Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1321/KH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN "NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM" TRONG NGÀNH GIÁO DỤC NĂM 2013

Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012; Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 4/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Công văn số 6902/BTP-PBGDPL ngày 25/9/2013 của Bộ Tư pháp về việc tổ chức thực hiện "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" năm 2013; Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" trong ngành giáo dục năm 2013 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tổ chức triển khai có hiệu quả các quy định của Ngày Pháp luật theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đến nhà giáo, người học, cán bộ quản lý trong ngành giáo dục;

b) Nâng cao nhận thức của toàn Ngành về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật, làm cho Ngày Pháp luật trở thành đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật;

c) Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành thuộc lĩnh vực giáo dục, chú trọng các văn bản liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của nhà giáo, người học, cán bộ quản lý trong ngành giáo dục.

2. Yêu cầu

a) Quán triệt đầy đủ nội dung, mục đích, ý nghĩa và yêu cầu về Ngày Pháp luật theo quy định tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 4/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b) Việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật phải được thực hiện đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục.

c) Việc tổ chức triển khai Ngày Pháp luật phải đảm bảo trang trọng, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức.

II. CHỦ ĐỀ NGÀY PHÁP LUẬT NĂM 2013 VÀ CÁC KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN

1. Chủ đề

"Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

2. Khẩu hiệu

- "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật";

- "Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam";

- "Nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật là bảo vệ chính bạn, gia đình bạn và xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh";

- "Thực hiện pháp luật là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân";

- "Tôn trọng và chấp hành pháp luật là nét đẹp văn hóa của mỗi người dân";

- "Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu chấp hành và bảo vệ pháp luật";

Các khẩu hiệu khác phù hợp với chủ đề Ngày Pháp luật, gắn với nhiệm vụ của đơn vị.

III. THỜI GIAN, NỘI DUNG, HÌNH THỨC

1. Thời gian

Thời gian triển khai Ngày Pháp luật được tổ chức trong tuần lễ từ ngày 04/11/2013 đến ngày 10/11/2013, trong đó tổ chức cao điểm vào ngày 09/11/2013.

2. Nội dung

a) Tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội;

c) Giáo dục cán bộ quản lý, nhà giáo, người học ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật;

d) Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, của các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và các văn bản có liên quan khác. Đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền, phổ biến Luật giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học, các văn bản hướng dẫn thi hành...; hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học theo từng cấp học và các quy định có liên quan do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

đ) Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật.

3. Hình thức

Ngày Pháp luật có thể được tổ chức dưới các hình thức sau đây:

a) Tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ kết tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật;

b) Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua mít tinh, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật, triển lãm;

c) Lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động thực hiện các cuộc vận động như: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh",...;

d) Tăng thời lượng, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm và các hình thức phù hợp khác về Ngày Pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng;

đ) Tổ chức tuần lễ cao điểm tuyên truyền pháp luật bằng các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan thông qua hệ thống áp phích, panô, băng rôn theo chủ đề, khẩu hiệu tuyên truyền Ngày Pháp luật năm 2013;

e) Biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng kịch bản, video clip... về các tình huống, thông qua đó giáo dục ý thức sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật;

f) Các hình thức khác: Tùy theo tình hình thực tiễn, các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục có thể triển khai thực hiện "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" thông qua các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các sở giáo dục và đào tạo

a) Trên cơ sở nội dung quy định tại phần III của Kế hoạch này, hướng dẫn các phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện với hình thức phù hợp;

b) Tổ chức thực hiện; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và xây dựng báo cáo đánh giá việc tổ chức triển khai Ngày Pháp luật gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Pháp chế) trước ngày 20/11/2013 để tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp.

2. Trách nhiệm của các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp

Trên cơ sở nội dung quy định tại phần III của Kế hoạch này, triển khai thực hiện; đôn đốc, kiểm tra và xây dựng báo cáo đánh giá việc tổ chức triển khai Ngày Pháp luật gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Pháp chế) trước ngày 20/11/2013 để tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp.

3. Trách nhiệm của Vụ Pháp chế

a) Làm đầu mối tham mưu, giúp Bộ trưởng tổ chức triển khai các hoạt động Ngày Pháp luật trong toàn Ngành. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp, xây dựng báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Bộ Tư pháp;

b) Biên soạn bản tin, tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện Ngày Pháp luật.

4. Vụ Kế hoạch - Tài chính

Bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời để triển khai các hoạt động cho thực hiện Ngày Pháp luật năm 2013 tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Văn phòng Bộ

a) Hướng dẫn lập dự toán kinh phí việc thực hiện Ngày Pháp luật;

b) Lựa chọn chủ đề, khẩu hiệu để treo băng rôn, khẩu hiệu tại các vị trí thích hợp tại trụ sở cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Cục Công nghệ thông tin

a) Chủ trì, phối hợp với Vụ pháp chế xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm về thực hiện Ngày Pháp luật trên trang thông tin điện tử www.moet.gov.vn;

b) Tuyên truyền, giới thiệu trang văn bản www.vanban.moet.gov.vn đến nhà giáo, người học và cán bộ quản lý giáo dục.

7. Báo Giáo dục và thời đại

Đăng tải Kế hoạch, đồng thời xây dựng chuyên mục, tin, bài phản ánh về tình hình triển khai việc thực hiện Ngày Pháp luật của Ngành.

8. Các đơn vị thuộc Bộ

a) Tổ chức việc quán triệt đến cán bộ, công chức việc thực hiện Kế hoạch này. Lồng ghép nội dung việc thực hiện Kế hoạch với việc triển khai các nhiệm vụ của đơn vị;

b) Xây dựng báo cáo đánh giá việc thực hiện Ngày Pháp luật của đơn vị và gửi về Vụ Pháp chế trước ngày 20/11/2013 để tổng hợp chung.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch nếu có khó khăn, vướng mắc cần kịp thời báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Pháp chế) để xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Hội đồng PHCPB, GDPLTW (để b/c);
- Bộ Tư pháp (để b/c);
- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (để b/c);
- Các sở giáo dục và đào tạo (để t/h);
- Các đại học, học viện, trường đại học,
cao đẳng và TCCN (để t/h);
- Các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng,
và các đơn vị thuộc Bộ (để t/h);
Lưu VT, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Mạnh Hùng