên quan, các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo kết quả đạt được trên các lĩnh vực; đồng thời đánh giá kết quả tổ chức triển khai từng nhóm chính sách cụ thể (kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế) của 11 nhóm chính sách sau đây:

- Trong học tập và hoạt động khoa học, công nghệ.

- Trong lao động, giải quyết việc làm.

- Trong bảo vệ Tổ quốc.

- Trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí.

- Trong bảo vệ sức khỏe và hoạt động thể dục, thể thao.

- Trong hôn nhân và gia đình.

- Trong tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

- Trong việc bảo vệ, bồi dưỡng thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

- Chính sách đối với thanh niên dân tộc thiểu số.

- Chính sách đối với thanh niên xung phong.

- Chính sách đối với thanh niên khuyết tật, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma túy, sau cải tạo.

4. Việc lồng ghép chính sách phát triển thanh niên khi xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển, kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực hằng năm mg giai đoạn.

5. Đánh giá chung kết quả thực hiện Luật thanh niên

- Kết quả đạt được.

- Những tồn tại, hạn chế.

- Nguyên nhân (khách quan, chủ quan) của những tồn tại, hạn chế

- Bài học kinh nghiệm.

Phần thứ ba

KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT CÁC NỘI DUNG CẦN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG TRONG LUẬT THANH NIÊN

1. Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2016, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ kết quả triển khai thực hiện Luật thanh niên năm 2005, chức năng quản lý nhà nước của các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách cụ thể để đưa vào dự thảo Luật thanh niên (sửa đổi). Đối với mỗi chính sách cần đánh giá tác động đối với thanh niên, và xã hội để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến trước xây dựng dự thảo Luật thanh niên (sửa đổi).

2. Ủy ban nhân dân Thành phố nêu một số đề xuất bước đầu về việc sửa đổi, bổ sung Luật thanh niên để các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã tham khảo và cho ý kiến:

a) Một số quy định cần sửa đổi, bổ sung trong Luật thanh niên:

- Sửa đổi, bổ sung làm rõ quyền của thanh niên và nghĩa vụ của thanh niên theo các quyền, nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp năm 2013.

- Sửa đổi, bổ sung các quy định để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên.

- Sửa đổi, bổ sung các nội dung hợp tác quốc tế về thanh niên và công tác thanh niên theo hướng xác định rõ các hoạt động đối ngoại của các cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong luật.

- Sửa đổi, bổ sung các quy định về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản sức khỏe tình dục, tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân để nâng cao chất lượng dân số, tầm vóc của thanh niên.

b) Một số quy định bổ sung mới trong Luật thanh niên:

- Bổ sung quy định về nội dung, thẩm quyền quản lý nhà nước về thanh niên, trách nhiệm của các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; đồng thời làm rõ cơ chế phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên.

- Bổ sung quy định trách nhiệm nhà trường và gia đình đối với thanh niên để làm rõ vai trò của nhà trường và gia đình trong việc chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng thanh niên.

- Bổ sung quy định về quyền bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của thanh niên đối với các cơ quan nhà nước và quy định quyền phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

- Bổ sung quy định Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia nhằm phát triển thanh niên.

- Bổ sung quy định về Tháng thanh niên để thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước chăm lo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Bổ sung quy định về đối thoại với thanh niên để thể chế hóa Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X).

- Bổ sung quy định chính sách của Nhà nước đối với thanh niên thuộc hộ nghèo.

- Bổ sung quy định chính sách của Nhà nước đối với các hoạt động tình nguyện của thanh niên.

- Bổ sung quy định về thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác thanh niên và thanh niên.