Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 132/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 26 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 82/NQ-CP NGÀY 18/5/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐẨY NHANH PHỤC HỒI, TĂNG TỐC PHÁT TRIỂN DU LỊCH HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững (gọi tắt là Nghị quyết số 82/NQ-CP); UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Khai thác tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch của tỉnh, đẩy nhanh phục hồi tăng tốc phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 02/11/2021 của Tỉnh ủy.

- Xác định các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và lộ trình thực hiện để các sở, ban, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP.

2. Yêu cầu

Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong triển khai thực hiện kế hoạch nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch Quảng Ngãi hiệu quả, bền vững.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Mục tiêu đến năm 2025

- Quảng Ngãi đón được 1.360.000 lượt khách, trong đó, 160.000 lượt khách quốc tế, 1.200.000 lượt khách nội địa.

- Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 2.780 tỷ đồng (tương đương 120 triệu USD); trong đó, thu từ khách quốc tế đạt hơn 800 tỷ đồng (tương đương khoảng 35 triệu USD).

- Tổng số buồng lưu trú đạt khoảng 5.200 buồng, trong đó có khoảng 1.500 buồng lưu trú đạt chuẩn 3 - 5 sao và tương đương; công suất sử dụng buồng trung bình đạt khoảng 55%/năm. Ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 3 ngày.

- Tạo việc làm cho khoảng 21.900 lao động, trong đó có khoảng 7.300 lao động trực tiếp.

2. Mục tiêu đến năm 2030

- Quảng Ngãi đón được 2.550.000 lượt khách, trong đó, 250.000 lượt khách quốc tế, 2.300.000 lượt khách nội địa.

- Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13.825 tỷ đồng (tương đương 600 triệu USD); trong đó, thu từ khách quốc tế đạt khoảng 1.900 tỷ đồng (tương đương khoảng 82,5 triệu USD).

- Tổng số buồng lưu trú đạt khoảng 11.000 buồng, trong đó có khoảng 3.000 buồng lưu trú đạt chuẩn 3 - 5 sao và tương đương; công suất sử dụng buồng trung bình đạt khoảng 60%/năm.

- Tạo việc làm cho khoảng 49.500 lao động, trong đó có khoảng 16.500 lao động trực tiếp.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững

a) Rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách theo hướng tạo thuận lợi tối đa nhằm thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia phát triển du lịch, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời thực hiện cơ cấu lại các hoạt động du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đảm bảo phù hợp quy hoạch du lịch trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

b) Đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch dựa trên 3 dòng sản phẩm chủ đạo là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái nông nghiệp; chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác, đặc biệt là nông nghiệp, thương mại và giao thông trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm”;

c) Tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, kết nối du lịch với các tỉnh/thành phố trong nhóm Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhóm các tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên... tạo thành chuỗi liên kết phát triển du lịch, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế;

d) Đẩy mạnh khai thác thị trường du lịch nội địa, nhất là thị trường truyền thống là Hà Nội và các tỉnh miền Bắc; thị trường khách công vụ đến làm việc tại các khu công nghiệp tỉnh; mở rộng liên kết với các tỉnh/thành phố lân cận như Đà Nẵng và Quảng Nam tạo ra sản phẩm chuyên đề mà Quảng Ngãi có thế mạnh để khai thác thị trường khách quốc tế tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử khảo cổ tại Sa Huỳnh, Sơn Mỹ, Ba Tơ và hệ sinh thái nông nghiệp đặc sắc.

đ) Tăng cường nghiên cứu, nắm bắt những xu hướng du lịch mới, dòng dịch chuyển của du khách; thực hiện tốt công tác thống kê du lịch; tính toán đầy đủ, chính xác đóng góp của du lịch trong GRDP của tỉnh... để làm căn cứ xây dựng định hướng phát triển du lịch Quảng Ngãi kịp thời, phù hợp trong thời gian đến.

- Cơ quan chủ trì thực hiện các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 mục này: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và những năm tiếp theo.

đ) Phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn, chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo; xây dựng hệ sinh thái du lịch, mô hình du lịch mới; nâng cao năng lực cạnh tranh; mở rộng thị trường; liên kết với Hiệp hội của các địa phương trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và trong cả nước để mở rộng, kết nối các tour, tuyến, đưa khách du lịch đến Quảng Ngãi; khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

- Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Cơ quan phối hợp: Hiệp hội Du lịch tỉnh, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên, liên tục.

2. Nâng cao sức hấp dẫn của thương hiệu du lịch, thu hút du khách đến Quảng Ngãi

a) Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 622/QĐ-UBND ngày 13/5/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng chương trình định vị và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với lộ trình, nhiệm vụ và hoạt động cụ thể đã được xác định nhằm tăng mức độ nhận diện của du lịch Quảng Ngãi với du khách, thu hút du khách đến và quay trở lại du lịch.

- Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên, liên tục.

b) Thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại của tỉnh, trong đó có các nhiệm vụ về ngoại giao kinh tế gắn với phát triển du lịch. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu du lịch của tỉnh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch thông qua Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các cơ quan, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài.

- Cơ quan chủ trì: Sở Ngoại vụ.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và những năm tiếp theo.

b) Triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 15/6/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm môi trường an ninh, an toàn, thuận lợi thu hút khách du lịch đến Quảng Ngãi; đảm bảo an ninh trật tự tại các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn.

- Cơ quan chủ trì: Công an tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và những năm tiếp theo.

c) Tăng cường công tác tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, người dân và khách du lịch về công tác bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”; sản xuất, tiêu thụ, sử dụng thực phẩm sạch, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng phục vụ khách du lịch. Tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch và công tác vệ sinh an toàn phòng dịch... nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.

- Cơ quan chủ trì: UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành và tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên, liên tục.

d) Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp và khai thác có hiệu quả các dự án về hạ tầng giao thông để du khách có thể tiếp cận Quảng Ngãi dễ dàng, đặc biệt hạ tầng giao thông kết nối trực tiếp từ tỉnh Quảng Ngãi vào nhà ga sân bay Chu Lai về phía Nam; đảm bảo các phương tiện vận chuyển du khách có thể tiếp cận các khu, điểm du lịch; xây dựng lắp đặt biển chỉ dẫn giao thông gắn với chỉ dẫn đến các khu, điểm du lịch, điểm di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh; khuyến khích, kêu gọi đầu tư đổi mới phương tiện vận tải hiện đại, chất lượng và thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu phục vụ khách du lịch. Huy động nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng Cảng hành khách quốc tế Lý Sơn; bến tàu khách du lịch Vạn Tường, Bình Châu.

- Cơ quan chủ trì: Sở Giao thông Vận tải.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và những năm tiếp theo.

3. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu, điểm du lịch

a) Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 304/QĐ-UBND ngày 10/3/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tổ chức xây dựng và thực hiện Đề án đảo Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo phù hợp và hiệu quả.

- Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và những năm tiếp theo.

b) Huy động có hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư vào các khu, điểm du lịch theo quy hoạch; đẩy mạnh thu hút đầu tư, hình thành khu vực động lực phát triển du lịch Dung Quất - Lý Sơn với các khu du lịch, tổ hợp du lịch - giải trí có chất lượng, quy mô lớn, thúc đẩy, lan tỏa các lợi ích và giá trị du lịch; lồng ghép các chương trình xúc tiến đầu tư với chương trình xúc tiến quảng bá du lịch của tỉnh;

- Cơ quan chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi.

- Cơ quan phối hợp Các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và những năm tiếp theo.

c) Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 24/8/2021 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4 khóa XX về đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo động lực cho phát triển. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng tại các khu, điểm du lịch, nhất là các khu du lịch trọng điểm của tỉnh;

- Cơ quan chủ trì: Sở Giao thông vận tải.

- Cơ quan phối hợp: Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, các Sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và những năm tiếp theo.

d) Quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ du lịch theo kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt.

- Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và những năm tiếp theo.

4. Phát triển sản phẩm và truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch

a) Tiếp tục phát triển mạnh 03 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo là du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; trong đó, lấy du lịch biển, đảo Lý Sơn làm mũi nhọn và là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, du lịch văn hóa làm trọng tâm, du lịch sinh thái làm nền tảng cho phát triển du lịch bền vững; đồng thời tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch thể thao, du lịch hội nghị, hội thảo và công vụ...

b) Tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Quảng Ngãi trong các hoạt động ngoại giao, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trong nước, quốc tế và các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương; tăng cường liên kết phát triển du lịch vùng, trong nước và quốc tế.

c) Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Tối ưu hóa và đẩy mạnh quảng bá để sử dụng rộng rãi App Du lịch Quảng Ngãi; xây dựng nội dung và phát triển các kênh mạng xã hội cộng đồng như Facebook, Tiktok, Youtube...; xây dựng, sản xuất ấn phẩm, vật phẩm phục vụ xúc tiến du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa xúc tiến du lịch.

