Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 117/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 23 tháng 5 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

BIÊN CHẾ CÔNG CHỨC VÀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG 68 TRONG CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2022

Thực hiện Công văn số 1549/BNV-TCBC ngày 14/4/2021 của Bộ Nội vụ về Kế hoạch biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính năm 2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch biên chế công chức và hợp đồng lao động 68 trong các cơ quan, tổ chức hành chính tỉnh Lạng Sơn năm 2022 như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH

1. Sự cần thiết

Biên chế công chức là số người làm việc trong cơ quan, tổ chức hành chính của Nhà nước do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là vị trí công việc phục vụ lâu dài, có vị trí quan trọng và cần thiết trong các cơ quan hành chính nhằm vận hành có hiệu quả bộ máy Nhà nước; gắn với mỗi biên chế công chức là các chế độ chính sách: về lương, phụ cấp, …theo quy định của Nhà nước.

Do vậy, việc xây dựng kế hoạch biên chế là vô cùng cần thiết, là căn cứ đầu tiên để hoạch định nguồn kinh phí chi trả, xác định chỉ tiêu tuyển dụng, bố trí, sử dụng công chức và đánh giá việc thực hiện kế hoạch biên chế công chức hàng năm để từ đó thấy được ưu và nhược điểm trong một năm thực hiện kế hoạch.

2. Căn cứ lập kế hoạch

2.1. Giới thiệu khái quát về tỉnh Lạng Sơn:

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, với 11 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 01 thành phố loại II và 10 huyện, 200 đơn vị hành chính cấp xã. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 8.310,09 km2 ; dân số toàn tỉnh là 789.272 người (tính đến 31/12/2020).

Lạng Sơn có đường biên giới tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc dài 231,74 km; có 12 cửa khẩu (2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương và 9 cửa khẩu phụ); là điểm đầu tiên của Việt Nam trên 2 tuyến hành lang kinh tế; là cửa ngõ quan trọng kết nối Trung Quốc và các nước ASEAN; có đường sắt liên vận quốc tế. Về phát triển kinh tế - xã hội: năm 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 2,09%. Cơ cấu kinh tế: nông lâm nghiệp chiếm 23,19%, công nghiệp - xây dựng 22,47%, dịch vụ 49,59%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,75%. GRDP bình quân đầu người đạt 43,4 triệu đồng; dân số thành thị là 181.715 người (chiếm 23,04%), dân số khu vực nông thôn là 606.991 người (chiếm 76,96%). Về mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin: nhìn chung cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc phục vụ thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, tương đối đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu công việc; đang áp dụng phần mềm iOffice đã giúp xử lý công việc được tiến hành thuận lợi, mang lại hiệu quả thiết thực của các cơ quan hành chính. Tuy nhiên tỉnh Lạng Sơn là tỉnh miền núi, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, địa hình chia cắt, nhiều núi cao, Nhân dân chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn (chiếm 80,24%), trình độ dân trí còn chưa cao, chủ yếu là người dân tộc thiểu số (Tày, Nùng) sống rải rác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồi, núi.

Tất cả những yếu tố trên đều có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan hành chính trong việc tổ chức triển khai, thực hiện, thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

2.2. Căn cứ pháp lý:

Việc xây dựng kế hoạch biên chế công chức và hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức hành chính năm 2022 của UBND tỉnh Lạng Sơn trên cơ cở các quy định pháp luật hiện hành, cụ thể:

- Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25/11/2019.

- Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức.

- Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về sử dụng và quản lý công chức.

- Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

- Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

- Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

- Quyết định số 2047/QĐ-BNV ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về phê duyệt Danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh Lạng Sơn; Quyết định số 2705/QĐ-BNV ngày 26/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về phê duyệt bổ sung Danh mục vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh Lạng Sơn.

- Quyết định số 340/QĐ-UBND ngày 15/02/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt Bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm các cơ quan hành chính thuộc UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

- Quyết định số 345/QĐ-UBND ngày 20/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về việc tiếp nhận công chức, lao động hợp đồng từ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn trực thuộc Văn phòng Quốc hội về Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn quản lý.

II. VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG BIÊN CHẾ CÔNG CHỨC VÀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH NĂM 2021

1. Về biên chế công chức

- Số biên chế công chức được cơ quan có thẩm quyền giao1 năm 2021 là 2.060 biên chế.

- Số công chức có mặt đến thời điểm ngày 31/3/2021 là 1.883/2.060 người;

- Số biên chế chưa sử dụng là 177/2.060 biên chế.

