Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 13 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 1472/QĐ-BYT ngày 20/4/2016 của Bộ Y tế ban hành Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025; theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 727/TTr-SYT ngày 29/4/2021; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam tỉnh Hưng Yên đến năm 2030 như sau:

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG

1. Căn cứ các quy định của Đảng, Nhà nước

- Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới (Nghị quyết số 21-NQ/TW);

- Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025;

- Quyết định 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;

- Quyết định số 1472/QĐ-BYT ngày 20/4/2016 của Bộ Y tế ban hành Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025;

- Công văn số 4275/BYT-TCDS ngày 26/5/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025;

- Chỉ thị số 04/CT-BYT ngày 15/03/2016 của Bộ Y tế về việc tăng cường giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh;

- Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 04/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên về Chương trình bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025;

- Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 08/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình.

- Kế hoạch số 90-KH/TU ngày 05/02/2018 của Tỉnh ủy Hưng Yên về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW.

2. Căn cứ thực tiễn

Theo Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở ngày 01/4/2019, Hưng Yên là tỉnh có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao 123,6 bé trai sinh ra sống/100 bé gái sinh ra sống (trung bình toàn quốc là 111,5 bé trai/ 100 bé gái). Tỷ số này đã giảm so với Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 (130,7 bé trai/100 bé gái). Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã tích cực tổ chức triển khai nhiều chương trình, dự án, hoạt động nhằm can thiệp trong phạm vi toàn tỉnh, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Hưng Yên đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn ở mức rất cao so với trung bình cả nước và so với tỷ số giới tính khi sinh tự nhiên (tỷ số cân bằng tự nhiên là này là 103-107/100). Cụ thể năm 2011 là 120/100; năm 2012, 2013 và 2014: 119/100; năm 2015: 120/100, năm 2016: 119,7/100, năm 2017: 118,6/100; năm 2018: 117,4/100; năm 2019: 120/100; năm 2020: 118,1/100 (đứng thứ 2 toàn quốc sau tỉnh Sơn La, tại văn bản số 4275/BYT-TCDS ngày 26/5/2021 của Bộ Y tế).

Nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hưng Yên là do: quan niệm mong muốn có con trai vẫn còn tồn tại ở một bộ phận dân cư; thực hiện chế tài quản lý, xử phạt các cơ sở khám chữa bệnh, siêu âm, nạo phá thai liên quan đến giới tính thai nhi còn gặp nhiều khó khăn; chưa có các chính sách hỗ trợ gia đình thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, gia đình sinh con một bề là gái; các hoạt động truyền thông tác động vào bất bình đẳng giới hiệu quả còn hạn chế; đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa đáp ứng được nhu cầu.

Do vậy, để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh về mức cân bằng tự nhiên cần có những giải pháp đồng bộ, toàn diện, thực hiện quyết liệt, kiên trì với một lộ trình thích hợp. Đặc biệt cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; hiệu quả chỉ đạo điều hành của ngành Y tế từ tỉnh đến cơ sở đối với việc thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh.

- Từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng, nhất là đối với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm việc cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi.

- Tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực thi các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi góp phần tích cực vào việc kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, xóa dần phân biệt đối xử nam nữ, thực hiện bình đẳng giới.

- Khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh và cả nước.

2. Mục tiêu

- Toàn tỉnh: Đến năm 2025, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh giảm xuống mức dưới 115 bé trai/100 bé gái.

- Các huyện, thị xã, thành phố: Mức giảm tỷ số giới tính khi sinh hằng năm và đến năm 2025 theo Phụ lục kèm theo Kế hoạch này.

3. Yêu cầu

- Các hoạt động thực hiện nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Dân số và Phát triển.

- Tăng cường các hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi đồng thời thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và các quy định của Đảng, Nhà nước.

- Các hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật phải lồng ghép trong các hoạt động của các cơ quan, đoàn thể tổ chức chính trị - xã hội có liên quan để đảm bảo tính hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí.

III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi, địa bàn thực hiện

- Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn toàn tỉnh, tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố với 161 xã, phường, thị trấn.

