UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 111/KH-UBND | Thành phố Cao Lãnh, ngày 08 tháng 10 năm 2007 |
KẾ HOẠCH
VỀ VIỆC THU GOM ĐỐI TƯỢNG LANG THANG, ĂN XIN, TÂM THẦN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CAO LÃNH
Để đảm bảo tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong thành phố Cao Lãnh từ nay đến cuối năm 2007 và những năm tiếp theo;
UBND thành phố Cao Lãnh xây dựng kế hoạch tập trung, thu gom, những đối tượng lang thang, ăn xin, tâm thần trên địa bàn thành phố như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:
Nhằm quản lý giáo dục và chăm sóc đối tượng xã hội được tốt và đảm bảo không ảnh hưởng đến sinh hoạt trong cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Thực hiện thu gom đối tượng xã hội là chủ trương của nhà nước, đồng thời là trách nhiệm chung của các cấp các ngành, các đoàn thể xã hội, phải được tổ chức thông suốt trong nội bộ Đảng, nhà nước và đoàn thể nhân dân.
II. ĐỐI TƯỢNG THU GOM:
Những người lang thang, ăn xin kể cả trẻ em không nơi nương tựa, người mắc bệnh tâm thần (đi lang thang trên đường phố) trong địa bàn thành phố và những người từ nơi khác đến thành phố.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Phân loại đối tượng:
* Đối tượng ăn xin, lang thang:
1.1 Đối với những đối tượng trong địa bàn thành phố: Đối tượng thuộc xã, phường nào thì UBND xã, phường đó có trách nhiệm và biện pháp quản lý giáo dục tại địa phương, cho cam kết quản lý đối tượng tại gia đình, nắm từng hoàn cảnh cụ thể mà có biện pháp giúp đỡ học nghề hoặc nuôi dưỡng cộng đồng…Những đối tượng có hộ khẩu thuộc xã, phường này nhưng lại đi đến xã, phường khác trong địa bàn thành phố thì UBND xã, phường liên hệ với nhau để tiếp nhận đối tượng thuộc địa phương mình quản lý.
1.2 Đối với những đối tượng ngoài địa bàn thành phố, nếu biết được nơi cư trú, UBND xã, phường liên hệ tàu, xe đưa họ về nhà.
1.3 Đối với những đối tượng ngoài địa bàn thành phố không biết rõ nơi cư trú, nếu họ đồng ý vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thì UBND xã, phường kết hợp với phòng Nội vụ - LĐ-TB & XH làm thủ tục đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định đưa đối tượng vào Trung tâm.
Đối với những đối tượng không đồng ý vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, bắt cho làm cam kết đi khỏi địa bàn thành phố.
* Đối tượng tâm thần:
Quản lý đối tượng tâm thần giống như cách quản lý đối tượng ăn xin, lang thang. Tuy nhiên, đối với số đối tượng là tâm thần nặng (quậy phá, đi lang thang trên đường phố) thì tổ chức đưa đi điều trị tại khoa tâm thần, Bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp; đối với đối tượng tâm thần nhẹ, UBND xã, phường bắt buộc gia đình đối tượng cam kết quản lý tại gia đình.
2. Phân công trách nhiệm:
a. Phòng Nội vụ - Lao động TB&XH thành phố:
Tham mưu cho UBND thành phố lập dự trù kinh phí và hướng dẫn UBND xã, phường về thủ tục thanh quyết toán chi phí theo kế hoạch.
Phối hợp, hướng dẫn UBND xã, phường làm hồ sơ đưa đối tượng vào khoa tâm thần, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp. Phối hợp với phòng Y tế liên hệ Bệnh viện để điều trị bệnh cho đối tượng, đồng thời liên hệ Sở Lao động -TB&XH tỉnh đưa số đối tượng lang thang, ăn xin vào trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tháp nếu đủ các điều kiện theo quy định.
Phối hợp với Bệnh viện để lo chế độ ăn đối với đối tượng tâm thần và hợp đồng thuê người nuôi trong thời gian điều trị tại bệnh viện. Tiếp nhận bệnh nhân khi ra viện và giao cho địa phương quản lý.
Là cơ quan Thường trực giải quyết và tổng hợp báo cáo về UBND thành phố trong quá trình thực hiện kế hoạch.
Giao cho phòng Nội vụ - Lao động TB&XH thành phố Cao Lãnh theo dõi việc thực hiện kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện cần đề xuất khen thưởng những cá nhân và tập thể có thành tích, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
b. Công an thành phố: Có trách nhiệm phân công cán bộ phối hợp cùng các ngành chức năng và UBND xã, phường đối với công tác tạm giữ đối tượng, sử dụng nghiệp vụ đối với những đối tượng không chấp hành theo quy định, đặc biệt hỗ trợ đưa đối tượng thuộc diện tâm thần về nơi cư trú hoặc vào cơ sở chữa bệnh.