Lý do chưa sử dụng: (1) Có 57/177 chỉ tiêu2 tuyển dụng công chức năm 2021 đã được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt . Hiện nay các cơ quan, đơn vị đang triển khai tuyển dụng công chức theo kế hoạch (đang trong thời gian tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển); (2) Có 112/177 chỉ tiêu3 các cơ quan, đơn vị đã đăng ký thực hiện tuyển dụng thông qua tiếp nhận vào làm công chức từ nay đến 31/12/2021. Đến thời điểm hiện nay, số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã còn phải bố trí, sắp xếp từ nay đến hết năm 2024 là 241 người; (3) Có 02/177 chỉ tiêu biên chế dự phòng là biên chế lãnh đạo chuyên trách các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ thực hiện giao cho Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh sau kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Lạng Sơn khoá XVII để đảm bảo đủ lãnh đạo chuyên trách các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định; (4) Có 06/177 chỉ tiêu biên chế chưa sử dụng còn lại: Các cơ quan, đơn vị dành chỉ tiêu dự phòng để tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi cán bộ, công chức cấp xã đã hoàn thiện đầy đủ các văn bằng, chứng chỉ theo quy định.

- Kế hoạch tuyển dụng công chức của các cơ quan, tổ chức hành chính năm 2021 là 169 người.

- Dự kiến số công chức giảm trong năm 2021 là 33 người, trong đó:

Số công chức dự kiến nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội trong năm 2021 là 20 người.

Số công chức dự kiến thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong năm 2021 là 13 người.

2. Về hợp đồng lao động

- Số hợp đồng lao động 68 được cơ quan có thẩm quyền giao4 năm 2021 là 284 người;

- Số lao động hợp đồng có mặt đến thời điểm ngày 31/3/2021 là 272/284 người;

- Số hợp đồng lao động chưa sử dụng là 12/284 người;

Lý do chưa sử dụng: Một số đơn vị chưa thực hiện ký kết hợp đồng do người lao động nghỉ hưu, nghỉ thôi việc chưa tìm được người thay thế.

- Dự kiến năm 2021 không giảm về số lao động hợp đồng;

3. Đánh giá việc giao và sử dụng biên chế, hợp đồng lao động 68 đến thời điểm 31/3/2021

Thực hiện Quyết định số 778/QĐ-BNV ngày 12/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của tỉnh Lạng Sơn năm 2021; tổng số biên chế công chức của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn được giao năm 2021 là 2.060 biên chế công chức (chưa bao gồm 06 biên chế công chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn). Trên cơ sở Quyết định giao biên chế của Bộ Nội vụ, ngày 09/01/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 27/QĐ-UBND về việc giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh Lạng Sơn năm 2021 theo đúng quy định.

3.1. Đối với biên chế công chức:

Hiện nay, khối lượng công việc tại các cơ quan, tổ chức hành chính trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ngày càng nhiều, yêu cầu về chất lượng công việc đòi hỏi ngày càng cao và phải liên tục đổi mới, sáng tạo. Trước tình hình thực tế hiện nay, hằng năm UBND tỉnh Lạng Sơn đã báo cáo, đề xuất Bộ Nội vụ giao tăng chỉ tiêu biên chế công chức cho tỉnh Lạng Sơn. Theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, UBND tỉnh Lạng Sơn đã nghiêm túc thực hiện việc tinh giản biên chế, hằng năm vẫn thực hiện cắt giảm đúng số lượng biên chế công chức theo lộ trình đã đề ra. Tuy nhiên trên thực tế, số biên chế được giao hiện nay chỉ đáp ứng tương đối so với nhu cầu thực tế của các cơ quan, tổ chức dẫn đến những ảnh hưởng nhất định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.

3.2. Đối với Hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP (đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ):

Năm 2021 UBND tỉnh Lạng Sơn quyết định giao 284 chỉ tiêu hợp đồng 68 cho các cơ quan, tổ chức hành chính trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, với số giao này cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ nhưng vẫn có một số đơn vị do đặc điểm, tính chất, yêu cầu đặc thù của ngành, lĩnh vực, điều kiện cơ sở, vật chất phải cần có thêm lái xe phục vụ việc thi hành công vụ của cơ quan, tổ chức hoặc bảo vệ để đảm bảo công tác trực bảo vệ 24/24 tại cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế với lộ trình giai đoạn 2015-2021 giảm tối thiểu 10% so với số giao năm 2015. Từ năm 2015 đến hết năm 2019 các văn bản chỉ đạo của Trung ương không yêu cầu các địa phương thực hiện giảm hợp đồng lao động 68. Tuy nhiên, đến năm 2020 mới thực hiện giao giảm 10% so với số giao năm 2015 (02 năm 2020, 2021 mỗi năm giảm 5%). Do vậy, UBND tỉnh Lạng Sơn gặp khó khăn trong việc giao hợp đồng 68 cho các cơ quan, tổ chức hành chính trên địa bàn tỉnh.