2. Đối tượng

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội, những người có liên quan đến cung cấp dịch vụ hướng dẫn sinh con theo ý muốn và liên quan đến chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi; gia đình, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; vị thành niên và thanh thiếu niên; cộng đồng dân cư.

3. Thời gian thực hiện

Từ năm 2021 đến hết năm 2025.

IV. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU

1. Các hoạt động truyền thông, vận động

1.1. Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

- Cung cấp đầy đủ, thường xuyên các thông tin về nguyên nhân, hệ lụy, giải pháp khắc phục của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam và ở tỉnh đối với lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhà quản lý, người hoạch định cơ chế chính sách, các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và toàn thể nhân dân.

- Cung cấp thông tin về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của tỉnh cho các cơ quan thông tấn, báo chí phương tiện thông tin ở trung ương và của tỉnh.

- Tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về nghiêm cấm tuyên truyền, phổ biến, chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi tại xã, phường, thị trấn, khu công nghiệp...

- Triển khai mạnh và đồng bộ các hoạt động truyền thông đại chúng và truyền thông trực tiếp về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh với cách tiếp cận và thông điệp phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về lựa chọn giới tính thai nhi. Tổ chức nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền vận động trực tiếp, phổ biến pháp luật về nghiêm cấm chẩn đoán lựa chọn giới tính cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đối tượng vị thành niên, thanh niên, người đứng đầu dòng họ, học sinh các trường PTTH, cao đẳng, dạy nghề.

- Thực hiện giáo dục về giới, bình đẳng giới với nội dung, hình thức thích hợp cho từng cấp học nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hành bình đẳng giới cho thế hệ trẻ.

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tuyên truyền vận động trực tiếp về mất cân bằng giới tính khi sinh đến các đối tượng tại cộng đồng, địa bàn cư trú thông qua mạng lưới cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn và tuyên truyền viên của các ngành, đoàn thể ở cơ sở.

- Tăng cường cung cấp thông tin về chính sách dân số, các nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh đến người dân thông qua hệ thống truyền thanh tại khu dân cư.

- Tổ chức tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho nam/nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn, người cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi.

- Lồng ghép các nội dung truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh vào các hoạt động văn hóa xã hội khác.

- Tổ chức các chiến dịch, sự kiện truyền thông tập trung phong phú, đa dạng về bình đẳng giới trong đời sống gia đình và xã hội, không phân biệt con gái con trai, không lựa chọn giới tính thai nhi.

- Lồng ghép, đưa nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh, về giới, bình đẳng giới vào các lớp đào tạo tại Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, Trung tâm Chính trị các huyện, thị xã, thành phố, các trường Trung học phổ thông và các loại hình giáo dục, đào tạo khác.

1.2. Biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh

- Sản xuất và cung cấp bản tin, tài liệu truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh.

- Xây dựng các cụm pa-nô, áp phích tuyên truyền trên các trục đường chính, nơi tập trung dân cư, cơ sở cung cấp dịch vụ có liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi.

- Biên tập, nhân bản các sản phẩm truyền thông dễ hiểu và phù hợp để cấp cho các đối tượng phù hợp.

- Sản xuất và phát sóng, đăng tải các bản tin phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng trong đó có lồng ghép chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh.

1.3. Xây dựng mô hình thử nghiệm

Xây dựng và duy trì các điểm tuyên truyền, các góc sinh hoạt, câu lạc bộ về giới và bình đẳng giới, câu lạc bộ phụ nữ không có người sinh con thứ 3 trở lên tại cộng đồng.

1.4. Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo về mất cân bằng giới tính khi sinh

- Tổ chức các Hội thảo, Hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết thực hiện kế hoạch hằng năm và giai đoạn.

- Tổ chức các buổi tọa đàm về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả, giải pháp của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

1.5. Chính sách khuyến khích, hỗ trợ

- Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

- Tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô tiếp cận các cơ sở bảo trợ xã hội; thu hút nguồn nhân lực, phấn đấu xây dựng một số nhà dưỡng lão cho người cao tuổi không nơi nương tựa.

