Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 125/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 04 tháng 10 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC NĂM 2017

I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH

Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;

Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005;

Luật An toàn thông tin mạng ngày 19/11/2015;

Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ ban hành về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020;

Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử;

Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

Văn bản số 1178/BTTTT-THH ngày 21/4/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Phiên bản 1.0;

Công văn số 2718/BTTTT-THH ngày 10/8/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Báo cáo kết quả ứng dụng công nghệ thông tin năm 2016 và xây dựng Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2017.

Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 22/9/2016 của UBND tỉnh Lạng Sơn về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 - 2020;

II. MỤC TIÊU ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NĂM 2017

1. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nội bộ cơ quan nhà nước

- Đảm bảo 90% các thông tin chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo tỉnh được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

- Tăng cường ứng dụng thư điện tử công vụ trong công việc, đưa tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử trong công việc đạt 75%.

- Đảm bảo 80% văn bản điện tử được gửi nhận trên hệ thống Văn phòng điện tử và Văn phòng điện tử liên thông giữa các đơn vị; 100% đơn vị sử dụng dịch vụ chữ ký số, chứng thực chữ ký số trong xác thực văn bản điện tử.

- Nâng tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức của tỉnh đạt trên 90% trong đó 100% máy tính được kết nối mạng LAN, Internet (không tính đến máy tính dùng soạn thảo, lưu trữ văn bản mật).

- Giảm dần việc sử dụng văn bản giấy trong công việc, sử dụng hình thức khai thác thông tin trên mạng để phục vụ cho công việc.

- Đảm bảo duy trì ổn định và hoạt động có hiệu quả Cổng thông tin điện tử.

2. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

- Đảm bảo cung cấp 100% dịch vụ hành chính công mức độ 2. Duy trì có hiệu quả 14 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 hiện có trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ hành chính công.

- Cung cấp các dịch vụ hành chính công được ưu tiên theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, được trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trên Cổng thông tin điện tử nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

- Tiếp tục triển khai các dự án ứng dụng CNTT trong công tác tiếp nhận, xử lý kết quả và trả kết quả thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa cho các đơn vị trực thuộc cấp tỉnh và các đơn vị tư pháp, hộ tịch.

- Xây dựng thí điểm trung tâm hành chính công.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Phát triển hạ tầng kỹ thuật

- Nâng cấp mạng truyền số liệu chuyên dùng từ UBND tỉnh kết nối đến các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn.

- Đầu tư nâng cấp hệ thống Văn phòng điện tử và Văn phòng điện tử liên thông trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

- Đầu tư, nâng cấp và phát triển trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cung cấp các phần mềm, hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh.

- Đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước.

2. Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước

- Triển khai phần mềm Chính quyền điện tử (egov) đến các xã, phường, thị trấn bảo đảm kết nối liên thông 4 cấp.

- Nâng cấp hệ thống thư điện tử công vụ.

- Trang bị chữ ký số cho Lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện thành phố và các đơn vị sự nghiệp công lập trong hoạt động ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước.

- Duy trì, nâng cấp hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến.

- Tăng cường sử dụng thư điện tử, hệ thống Văn phòng điện tử và Văn phòng điện tử liên thông giữa các đơn vị phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, công tác chuyên môn nghiệp vụ, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

- Đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu điện tử phục vụ công tác ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước.

3. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

- Đầu tư nâng cấp nhằm đảm bảo duy trì ổn định, tăng cường hoạt động Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử thành viên.

- Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, 4 (theo Quyết định 1819/QĐ-TTg và Công văn số 2779/VPCP-KGVX ngày 22/4/2016 của Văn phòng Chính phủ). Một cửa điện tử liên thông.

- Tiếp tục triển khai ứng dụng CNTT trong công tác tiếp nhận, xử lý và trả kết quả thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa; mở rộng ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính đối với công tác quản lý hộ tịch tại một số đơn vị tư pháp; các dự án cung cấp thông tin về khoa học và công nghệ…

4. Xây dựng, hoàn thiện các Hệ thống thông tin, CSDL chuyên ngành; Hệ thống thông tin, CSDL quốc gia tạo nền tảng phát triển CPĐT

- Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về dân cư, đất đai, văn bản điện tử đảm bảo khai thác, chia sẻ dữ liệu của tỉnh với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng tiến tới phát triển Chính phủ điện tử.

- Xây dựng, cung cấp các phần mềm phục vụ cho việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, ưu tiên các lĩnh vực: thủ tục hành chính, dân cư, đất đai - xây dựng, doanh nghiệp.

5. Phát triển nguồn nhân lực

- Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chuyên trách về CNTT cho các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có khả năng quản lý, triển khai ứng dụng CNTT.

- Tổ chức 03 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn về công tác quản trị mạng; quản trị Cổng/Trang thông tin điện tử; quản trị hệ thống Văn phòng điện tử; công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin… cho cán bộ chuyên trách về CNTT tại các cơ quan, đơn vị.

- Xây dựng các cơ chế chính sách, bảo đảm chế độ ưu đãi đối với đội ngũ chuyên trách về CNTT.

IV. GIẢI PHÁP

1. Giải pháp môi trường chính sách

- Xây dựng quy chế, quy định về quản lý và sử dụng chữ ký số, chứng thực chữ ký số trong các cơ quan nhà nước.

- Xây dựng chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư về lĩnh vực CNTT trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp.

- Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho cán bộ chuyên trách về CNTT đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

2. Giải pháp tài chính

- Tranh thủ nguồn chi cho các dự án đầu tư phát triển, các nguồn tài trợ, nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương…

- Ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hàng năm để phát triển và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí đào tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo hình thức xây dựng - chuyển giao hoặc xây dựng - khai thác - chuyển giao.

3. Giải pháp triển khai

- Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra,đôn đốc việc thực hiện theo kế hoạch; gắn ứng dụng CNTT với công tác cải cách hành chính.

- Tăng cường công tác tham mưu của Ban chỉ đạo CNTT trong việc triển khai các đề án, dự án hiện đại hóa hạ tầng CNTT, triển khai các hệ thống phần mềm hỗ trợ giải quyết công việc đạt hiệu quả cao.

- Ưu tiên bố trí, tuyển dụng đủ cán bộ chuyên trách, cán bộ quản trị mạng trong các cơ quan, đơn vị từ cấp huyện trở lên.

4. Giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin

- Xây dựng giải pháp đảm bảo an toàn thông tin trên mạng theo quy định và bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Đầu tư các trang thiết bị tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và bảo mật hệ thống cơ sở dữ liệu.

- Đảm bảo 100% máy tính trong các đơn vị được cài phần mềm chống virus và phần mềm độc hại.

- Rà soát và áp dụng quy trình nghiệp vụ, quy trình sao lưu, dự phòng dữ liệu, đảm bảo an toàn dữ liệu theo Quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của tỉnh và các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

V. DANH MỤC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN

(Danh mục nhiệm vụ, dự án năm 2017 kèm theo Kế hoạch)

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai, thực hiện kế hoạch này.

Tổ chức theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.

2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan, tham mưu bố trí kinh phí phù hợp với điều kiện ngân sách để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch đề ra.

3. Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố

- Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT năm 2017.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện kế hoạch chung của tỉnh đảm bảo đồng bộ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương.

- Cân đối, bố trí, huy động kinh phí để triển khai các nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lý Vinh Quang