III. KẾ HOẠCH BIÊN CHẾ CÔNG CHỨC VÀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH NĂM 2022

1. Biên chế công chức

Kế hoạch biên chế công chức năm 2022 là 2.138 biên chế; tăng so với năm 2021 là 78 biên chế. Cụ thể như sau:

1.1. Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh tăng 08 biên chế. Lý do: Tăng 08 biên chế do sáp nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND tỉnh thành Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh: theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, quy định “Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội có dưới mười đại biểu Quốc hội, biên chế công chức của Văn phòng không quá tám người”. Tuy nhiên từ khi sáp nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND tỉnh thành Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh đến nay, tỉnh Lạng Sơn chưa được giao bổ sung biên chế này, rất khó khăn cho việc sắp xếp cho các vị trí việc làm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

1.2. Sở Giao thông vận tải tăng 08 biên chế. Lý do:

- Tăng 03 biên chế công chức do thành lập Trạm Quản lý vận tải cửa khẩu: Căn cứ khoản 1 Điều 6 Thông tư số 23/2012/TT-BGTVT ngày 29/6/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện Hiệp định, Nghị định thư về vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa “Cơ quan Quản lý vận tải tại cửa khẩu là Trạm Quản lý vận tải cửa khẩu thuộc Sở GTVT các tỉnh giáp biên giới Việt - Trung có cửa khẩu, được bố trí nhân sự, trang thiết bị, kinh phí hoạt động, vị trí làm việc tại cửa khẩu để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao”. Hiện nay, theo Quyết định số 23/2020/QĐ-UBND ngày 04/5/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Sở GTVT chưa có Trạm quản lý vận tải cửa khẩu. Do vậy, hiện nay UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục để thành lập Trạm quản lý vận tải cửa khẩu trực thuộc Sở GTVT đảm bảo đúng quy định, thời gian hoàn thành trong tháng 6 năm 2021.

- Tăng 05 biên chế công chức tại Thanh tra GTVT để đảm bảo thực hiện được kịp thời, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ cấp có thẩm quyền giao cho Thanh tra GTVT quy định tại Điều 24 Luật Thanh tra; Điều 13 Nghị định 86/2011/NĐ-CP; Điều 9 Nghị định 57/2013/NĐ-CP ngày 31/5/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra của ngành giao thông vận tải quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở GTVT. Căn cứ Khoản 1 Điều 8 Nghị định 57/2013/NĐ-CP quy định “Thanh tra Sở có Chánh thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra, thanh tra viên và công chức khác” và căn cứ điểm d khoản 1 Điều 79 Nghị đinh 100/2019/NĐ-CP quy định “Công chức Thanh tra Sở đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý của Thanh tra Sở GTVT”. Hiện nay Thanh tra Giao thông vận tải chỉ có 05 biên chế công chức, đồng thời cơ cấu tổ chức Thanh tra Giao thông vận tải gồm 04 đội (Quyết định số 1956/QĐ-UBND ngày 06/12/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh) và Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh (Quyết định số 954/QĐ-UBND ngày 21/6/2014 của UBND tỉnh) với số lượng công chức và cơ cấu như vậy chưa đáp ứng được số lượng công chức để thực hiện nhiệm vụ được giao.

1.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng 20 biên chế. Lý do:

Căn cứ Thông tư số 15/2015/TT-BNNPTNT ngày 26/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ các Chi cục và các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo đó 02 đơn vị Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật là đơn vị hành chính. Năm 2021, biên chế công chức được giao cho 02 Chi cục tổng là 10 biên chế. Tuy nhiên căn cứ quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT- BNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quy định:

- Tổ chức bộ máy của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, gồm: Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng; các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Chi cục không quá 04 phòng (đảm bảo bao quát được các lĩnh vực cơ bản sau đây: hành chính, tổng hợp; thanh tra, pháp chế; trồng trọt; bảo vệ thực vật); Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện hoặc liên huyện; Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa; Trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu được thành lập theo quy định của pháp luật; tổ chức sự nghiệp khác trực thuộc Chi cục (nếu có).

- Tổ chức bộ máy của Chi cục Chăn nuôi và Thú y gồm: Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng; các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Chi cục không quá 05 phòng (đảm bảo bao quát được các lĩnh vực cơ bản sau đây: hành chính, tổng hợp; thanh tra, pháp chế; quản lý giống và kỹ thuật chăn nuôi; quản lý thuốc và thức ăn chăn nuôi; quản lý dịch bệnh); Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện hoặc liên huyện; Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật; Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông (thành lập theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Trạm Kiểm dịch động vật cửa khẩu được ủy quyền theo quy định của pháp luật.