c. Phòng Y tế thành phố: Có trách nhiệm phân công cán bộ phối hợp với các ngành chức năng và UBND xã, phường làm thủ tục nhập viện; đồng thời liên hệ với khoa tâm thần để điều trị cho đối tượng tâm thần. Chỉ đạo cho trạm Y tế xã, phường theo dõi và điều trị bệnh nhân tâm thần tại gia đình. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thuốc, phương tiện (xe cứu thương) khi cần thiết đưa các đối tượng lang thang, tâm thần về nơi cư trú (những đối tượng ngoài địa bàn thành phố) hoặc đến cơ sở chữa bệnh, Trung tâm bảo trợ xã hội theo quy định.
d. Ban quản lý các chợ trên địa bàn thành phố: Phối hợp với UBND xã, phường thu gom số đối tượng trong địa bàn chợ quản lý đưa về điểm tập trung theo quy định của xã, phường.
e. Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố: Có trách nhiệm tham mưu cho UBND thành phố xem xét phê duyệt kinh phí để thực hiện kế hoạch này và hướng dẫn thanh quyết toán đúng quy định.
f. Ban Quản lý Công trình công cộng thành phố:
Nếu phát hiện đối tượng lang thang, ăn xin, tâm thần trong khu vực mình quản lý như: Công viên, bến xe, bến tàu v.v… liên hệ với UBND xã, phường trên địa bàn để phối hợp xử lý theo từng loại đối tượng như quy định. Tạo điều kiện và hỗ trợ cho địa phương đưa đối tượng về nơi cư trú của họ khi cần thiết.
g. Đài truyền thanh thành phố:
Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân nhận thức được mục đích và yêu cầu của kế hoạch và tác động đến các đối tượng như đã nêu.
h. UBND các xã, phường: Thành lập Ban điều tra thu gom đối tượng ăn xin, lang thang, tâm thần, nắm địa chỉ và nơi đối tượng đang sinh hoạt trên địa bàn mình quản lý, báo cáo về phòng Nội vụ - Lao động - TB&XH thành phố (theo các biểu mẫu). Chọn địa điểm để tập trung đối tượng tạm thời trước khi xử lý, phân công cán bộ, đoàn thể quản lý, giáo dục, chịu trách nhiệm liên hệ phương tiện để đưa đối tượng ngoài địa phương về nơi họ cư trú.
Đối với đối tượng là bệnh tâm thần nhẹ, có khả năng quản lý được tại nhà, làm thủ tục cho gia đình cam kết quản lý. Đối với đối tượng là tâm thần nặng và đối tượng lang thang không nơi cư trú, báo về Phòng Nội vụ - LĐ &XH để tổ chức phương tiện đưa đối tượng đến cơ sở theo quy định.
Tiếp nhận đối tượng sau khi ra viện và có kế hoạch quản lý bệnh nhân.
Căn cứ vào kế hoạch của UBND thành phố, UBND các xã, phường xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với địa phương mình. Thông báo rộng rãi cho các cơ sở dịch vụ ăn uống, giải khát trên địa bàn biết, khi phát hiện có đối tượng lang thang, ăn xin báo ngay về UBND xã, phường để kịp thời giải quyết.
Chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về việc thu gom đối tượng lang thang, ăn xin, tâm thần trên địa bàn mình quản lý.
f. Đề nghị UBMTTQ và các đoàn thể thành phố: Tuyên truyền trong thành viên, hội viên, đoàn viên nắm và có kế hoạch phối hợp hưởng ứng thực hiện kế hoạch.
Thành phố Cao Lãnh thành lập Ban thu gom đối tượng ăn xin, lang thang, tâm thần thành phần gồm:
1/ Trưởng phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh & Xã hội; Trưởng ban.
2/ Phó Trưởng Công an thành phố; thành viên.
3/ Trưởng phòng Y tế thành phố; thành viên.
4/ Chủ tịch Hội LHPN thành phố; thành viên.
5/ Chủ tịch UBND xã, phường; thành viên.
Cơ quan Thường trực của Ban đặt tại Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội. Điện thoại số: 067. 851459 - 067. 240445
3. Kinh phí thực hiện:
Phòng Nội vụ - lao động - Thương binh và xã hội có trách nhiệm tạm dự trù kinh phí để chi cho công tác thu gom, sẽ quyết toán theo thực tế công tác này.
- Tiền ăn chi cho mỗi đối tượng lang thang, ăn xin, tiền bồi dưỡng cán bộ làm nhiệm vụ tính theo chế độ hiện hành.
- Tiền tàu, xe đưa đối tượng chi theo thực tế (vé xe, tàu).
- Đưa đối tượng tâm thần nặng vào khoa tâm thần bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp điều trị theo thực tế (có biên nhận).
- Đưa đối tượng đến nơi tập trung quản lý tính theo chi phí thực tế.
- Tiền hợp đồng người nuôi bệnh nhân v.v.
4. Thời gian thực hiện:
- Kế hoạch này được thực hiện thường xuyên và lâu dài. Trong quá trình thực hiện sẽ có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Có tập trung cao điểm cho những đợt như: Tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn hàng năm.
Trên đây là kế hoạch tổ chức thực hiện công tác thu gom đối tượng lang thang, ăn xin và tâm thần của thành phố Cao Lãnh, đề nghị các ngành có liên quan và UBND xã, phường triển khai thực hiện nghiêm kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn vướng mắc báo cáo về UBND thành phố Cao Lãnh.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |