Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1351/KH-BYT

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

BẢO ĐẢM CÔNG TÁC Y TẾ VÀ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH PHỤC VỤ KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Căn cứ văn bản số 2817/TTKQH-TK ngày 25/9/2023 của Tổng Thư ký Quốc hội về việc triệu tập Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và công văn số 2583/VPQH-CQTI ngày 28/9/2023 của Văn phòng Quốc hội về việc phối hợp phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, theo đó, Kỳ họp sẽ tiến hành theo hình thức tập trung, khai mạc ngày 23/10/2023 và bế mạc ngày 29/11/2023 tại Nhà Quốc hội, chia làm 02 đợt: Đợt 1 từ ngày 23/10/2023-10/11/2023 và Đợt 2 từ ngày 20/11/2023-29/11/2023. Bộ Y tế xây dựng kế hoạch bảo đảm công tác y tế, phòng chống dịch bệnh phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ

1. Mục tiêu

Bảo đảm công tác y tế phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV an toàn tuyệt đối.

2. Nhiệm v

- Bảo đảm phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19.

- Bảo đảm vệ sinh khử khuẩn môi trường và chất lượng nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

- Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Bảo đảm cấp cứu, khám chữa bệnh.

- Bảo đảm đáp ứng cấp cứu khẩn cấp các tình huống thảm họa, khủng bố hóa học, sinh học.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG

1. Bảo đảm phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19

Bộ Y tế chịu trách nhiệm làm đầu mối chỉ đạo thực hiện các hoạt động đảm bảo phòng chống dịch bệnh, cụ thể gồm các nội dung sau:

1.1. Xây dựng phương án ứng phó với các tình huống cụ thể về dịch bệnh, dịch COVID-19 phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

1.2. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác giám sát, xử lý dịch bệnh, dịch COVID-19 phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Sẵn sàng tổ chức triển khai ứng phó khi có tình huống dịch bệnh, dịch COVID-19.

- Các Tổ y tế (thực hiện thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe, phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, dịch COVID- 19) phục vụ cho đại biểu, khách mời và cán bộ phục vụ trong thời gian diễn ra Kỳ họp tại Nhà Quốc hội và tại nhà khách, khách sạn nơi đại biểu, khách mời ăn nghỉ: Đợt 1 từ ngày 23/10/2023-10/11/2023 và Đợt 2 từ ngày 20/11/2023 - 29/11/2023.

- Lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ mắc dịch bệnh, dịch COVID-19, những đối tượng nguy cơ và xử lý kịp thời.

1.3. Chỉ đạo các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm công tác phòng chống dịch, kiếm dịch y tế, giám sát dịch chặt chẽ và chủ động phát hiện các ổ dịch tại địa phương để xử lý khống chế dịch có hiệu quả trong thời gian tổ chức Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

1.4. Chỉ đạo và tăng cường công tác thường trực phòng chống dịch bệnh; rà soát và củng cố các đội đáp ứng nhanh xử lý dịch bệnh, dịch COVID-19. Phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các đơn vị liên quan khác để đáp ứng xử lý dịch theo quy định.

1.5. Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh tại thành phố Hà Nội và các địa phương trước và trong thời gian tổ chức Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ và báo cáo tình hình dịch bệnh trong thời gian tổ chức Kỳ họp.

2. Bảo đảm vệ sinh môi trường

Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện các hoạt động đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, giám sát chặt chẽ nguồn nước, vệ sinh ngoại cảnh phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội, cụ thể gồm các hoạt động sau:

2.1. Vệ sinh khử khuẩn bề mặt, khử khuẩn môi trường tại Nhà Quốc hội.

2.2. Dung dịch sát khuẩn tay nhanh, máy sát khuẩn tay tự động đảm bảo chất lượng theo quy định Bộ Y tế.

2.3. Tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tất cả những nơi họp của đại biểu đảm bảo đạt tiêu chuẩn quy định.

3. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Bộ Y tế chịu trách nhiệm làm đầu mối chỉ đạo thực hiện các hoạt động đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, cụ thể gồm các hoạt động sau:

3.1. Xây dựng Kế hoạch triển khai Các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

3.2. Thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại nơi cung cấp thực phẩm của Kỳ họp, các nhà hàng phục vụ Kỳ họp. Cử cán bộ tham gia các tổ thường trực đảm bảo an toàn thực.