1.4. Sở Tài nguyên và Môi trường tăng 03 biên chế. Lý do: Sở Tài nguyên và môi trường là cơ quan tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, khối lượng công tác chuyên môn lớn, phức tạp; một số lĩnh vực luôn trong tình trạng quá tải như công tác tham mưu xây dựng văn bản Quy phạm pháp luật, quản lý đất đai, thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư, bảo vệ môi trường, giải quyết thủ tục hành chính liên quan, ... Số lượng biên chế công chức được giao năm 2021 ít (tổng biên chế công chức được giao 44 người: trong đó có 04 lãnh đạo Sở; Chi cục Bảo vệ môi trường 12 biên chế; số còn lại 28 biên chế Sở bố trí tại 05 phòng chuyên môn, trung bình mỗi phòng có 05 biên chế); với số lượng đội ngũ công chức hiện có chưa đảm bảo đáp ứng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Do vậy, đề xuất tăng 03 biên chế công chức để tăng cường cho Phòng Quản lý đất đai 01 biên chế, Thanh tra 01 biên chế và Chi cục Bảo vệ môi trường 01 biên chế.

1.5. Sở Thông tin và Truyền thông tăng 02 biên chế. Lý do: Hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội, Internet dẫn đến số lượng nhiệm vụ ngày một nhiều và yêu cầu chất lượng kết quả công việc ngày một cao của cấp có thẩm quyền về quản lý hành chính trong lĩnh vực được giao, trong khi đó số lượng biên chế của Sở Thông tin và Truyền thông hiện nay chưa đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, để đảm bảo chất lượng kết quả công việc, tiến độ công tác tham mưu của đơn vị, thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, đề xuất tăng thêm 02 biên chế.

1.6. Sở Y tế tăng 03 biên chế. Lý do:

- Văn phòng Sở Y tế: Đề nghị tăng 01 biên chế cho vị trí văn thư tại bộ phận văn phòng và 01 biên chế cho vị trí thực hiện công tác xây dựng kế hoạch tại phòng Kế hoạch - Tài chính để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.

- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm: Đề nghị tăng 01 biên chế cho phòng Nghiệp vụ thuộc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tăng cường công tác chuyên môn, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm.

1.7. Thanh tra tỉnh tăng 02 biên chế. Lý do: Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các Nghị định hướng dẫn thi hành quy định Thanh tra tỉnh có nhiệm vụ cập nhật, lưu giữ, quản lý số lượng lớn các bản kê khai tài sản và tổ chức thực hiện việc kiểm soát tài sản theo quy định Luật Phòng chống tham nhũng. Trong thời gian qua khối lượng công việc được giao ngày càng tăng, trong khi đó biên chế được giao hàng năm ít đã phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ.

1.8. Uỷ ban nhân dân thành phố Lạng Sơn tăng 07 biên chế. Lý do: Do khối lượng công việc của một số phòng chuyên môn lớn (Lao động-TB&XH, Quản lý đô thị, Tư pháp, Thanh Tra, Văn phòng HĐND-UBND, Giáo dục và Đào tạo), số công chức được giao chưa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao, đề nghị xem xét tăng thêm biên chế cụ thể như sau:

- Đối với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội: Được giao 07 biên chế, đề nghị tăng 01 biên chế chuyên môn theo dõi, phụ trách lĩnh vực lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội.

- Đối với phòng Quản lý đô thị: Được giao 09 biên chế, đề nghị tăng 01 biên chế tham mưu giải quyết về lĩnh vực xây dựng và giao thông.

- Đối với phòng Tư pháp: Được giao 04 biên chế, đề nghị tăng 01 biên chế thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật; thẩm tra hồ sơ xử phạt VPHC, soạn thảo các Quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến các lĩnh vực trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, an ninh trật tự, giao thông đường bộ, lĩnh vực văn hóa - xã hội, lĩnh vực lao động, lĩnh vực tài chính, lĩnh vực y tế và các lĩnh vực khác.

- Đối với Thanh Tra: Được giao 06 biên chế, đề nghị tăng 02 biên chế thực hiện rà soát hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, rà soát hồ sơ cưỡng chế, phối hợp rà soát công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn thành phố, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong xử lý và giải quyết đơn; tham gia là thành viên của các Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án Hội đồng tư vấn giải quyết đơn thành phố; thành viên Tổ công tác của Thanh tra tỉnh rà soát các vụ việc phức tạp, kéo dài trên địa bàn thành phố Lạng Sơn.

- Đối với Văn phòng HĐND&UBND: Được giao 17 biên chế, đề nghị tăng 01 biên chế tham mưu công tác đất đai, giải phóng mặt bằng.

- Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo: Được giao 08 biên chế, đề nghị tăng 01 biên chế thực hiện quản lý chuyên môn THCS.

1.9. Uỷ ban nhân dân huyện Lộc Bình tăng 02 biên chế. Lý do: Huyện Lộc Bình là huyện thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất của tỉnh Lạng Sơn (sắp xếp, sáp nhập 13 xã thành 05 xã). Trong năm 2021 UBND huyện tiếp tục thực hiện tiếp nhận công chức cấp xã thành công chức cấp huyện do năm 2020 huyện đã thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, hiện tại đang dôi dư 76 công chức cấp xã, theo kế hoạch đang thực hiện tiếp nhận 15 công chức cấp xã thành công chức cấp huyện, số còn lại hiện chưa có biên chế chống để sắp xếp.

