Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 130/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 08 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 30/NQ-CP NGÀY 12/3/2020 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 39-NQ/TW NGÀY 15/01/2019 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG VÀ PHÁT HUY CÁC NGUỒN LỰC CỦA NỀN KINH TẾ

Thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 12/3/2020 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU.

1. Mục đích.

Quán triệt, triển khai và cụ thể những nội dung Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 12/3/2020 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị; xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện.

Tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân trên địa bàn thành phố trong nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.

2. Yêu cầu.

- Việc triển khai Kế hoạch hành động phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Thành ủy, sự quản lý, điều hành tập trung của Ủy ban nhân dân thành phố, sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ và hiệu quả giữa các ngành, các cấp, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và tăng cường sự giám sát của nhân dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp để thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ.

- Các nhiệm vụ, giải pháp cần phải được phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, ngành, đơn vị gắn với kiểm tra, đánh giá theo định kỳ việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.

II. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ THỰC HIỆN.

1. Nhiệm vụ chung.

- Các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, liên tục đã được cấp có thẩm quyền giao trước đây, trong đó phối hợp cùng các Bộ, ngành Trung ương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để sử dụng hiệu quả và phát huy tối đa các nguồn lực.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phương pháp quản lý hiện đại trong tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng nguồn lực cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội.

2. Các nhiệm vụ phát sinh mới.

a) Đối với nguồn nhân lực.

- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan:

(1) Nghiên cứu, đề xuất ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách về thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao về làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của thành phố.

(2) Ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu lao động để giảm dần tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đẩy mạnh việc đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo cho lao động nông thôn.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đẩy mạnh việc đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo lao động cho các đối tượng chính sách, gắn đào tạo với giải quyết việc làm.

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đề xuất, tổ chức thực hiện các biện pháp để phát triển mạnh hệ thống thông tin đại chúng, mở rộng cơ hội và tăng cường năng lực cho người dân tiếp cận thông tin, thụ hưởng các dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, có cuộc sống tinh thần lành mạnh nhằm nhanh chóng tái tạo, phát triển năng lực làm việc và khả năng sáng tạo của mỗi người.

- Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan:

(1) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp với các Bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương để đổi mới công tác quản lý và phương thức hoạt động của các đoàn thể, các tổ chức quần chúng, xã hội, nghề nghiệp...trong phát triển nguồn nhân lực.

(2) Đề xuất đẩy mạnh quá trình trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị, tổ chức sự nghiệp công lập trong quản lý, sử dụng nhân lực.

b) Đối với nguồn vật lực.

- Đối với nguồn lực tài nguyên thiên nhiên:

+ Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan:

(1) Rà soát diện tích đã giao cho các cá nhân, đơn vị sử dụng, nhất là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước quy mô lớn; đề xuất các biện pháp xử lý triệt để bất cập trong quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, nhất là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán trái pháp luật.

(2) Ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí, khai thác tài nguyên không phép, trái phép.

- Đối với nguồn lực cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội.

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan:

(1) Đề xuất cơ chế, chính sách hoặc tổ chức thực hiện các biện pháp để hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước tham gia đầu tư phát triển cơ sở vật chất và hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

(2) Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng kết cấu hạ tầng.

(3) Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ của thành phố đã được phân công tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/6/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/12/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

(4) Nghiên cứu đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021 - 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 nhằm xác định những nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

(5) Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu đầu tư công, đảm bảo thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

(6) Tăng cường công tác thẩm định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong thẩm định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công phải loại trừ ngay từ khâu thẩm định các dự án kém hiệu quả về kinh tế - xã hội.

(7) Rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, tham mưu chấm dứt đầu tư các dự án kém hiệu quả, tập trung, ưu tiên đầu tư các công trình có tính cấp bách, trọng điểm, các công trình kết cấu hạ tầng đảm bảo tính đồng bộ, tính kết nối nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

+ Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Chính quyền điện tử thành phố Hải Phòng.

+ Các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng công trình xây dựng, kiểm soát chặt chẽ suất đầu tư các công trình xây dựng thuộc lĩnh vực phụ trách; đôn đốc các Ban Quản lý dự án và các chủ đầu tư rút ngắn tiến độ thi công để đưa vào khai thác sử dụng và quản lý có hiệu quả.

+ Thanh tra thành phố, các cơ quan thanh tra chuyên ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đầu tư nói chung, công tác đầu tư nói riêng theo thẩm quyền để phòng ngừa, kịp thời phát hiện các hành vi tiêu cực, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý nguồn lực cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội.

c) Đối với nguồn tài lực.

- Về kinh phí cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu:

+ Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đảm bảo bố trí không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường theo đúng Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

+ Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan:

(1) Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa lĩnh vực môi trường theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ.

(2) Đề xuất cơ chế, chính sách hoặc tổ chức thực hiện các biện pháp để huy động tối đa nguồn vốn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường.

- Về quản lý tài sản công:

+ Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan:

(1) Khẩn trương tham mưu hoàn thành việc lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của thành phố theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; tham mưu tổ chức rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cập nhật thông tin sắp xếp nhà, đất vào phần mềm do Bộ Tài chính xây dựng, vận hành.

(2) Chủ động rà soát toàn bộ tài sản công là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô thuộc phạm vi quản lý của thành phố; trên cơ sở đó thực hiện việc khai thác tài sản công hiệu quả, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí.

+ Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan: Khẩn trương xây dựng và công khai quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị. Trên cơ sở đó lập danh mục để trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục cơ sở phải di dời trước ngày 31/12/2020.

+ Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan: rà soát hồ sơ quản lý, sử dụng đất đai của các đối tượng sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

+ Cục Thuế thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan: trên cơ sở hồ sơ quản lý, sử dụng đất đai của các đối tượng sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, thực hiện thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất theo đúng chế độ quy định, hạn chế thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, đơn vị liên quan:

- Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này.

- Báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện theo định kỳ hàng năm, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

- Định kỳ 5 năm rà soát, cập nhật về thực trạng quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế thuộc thành phố quản lý theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công tại kế hoạch này, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị chủ động đề xuất, báo cáo những nội dung cần thiết sửa đổi, bổ sung, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- TTTU, TT HĐND TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- MTTQ VN TPHP;
- Các Sở, ban, ngành TP;
- Các BQLDA thuộc UBND TP;
- VPTU, VP HĐND TP;
- Các đoàn thể TP;
- UBND các quận, huyện;
- Đài PTTH HP;
- Báo HP, Cổng TTĐT TP;
- CVP, các PCVP UBND TP;
- Các phòng CV;
- CV: KHĐT;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Tùng