Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 126/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 03 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ỨNG DỤNG "QUẢN LÝ SỨC KHỎE CÂY TRỒNG TỔNG HỢP (IPHM) TRÊN CÂY TRỒNG CHỦ LỰC TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2023-2030"

Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”;

Căn cứ Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 05/8/2022 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động giảm thải khí mê tan đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1909/QĐ-BNN-KH ngày 27/5/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Ban hành Chương trình hành động triển khai chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 3444/QĐ-BNN-KH ngày 12/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV ngày 23/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam giai đoạn 2022-2030;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 134/TTr-SNN ngày 01/8/2023;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2030", như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và người sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt về sức khỏe cây trồng, môi trường xanh, nông sản sạch, an toàn và hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong toàn ngành và xã hội về IPHM để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2030.

- Xác định các hoạt động cụ thể, cần ưu tiên thực hiện để thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực của tỉnh nhằm nâng cao vai trò chủ động của người nông dân trong quản lý đồng ruộng thời kỳ công nghệ số.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch hành động là căn cứ để các địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch cụ thể bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực của tỉnh giai đoạn 2023-2030, góp phần thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XIX về Chương trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch; kịp thời điều chỉnh những nội dung không phù hợp; nhân rộng các mô hình, cách làm hay thúc đẩy sản xuất phát triển đảm bảo an toàn và hiệu quả.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thực hiện chương trình IPHM nhằm chủ động phòng chống sinh vật hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất nông nghiệp và cho cộng đồng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Trên 80% số xã sản xuất trồng trọt có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt có hiểu biết, có kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPI IM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng.

- Có ít nhất 5 giảng viên IPHM Quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh.

- Phấn đấu trên 80% diện tích cây trồng chủ lực và có lợi thế của tỉnh ứng dụng IPHM; qua đó giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 20% lượng phân bón hóa học.

- 100% số xã thực hiện thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng theo quy định.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Truyền thông nâng cao nhận thức về IPHM

- Tuyên truyền cộng đồng về IPHM và nâng cao trách nhiệm, nhận thức cho các cấp, các ngành và người lao động sản xuất nông nghiệp về IPHM.

- Tuyên truyền, phổ biến trong các buổi sinh hoạt cộng đồng (Câu lạc bộ, hợp tác xã, tổ hợp tác; hội thảo đầu bờ, các buổi tọa đàm, tập huấn...) để người sản xuất trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tương tác với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp,... nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng IPHM và khả năng tiếp cận thị trường.

- Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến chương trình ứng dụng IPHM trong thực hiện các gói giải pháp kỹ thuật SRI (hệ thống canh tác lúa cải tiến), 3 giảm 3 tăng (3 giảm: Giảm lượng giống, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu; 3 tăng: Tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả), 1 phải 5 giảm (phải sử dụng giống lúa xác nhận hoặc nguyên chủng và thực hiện 5 giảm: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch), giảm giá thành sản xuất, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ.

- Xây dựng tài liệu tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã về quản lý vật tư nông nghiệp (thuốc bảo vệ thực vật, giống, phân bón) và hướng dẫn tổ chức việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định.

2. Xây dựng tài liệu hướng dẫn về IPHM

- Xây dựng, ban hành, hướng dẫn thực hiện Chương trình IPHM và quy trình ứng dụng IPHM trên các cây trồng chủ lực.

- Hướng dẫn xây dựng và thực hiện mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái, cảnh quan nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu; mô hình cộng đồng ứng dụng IPHM trên diện rộng cho mỗi loại cây trồng.

- Hướng dẫn phương pháp thực nghiệm IPHM trên đồng ruộng do nông dân thực hiện, phương pháp tổ chức hội nghị đầu bờ và tuyên truyền, phổ biến IPHM theo chuyên đề cụ thể.

- Hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng để đáp ứng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước cho lúa (SRI, 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng, ướt khô xen kẽ/nông lộ phơi), hướng dẫn tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.

3. Đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực IPHM

- Cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo giảng viên Quốc gia để phát triển lực lượng giảng viên IPHM cấp tỉnh; hướng dẫn viên cộng đồng và lực lượng nông dân nòng cốt cho cấp xã.

- Hướng dẫn viên cộng đồng giúp cho chính quyền, các tổ chức đoàn thể tổ chức triển khai các hoạt động ứng dụng IPHM ở các xã.

- Nông dân là nòng cốt (các nhân tố tích cực của các đoàn thể, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp) được đào tạo, tập huấn để có thể trực tiếp thử nghiệm ứng dụng các kỹ thuật IPHM và hướng dẫn người sản xuất cùng ứng dụng.

4. Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất

- Xây dựng mô hình ứng dụng IPHM làm cơ sở để nhân rộng ứng dụng IPHM trong thực tế sản xuất gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tăng cường mở rộng ứng dụng kỹ thuật SRI trong canh tác lúa nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

- Triển khai đồng bộ các hoạt động ứng dụng IPHM từ tỉnh đến huyện, xã; huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, các doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Nhân rộng mô hình “Nông dân hướng dẫn nông dân” thông qua thực nghiệm ứng dụng IPHM thực tế trên đồng ruộng.

- Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kết quả và kinh nghiệm ứng dụng IPHM tới cộng đồng thông qua việc tổ chức hội nghị đầu bờ, các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong nội dung sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ, diễn đàn nông dân.

5. Nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ

- Ứng dụng, đưa vào sản xuất các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương để chủ động phòng chống sinh vật gây hại, bảo vệ sản xuất.

- Ứng dụng chuyển giao công nghệ nhân giống sạch bệnh, sản xuất hạt giống khỏe phục vụ sản xuất.

- Ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tác nhân sinh học phòng chống sinh vật gây hại, phân bón vi sinh.

- Ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, điều tra phát hiện, dự tính dự báo, cảnh báo sớm, phòng chống sinh vật gây hại trên cây trồng.

- Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để bảo vệ sức khỏe đất, nguồn nước, giảm phát thải khí nhà kính.

6. Rà soát, đề xuất chính sách thúc đẩy ứng dụng IPHM

- Rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách, các nội dung nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, thúc đẩy ứng dụng IPHM phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

- Khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nông dân huấn luyện nông dân; nông dân nòng cốt thực hiện các thực nghiệm/nghiên cứu đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và phổ biến, hướng dẫn nông dân khác áp dụng.

- Hỗ trợ nhân rộng các mô hình cộng đồng ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực của tỉnh, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách tỉnh

- Từ năm 2023-2025 sử dụng ngân sách cấp cho Dự án “Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) gắn với sản xuất nông sản hữu cơ trên một số cây trồng chủ lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2022-2025”.

- Từ năm 2026-2030 nguồn ngân sách sự nghiệp kinh tế hàng năm cấp theo quy định.

2. Ngân sách cấp huyện, xã: Từ nguồn ngân sách thường xuyên cấp hàng năm cho các huyện, thị xã, thành phố.

3. Nguồn kinh phí khác: Các nguồn hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tiếp tục thực hiện Quyết định số 2382/QĐ-UBND ngày 15/10/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Dự án “Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) gắn với sản xuất nông sản hữu cơ trên một số cây trồng chủ lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2022-2025”.

- Phối hợp với Sở Tài chính hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện, đề xuất, phân bố kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với địa phương triển khai Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực của tỉnh.

- Chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật:

Phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu, triển khai, thực hiện các nội dung Kế hoạch này.

Chuẩn bị lực lượng giảng viên TOT-IPHM cấp tỉnh để tổ chức các lớp hướng dẫn viên cộng đồng và lớp huấn luyện nông dân về IPHM nhằm phát triển nguồn nhân lực IPHM cho địa phương.

Tổ chức các lớp FFS-IPHM cơ bản, FFS-IPHM chuyên đề và tập huấn hướng dẫn viên cộng đồng và xây dựng mô hình IPHM thực hành, mô hình ứng dụng IPHM vào sản xuất trên các loại cây trồng chủ lực của tỉnh.