1.10. Uỷ ban nhân dân huyện Hữu Lũng tăng 04 biên chế. Lý do: Hiện nay khối lượng công việc tại huyện quá tải đối với các phòng chuyên môn, 01 công chức đang phải thực hiện khối lượng công việc của 02-03 người. Đặc thù huyện Hữu Lũng lại là huyện đông dân cư (hiện nay trên 120 nghìn dân) trên địa bàn tỉnh; khối lượng công việc nhiều. Bên cạnh đó huyện Hữu Lũng trong giai đoạn 2020-2025 (và lộ trình đến năm 2030) là Khu Công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Hiện nay huyện đang từng bước thực hiện nhiều dự án, công trình, quy hoạch xây dựng đô thị, khu công nghiệp, giải phóng mặt bằng…vì vậy nhu cầu tăng biên chế là cấp thiết để bổ sung cho các phòng chuyên môn kịp thời hoàn thành nhiệm vụ.

1.11. Uỷ ban nhân dân huyện Chi Lăng tăng 08 biên chế. Lý do: Khối lượng công việc tại các phòng chuyên môn nhiều, với yêu cầu về chất lượng công việc cũng như thời gian hoàn thành công việc ngày càng cao và đảm bảo đúng thời gian theo quy định; biên chế tại các phòng trực thuộc UBND huyện Chi Lăng hiện nay còn thiếu so với nhu cầu thực tế công việc yêu cầu do vậy đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của các phòng trực thuộc UBND huyện Chi Lăng, cụ thể:

- Phòng Kinh tế - Hạ tầng tăng 03 biên chế để thực hiện nhiệm vụ quản lý giao thông vận tải, quản lý xây dựng, quản lý thương mại.

- Thanh tra huyện tăng 01 biên chế thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

- Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng 02 biên chế để thực hiện nhiệm vụ quản lý giáo dục tiểu học và theo dõi hướng nghiệp.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường tăng 02 biên chế để thực hiện nhiệm vụ phụ trách quản lý đất đai và quản lý tài nguyên nước - khoáng sản.

1.12. Uỷ ban nhân dân huyện Văn Quan tăng 05 biên chế. Lý do: Khối lượng công việc của các phòng: Nội vụ, Tài chính - Kế hoạch, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc nhiều, số công chức được giao năm 2021 chưa đảm bảo đủ thực hiện nhiệm vụ, đề nghị xem xét tăng thêm biên chế để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể:

- Đối với phòng Nội vụ huyện: Biên chế được giao 07, trong đó: 02 công chức lãnh đạo; 05 công chức chuyên môn, công tác quản lý lưu trữ đang thực hiện kiêm nhiệm đề nghị tăng 01 biên chế do thực hiện thêm nhiệm vụ quản lý kho lưu trữ của UBND huyện theo theo Quyết định số 4531/QĐ-UBND ngày 18/12/2018 của Chủ tịch UBND huyện chuyển giao nhiệm vụ quản lý kho lưu trữ UBND huyện.

- Đối với phòng Tài nguyên và Môi trường huyện: Biên chế được giao 06, trong đó: 02 công chức lãnh đạo, 04 công chức chuyên môn, đề nghị tăng 02 biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước và khoáng sản, quản lý đất đai

- Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện: Đề nghị tăng 01 biên chế thực nhiệm vụ quản lý kế hoạch và đầu tư.

- Phòng Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện: Đề nghị tăng 01 biên chế phụ trách lĩnh vực bảo hiểm y tế và chính sách hỗ trợ người nghèo.

1.13. Uỷ ban nhân dân huyện Tràng Định tăng 03 biên chế. Lý do:

- Tăng 02 biên chế tại Phòng Giáo dục và Đào tạo: Do khối lượng công việc của phòng Giáo dục và Đào tạo lớn, số biên chế được giao là 8 biên chế rất khó khăn trong công tác chỉ đạo chuyên môn các cấp học và công tác thống kê báo cáo của ngành.

- Tăng 01 biên chế tại Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc: Do yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và để nâng cao hiệu quả, chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ do vậy cần bổ sung thêm 01 biên chế.