- Mỗi năm một lần tổ chức gặp mặt, biểu dương, tặng quà các gia đình sinh con một bề là gái chăm ngoan, học giỏi, gia đình thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.

- Ban hành quy định về việc xử lý các trường hợp vi phạm chính sách dân số, trong đó có các quy định liên quan đến xử phạt các trường hợp lựa chọn giới tính thai nhi.

- Kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số cấp xã và hỗ trợ thêm phụ cấp cho cộng tác viên dân số, đảm bảo nguồn nhân lực cán bộ cấp huyện làm công tác dân số.

2. Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi

- Yêu cầu tất cả các cơ sở dịch vụ kỹ thuật có liên quan đến xác định giới tính thai nhi phải treo bảng ghi rõ các quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi, cam kết không xác định, hướng dẫn xác định giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, ký hiệu.

- Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành việc thực thi các quy định của pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi tại các đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ có liên quan và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những người là công chức, viên chức ngành Y tế của tỉnh trực tiếp thực hiện dịch vụ, người quản lý, chủ cơ sở cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi trong và ngoài cơ sở y tế công lập.

- Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức xã hội nghề nghiệp đưa nội dung nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi trong các quy định, quy chế, điều lệ của tổ chức áp dụng cho các thành viên.

- Tổ chức hướng dẫn phổ biến, giáo dục pháp luật về quy chế, quy định, điều lệ của các tổ chức xã hội về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi đối với nhân viên y tế, thành viên các tổ chức xã hội nghề nghiệp có liên quan.

3. Các hoạt động đào tạo, tập huấn về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

- Đào tạo tập huấn về nội dung, phương pháp, kỹ năng truyền thông về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, lựa chọn giới tính thai nhi, bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ truyền thông các cấp, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên dân số và nhân viên y tế thôn.

- Tập huấn bắt buộc về các quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, quy trình, quy phạm chuyên môn kỹ thuật cho nhân viên y tế cung cấp dịch vụ và người chủ quản lý, chủ các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi.

- Tổ chức các đoàn trao đổi, học tập kinh nghiệm của các địa phương đã có kinh nghiệm thành công trong việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

4. Các hoạt động quản lý, giám sát

- Định kỳ giám sát, kiểm tra tiến độ, kết quả thực hiện Đề án theo quý, năm và đột xuất theo yêu cầu.

- Khảo sát thu thập thông tin hằng năm về tỷ số giới tính khi sinh.

- Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

V. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách nhà nước bố trí theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh ban hành, triển khai Kế hoạch đến các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố.

- Yêu cầu các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, các cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, nạo hút thai... ký cam kết và treo Bảng cam kết không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; treo Bảng các quy định của pháp luật cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức tại vị trí dễ nhìn thấy nhất của cơ sở.

- Chủ trì triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định liên quan như: Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình...

- Tập huấn bắt buộc các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho đội ngũ cán bộ y tế cung cấp các dịch vụ có liên quan đến khả năng lựa chọn giới tính thai nhi.

- Thanh tra chuyên ngành Y tế chủ trì, phối hợp với thanh tra các cấp và lực lượng công an tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Khi phát hiện vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ, lập hồ sơ đề xuất các hình thức xử lý, kỷ luật (chậm nâng lương, điều động, luân chuyển, hoặc buộc thôi việc), trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định xử lý, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

- Hằng năm tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo việc thực hiện Kế hoạch gửi UBND tỉnh và Bộ Y tế.

2. Sở Nội vụ

- Đưa tiêu chí chấp hành quy định, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; kết quả thực hiện các chỉ tiêu được giao về giảm tỷ số giới tính khi sinh của các cơ quan, đơn vị chuyên trách, UBND các huyện, thành phố để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xét duyệt cơ quan chính quyền trong sạch vững mạnh.

- Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh việc bố trí cán bộ dân số xã và chế độ đãi ngộ đối với cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp cùng với Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông tin trong tỉnh, hệ thống truyền thanh cơ sở xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về dân số và phát triển, trong đó đặc biệt quan tâm đến nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Căn cứ vào các chỉ tiêu ban hành kèm theo kế hoạch này, tham mưu UBND tỉnh đưa chỉ tiêu về mất cân bằng giới tính khi sinh vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và các giai đoạn của tỉnh.

5. Sở Tài chính

Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch, dự toán chi tiết của đơn vị và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Sở Tài chính tiến hành thẩm định, trình cấp có thẩm bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các sở, ban, ngành đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo có hiệu quả công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giới và giới tính trong các trường học trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách an sinh xã hội đặc thù của tỉnh, trong đó ưu tiên đối tượng gia đình sinh con một bề chấp hành chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

- Lồng ghép tuyên truyền vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trong hoạt động truyền thông về giới, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

8. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể

Phối hợp với ngành Y tế tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt quy định, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số, kế hoạch gia đình, không lựa chọn giới tính khi sinh góp phần kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

9. Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch

Tổ chức lồng ghép tuyên truyền vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trong công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

10. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên

Thường xuyên phối hợp với Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Chú trọng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục với thời lượng thích hợp nội dung dễ hiểu, có tính thuyết phục cao để tuyên truyền có hiệu quả về thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

11. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh

Chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành Đoàn và tổ chức Đoàn trực thuộc chủ động, sáng tạo trong tuyên truyền thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình; tuyên truyền về sinh đẻ theo quy luật tự nhiên, không lựa chọn giới tính thai nhi.

12. UBND huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ các nhiệm vụ, giải pháp và chỉ tiêu giảm tỷ số giới tính khi sinh được giao tại Kế hoạch này, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí nguồn lực, giao chỉ tiêu và tập trung chỉ đạo thực hiện. Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm về việc thực hiện các chỉ tiêu được giao trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

- Căn cứ tiêu chí chấp hành quy định, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; kết quả thực hiện các chỉ tiêu được giao về giảm tỷ số giới tính khi sinh của các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, trình cơ quan có thẩm quyền xét duyệt cơ quan chính quyền trong sạch vững mạnh

Các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai Kế hoạch; báo cáo khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Chi cục Dân số - KHHGĐ;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVXT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Duy Hưng

 

PHỤ LỤC:

CHỈ TIÊU GIAO GIẢM TỶ SỐ GIỚI TÍNH KHI SINH
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 13/7/2021 của UBND tỉnh)

TT

Tên Đơn Vị

Tỷ số giới tính khi sinh (Nam/nữ)

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Thực hiện

Thực hiện

Mức giảm (điểm %)

Thực hiện

Mức giảm (điểm %)

Thực hiện

Mức giảm (điểm %)

Thực hiện

Mức giảm (điểm %)

1

Huyện Ân Thi

107.0

106.8

0.2

106.7

0.1

106.6

0.1

106.5

0.1

2

Huyện Kim Động

113.0

112.8

0.2

112.6

0.2

112.4

0.2

112.2

0.2

3

Huyện Khoái Châu

120.0

119.5

0.5

118.7

0.8

118.0

0.7

117.3

0.7

4

Huyện Mỹ Hào

118.3

117.9

0.4

117.5

0.4

117.1

0.4

116.8

0.3

5

Huyện Phù Cừ

118.5

118.0

0.5

117.0

1.0

116.0

1.0

115.0

1.0

6

Huyện Tiên Lữ

114.0

113.8

0.2

113.6

0.2

113.4

0.2

113.2

0.2

7

Huyện Văn Giang

117.3

116.9

0.4

116.5

0.4

116.1

0.4

115.8

0.3

8

Huyện Văn Lâm

123.0

122.0

1.0

121.0

1.0

119.5

1.5

118.0

1.5

9

Huyện Yên Mỹ

121.0

120.5

0.5

119.8

0.7

119.0

0.8

118.3

0.7

10

Thành phố Hưng Yên

120.0

119.5

0.5

119.0

0.5

118.5

0.5

118.0

0.5

TỔNG

117.5

117.0

0.5

116.4

0.6

115.8

0.6

115.0

0.8