3.3. Tổ chức kiểm tra việc triển khai và công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các nhà hàng và địa điểm tổ chức phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

3.4. Thực hiện việc kiểm tra, lấy mẫu nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV (bao gồm cả sản phẩm thực phẩm tài trợ).

3.5. Xử lý ngộ độc thực phẩm theo quy định (nếu xảy ra).

4. Bảo đảm cấp cứu, khám chữa bệnh

Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở Khám bệnh, chữa bệnh (KB, CB) bảo đảm công tác thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh cho các đại biểu tham dự Kỳ họp, khách mời, phóng viên, cán bộ phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, cụ thể:

4.1. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức công tác thường trực cấp cứu trong suốt quá trình diễn ra Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, tại Nhà Quốc hội và nơi các đại biểu ăn nghỉ.

4.2. Tổ chức bố trí các Tổ y tế (cấp cứu, khám chữa bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe, phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, dịch COVID-19) cho đại biểu và khách mời trước, trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

4.3. Bảo đảm đủ danh mục thuốc và trang thiết bị vật tư tiêu hao, trang thiết bị phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19 để trang bị cho các Tổ y tế; xe ô tô cứu thương đảm bảo phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV theo quy định của Bộ Y tế.

4.4. Chỉ đạo Sở Y tế các cơ sở KB, CB trên toàn quốc tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

Các Viện, Bệnh viện Trung ương và Bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội mỗi bệnh viện bố trí sẵn sàng 5-10 giường bệnh để phục vụ Kỳ họp trong trường hợp có tình huống bất thường xảy ra.

5. Bảo đảm đáp ứng cấp cứu khẩn cấp các tình huống thảm họa, khủng bố hóa học, sinh học

Chỉ đạo thực hiện các hoạt động đảm bảo công tác đáp ứng cấp cứu các tình huống thảm họa, khủng bố phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, cụ thể gồm các hoạt động sau:

- Cấp cứu thảm họa nếu có: Tai nạn giao thông, cháy nổ, ngộ độc thực phẩm với số lượng lớn nạn nhân. Bộ Y tế sẽ báo động huy động các đội cấp cứu ngoại viện của các bệnh viện đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Nếu có ngộ độc hoá chất, thực phẩm hàng loạt xảy ra, Cục An toàn thực phẩm chịu trách nhiệm đầu mối phối hợp Cục Y tế dự phòng, Viện Kiểm nghiệm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai khẩn trương xác định nguyên nhân, nguồn gốc và xử trí theo quy định, hạn chế hậu quả xảy ra.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh

a) Là đơn vị Thường trực của công tác Y tế phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV; đôn đốc các đơn vị triển khai kế hoạch, là đơn vị thường trực tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm các công tác y tế phục vụ Kỳ họp theo phân công tại Kế hoạch này, tổng hợp báo cáo.

b) Chỉ đạo các cơ sở Khám, chữa bệnh bảo đảm công tác thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh, cho các đại biểu, khách mời, phóng viên và cán bộ phục vụ Kỳ họp, cấp cứu thảm họa theo phân công của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.

c) Giao Bệnh viện Hữu Nghị bố trí các Tổ y tế trực theo danh sách Nhà Quốc hội, các nhà khách, khách sạn dự kiến như sau:

Tại Nhà Quốc hội: 01 Tổ y tế và 01 xe ô tô cứu thương theo quy định của Bộ Y tế với đầy đủ trang thiết bị thiết yếu và cơ số phòng chống dịch.

Tại Nhà khách Quốc hội tại Hà Nội (27A Trần Hưng Đạo), Trung tâm Hội Nghị Quốc tế (37 Hùng Vương), Khách sạn La Thành, Khách sạn Quân Đội (1A Nguyễn Tri Phương): dự kiến 04 Tổ y tế và 04 xe ô tô cứu thương.

2. Cục Y tế dự phòng

- Đầu mối xây dựng phương án ứng phó với các tình huống cụ thể dịch bệnh và hướng dẫn phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19 phục vụ Kỳ họp.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan của Văn phòng Quốc hội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội và các đơn vị liên quan khác để triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19 phục vụ Kỳ họp.

- Chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn về phòng chống dịch bệnh, dịch COVID- 19 phục vụ Kỳ họp (tại Phụ lục 1).

