ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 131/KH-UBND | Ninh Bình, ngày 29 tháng 11 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG QUẢN LÝ CHUỘT HẠI BẢO VỆ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP NĂM 2020
Thực hiện chỉ thị số 9864/CT-BNN-BVTV ngày 19/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất. Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 263/TTr-SNN ngày 05/11/2019; Để chủ động phòng chống kịp thời, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2020 với nội dung như sau:
1. Mục đích, yêu cầu
1.1. Mục đích
Diệt chuột đồng loạt, tập trung làm nhiều đợt trong năm, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra bảo vệ năng suất và sản lượng các loại cây trồng, ngăn chặn tác hại do chuột gây ra đối với sản xuất và đời sống. Đảm bảo thắng lợi sản xuất sản xuất nông nghiệp năm 2020.
1.2. Yêu cầu
- Huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn dân tham gia diệt chuột. Diệt chuột sớm ngay từ đầu mỗi vụ sản xuất, diệt chuột đồng loạt, thường xuyên, liên tục và mang tính cộng đồng. Đặc biệt xác định rõ các đợt cao điểm để phát động chiến dịch diệt chuột nhằm đạt hiệu quả cao.
- Diệt trừ chuột đúng kỹ thuật, đúng thời gian, an toàn tuyệt đối cho người, gia súc, gia cầm và môi trường.
- Thực hiện tổng hợp các biện pháp diệt chuột, trong đó chú trọng biện pháp thủ công như đào, bắt, hun khói, sử dụng các loại cạm, bẫy... thuốc diệt chuột sinh học.
2. Quy mô
- Chiến dịch diệt chuột được phát động và triển khai thực hiện đồng loạt ở tất cả địa bàn các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn, các thôn xóm, tới từng hộ dân.
- Tổ chức diệt chuột từ cánh đồng đến các bờ mương, bờ máng, ven đê, bờ vùng, bờ thửa, gò, đống, ven đường đi lại. Diệt chuột cả trong khu dân cư, các khu công nghiệp, đất trống, đến các đường làng, ngõ xóm bằng các biện pháp, đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, gia súc, gia cầm và môi trường
3. Nội dung thực hiện
3.1. Tuyên truyền, tập huấn
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ xã, phường, thị trấn cán bộ HTX, thôn, đội sản xuất về tác hại của chuột và các biện pháp diệt chuột.
3.2. Kiểm tra việc kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật
Tiến hành tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật trên địa bàn toàn tỉnh, kiểm tra việc ghi nhãn các loại thuốc bảo vệ thực vật đang lưu thông trên thị trường để phát hiện và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
3.4. Tổ chức diệt chuột
a. Các đợt diệt chuột năm 2020
* Vụ Đông xuân (03 đợt);
- Đợt 1: Kéo dài khoảng 15 ngày, trong giai đoạn đưa nước, đổ ải, làm đất (Giữa tháng 1 - Đầu tháng 2).
- Đợt 2: Kéo dài 15 ngày, ở giai đoạn sau khi cấy xong (Giữa tháng 2 đầu tháng 3).
- Đợt 3: Kéo dài khoảng 15 ngày, ở giai đoạn lúa phân hóa đòng (cuối tháng 3 đầu tháng 4).
* Vụ Mùa, 03 đợt (Có thể tổ chức diệt chuột trong các đợt lũ khi chuột đang sống co cụm):
- Đợt 1: Kéo dài khoảng 10 ngày, ở giai đoạn sau thu hoạch lúa đông xuân- làm đất gieo cấy vụ mùa (trung tuần tháng 6- đầu tháng 7)
- Đợt 2: Kéo dài khoảng 15 ngày, ở giai đoạn cấy lúa xong (cuối tháng 7)
- Đợt 3: Kéo dài khoảng 10 ngày, giai đoạn lúa phân hóa đòng (giữa tháng 8)
* Vụ Đông (03 đợt):
- Đợt 1: Kéo dài khoảng 20 ngày, ở giai đoạn bắt đầu gieo trồng cây vụ đông (cuối tháng 9 đầu tháng 10)
- Đợt 2: Kéo dài khoảng 15 ngày, ở giai đoạn các cây trồng vụ đông bắt đầu bước vào giai đoạn sinh trưởng sinh thực (ra củ, quả, bắp...), (cuối tháng 10 đầu tháng 11).
- Đợt 3: Kéo dài khoảng 15 ngày, ở thời điểm các cây trồng vụ đông trong giai đoạn củ, quả, bắp non (cuối tháng 11 đầu tháng 12).
b. Các biện pháp diệt chuột:
* Biện pháp thủ công:
- Dùng đèn có cường độ ánh sáng mạnh soi để bắt chuột vào ban đêm
- Đào bắt, hun khói, đổ nước vôi loãng cho chuột chạy ra dùng đó đơm bắt.
