Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 5
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 121/KH-UBND

Quận 5, ngày 10 tháng 9 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH DO VI RÚT EBOLA TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 5

Thực hiện Kế hoạch số 3938/KH-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về Hành động phòng, chống bệnh do vi rút Ebola tại thành phố Hồ Chí Minh và Công văn số 4560/SYT-NVY ngày 11 tháng 8 năm 2014 của Sở Y tế về việc triển khai công tác giám sát, phòng chống bệnh do vi rút Ebola; Ủy ban nhân dân quận 5 triển khai Kế hoạch Hành động phòng chống bệnh do vi rút Ebola trên địa bàn quận như sau:

I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH DO VI RUT EBOLA TRÊN THẾ GIỚI VÀ TẠI VIỆT NAM:

1. Tổng quan về dịch bệnh:

Bệnh do vi rút là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao;

Bệnh lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường và dụng cụ bị ô nhiễm dịch bệnh;

Hiện nay, bệnh do vi rút Ebola vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu;

Tuy nhiên, dịch bệnh có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

2. Trên thế giới: Hiện nay dịch bệnh đã bùng phát tại 4 quốc gia vùng Tây Phi là: Guinera, Leberia, Sierra Leone và Nigeria. Tính đến ngày 06 tháng 8 năm 2014 đã ghi nhận 1779 trường hợp mắc, trong đó có 961 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra khuyến cáo nhằm hạn chế việc lây lan của vi rút Ebola.

3. Tại Việt Nam: Đến ngày 11 tháng 8 năm 2014, chưa ghi nhận trường hợp mắc hoặc nghi ngờ nhiễm vi rút Ebola.

Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập vào thành phố cũng như có khả năng bùng phát thành dịch tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, chủ động ứng phó hiệu quả nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do bệnh do vi rút Ebola.

2. Mục tiêu cụ thể theo tình huống dịch:

Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam:

Giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và cơ sở y tế đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày nhằm phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ đầu tiên, chẩn đoán nhanh, khoanh vùng và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để, không để lây lan.

Phương thức giám sát trong tình huống này: tại cộng đồng điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh thuộc diện giám sát bao gồm những ca bệnh nghi ngờ mắc Ebola và có tiền sử ở/đi/đến từ vùng/quốc gia có dịch hoặc tiếp xúc gần với người hoặc động vật xác định mắc bệnh Ebola hoặc tiếp xúc với bệnh nhân Ebola có liên quan đến vùng/quốc gia có dịch trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát.

Tình huống 2: Xuất hiện ca bệnh xác định xâm nhập vào Việt Nam:

Yêu cầu của tình huống này là phát hiện sớm các trường hợp bệnh có liên quan đến ca bệnh xâm nhập, xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan ra cộng đồng.

Phương thức giám sát trong tình huống này cụ thể như sau:

- Giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh thuộc diện giám sát.

- Giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của tất cả những người có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh trong vòng 21 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.

Tình huống 3: Dịch lây lan trong cộng đồng:

Yêu cầu của tình huống này là phát hiện sớm các trường hợp bệnh mắc mới trong cộng đồng, xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế tối đa khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng.

Phương thức giám sát trong tình huống này cụ thể như sau:

- Ở các địa phương chưa ghi nhận trường hợp bệnh: Giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp ca bệnh nghi ngờ theo định nghĩa ca bệnh của Bộ Y tế.

- Ở các ổ dịch đã được xác định: Giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp bệnh phát hiện đầu tiên.

- Ở cả 3 tình huống, tất cả các trường hợp tử vong nghi do mắc vi rút Ebola đều phải được điều tra, báo cáo và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Phòng Y tế: Tham mưu Ủy ban nhân dân Quận 5 về kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh. Thông báo đến các phòng khám đa khoa, phòng khám tư nhân khi có trường hợp mắc hoặc nghi ngờ nhiễm vi rút Ebola phải báo cáo ngay cho Phòng Y tế và hướng dẫn bệnh nhân đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và điều trị.

2. Trung tâm Y tế dự phòng: Thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh Ebola và công tác xử lý dịch do Bộ Y tế ban hành để tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận chỉ đạo, điều chỉnh kế hoạch kịp thời phù hợp theo từng giai đoạn diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn quận.

Triển khai ngay việc tập huấn chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ y tế và mạng lưới thông tin giáo dục truyền thông trong và ngoài ngành y tế.

Chủ động truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Ebola đảm bảo người dân không chủ quan, không hoang mang và có đủ kiến thức để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp người mắc bệnh để tổ chức cách ly, cấp cứu, điều trị kịp thời và xử lý triệt để không để lây lan thành dịch trong cộng đồng.