- Đầu mối chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức các hoạt động giám sát y tế, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện, đáp ứng phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19. Thường trực việc sẵn sàng tổ chức triển khai ứng phó khi có tình huống dịch bệnh, dịch COVID-19 xảy ra.

- Tổ chức và tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong thời gian tổ chức Kỳ họp.

3. Cục Quản lý môi trường y tế

Chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội và phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội bảo đảm vệ sinh khử khuẩn và chất lượng nước dùng cho mục đích sinh hoạt tại các địa điểm Trụ sở cơ quan của Quốc hội (nhà Quốc hội số 01 đường Độc Lập, số 22 Hùng Vương, số 35 Ngô Quyền, thành phố Hà Nội).

4. Cục An toàn thực phẩm

Tổ chức kiểm tra việc triển khai và công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, khách sạn và địa điểm tổ chức phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cung cấp nguyên liệu và thực phẩm phục vụ Kỳ họp.

- Phối hợp với Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội kiểm tra giám sát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại địa điểm Nhà Quốc hội, tại các nhà hàng khách sạn và địa điểm tổ chức phục vụ Kỳ họp; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cung cấp nguyên liệu và thực phẩm phục vụ Kỳ họp.

- Thực hiện việc kiểm tra, lấy mẫu nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm phục vụ Kỳ họp (bao gồm cả sản phẩm thực phẩm tài trợ).

5. Vụ Kế hoạch - Tài chính

Phối hợp với Vụ Tài chính, Văn phòng Quốc hội bảo đảm kinh phí công tác y tế phục vụ Kỳ họp.

6. Sở Y tế thành phố Hà Nội

Có nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm các công tác y tế phục vụ Kỳ họp và triển khai các hoạt động cụ thể:

- Xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm các công tác y tế và phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19 phục vụ Kỳ họp (gửi Bộ Y tế, Văn phòng Quốc hội và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để theo dõi, đôn đốc thực hiện.

- Đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hà Nội. Giám sát, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch khi có dịch xảy ra trên địa bàn. Chủ động ứng phó có hiệu quả với các tình huống dịch bệnh, dịch COVID-19 trong quá trình tổ chức Kỳ họp.

- Chỉ đạo và phân công đơn vị thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm dịch bệnh, dịch COVID-19 cho các Đại biểu Quốc hội và các thành phần khác khi được phân công.

- Phối hợp với đầu mối của Văn phòng Quốc hội liên hệ với các Tổ y tế (trực cấp cứu, khám chữa bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe, phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, dịch COVID-19) trực tại Nhà Quốc hội và tại nhà khách, khách sạn nơi đại biểu, khách mời ăn nghỉ để phối hợp xử lý khi có các tình huống dịch bệnh, dịch COVID-19 xảy ra.

Trong trường hợp cần thiết và theo yêu cầu có thể bố trí Tổ thường trực phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19 hoặc cán bộ y tế tham gia giám sát, phòng chống dịch COVID-19. Bố trí, phân công các đội đáp ứng nhanh sẵn sàng tham gia triển khai thực hiện xử lý các tình huống có dịch bệnh, dịch COVID-19 khi được huy động.

- Bố trí các Tổ y tế thường trực cấp cứu thảm họa, cấp cứu ngoại viện để xử trí khi có tình huống bất thường xảy ra theo phân công của Bộ Y tế.

- Bố trí phương tiện vận chuyển để vận chuyển các trường hợp mắc dịch bệnh đến cơ sở điều trị được phân công; bố trí nhân lực để xử trí các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, mắc COVID-19 theo phân công.

- Đảm bảo vệ sinh khử khuẩn, thu gom chất thải y tế tại địa điểm tổ chức và các phương tiện vận chuyển phục vụ Kỳ họp.

- Giám sát định kỳ nồng độ clo dư và các chỉ số lý, hóa, vi sinh khác tại các nhà máy nước, trạm cấp nước trên địa bàn.

- Kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm phòng chống các dịch bệnh truyền qua đường thực phẩm.

- Thực hiện khám sàng lọc và lấy mẫu bệnh phẩm đối với các trường hợp nghi ngờ, trường hợp có nguy cơ cao nhằm phát hiện bệnh nhân mắc dịch bệnh để cách ly, điều trị. Tổ chức cấp cứu, điều trị tích cực cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm theo phân tuyến.