1.14. Uỷ ban nhân dân huyện Cao Lộc tăng 03 biên chế. Lý do: Căn cứ Khoản 3 Điều 25 Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND huyện, từ sau cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban Kinh tế - xã hội và Ban Pháp chế HĐND huyện chưa được bổ sung 03 biên chế hoạt động chuyên trách của HĐND nên vẫn nằm trong tổng biên chế hành chính của UBND huyện. Do đó, mặc dù một số Phòng còn thiếu công chức phụ trách chuyên môn nhưng để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, UBND huyện phải thực hiện điều chỉnh biên chế các Phòng chuyên môn để HĐND huyện hoạt động chuyên trách, cụ thể:

- Phòng Nội vụ: Được giao 07 biên chế, hiện có mặt làm việc 07 biên chế (trong đó có Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng và 05 công chức chuyên môn). Theo chức năng, nhiệm vụ được giao có 12 vị trí việc làm được phê duyệt, trong đó vị trí quản lý nhà nước về tôn giáo là lĩnh vực nhạy cảm, trên địa bàn huyện có 22 đơn vị hành chính (20 xã, 02 thị trấn), trong đó có 07 xã và 02 thị trấn có người theo đạo, gồm thị trấn Đồng Đăng, thị trấn Cao Lộc; các xã: Gia Cát, Phú Xá, Thụy Hùng, Bảo Lâm, Tân Thành, Hợp Thành và Hồng Phong; tính đến thời điểm 05/3/2021. Trên địa bàn huyện có 02 nhà thờ Công giáo, 20 cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn có Ban quản lý (hoặc người đại diện); 233 cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn chưa có Ban quản lý (hoặc người đại diện). Mặc dù UBND huyện chỉ đạo các phòng, cơ quan, đơn vị chức năng làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện để chỉ đạo, giải quyết những vấn đề nảy sinh, nhạy cảm liên quan đến công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn diễn ra cơ bản theo đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do hiện nay công chức phụ trách lĩnh vực thực hiện kiêm nhiệm, do khối lượng công việc nhiều, chưa có thời gian đầu tư thời gian nghiên cứu chuyên sâu nên hiệu quả công tác trong lĩnh vực này chưa thực sự cao.

- Phòng Giáo dục và Đào tạo: Được giao 07 biên chế, hiện có mặt làm việc 06 biên chế (gồm Trưởng phòng, 03 Phó Trưởng phòng, 01 công chức chuyên môn, 01 kế toán), 01 biên chế đang đề nghị thực hiện quy trình tiếp nhận không qua thi. Do khối lượng công việc của Phòng lớn, quản lý nhiều cấp học nên ngoài số biên chế hành chính được giao, Phòng phải thực hiện trưng tập một số viên chức chuyên môn tại các trường học để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ.

- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Được giao 08 biên chế, hiện có mặt làm việc 08 biên chế (gồm Trưởng phòng, 02 Phó Trưởng phòng, 03 công chức chuyên môn, 01 kế toán). Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Phòng tham mưu cho UBND huyện thực hiện quản lý nhà nước 07 lĩnh vực, bên cạnh đó Cao Lộc là một huyện thuần nông, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa có sự chuyển dịch rõ rệt. Do khối lượng công việc lớn, nguồn nhân sự tham mưu kiêm nhiệm nhiều việc, do đó hiệu quả công tác của ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện chưa phát huy được hết khả năng vốn có.

2. Hợp đồng lao động 68

Kế hoạch hợp đồng lao động 68 năm 2022 là 293 người; tăng so với năm 2021 là 09 người. Cụ thể như sau:

2.1. Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn tăng 02 hợp đồng 68. Lý do: Để đảm bảo thực hiện công tác tốt công tác hỗ trợ, phục vụ, đề nghị bổ sung 01 chỉ tiêu lái xe, 01 chỉ tiêu lễ tân.

2.2. Sở Công Thương tăng 01 hợp đồng 68. Lý do: Hiện nay, Sở Công thương chỉ có 01 bảo vệ (tổng số có 04 hợp đồng lao động, trong đó có 01 bảo vệ, 02 lái xe, 01 tạp vụ) chưa đáp ứng được yêu cầu trực bảo vệ 24/24 tại trụ sở cơ quan.

2.3. Sở Giáo dục và Đào tạo tăng 01 hợp đồng 68. Lý do: Sở Giáo dục và Đào tạo với quy mô quản lý ngành lớn, nhiều hoạt động chuyên môn cần phải có sự hỗ trợ của nhân viên như quản lý, hỗ trợ kỹ thuật máy phô tô phục vụ in sao tài liệu chuyên môn. Trong khi hiện nay, tại cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ được giao 04 chỉ tiêu hợp đồng lao động, trong đó có 02 lái xe, 01 nhân viên bảo vệ, 01 nhân viên tạp vụ. Do đó, nhu cầu cần bổ sung thêm 01 chỉ tiêu hợp đồng lao động để đảm bảo công tác phục vụ các hoạt động chung của Sở Giáo dục và Đào tạo.