- Kiểm tra, giám sát, đánh giá, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện; tổng hợp tiến độ thực hiện từ các địa phương, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng phổ biến, tuyên truyền, về ứng dụng IPHM trên cây trồng cho nông dân, doanh nghiệp biết, áp dụng.

2. Sơ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, phân bổ kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón,... sau sử dụng; thu gom tập trung và tiêu hủy theo quy định.

4. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng danh mục đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ chọn tạo giống mới, nghiên cứu chuyển giao những ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác trên địa bàn tỉnh lồng ghép với việc ứng dụng IPHM vào sản xuất.

5. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, tuyên truyền về ứng dụng IPHM trên cây trồng; kịp thời đưa tin biểu dương những cá nhân, tổ chức điển hình trong việc ứng dụng IPHM vào sản xuất tại địa phương.

6. Các sở, ngành, đoàn thể liên quan: Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được phân công, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ Kế hoạch này xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách hàng năm để triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy ứng dụng IPHM trên địa bàn.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện tốt kế hoạch này và áp dụng IPHM vào sản xuất cây trồng chủ lực của địa phương giai đoạn 2023-2030.

- Chỉ đạo cơ quan, phòng chuyên môn và Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý việc lưu thông, buôn bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về kinh doanh vật tư nông nghiệp theo quy định. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp ứng dụng IPHM trên cây trồng tại địa phương.

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chọn lựa nông dân nòng cốt có kinh nghiệm có khả năng tiếp thu kiến thức tham gia đào tạo, tập huấn tuyên truyền nông dân thực hiện tốt IPHM trên địa bàn.

- Phối hợp với các sở ngành, các nhà tài trợ tăng cường xây dựng bể chứa vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chỉ đạo các địa phương, đoàn thể và nhân dân thu gom vỏ bao bì và tổ chức tiêu hủy đúng quy định.

- Định kỳ hàng năm tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Cục Bảo vệ thực vật;
- Các sở, ngành: NN&PTNT; TC; TNMT, KH&CN;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Đài PT&TH tỉnh, Báo Hưng Yên;
- Lưu: VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hùng Nam

 

NỘI DUNG VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

Kế hoạch thực hiện Chương trình ứng dụng "Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (HCM) trên cây trồng chủ lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2026-2030"

(Kèm theo Kế hoạch số 126/KH-UBND ngày 03/8/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)

STT

Nội dung

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

I

Truyền thông nâng cao nhận thức về IPHM

 

 

 

1

Cấp phát tờ bướm, tờ rơi.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thị xã, thành phố

2026 - 2030

2

- Quay Phóng sự, Clip tuyên truyền về IPHM trên phương tiện truyền thông tỉnh Hưng Yên.

- Hợp đồng viết bài với báo tỉnh, báo nông nghiệp VN, ... theo các chuyên mục về nông nghiệp

Sở Nông nghiệp và PTNT

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Hưng Yên

2026 - 2030

II

Đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực IPHM

 

 

 

 

Đào tạo giảng viên IPHM cấp tỉnh; hướng dẫn viên cộng đồng và lực lượng nông dân nòng cốt cho cấp xã.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thị xã, thành phố; các Sở, ngành có liên quan

2026 - 2030

III

Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất

 

 

 

1

Tập huấn

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thị xã, thành phố; các Sở, ngành có liên quan

2026 - 2030

2

Triển khai và nhân rộng các mô hình

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thị xã thành phố; các Sở, ngành có liên quan

2026 - 2030

3

Thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng theo quy định

Sở Tài nguyên và MT

Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện, thị xã, thành phố

2026 - 2030

IV

Nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ

 

 

 

 

Xây dựng danh mục đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chọn tạo giống cây trồng, biện pháp canh tác gắn với việc ứng dụng PHM vào sản xuất.

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Nông nghiệp và PTNT; các Sở, ngành có liên quan

2026 - 2030

V

Rà soát, đề xuất chính sách thúc đẩy ứng dụng IPHM

 

 

 

 

Xây dựng các chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học; hỗ trợ nhân rộng mô hình ứng dụng IPHM

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính; các Sở, ngành có liên quan

2026 - 2030