- Bảo đảm các đội cấp cứu cơ động sẵn sàng tham gia cấp cứu ngoại viện theo phân công.

- Bố trí, phân công các Bệnh viện, đơn vị thường trực tham gia công tác y tế phục vụ Kỳ họp theo phân công của Bộ Y tế.

- Tập huấn, phổ biến hướng dẫn về phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, dịch COVID-19 cho các Tổ y tế phục vụ Kỳ họp.

7. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Có nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm các công tác y tế phục vụ Kỳ họp tại địa phương, cụ thể:

- Đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, thành phố. Chỉ đạo hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm và triển khai các biện pháp phòng chống khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

8. Các bệnh viện, các Viện và đơn vị liên quan

- Thường trực để sẵn sàng tham gia công tác y tế phục vụ Kỳ họp.

- Chuẩn bị giường bệnh, cơ số thuốc để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị khi có trường hợp được đưa đến bệnh viện.

- Tham gia vào lấy mẫu và xét nghiệm cho các đại biểu, thành phần tham gia phục vụ Kỳ họp khi được phân công.

- Tập huấn, phổ biến hướng dẫn về phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, dịch COVID-19 cho các Tổ y tế phục vụ Kỳ họp.

IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. Báo cáo định kỳ

Các Cục, Vụ chức năng có liên quan, Bệnh viện Hữu Nghị và Sở Y tế TP. Hà Nội báo cáo hàng ngày công tác y tế, báo cáo vào 15 giờ 00 hàng ngày trong thời gian diễn ra Kỳ họp. Trường hợp nếu có tình huống khẩn cấp cần xin ý kiến thì báo cáo ngay để triển khai giải quyết lập thời.

2. Báo cáo đột xuất

2.1. Tại các tỉnh, thành phố

- Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm là đại biểu, khách mời, cán bộ phục vụ thì Trưởng bộ phận xét nghiệm báo cáo Lãnh đạo đơn vị để báo ngay cho Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh, thành phố địa bàn quản lý.

- Lãnh đạo Sở Y tế trên địa bàn quản lý ngay sau khi nhận được thông tin có trách nhiệm thông báo đến Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh để phối hợp chỉ đạo và xử lý.

2.2. Tại thành phố Hà Nội

- Các đơn vị y tế của thành phố Hà Nội khi phát hiện trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm là đại biểu, khách mời, cán bộ phục vụ thì Trưởng bộ phận xét nghiệm báo cáo Lãnh đạo đơn vị để báo ngay cho Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội và có trách nhiệm thông báo đến Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Cục trưởng Cục Quản trị I, Văn phòng Quốc hội để phối hợp chỉ đạo và xử lý.

- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khi phát hiện trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm là đại biểu, khách mời, cán bộ phục vụ thì Trưởng bộ phận xét nghiệm báo cáo Lãnh đạo đơn vị để báo ngay cho Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Cục trưởng Cục Quản trị I, Văn phòng Quốc hội để phối hợp chỉ đạo và xử lý.

- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ; Cục trưởng Cục Quản trị I báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.

V. KINH PHÍ

Kinh phí bảo đảm công tác y tế phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV do Văn phòng Quốc hội bố trí tại nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Cục Quản trị, Văn phòng Quốc hội chịu trách nhiệm cung cấp test xét nghiệm kháng nguyên nhanh vi rút SARS-CoV-2, khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn tay cho các Tổ y tế (cấp cứu, thực hiện thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe, phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, dịch COVID-19) và các đơn vị, cơ quan được giao phục vụ Kỳ họp.

Trên đây là kế hoạch bảo đảm công tác y tế phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Bộ Y tế kính gửi Văn phòng Quốc hội. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc cần giải quyết, liên hệ đồng chí Đỗ Minh Tâm, Phó Cục trưởng Cục Quản trị I, điện thoại 080.48566/di động 0961666839; đồng chí Nguyễn Đức Thắng, Trưởng phòng Y tế, Cục Quản trị I, Văn phòng Quốc hội, điện thoại: 080.41625/di động: 0903445566; đồng chí Nguyễn Phương Mai, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, điện thoại: 024.62732445/di động: 0839794036./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội (đc b/cáo);
- Bộ trưởng (để b/cáo);
- Các Đ/c Thứ trưởng;
- VP. Ban BVCSSKCBTU;
- HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, tp trực thuộc TW;
- Các Vụ, Cục: KH-TC, KCB, DP, ATTP, MTYT (để thực hiện);
- Bệnh viện Hữu Nghị (để th/hiện);
- Các Bệnh viện, Viện TW trực thuộc Bộ;
- Các SYT tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các TTKSBT tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Chi cục ATVSTP TP. Hà Nội (để thực hiện);
- Lưu: VT, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Thuấn