2.4. Sở Khoa học và Công nghệ tăng 02 hợp đồng. Lý do: Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại trụ sở Trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường tỉnh Lạng Sơn (theo chỉ đạo của UBND tỉnh Công văn số 952/UBND-Kt ngày 18/3/2021 về đồng ý chủ trương giao tài sản công là Trạm Quan trắc và cảnh báo quan trắc môi trường tỉnh Lạng Sơn cho Sở Khoa học và Công nghệ quản lý).

2.5. Uỷ ban nhân dân thành phố Lạng Sơn tăng 01 hợp đồng 68. Lý do: Năm 2021, Phòng Giáo dục và Đào tạo chuyển trụ sở Phòng Giáo dục và Đào tạo sang địa điểm mới tại Khối 8, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn là địa điểm nằm xa trung tâm, sát chân đồi, dân cư thưa thớt…Với 01 hợp đồng lao động 68 làm nhiệm vụ bảo vệ 24/24 giờ không đảm bảo quy định về thời gian làm việc. Do đó, đề nghị tăng 01 chỉ tiêu bảo vệ để thực hiện nhiệm vụ.

2.6. Uỷ ban nhân dân huyện Hữu Lũng tăng 01 hợp đồng 68. Lý do: Trong năm 2021 UBND huyện được cấp bổ sung 01 xe công vụ cho Văn phòng HĐND và UBND huyện nhưng chưa được giao bổ sung chỉ tiêu lái xe.

2.7. Uỷ ban nhân dân huyện Tràng Định tăng 01 hợp đồng 68. Lý do: Do đặc thù của Phòng Giáo dục và Đào tạo thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyên môn, hội thảo, số công chức chuyên môn của phòng Giáo dục hiện có 05 người không thể làm thêm công việc tạp vụ.

3. Khó khăn, vướng mắc

3.1. Năm 2015, Bộ Nội vụ đã phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể về định mức biên chế tối thiểu tương ứng với từng vị trí việc làm, do vậy khó khăn trong việc giao biên chế cho các cơ quan, tổ chức hành chính trên địa bàn tỉnh phù hợp với vị trí việc làm đã được phê duyệt.

3.2. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 có quy định việc tăng biên chế chuyên trách cho các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Lạng Sơn chưa được Chính phủ, Bộ Nội vụ giao bổ sung biên chế công chức cho các Ban của HĐND theo quy định; bên cạnh đó, việc quy định từ năm 2015 đến hết năm 2021 phấn đấu tinh giản biên chế tối thiểu 10% biên chế công chức được giao năm 2015. Do vậy, tỉnh Lạng Sơn gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân bổ chỉ tiêu biên chế công chức cho các cơ quan, đơn vị để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

3.3. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn có 03 tổ chức hành chính5 do tại thời điểm thành lập chưa được giao đủ biên chế công chức, nhưng để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao từ khi thành lập đến nay, UBND tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện giao biên chế sự nghiệp cho các tổ chức hành chính để thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay 03 đơn vị này đang tồn tại đồng thời số lượng biên chế công chức và số lượng biên chế sự nghiệp. Do vậy gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, xử lý vi phạm hành chính thuộc các lĩnh vực quản lý. Đối với những khó khăn, vướng mắc về nội dung này, từ năm 2017 UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Tờ trình số 105/TTr-UBND ngày 08/11/2017 về việc đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ cho phép chuyển đổi biên chế sự nghiệp sang biên chế công chức của tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên, đối với những đề xuất, kiến nghị về nội dung này chưa được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ cho ý kiến chỉ đạo thực hiện.

3.4. Thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500), tỉnh Lạng Sơn thực hiện tiếp nhận và bố trí đối với 24 đội viên trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trong tổng số 24 đội viên trí thức trẻ tình nguyện tăng cường cho các xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đến thời điểm hiện tại có 06/24 đội viên6 được tuyển dụng vào công chức, công chức cấp xã và tuyển dụng vào viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, 01/24 đội viên xin thôi nhiệm vụ đề án, còn lại 17/24 đội viên gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, bố trí các đội viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ (Đề án đã kết thúc vào tháng 7/2020). Hiện nay, các cơ quan hành chính cấp huyện, cấp xã đều có nhu cầu tuyển dụng, bố trí đội viên sau khi hoàn thành Đề án (do các đội viên đều đã được tuyển chọn đầu vào đảm bảo chặt chẽ tương tự như quy trình tuyển dụng công chức hành chính cũng như các đội viên đều có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ đại học trở lên, được đánh giá thực tiễn qua thời gian 05 năm tại cơ sở, đủ điều kiện để xét tuyển không qua thi vào công chức, viên chức) nhưng thực tế, các cơ quan hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh không còn chỉ tiêu, vị trí việc làm để tuyển dụng, bố trí các đội viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ, kết thúc Đề án.