Rà soát lại quy trình triển khai khu cách ly kiểm dịch. Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, hóa chất, cơ số thuốc... sẵn sàng triển khai khi có ca tiếp xúc cần cách ly kiểm dịch. Củng cố các đội chống dịch cơ động.

Thực hiện chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm kịp thời, khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh theo quy định của Bộ Y tế và chỉ đạo của Sở Y tế, nhất là khi có nguy cơ dịch phát triển và lan rộng trong cộng đồng từ đó có hướng đề xuất, xử lý kịp thời.

Chỉ đạo Trạm Y tế phường phối hợp với các đội chống dịch cơ động và dự phòng tuyến quận chuẩn bị khu vực cách ly kiểm dịch và cách ly điều trị để có thể đưa vào sử dụng khi cần thiết.

Đầu mối tổng hợp các đề xuất kinh phí bổ sung của các đơn vị thông qua Phòng Tài chính - Kế hoạch trình Ủy ban nhân dân quận xem xét, phê duyệt.

3. Bệnh viện quận 5: Tổ chức triển khai khu vực cách ly tại Bệnh viện. Xây dựng kế hoạch thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân và duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch. Có kế hoạch mở rộng các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân theo từng tình huống dịch. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.

Tăng cường công tác giám sát, khám phát hiện sớm, cách ly, điều trị tích cực các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola, khai thác yếu tố dịch tễ. Chủ động phối hợp với Y tế dự phòng trong công tác thông tin, báo cáo ca bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.

Tổ chức công tác phòng chống lây nhiễm bệnh Ebola trong bệnh viện đúng quy định của Bộ Y tế; phối hợp với bệnh viện Nhiệt đới cung cấp thuốc điều trị cho các đơn vị khi có yêu cầu.

4. Phòng Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo Ban giám hiệu các trường học tăng cường công tác truyền thông về dịch bệnh Ebola tại các trường học và khi phát hiện trẻ bệnh hoặc nghi ngờ bệnh phải thông báo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng quận biết để phối hợp tổ chức thực hiện xử lý dịch theo quy định của Bộ Y tế.

5. Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa quận: Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế chủ động tuyên truyền, thông báo kịp thời về tình hình dịch bệnh, cơ chế lây bệnh, mức độ nguy hiểm và các biện pháp để người dân biết, bình tĩnh và chủ động phòng chống.

6. Phòng Tài chính - Kế hoạch quận: Tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận đáp ứng kịp thời kinh phí để chủ động tăng cường các hoạt động giám sát, phòng chống dịch và trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng.

7. Công an quận 5: Hỗ trợ ngành Y tế và Ủy ban nhân dân các phường thực hiện giám sát, cách ly kiểm dịch theo quy định, nhất là các đối tượng không tuân thủ các biện pháp cách ly; bảo vệ trật tự, an ninh tại các ổ dịch theo từng tình huống dịch.

8. Ban Chỉ huy Quân sự quận: Xây dựng kế hoạch kết hợp quân dân y trong phòng chống dịch bệnh và tổ chức lực lượng thực hiện phòng chống dịch khi có yêu cầu.

9. Ủy ban nhân dân 15 phường: Rà soát và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên địa bàn phường. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch Ebola tại phường.

Tăng cường truyền thông giáo dục về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh Ebola; đồng thời đảm bảo người dân không chủ quan, không hoang mang và có đủ kiến thức để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong công tác giám sát trường hợp mắc hoặc nghi ngờ nhiễm vi rút Ebola tại cộng đồng.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quận: tăng cường công tác tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống bệnh, để có thể tự bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng.

11. Các cơ quan, đơn vị khi phát hiện trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm trong trường học hoặc cộng đồng báo cáo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng quận 5, địa chỉ: 591A Nguyễn Trãi, Phường 7, quận 5, email: ttytdpqn@tphcm.gov.vn hoặc theo đường dây nóng:

- Ủy ban nhân dân quận 5: 38550250.

- Trung tâm Y tế Dự phòng quận 5: 38592163 - 0918.178100.

- Khoa kiểm soát dịch bệnh: 38553247.

Ủy ban nhân dân quận 5 yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường quận 5 và đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phối hợp triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:
- UBND/TP;
- Sở Y tế (TT BCĐ LNTPATVSTP);
- TT.QU- TT.UBND/Q.5;
- UB.MTTQ & các đoàn thể quận;
- Các Phòng: Y tế, TC-KH, VH-TT, Giáo dục và Đào tạo/Q.5;
- TTYTDP, TTVH/Q.5;
- Công an - BCHQS/Q.5;
- Bệnh viện/Q.5;
- UBND 15 phường;
- VP.UBND/Q.5 (VX);
- Lưu. (YT.33b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Canh Ba