 

PHỤ LỤC 1

HƯỚNG DẪN PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH, DỊCH COVID-19 PHỤC VỤ KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV

Căn cứ Văn bản số 2817/TTKQH-TK ngày 25/9/2023 của Tổng Thư ký Quốc hội về việc triệu tập Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và Công văn số 2583/VPQH-CQTI ngày 28/9/2023 của Văn phòng Quốc hội về việc phối hợp phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV; theo đó, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV sẽ tiến hành theo hình thức tập trung, khai mạc ngày 23/10/2023 và bế mạc ngày 29/11/2023 tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp thứ 6 được chia làm 02 đợt: Đợt 1 từ ngày 23/10/2023-10/11/2023 và Đợt 2 tư ngày 20/11/2023-29/11/2023. Để Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV được tổ chức thành công và đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế xây dựng Hướng dẫn phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19 phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đảm bảo thực hiện phòng chống và ngăn ngừa khả năng lây lan của dịch bệnh, dịch COVID-19 phục vụ an toàn cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

- Chủ động ứng phó có hiệu quả với các tình huống dịch bệnh, dịch COVID- 19 trong quá trình tổ chức Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

- Tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV được diễn ra thuận lợi, thông suốt, an toàn và thực hiện theo đúng yêu cầu.

2. Yêu cầu

- Kịp thời triển khai thực hiện các nội dung các hoạt động bám sát vào các chỉ đạo chuyên môn về phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19 và các quy định, hướng dẫn của Kỳ họp phù hợp với đặc điểm của từng tình huống cụ thể trong thời gian tổ chức Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

- Hướng dẫn phải đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định của Quốc hội và các hướng dẫn phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19; có sự phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan và lực lượng tham gia phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

II. HƯỚNG DẪN PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

1. Phòng chống dịch bệnh trước khi tham dự Kỳ họp thứ 6

1.1. Thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh cá nhân

- Các Đại biểu Quốc hội, khách mời, cán bộ phục vụ tự theo dõi sức khỏe trước khi đi tham dự và phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cá nhân:

- Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh: thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay; khuyến khích đeo khẩu trang.

- Không khạc, nhổ; vứt rác, khẩu trang đúng nơi quy định; che miệng và mũi khi hắt hơi, ho.

- Hạn chế tiếp xúc với các đối tượng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm.

- Báo ngay cho đoàn Đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ quản và cơ quan y tế nếu có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh truyền nhiễm để được tư vấn, kiểm tra y tế và hướng dẫn khi có các biểu hiện: sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi; khó thở; viêm đường hô hấp, hoặc có các bất thường về sức khỏe khác.

1.2. Trường hợp xác định mắc bệnh truyền nhiễm

Khi xác định có trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, mắc COVID-19, đơn vị y tế được phân công thực hiện kiểm tra y tế, đánh giá tình trạng sức khỏe và mức độ nguy hiểm của bệnh để có chỉ định phù hợp:

- Nếu tình trạng sức khỏe tốt, mắc bệnh truyền nhiễm không nguy hiểm thì vẫn có thể tiếp tục tham dự họp đối với đại biểu, khách mời và phục vụ đối với cán bộ phục vụ và thực hiện các biện pháp phòng chống cá nhân.

- Nếu tình trạng nặng, nguy hiểm đến tính mạng thì chuyển cơ sở y tế để được cấp cứu, điều trị kịp thời (Trường hợp đặc biệt thực hiện theo chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch, Lãnh đạo Quốc hội).

2. Di chuyển, đi lại tham dự Kỳ họp

Thực hiện thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay; khuyến khích đeo khẩu trang; thực hiện các quy định khác theo hướng dẫn của Ban Tổ chức.

3. Phòng chống dịch trong thời gian tổ chức Kỳ họp thứ 6

3.1. Biện pháp cá nhân của Đại biểu Quốc hội, khách mời, cán bộ phục vụ

Thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh cá nhân như trong Mục 1.1, Phần II.

