Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 113/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 31 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT, NGƯỜI KHUYẾT TẬT CÓ KHÓ KHĂN VỀ TÀI CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2022

Thực hiện Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 và Quyết định số 09/QĐ-BTP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

Nâng cao năng lực người thực hiện trợ giúp pháp lý và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đẩy mạnh công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao nhận thức của những người thực hiện trợ giúp pháp lý về các quyền của người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Đồng thời, kiểm tra, giám sát bảo đảm người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

2. Yêu cầu

Nội dung các hoạt động trợ giúp pháp lý phải phù hợp với đặc thù của người khuyết tật và phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch.

Tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhất là cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức quản lý về người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính có thể lồng ghép với các hoạt động trợ giúp pháp lý khác nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nâng cao năng lực người thực hiện trợ giúp pháp lý

Xây dựng các chương trình, biên soạn tài liệu, tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính các nội dung liên quan trong hoạt động trợ giúp pháp lý như: kỹ năng tư vấn, kỹ năng tham gia tố tụng trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình... cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và Cộng tác viên.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và bệnh hiểm nghèo Tỉnh.

- Thời gian thực hiện: quý III, quý IV.

2. Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính

Tăng cường phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có người khuyết tật, Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và bệnh hiểm nghèo Tỉnh, các cơ quan tiến hành tố tụng để nắm bắt kịp thời thông tin về nhu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Giới thiệu người khuyết tật có khó khăn về tài chính đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước khi có yêu cầu trợ giúp pháp lý. Đẩy mạnh việc thực hiện trợ giúp pháp lý đối với hình thức tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Đảm bảo 100% người khuyết tật thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ pháp lý.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội; các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ; Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và bệnh hiểm nghèo Tỉnh.

- Thời gian thực hiện: cả năm.

3. Thực hiện truyền thông, tăng cường khả năng tiếp cận về trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật có khó khăn về tài chính

Truyền thông hoạt động về trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các quy định có liên quan đến trợ giúp pháp lý, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật người khuyết tật và các quy định có liên quan đến người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Đồng Tháp, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp, Đài truyền thanh huyện, thành phố… hoặc các hình thức truyền thông khác phù hợp với các dạng tật của người khuyết tật. Tổ chức điểm truyền thông về trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính ở cơ sở; lồng ghép truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính với các chương trình, dự án, tập huấn khác có liên quan đến người khuyết tật ở các địa phương nhất là tại xã, phường, thị trấn nơi người khuyết tật sinh sống.

Biên soạn, in ấn và cấp phát sổ tay hỏi đáp pháp luật, các loại tờ gấp pháp luật và các ấn phẩm chuyên dụng khác có nội dung phổ biến, tuyên truyền về chính sách trợ giúp pháp lý, quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, viết tin bài đăng trên trang thông tin điện tử Sở Tư pháp.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Báo Đồng Tháp, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và bệnh hiểm nghèo Tỉnh.

- Thời gian thực hiện: cả năm.

4. Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh

Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính phân công việc theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra về việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính tại cơ quan, tổ chức do mình phụ trách.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội; các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện; Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và bệnh hiểm nghèo Tỉnh.

- Thời gian thực hiện: cả năm.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm thực hiện

- Sở Tư pháp tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Mục II của Kế hoạch này và có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi quá trình triển khai Kế hoạch. Tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Mục II của Kế hoạch này, thực hiện thống kê, tổng hợp tình hình, số lượng người khuyết tật trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Tư pháp khảo sát, đánh giá nhu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

- Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu trình Ủy ban nhân dân Tỉnh kinh phí thực hiện Kế hoạch này theo quy định.

- Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng (Công an Tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh, Tòa án nhân dân Tỉnh) phối hợp với Sở Tư pháp trong việc triển khai thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính thông qua việc tiếp nhận, thụ lý giải quyết các vụ việc dân sự, hình sự, hành chính….

- Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và bệnh hiểm nghèo Tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện việc truyền thông về trợ giúp pháp lý và chỉ đạo Hội cấp huyện tham gia hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp trong công tác tuyên truyền về hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, đồng thời chỉ đạo các phòng chuyên môn có liên quan triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch này.

2. Kinh phí thực hiện

Sở Tư pháp lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân Tỉnh. Công tác lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn Tỉnh năm 2022 theo quy định hiện hành./.

 


Nơi nhận:
- Cục TGPL - BTP;
- Cục Công tác phía Nam - BTP;
- CT và các PCT/UBND Tỉnh;
- VKSND Tỉnh;
- TAND Tỉnh;
- Công an Tỉnh;
- Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp;
- Báo Đồng Tháp;
- Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và bệnh hiểm nghèo Tỉnh;
- Các sở, ngành Tỉnh
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, NC/NC (H.Phương).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Thiện Nghĩa