3.5. Việc thực hiện tinh giản biên chế được triển khai thực hiện từ năm 2015 theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Theo đó, lộ trình giai đoạn 2015-2021 giảm tối thiểu 10% so với số giao năm 2015. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến hết năm 2019, Bộ Nội vụ không thẩm định số lượng hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh Lạng Sơn. Nhưng đến năm 2020, Bộ Nội vụ thẩm định trong 2 năm (2020, 2021) yêu cầu địa phương thực hiện giao giảm 10% so với số giao năm 2015 (mỗi năm giảm 5%). Do vậy, rất khó khăn cho địa phương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; bên cạnh đó, việc giao giảm hợp đồng lao động cần phải có lộ trình, thời gian thực hiện, cũng như có những chủ trương, hướng dẫn các giải pháp thay thế thực hiện hợp đồng 68/2000/NĐ-CP trong cơ quan hành chính. Hiện nay, việc giao hợp đồng 68 cho các cơ quan, tổ chức hành chính trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được giao cho các vị trí bảo vệ, tạp vụ, lái xe, đây là những vị trí việc làm cần thiết, có tính chất ổn định lâu dài, phải có để đảm bảo cho các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được UBND tỉnh giao.

4. Giải pháp thực hiện kế hoạch biên chế công chức, hợp đồng lao động 68 sau khi được giao biên chế, chỉ tiêu, dự kiến nguồn công chức bổ sung, thay thế, thực hiện chính sách tinh giản biên chế và dự toán kinh phí thực hiện

4.1. Giải pháp thực hiện kế hoạch biên chế công chức, hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP sau khi được Bộ Nội vụ giao biên chế năm 2022:

Căn cứ quy định về chức năng, nhiệm vụ, tính chất, đặc điểm, mức độ phức tạp và quy mô, phạm vi, đối tượng quản lý của các cơ quan đơn vị để thực hiện phân bổ số lượng biên chế cho phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị. Việc ban hành Quyết định giao biên chế và giao chỉ tiêu hợp đồng lao động hằng năm được thực hiện ngay sau khi có Quyết định giao của Bộ Nội vụ đảm bảo kịp thời.

Trường hợp trong năm có công chức nghỉ hưu, nghỉ tinh giản biên chế hoặc chuyển công tác, UBND tỉnh Lạng Sơn chủ động tổ chức tuyển dụng công chức thông qua thi tuyển, tiếp nhận vào làm công chức không qua thi tuyển để bổ sung đội ngũ công chức đảm bảo hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ.

4.2. Tiếp tục thực hiện tinh giản và dự toán ngân sách chi trả đối với những công chức năng lực kém, trình độ chuyên môn, sức khoẻ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ theo đúng quy định.

IV. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1. Đề nghị Bộ Nội vụ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao 2.138 biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2021 (tăng 78 chỉ tiêu biên chế so với giao năm 2021).

2. Đề nghị xem xét lại việc giao giảm tỷ lệ 10% đối với hợp đồng lao động 68 trong các cơ quan, tổ chức hành chính cho phù hợp với lộ trình; đồng thời cần có hướng cụ thể các biện pháp xử lý, khắc phục đối với việc giao giảm hợp đồng lao động 68 nhưng vẫn phải đảm bảo cho các cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trên đây là Kế hoạch biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính tỉnh Lạng Sơn năm 2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn trân trọng báo cáo Bộ Nội vụ xem xét, phê duyệt.

Gửi kèm biểu Kế hoạch biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính tỉnh Lạng Sơn năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ (b/c);
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở: Nội vụ, Tài chính;
- C, PCVP UBND tỉnh, các phòng: THNC, TT THCB;
- Lưu: VT, THNC (HXĐ).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Xuân Huyên

 

 



1 Quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 09/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng sơn về việc giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh Lạng Sơn năm 2021 (được giao 2.060 biên chế).

2 Quyết định số 671/QĐ-UBND ngày 22/3/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt nhu cầu tuyển dụng công chức năm 2021 (55 chỉ tiêu sở, ngành; 01 chỉ tiêu tổ chức Hội đặc thù); Quyết định số 767/QĐ-UBND ngày 09/4/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt bổ sung nhu cầu tuyển dụng công chức năm 2021 (02 chỉ tiêu).

3 Tờ trình số 130/TTr-SNV ngày 17/3/2021 của Sở Nội vụ về việc phê duyệt nhu cầu tuyển dụng công chức, người làm việc tại hội có tính chất đặc thù năm 2021.

4 Quyết định số 926/QĐ-UBND ngày 07/5/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng sơn về việc giao giao chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP đối với các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2021.

5 Thanh tra Giao thông vận tải, Chi cục Chăn nuôi và Thú ý, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

6 Có 01 đội viên được tuyển dụng vào công chức Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 02 đội viên được tuyển dụng vào viên chức trong đơn vị nghiệp công lập, 02 đội viên được bầu giữ cán bộ cấp xã, 01 đội viên tuyển dụng vào công chức cấp xã