Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
UBND QUẬN PHÚ NHUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 130/KH-UBND

Phú Nhuận, ngày 24 tháng 3 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

GIẢI QUYẾT VIỆC NHẬP QUỐC TỊCH VIỆT NAM CHO NGƯỜI KHÔNG QUỐC TỊCH KHÔNG CÓ ĐẦY ĐỦ GIẤY TỜ VỀ NHÂN THÂN, NHƯNG ĐÃ CƯ TRÚ ỔN ĐỊNH TỪ 20 NĂM TRỞ LÊN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thực hiện Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, Điều 8 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật của Luật Quốc tịch Việt Nam, Điều 7 Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT/BTP-BNG-BCA ngày 01 tháng 3 năm 2010 hướng dẫn thi hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP liên quan đến việc giải quyết việc nhập quốc tịch Việt Nam cho người không quốc tịch không có đầy đủ giấy tờ về nhân thân, nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên, Công văn số 3701/BTP-HCTP ngày 18 tháng 10 năm 2010 của Bộ Tư pháp về việc triển khai thực hiện Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008; Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận đề ra Kế hoạch giải quyết việc nhập quốc tịch Việt Nam cho người không quốc tịch không có đầy đủ giấy tờ về nhân thân, nhưng đã cư trú ổn định từ 20 năm trở lên trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh với nội dung cụ thể sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tổ chức thực hiện quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến việc nhập quốc tịch Việt Nam cho người không quốc tịch mà không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân (sau đây gọi là người không quốc tịch), nhưng đã cư trú ổn định từ 20 năm trở lên trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tính đến ngày 01 tháng 7 năm 2009 (ngày Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 có hiệu lực) và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.

- Tạo điều kiện để những người không quốc tịch đã cư trú ổn định lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam trên địa bàn thành phố được hưởng đầy đủ quyền và thực hiện nghĩa vụ công dân của họ đối với Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, ổn định cuộc sống, hòa nhập vào cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc.

2. Yêu cầu:

- Tổ chức phổ biến sâu rộng tại các địa bàn dân cư việc triển khai thực hiện Kế hoạch, kết hợp tuyên truyền Luật Quốc tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành để qua đó giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quy định.

- Việc nhập quốc tịch Việt Nam cho đối tượng nêu trên thực hiện trên cơ sở tự nguyện của đương sự, tôn trọng mối quan hệ bà con, thân tộc, việc cư trú ổn định lâu dài của các cá nhân thuộc đối tượng nhập quốc tịch Việt Nam; đồng thời phải đảm bảo trật tự an ninh, an toàn xã hội tại khu vực có đối tượng này sinh sống.

- Việc rà soát, thống kê, lập danh sách, tổng hợp, xác minh, trình Ủy ban nhân dân thành phố danh sách, hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam theo Kế hoạch phải được các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định, tiến độ. Việc phối hợp giữa các đơn vị có liên quan phải được tiến hành đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo Kế hoạch được thực hiện một cách hiệu quả.

II. NỘI DUNG CÔNG VIỆC

1. Đối tượng nhập quốc tịch Việt Nam theo Kế hoạch:

Người không quốc tịch, không có giấy tờ về nhân thân, đã cư trú ổn định trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 01 tháng 7 năm 1989 trở về trước có nguyện vọng được nhập quốc tịch Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam.

2. Nội dung công việc:

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong người dân liên quan đến các quy định của pháp luật về quốc tịch.

- Tổ chức rà soát, thống kê lập danh sách các cá nhân là người không quốc tịch không có đầy đủ giấy tờ về nhân thân nhưng đã cư trú ổn định tại 15 phường từ 20 năm trở lên tính đến ngày 01 tháng 7 năm 2009 và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.

- Trên cơ sở tự nguyện của đương sự, hướng dẫn lập hồ sơ nhập quốc tịch Việt Nam theo trình tự, thủ tục.

- Thống kê, lập danh sách hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, tiến hành xác minh về nhân thân của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.

3. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch:

Ủy ban nhân dân 15 phường tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch theo tiến độ gởi về Ủy ban nhân dân quận, định kỳ 2 tháng một lần hoặc khi có yêu cầu của Ủy ban nhân dân quận.

Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban nhân dân 15 phường, Ủy ban nhân dân quận tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch báo cáo cho Sở Tư pháp.

III. PHÂN CÔNG, TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân quận:

- Lập Kế hoạch chi tiết chỉ đạo Ủy ban nhân dân 15 phường thực hiện việc rà soát, thống kê, lập danh sách các cá nhân đủ điều kiện và có nguyện vọng xin nhập quốc tịch Việt Nam, hướng dẫn họ lập hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam.

- Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo kịp thời việc thực hiện Kế hoạch tại địa phương, đảm bảo Ủy ban nhân dân 15 phường thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định, tiến độ Kế hoạch đề ra.

- Xem xét, tổng hợp danh sách, hồ sơ các trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam theo Kế hoạch tại địa phương, chuyển Sở Tư pháp để thực hiện các bước tiếp theo.

2. Ủy ban nhân dân 15 phường:

- Thực hiện đầy đủ, đúng quy định, đúng tiến độ nội dung Kế hoạch này và các hướng dẫn chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận.

- Tổ chức các cuộc họp tại khu phố, tổ dân phố để phổ biến chủ trương giải quyết việc nhập quốc tịch cho người không quốc tịch, không có đầy đủ giấy tờ về nhân thân nhưng đã cư trú ổn định từ 20 năm trở lên tại địa phương.

- Rà soát, thống kê, lập danh sách các cá nhân là người không quốc tịch, không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân nhưng đã cư trú ổn định tại địa phương từ 20 năm trở lên (cư trú trước ngày 01 tháng 7 năm 1989).

- Hướng dẫn lập hồ sơ nhập quốc tịch Việt Nam theo trình tự, thủ tục do Ủy ban nhân dân quận hướng dẫn.

- Thống kê, lập danh sách, chuyển hồ sơ cho Ủy ban nhân dân quận tiếp tục giải quyết.

3. Công an quận, công an 15 phường:

- Có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân phường rà soát, thống kê, xác minh, lập danh sách và tham gia xem xét hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam ở phường.

IV. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

Thời gian thực hiện Kế hoạch được chia làm 2 giai đoạn:

1. Giai đoạn I:

1.1. Từ tháng 3 năm 2011:

- Ngày 15/3/2011 Ủy ban nhân dân quận tập huấn cùng 15 phường tại Sở Tư pháp.

- Ngày 23/3/2011 Ủy ban nhân dân quận xây dựng Kế hoạch thực hiện tại địa phương.

1.2. Từ 10/4/2011 đến 30/4/2011: Tổ chức các cuộc họp tại khu phố, tổ dân phố để phổ biến chủ trương giải quyết việc nhập quốc tịch

- Tổ chức cuộc họp với trưởng các đoàn thể, ban điều hành khu phố và tổ trưởng dân phố để phổ biến nội dung Kế hoạch và xây dựng kế hoạch họp dân, triển khai Kế hoạch tại địa phương.

- Tổ chức các cuộc họp khu phố, tổ dân phố để phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Quốc tịch và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân quận.

1.3. Từ 01/5/2011 đến 15/7/2011: Rà soát, thống kê, lập danh sách các cá nhân là người người không quốc tịch, không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân nhưng đã cư trú ổn định tại địa phương từ 20 năm trở lên (cư trú trước ngày 01 tháng 7 năm 1989)

- Ủy ban nhân dân và Công an phường tổ chức cuộc họp để xây dựng kế hoạch phối hợp rà soát, lập danh sách các cá nhân là người không quốc tịch, không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân nhưng đã cư trú ổn định tại địa phương trên 20 năm hoặc tuy chưa cư trú tại địa phương đủ 20 năm nhưng đã có thời gian cư trú tại các địa phương khác và tổng thời gian cư trú ở Việt Nam là trên 20 năm.

- Đối với các cá nhân chưa cư trú tại địa phương đủ 20 năm nhưng đã có tổng thời gian cư trú ở Việt Nam trên 20 năm, đương sự phải cung cấp giấy tờ chứng minh các nơi đã cư trú (xác nhận của Công an các địa phương đương sự đã sinh sống hoặc các giấy tờ khác có liên quan)

- Việc rà soát thống kê, lập danh sách cần tiến hành cẩn trọng, hạn chế tình trạng rà soát, thống kê thiếu, sai đối tượng. Trong quá trình rà soát, cần phối hợp với Công an khu vực, Ban điều hành khu phố, tổ dân phố để nắm bắt đầy đủ thông tin (danh sách rà soát lập theo mẫu do Sở Tư pháp ban hành).

