Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 12-KH/TW

Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾT LUẬN HỘI NGHỊ LẦN THỨ BẢY BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHÓA XI “MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, HOÀN THIỆN HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TỪ TRUNG ƯƠNG ĐẾN CƠ SỞ”

Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ra Kết luận “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” (số 64-KL/TW, ngày 28-5-2013). Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận như sau:

I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Quán triệt, nắm vững các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Kết luận để triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả.

- Triển khai thực hiện Kết luận tích cực, đồng bộ, nghiêm túc bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị; khắc phục tình trạng làm lướt, hình thức, không đạt yêu cầu.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; mối quan hệ trong từng tổ chức và giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Giữ ổn định biên chế, đồng thời cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; thay thế những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu.

- Trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp ủy, tổ chức đảng cần làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

II- NỘI DUNG

1- Tổ chức phổ biến, quán triệt Kết luận và xây dựng kế hoạch thực hiện

- Các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, bí thư đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy, thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo triển khai phổ biến, quán triệt Kết luận, Kế hoạch thực hiện của Bộ Chính trị tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình và chỉ đạo, kiểm tra các địa phương, cơ quan, đơn vị trực thuộc phổ biến, quán triệt; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Kết luận.

- Các cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể của cấp mình để triển khai thực hiện; đôn đốc, kiểm tra, báo cáo định kỳ về việc thực hiện Kết luận.

2- Thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

2.1- Các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện các chủ trương, giải pháp đã được nêu trong Kết luận, Kế hoạch; đồng thời chú trọng thực hiện 2 nhiệm vụ cụ thể là:

- Xây dựng đề án điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc, các quy chế, quy định về quy trình công tác của cấp ủy, tổ chức đảng, về quan hệ lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; kiện toàn tinh gọn tổ chức bộ máy. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức các cấp trực thuộc.

- Rà soát, điều chỉnh số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gắn với tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm; thực hiện nghiêm việc không tăng biên chế từ nay đến năm 2016, đồng thời xây dựng lộ trình tinh giản biên chế.

2.2- Ban Tổ chức Trung ương

- Chủ trì phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ chuyển Học viện Hành chính từ Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về Bộ Nội vụ, tham mưu cấp có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính cho phù hợp (trình Bộ Chính trị trong tháng 10 và thực hiện xong trước tháng 12-2013).

- Chủ trì nghiên cứu trình Bộ Chính trị về quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với Chủ tịch nước.

- Chủ trì phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội tham mưu Bộ Chính trị ban hành quy định về quản lý biên chế thống nhất của cả hệ thống chính trị (trình Bộ Chính trị quý IV-2013).

- Tham mưu Ban Bí thư sơ kết việc thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn, sửa đổi quy định về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở xã, phường, thị trấn (trình Ban Bí thư quý IV-2013), quy định thống nhất mô hình tổ chức đảng dưới cấp xã (trình Ban Bí thư quý III-2014).

- Chủ trì phối hợp với Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Ngoài nước và một số cơ quan liên quan tham mưu Bộ Chính trị về mô hình tổ chức Đảng bộ Ngoài nước (trình Bộ Chính trị quý IV-2013).

- Tham mưu Ban Bí thư sửa đổi, bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế các cơ quan tham mưu giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp ủy tỉnh, cấp ủy huyện; ban hành mới quy định tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội cấp tỉnh, cấp huyện (trình Ban Bí thư quý IV-2013).

2.3- Ban cán sự đảng Chính phủ

- Lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành; cơ chế phân cấp giữa Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu Bộ Chính trị chỉ đạo thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở một số thành phố trực thuộc Trung ương.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; đồng thời tham mưu, đề xuất về tổ chức chính quyền địa phương theo tinh thần Kết luận (trình Bộ Chính trị quý IV-2013).

- Chủ trì phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cấp xã.

- Chủ trì phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội sửa đổi, bổ sung cơ chế tài chính của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; quy định về tăng cường quyền làm chủ của nhân dân gắn với đẩy mạnh thực hiện các hình thức tự quản và xã hội hóa ở cộng đồng dân cư.

- Chủ trì nghiên cứu việc thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành về năng lượng và tài nguyên nước, tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu, quản lý, giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; về đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công.

2.4- Đảng đoàn Quốc hội

- Chủ trì nghiên cứu báo cáo Bộ Chính trị và lãnh đạo Quốc hội đưa vào Hiến pháp sửa đổi, bổ sung những nội dung trong Kết luận của Trung ương như chế định Chủ tịch nước, thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương.

- Chủ trì phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; ban hành mới pháp luật về chính quyền địa phương (sau khi Hiến pháp sửa đổi được ban hành) để phù hợp với Kết luận.

- Chủ trì nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc chuyển một số ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành ban của Quốc hội; nghiên cứu về lập chức danh Tổng thư ký của Quốc hội; việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách từ nay đến cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và các nhiệm kỳ tiếp theo, cơ chế gắn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với cử tri đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội.

2.5- Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ

- Tham mưu Chính phủ chỉ đạo việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy các bộ, ngành Trung ương; xem xét điều chỉnh, sắp xếp lại một số tổ chức (tổng cục, ban quản lý, viện chiến lược,…) trong các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ.

- Tham mưu Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn; quy định thống nhất tổ chức dưới xã, phường, thị trấn (thôn, ấp, bản, tổ dân phố) theo quy mô dân số phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi.

- Tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về quản lý tổ chức và hoạt động hội cho phù hợp với tình hình mới; về các cơ quan chuyên môn giúp việc cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; về cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp và viên chức cho phù hợp.

- Tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về thi tuyển các chức danh quản lý ở Trung ương (đến cấp vụ trưởng) và địa phương (đến cấp giám đốc sở) và tương đương; về số lượng, chức danh, tiêu chuẩn, vị trí việc làm, cơ chế hoạt động, chính sách tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã và dưới cấp xã; chính sách đối với cán bộ (đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc) cấp xã không đủ điều kiện tái cử hoặc thôi tham gia công tác.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, ủy viên Trung ương Đảng, người đứng đầu các cơ quan Trung ương phụ trách từng khối, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch này ở khối, cơ quan, đơn vị mình và chỉ đạo thực hiện các nội dung của Kế hoạch đối với cấp trực thuộc.

2- Căn cứ Kế hoạch này, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Kết luận của Trung ương ở địa phương, cơ quan, đơn vị; hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc cấp dưới và thực hiện báo cáo kết quả về Trung ương.

3- Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn các cơ quan, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương việc thực hiện Kế hoạch này; thẩm định, theo dõi, tổng hợp việc thực hiện Kết luận và Kế hoạch, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị.

4- Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan tham mưu Bộ Chính trị thực hiện việc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện Kết luận và Kế hoạch này.

5- Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan báo cáo Bộ Chính trị (qua Ban Tổ chức Trung ương) để xem xét, chỉ đạo giải quyết kịp thời.

 

 

Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Lê Hồng Anh