Ghi chú: Đại biểu Quốc hội, khách mời, cán bộ tham gia phục vụ tự kiểm tra nhiệt độ, sức khỏe ở nhà nếu có dấu hiệu, triệu chứng như: sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi; khó thở; viêm đường hô hấp, hoặc có các bất thường về sức khỏe khác thì báo ngay cho cán bộ y tế để được tư vấn, kiểm tra y tế và hướng dẫn (lấy mẫu xét nghiệm nếu cần thiết).

3.2. Thực hiện giám sát y tế và xử lý khi xuất hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, mắc COVID-19 tại Nhà Quốc hội[1], khách sạn, nhà khách nơi đại biểu, khách mời lưu trú

Xác định trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, mắc COVID-19 cần xử lý: Các trường hợp có dấu hiệu, triệu chứng có dấu hiệu, triệu chứng như: sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi; khó thở; viêm đường hô hấp, hoặc có các bất thường về sức khỏe khác cần thông báo hoặc liên hệ với Tổ y tế thường trực tại Nhà Quốc hội, khách sạn, nhà khách nơi đại biểu lưu trú để xử lý.

Quy trình giám sát y tế và xử lý:

Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, mắc COVID- 19 qua giám sát y tế, Tổ y tế hoặc cán bộ y tế thường trực thực hiện:

- Báo cáo ngay cho Tổ thường trực chỉ huy công tác y tế (Thường trực tại Nhà Quốc hội) và phối hợp với cán bộ đầu mối có thẩm quyền (Văn phòng Quốc hội) để tiếp cận đại biểu, khách mời, cán bộ phục vụ để triển khai các phương án xử lý.

- Mời và hướng dẫn đại biểu, khách mời, cán bộ phục vụ có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, mắc COVID-19 đeo khẩu trang y tế đúng cách.

- Kiểm tra y tế, đánh giá tình trạng sức khỏe, mức độ nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm, lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh vi rút SARS-CoV-2 cho trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 để có chỉ định phù hợp:

(1) Nếu tình trạng sức khỏe tốt, mắc bệnh truyền nhiễm không nguy hiểm thì vẫn có thể tiếp tục tham dự họp đối với đại biểu, khách mời và phục vụ đối với cán bộ phục vụ và thực hiện các biện pháp phòng chống cá nhân. Hướng dẫn các đại biểu, khách mời khác vào dự họp bình thường.

(2) Nếu tình trạng nặng, nguy hiểm đến tính mạng thì chuyển cơ sở y tế để được cấp cứu, điều trị kịp thời (Trường hợp đặc biệt thực hiện theo chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch, Lãnh đạo Quốc hội).

- Khoanh vùng khu vực có nguy cơ để vệ sinh môi trường, khử khuẩn: Trong trường hợp xuất hiện bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc các trường hợp cần thiết thực hiện khoanh vùng khu vực có nguy cơ tại khu Nhà Quốc hội, khách sạn, nhà khách để thực hiện vệ sinh, khử khuẩn theo quy định.

- Báo cáo ngay cho Lãnh đạo Tổ thường trực chỉ huy công tác y tế (Cục Quản lý khám, chữa bệnh) và Cục Y tế dự phòng để xem xét, đánh giá nguy cơ dịch bệnh (nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm), đề xuất và triển khai các biện pháp xử lý kịp thời.

3.3. Cơ quan phục vụ Kỳ họp thứ 6 (Nhà Quốc hội, khách sạn, nhà khách nơi đại biểu, khách mời lưu trú).

- Bố trí phòng trực cấp cứu, phòng cách ly và vị trí để thiết bị thiết bị y tế.

- Bố trí một cán bộ đầu mối có thẩm quyền (Văn phòng Quốc hội cử đầu mối) để tiếp cận đại biểu, khách mời và hỗ trợ Tổ y tế trong quá trình xử lý.

- Thực hiện vệ sinh, khử trùng các khu vực của Nhà Quốc hội, khách sạn, nhà khách.

- Bố trí đầy đủ khu vực rửa tay có đủ nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay tại các vị trí thuận lợi, tại các khu vệ sinh.

- Cung cấp đủ khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn tay cho khách lưu trú, nhân viên và thực hiện đeo khẩu trang khi ra vào và khi làm việc.

- Bố trí phòng trực cấp cứu, phòng cách ly y tế, vị trí để lắp đặt thiết bị y tế đảm bảo thuận tiện cho phục vụ.