- Cơ quan chủ trì hiện các điểm a, b, c khoản 4 mục này: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và những năm tiếp theo.

d) Triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022. Thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ du lịch gắn với cảnh quan nông thôn, văn hóa cộng đồng, tăng trải nghiệm, phát huy tối đa du lịch tại các vùng nông nghiệp, gắn với nông thôn và nông dân, phát huy các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn như Gò Cỏ, Bình Thành, Lý Sơn, đầm An Khê, Sơn Mỹ... Đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn thông qua các doanh nghiệp lữ hành.

- Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Cơ quan phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và những năm tiếp theo.

đ) Triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 72/QĐ-UBND ngày 13/01/2021.

- Cơ quan chủ trì: Sở Công thương.

- Cơ quan phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và những năm tiếp theo.

5. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

a) Tiếp tục thực hiện kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu quá trình chuyển đổi số quốc gia và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

b) Đẩy mạnh thực hiện đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động du lịch tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

- Cơ quan chủ trì hiện các điểm a, b khoản 5 mục này: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và những năm tiếp theo.

c) Định hướng đào tạo và khơi dậy niềm đam mê làm du lịch chuyên nghiệp cho các thế hệ học sinh, sinh viên người Quảng Ngãi thông qua các hoạt động giáo dục trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp... để hình thành nguồn nhân lực du lịch có chất lượng trong tương lai.

- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2024 và những năm tiếp theo.

d) Triển khai có hiệu quả Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh đến 2025, tầm nhìn đến 2030; chương trình liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch với Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch đào tạo tại chỗ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn về du lịch, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tin học cho người lao động. Tập huấn, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về phát triển du lịch cộng đồng bền vững, nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch.

- Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và những năm tiếp theo.

đ) Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức,viên chức đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu phát triển du lịch; bổ sung, tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch ở cấp tỉnh và cấp huyện nhất là cán bộ phụ trách du lịch cho Phòng Văn hóa Thông tin tại một số địa phương có du lịch phát triển.

- Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và những năm tiếp theo.

e) Nâng cao năng lực quản trị, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động, quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa và bền vững; phát triển đội ngũ lao động cởi mở, vui vẻ, lịch sự, mến khách.

- Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Hiệp hội Du lịch tỉnh và các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và những năm tiếp theo.

6. Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch

a) Xây dựng và triển khai Đề án “Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch” và ứng dụng công nghệ số hóa ngành du lịch, phát triển du lịch thông minh theo Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2024 và những năm tiếp theo.

b) Triển khai có hiệu quả Quyết định số 827/QĐ-UBND ngày 27/6/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ mô hình kinh doanh du lịch mới, phát triển nhanh dựa trên khai thác trí tuệ và công nghệ.

- Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và những năm tiếp theo.

c) Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh có đặc sản, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tham gia hội chợ, hội nghị kết nhằm thực hiện các hoạt động nối cung cầu trong nước, xúc tiến thương mại gắn với du lịch.

- Cơ quan chủ trì: Sở Công Thương.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và những năm tiếp theo.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

Tại thời điểm lập dự toán hàng năm, các cơ quan, đơn vị lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch này, gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí theo khả năng cân đối ngân sách địa phương để triển khai thực hiện.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại mục III kế hoạch này với vai trò là cơ quan chủ trì; đồng thời phối hợp với các cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ có liên quan tại mục III kế hoạch này.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại mục III, Kế hoạch này; định kỳ báo cáo UBND kết quả thực hiện (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trước ngày 15/12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.

3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan, tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí kinh phí thường xuyên thực hiện Kế hoạch theo khả năng cân đối, phân cấp ngân sách hiện hành, quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

4. Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Hội đoàn thể phối hợp các ngành và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia thực hiện Kế hoạch này.

5. Đề nghị Hiệp hội Du lịch tỉnh phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đẩy mạnh kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn, chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; vận động doanh nghiệp du lịch tích cực hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ vào chương trình phát triển du lịch của tỉnh, chương trình liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương; chủ động xây dựng các sản phẩm chất lượng để thu hút khách du lịch; tích cực thực hiện vai trò đại diện cho hội viên kiến nghị với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh và các sở, ngành có liên quan về những chủ trương, chính sách, biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện phát triển cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành Du lịch Quảng Ngãi và của hội viên theo thẩm quyền của Hiệp hội.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, nếu có phát sinh, vướng mắc cần phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; các cơ quan, đơn vị kiến nghị gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Chính phủ (báo cáo);
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- BTT UBMTTQVN tỉnh và các hội, đoàn thể;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Hiệp hội Du lịch tỉnh;
- VPUB: CVP, PCVP, KTTH, CBTH;
- Lưu: VT, KGVX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hoàng Tuấn