- Ngày 15/7/2011 Ủy ban nhân dân 15 phường báo cáo việc rà soát thống kê tại địa phương và gởi 02 bản danh sách (theo mẫu số 01) cho Ủy ban nhân dân quận (01 bản quận lưu giữ và 01 bản Ủy ban nhân dân quận gửi Sở Tư pháp)

1.4. Từ ngày 16/7/2011 đến 15/10/2011: Hướng dẫn các cá nhân có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam lập hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ

- Sau khi rà soát, lập danh sách các cá nhân là người không quốc tịch đã cư trú trên 20 năm tại địa phương, Ủy ban nhân dân 15 phường thông báo cho các cá nhân có tên trong danh sách biết, nếu họ có nguyện vọng nhập quốc tịch Việt Nam thì liên hệ để được hướng dẫn lập và nộp hồ sơ.

- Phát miễn phí hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam cho các cá nhân có nhu cầu và hướng dẫn họ cách ghi đầy đủ các thông tin trong Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam và Tờ khai lý lịch (theo mẫu do Sở Tư pháp ban hành).

- Kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ và cấp biên nhận hồ sơ cho đương sự (mẫu biên nhận do phường thiết kế).

1.5. Từ 16/10/2011 đến 15/11/2011: Thống kê, lập danh sách và chuyển hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam cho Ủy ban nhân dân quận

- Phân tích hồ sơ, lập danh sách hồ sơ các trường hợp đủ điều kiện nhập quốc tịch (theo mẫu số 02), trường hợp chưa đủ điều kiện (theo mẫu số 03), danh sách sắp xếp theo thứ tự A,B,C, có đầy đủ thông tin trong các cột, mục; thông tin ghi trong danh sách phải đúng và phù hợp với hồ sơ do đương sự nộp.

- Tập hợp, sắp xếp hồ sơ (mỗi hồ sơ gồm 03 bộ lồng vào nhau và sắp xếp hồ sơ theo thứ tự trong danh sách).

- Danh sách bao gồm bản in giấy và tập tin điện tử, danh sách được lập trên phần mềm Microsoft Office 2003, sử dụng phông chữ Unicode.

- Ngày 15/11/2011 báo cáo bằng văn bản, chuyển danh sách và hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam về Ủy ban nhân dân quận (cả 02 danh sách đủ và chưa đủ điều kiện).

2. Giai đoạn II:

Sau thời điểm tháng 10 năm 2011, Ủy ban nhân dân 15 phường vẫn tiếp tục nhận hồ sơ đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo Kế hoạch đến hết ngày 31/12/2012. Việc thống kê, lập danh sách, tổng hợp, xác minh hồ sơ hồ sơ của 15 phường do Sở Tư pháp căn cứ vào tình hình thực tế hướng dẫn thực hiện cụ thể.

3. Sau khi có Quyết định của Chủ tịch nước đồng ý cho nhập quốc tịch Việt Nam, Sở Tư pháp thông báo cho đương sự biết kết quả; tổ chức việc trao Quyết định của Chủ tịch nước và gửi công văn thông báo cho Ủy ban nhân dân, Công an các địa phương nơi có đương sự nhập quốc tịch Việt Nam biết để tiến hành cấp cho họ các loại giấy tờ hộ tịch, giấy tờ tùy thân như Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu,...

4. Tổ chức thực hiện:

Ủy ban nhân dân quận giao Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân 15 phường tổ chức triển khai thực hiện, tổng hợp báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân quận, Sở Tư pháp, đảm bảo tiến độ theo quy định.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Ủy ban nhân dân 15 phường cần báo cáo kịp thời cho Ủy ban nhân dân quận để chỉ đạo giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Sở Tư pháp;
- TT/QU;
- UBND quận (CT);
- Công an quận;
- UBND - CA 15 phường;
- VP/QU, VP/UBND quận;
- Lưu: VT, TP(D.37b)

CHỦ TỊCH




Phạm Công Nghĩa