- Phối hợp với Tổ y tế và đầu mối Ban Tổ chức để giám sát y tế hàng ngày cho Đại biểu quốc hội, khách mời, cán bộ phục vụ và xử lý khi có tình huống dịch bệnh xảy ra.

- Phối hợp với Tổ y tế và đầu mối Ban Tổ chức để chuyển trường hợp bệnh nặng và trường hợp chuyển bệnh nặng đến cơ sở điều trị theo chỉ định.

- Bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy đặt tại các vị trí thuận tiện trong khách sạn, nhà nghỉ và xử lý chất thải đảm bảo yêu cầu vệ sinh.

- Bố trí phương tiện dự phòng để vận chuyển các đại biểu, khách mời, cán bộ phục vụ vụ trong trường hợp cần phải di chuyển riêng theo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19 (Văn phòng Quốc hội bố trí cho những trường hợp này).

+ Phối hợp với cơ quan y tế để thực hiện việc vệ sinh khử khuẩn phòng họp, hội trường, khách sạn, nhà nghỉ theo yêu cầu.

4. Quy trình xử lý thông tin, báo cáo dịch bệnh, các bất thường về y tế

- Tổ y tế hoặc cán bộ y tế thường trực giám sát y tế trực tại Nhà Quốc hội, khách sạn, nhà khách báo cáo trực tiếp Lãnh đạo Tổ thường trực chỉ huy công tác y tế (Cục Quản lý khám, chữa bệnh), Cục Y tế dự phòng và đầu mối của Văn phòng Quốc hội được phân công về xử lý dịch bệnh, các bất thường về y tế.

- Tổ thường trực chỉ huy công tác y tế báo cáo cho lãnh đạo Bộ Y tế; đầu mối của Văn phòng Quốc hội báo cáo Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.

- Tổ thường trực chỉ huy công tác y tế và đầu mối của Văn phòng Quốc hội thống nhất chỉ đạo Tổ y tế hoặc cán bộ y tế thường trực giám sát y tế phối hợp với các đơn vị khác để thực hiện những vấn đề liên quan dịch bệnh, bất thường về y tế.

Lưu ý: Chỉ thông báo, báo cáo cho cán bộ đầu mối được phân công và không thông báo, báo cáo những người không được phân công để tránh bị rối loạn thông tin và gây hoang mang, lo sợ không cần thiết.

5. Sau khi kết thúc các đợt họp của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV

- Các đoàn Đại biểu Quốc hội hướng dẫn các đại biểu, khách mời, cán bộ phục vụ và các thành phần tham gia khác tự theo dõi sức khỏe sau khi kết thúc các đợt họp của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV theo quy định.

- Các đại biểu, khách mời và cán bộ phục vụ tham gia các đợt họp của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV trở về địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn, quy định của địa phương nơi cư trú.

6. Trong tình huống khác

Căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh, dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước trong thời gian tổ chức các đợt họp của Kỳ họp thứ 6 và chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, Đoàn Chủ tịch, Văn phòng Quốc hội và Bộ Y tế sẽ bổ sung và thực hiện phương án ứng phó phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19 theo tình huống diễn biến thực tế.

7. Phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19 trên địa bàn theo các tình huống xảy ra.

III. TRANG THIẾT BỊ VÀ CÔNG TÁC CHUẨN BỊ

1. Bố trí phòng chống dịch, dịch COVID-19 phục vụ Kỳ họp thứ 6

1.1. Các Tổ y tế:

- Các Tổ y tế (trực cấp cứu, khám chữa bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe, phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, dịch COVID-19) được bố trí phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV tại Nhà Quốc hội và tại nhà khách, khách sạn nơi đại biểu, khách mời ăn nghỉ thực hiện nhiệm vụ thường trực giám sát y tế và xử lý khi xuất hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, mắc COVID-19 theo như hướng dẫn ở trên.

- Khi xuất hiện tình huống có nhiều trường hợp mắc bệnh, khi dịch bùng phát lan rộng hoặc trường hợp cần thiết báo cáo Tổ thường trực chỉ huy công tác y tế, Cục Y tế dự phòng và đầu mối của Văn phòng Quốc hội để triển khai thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời.