- Sử dụng các loại bẫy lồng sập, bẫy keo dính... đặt trên lối đi của chuột và khu vực chuột gây hại.
* Biện pháp sinh học:
- Phát triển đàn mèo (khuyến khích nông dân nuôi mèo);
- Dùng bả sinh học để diệt chuột ở khu dân cư, kho tàng, công sở
- Bảo vệ và duy trì các loài động vật hoang dã là thiên địch của chuột.
* Biện pháp hóa học: Thực hiện quyết liệt, tập trung ngay ở đầu các vụ sản xuất (đợt 1). Sử dụng các loại thuốc có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam.
3. Thanh tra, kiểm tra buôn bán sử dụng thuốc
Tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn toàn tỉnh, kiểm tra việc ghi nhãn các loại thuốc BVTV đang lưu thông trên thị trường để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV.
4. Kinh phí thực hiện
4.1 Tổng kinh phí: 4.063 triệu đồng (Bằng chữ: Bốn tỷ, không trăm sáu mươi ba triệu đồng), gồm:
- Kinh phí đấu thầu mua thuốc và công tác chỉ đạo triển khai diệt chuột: 49,5 triệu đồng.
- Kinh phí mua thuốc hóa học diệt chuột hỗ trợ cho nông dân (3 đợt: Vụ đông xuân 1 đợt, vụ mùa 2 đợt): 4.013,5 triệu đồng
4.2 Nguồn kinh phí: Ngân sách tỉnh năm 2020
5. Tổ chức thực hiện:
5.1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nội dung kế hoạch diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp đã được phê duyệt. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của chuột gây hại và tổ chức thực hiện tốt các nội dung trong kế hoạch. Thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện, phản ánh, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.
5.2. Giao Sở Tài chính:
- Tổng hợp kinh phí thực hiện Kế hoạch vào dự toán NSNN năm 2020 báo cáo UBND tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
- Sau khi dự toán NSNN năm 2020 được HĐND tỉnh phê duyệt, tổ chức cấp phát kinh phí và hướng dẫn thanh quyết toán theo quy định hiện hành.
5.3. UBND các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2020 có trách nhiệm xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch và bố trí kinh phí hỗ trợ cho nông dân diệt chuột từ nguồn ngân sách địa phương (ít nhất 01 đợt diệt chuột); chỉ đạo các ngành, các đoàn thể có liên quan và các xã, phường, thị trấn triển khai chiến dịch diệt chuột theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT đảm bảo đạt hiệu quả cao; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác diệt chuột tại cơ sở, tổng hợp kết quả thực hiện, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
5.4. Đài PTTH tỉnh, Báo Ninh Bình: phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố thường xuyên đưa tin, bài, tuyên truyền và vận động nhân dân tích cực thực hiện chiến dịch diệt chuột theo đúng kế hoạch để đạt kết quả tốt nhất, tăng cường công tác tuyên truyền nguy cơ của chuột hại và hướng dẫn các biện pháp diệt chuột...
5.5. Các ngành chức năng có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp diệt trừ chuột.
Trên đây là Kế hoạch tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2020, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Nghị quyết 17/2019/NQ-HĐND về Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 2 Kế hoạch 3522/KH-UBND năm 2019 về diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2020 do tỉnh Hải Dương ban hành
- 3 Chỉ thị 9864/CT-BNN-BVTV năm 2018 về tăng cường công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Chỉ thị 31/CT-UBND năm 2017 về tăng cường biện pháp chỉ đạo diệt chuột và phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2018 do thành phố Hải Phòng ban hành
- 5 Kế hoạch 94/KH-UBND năm 2016 tổ chức quản lý chuột hại bảo vệ mùa màng năm 2017 do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 6 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 1 Kế hoạch 94/KH-UBND năm 2016 tổ chức quản lý chuột hại bảo vệ mùa màng năm 2017 do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 2 Chỉ thị 31/CT-UBND năm 2017 về tăng cường biện pháp chỉ đạo diệt chuột và phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2018 do thành phố Hải Phòng ban hành
- 3 Kế hoạch 3522/KH-UBND năm 2019 về diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2020 do tỉnh Hải Dương ban hành
- 4 Nghị quyết 17/2019/NQ-HĐND về Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 5 Kế hoạch 128/KH-UBND năm 2020 về tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2021 do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 6 Kế hoạch 51/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