ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 107/KH-UBND | Quảng Ngãi, ngày 06 tháng 7 năm 2022 |
Thực hiện nội dung Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh như sau:
1. Mục tiêu tổng quát
a) Phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn theo hướng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực về an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật và tiệm cận với thông lệ quốc tế.
b) Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; nâng cao năng lực tài chính của TCTD trên địa bàn.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.
b) Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân; đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ thanh toán.
c) Phấn đấu tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn lên khoảng 16-17% vào cuối năm 2025. Tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các-bon.
d) Phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh theo đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình TCTD là hợp tác xã theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế; hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững, đáp ứng nhu cầu về vốn, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của các thành viên QTDND, hướng tới mục tiêu chủ yếu là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và địa bàn có nhiều khó khăn.
đ) Phát triển hệ thống các tổ chức tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững, hướng tới mục tiêu phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ với các sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng, linh hoạt, phù hợp, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
e) Phấn đấu xử lý và kiểm soát nợ xấu để đến cuối năm 2025 tỷ lệ nợ xấu của ngành Ngân hàng trên địa bàn ở mức dưới 3%.
II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nhóm giải pháp chung
- Chủ động điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và quá trình cơ cấu lại các TCTD trên địa bàn. Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
- Tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng; nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ thanh tra, giám sát ngân hàng.
2. Nhóm giải pháp cơ cấu lại TCTD
- Các chi nhánh Ngân hàng thương mại bám sát các giải pháp tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” để thực hiện cơ cấu lại theo Kế hoạch do Hội sở chính xây dựng.
- Đối với một số QTDND yếu kém, QTDND được kiểm soát đặc biệt có quy mô nhỏ (lượng tiền gửi và người gửi tiền ít) hoặc QTDND không còn tiền gửi hoặc có tiền gửi trong hạn mức chi trả của bảo hiểm tiền gửi, có thể xem xét thí điểm việc xử lý pháp nhân các QTDND này thông qua phương án phá sản sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động và nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh chính trị và an toàn hệ thống.
- Từng bước phát triển các tổ chức tài chính vi mô an toàn, bền vững theo định hướng thị trường; đảm bảo sự tiếp cận dịch vụ tài chính đa dạng, chất lượng cho các hộ gia đình, người có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ; thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
3. Nhóm giải pháp xử lý nợ xấu
- Đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp; thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo đúng quy định pháp luật; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm (TSBĐ); thu nợ và xử lý TSBĐ; kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan Công an, Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án các cấp trong quá trình xử lý TSBĐ để thu hồi nợ, nhằm bảo đảm thu hồi tối đa giá trị các khoản nợ, hạn chế thiệt hại cho các TCTD trên địa bàn
- Tăng cường chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại trên địa bàn trong việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, đặc biệt là hỗ trợ trong thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương để xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, các thủ tục liên quan đến pháp lý các dự án bất động sản là tài sản bảo đảm của ngân hàng để từng bước tháo gỡ khó khăn, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; tạo điều kiện để ngân hàng thương mại có thể xử lý nhanh tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu liên quan đến các vụ án đang được xử lý tại địa phương theo quy định của pháp luật.
III. PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi
- Là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực đề xuất các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh trước ngày 30 tháng 11 hàng năm.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các QTDND trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và phê duyệt, giám sát việc triển khai phương án.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, chính xác về kết quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn nói chung và công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu nói riêng.
- Phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn với các cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng.
2. Các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp; Cục Thi hành án dân sự tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố
Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Xây dựng
- Hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thông tin công khai, minh bạch.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh.
4. Công an tỉnh
- Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc phòng ngừa, phát hiện và điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn.
- Tăng cường phối hợp với các TCTD, VAMC đảm bảo an ninh trật tự trong việc thu giữ, xử lý TSBĐ để thu nợ.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan đẩy nhanh việc điều tra, xét xử và thi hành án nghiêm minh đối với các vụ án liên quan đến ngân hàng.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi và cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại hệ thống các TCTD trên địa bàn và xử lý nợ xấu.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
Thường xuyên cập nhật và công khai thông tin về các giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên hệ thống trang thông tin điện tử của cơ quan để các bên liên quan nắm bắt thông tin.
7. Thanh tra tỉnh
Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ngân hàng trên địa bàn tỉnh, nhất là trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.
8. Các TCTD trên địa bàn
- Các chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn tích cực thực hiện việc cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” và các giải pháp do Hội sở chính đề ra.
- QTDND xây dựng, trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại QTDND.
- Bảo đảm ổn định hoạt động và an toàn tài sản của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của Nhân dân trong quá trình thực hiện cơ cấu lại.
- Chủ động phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin, tài liệu và vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn cho cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
- Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi về hoạt động ngân hàng nói chung và cơ cấu lại TCTD nói riêng.
- Báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi đầy đủ, kịp thời, trung thực kết quả, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị (nếu có) về việc thực hiện Cơ cấu lại TCTD.
Các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương có liên quan căn cứ nhiệm vụ được phân công chịu trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện hàng năm gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi (đồng thời gửi file mềm qua địa chỉ mail: tonghop_qng@sbv.gov.vn) trước ngày 15 tháng 11 hàng năm để tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh theo quy định.
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện; trong quá trình thực hiện trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi) để được hướng dẫn, giải quyết./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Kế hoạch 450/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 2 Kế hoạch 2633/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 đối với Quỹ tín dụng nhân dân” do tỉnh Phú Thọ ban hành
- 3 Quyết định 1511/QĐ-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 4 Kế hoạch 132/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" trên địa bàn tỉnh Hưng Yên