1.2. Sở Y tế Hà Nội:

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và các đơn vị liên quan để triển khai phối hợp với các Tổ y tế thường trực thực hiện xử lý các tình huống khi có dịch bệnh, dịch COVID-19 xảy ra tại Nhà Quốc hội và tại nhà khách, khách sạn nơi đại biểu, khách mời ăn nghỉ. Trong trường hợp cần thiết và theo yêu cầu có thể bố trí Tổ thường trực phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19 hoặc cán bộ y tế tham gia giám sát, phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19 (Trường hợp thành lập các tổ thường trực phòng chống dịch sẽ gồm có cán bộ dịch tễ, khử khuẩn môi trường, lấy mẫu xét nghiệm).

- Bố trí, phân công các đội đáp ứng nhanh sẵn sàng tham gia triển khai thực hiện xử lý các tình huống khi có dịch bệnh, dịch COVID-19 xảy ra tại Nhà Quốc hội và tại nhà khách, khách sạn nơi đại biểu, khách mời ăn nghỉ và tại các địa điểm khác trên địa bàn khi được huy động.

1.3. Cục Y tế dự phòng: Thực hiện việc theo dõi, đánh giá nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm, dịch COVID-19; đầu mối chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các Tổ y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội, Cục Quản trị I và đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện xử lý các tình huống khi có dịch bệnh, dịch COVID-19 xảy ra tại Nhà Quốc hội và tại nhà khách, khách sạn nơi đại biểu, khách mời ăn nghỉ.

2. Bố trí trang, thiết bị cho phục vụ giám sát và phòng chống dịch bệnh: Gồm có bộ dụng cụ lấy mẫu, thùng đựng chất thải thông thường, thùng đựng chất thải y tế, khẩu trang y tế, găng tay y tế, trang phục phòng hộ cá nhân; 50 bộ tét xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2.

3. Bố trí phương tiện vận chuyển trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm

Sở Y tế Hà Nội bố trí phương tiện vận chuyển trong trạng thái sẵn sàng để vận chuyển các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, mắc COVID-19 đến các cơ sở y tế theo chỉ định.

4. Vệ sinh, khử khuẩn môi trường

Thực hiện vệ sinh khử khuẩn môi trường tại khu Nhà Quốc hội và các địa điểm tổ chức hoạt động có liên quan.

5. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo

- Các đơn vị, bộ phận thực hiện việc thông tin, báo cáo theo quy định và chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, cũng như thông tin liên quan khác về dịch bệnh.

- Thông tin, báo cáo về phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19 gửi về Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan.

6. Các đơn vị y tế tham gia phục vụ phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19 Kỳ họp thứ 6

- Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Môi trường y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị, Sở Y tế Hà Nội và các cơ quan liên quan khác được phân công, trưng tập.

- Lập danh sách cán bộ, nhân viên tham gia phục vụ, cử cán bộ tham gia Tổ thường trực chỉ huy công tác y tế, phân công đầu mối liên hệ trong quá trình phục vụ.

7. Đầu mối về hoạt động phòng chống dịch bệnh

Bộ Y tế giao Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan khác để tham mưu và tổ chức triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19 tại Kỳ họp thứ 6; Tiếp nhận thông tin, báo cáo hoạt động phòng chống dịch bệnh để tổng hợp báo cáo Ban Tổ chức, Văn phòng Quốc hội và Lãnh đạo Bộ Y tế.

 

PHỤ LỤC 2

KHUYẾN CÁO PHÒNG CHỐNG MỘT SỐ BỆNH TRUYỀN NHIỄM

1. KHUYẾN CÁO PHÒNG CHỐNG BỆNH CÚM

Trong thời điểm giao mùa, là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm, trong đó có cúm mùa (bao gồm cả cúm A và cúm B).

Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:

1) Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

2) Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

3) Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

4) Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

5) Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

2. KHUYẾN CÁO PHÒNG CHỐNG BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ

Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

1) Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang...

2) Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

3) Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

4) Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

5) Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

3. KHUYẾN CÁO PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19

Để chủ động phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1) Khuyến khích thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn). Khuyến khích đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.

2) Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc - khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, đặc biệt sau khi tiếp xúc với bề mặt nghi ngờ.

3) Nâng cao sức khỏe: có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý.

4) Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp cấp tính (ho, sốt, khó thở...).

4. KHUYẾN CÁO PHÒNG CHỐNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ

Bệnh đậu mùa khỉ thường có các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần; tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch. Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1) Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2) Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3) Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4) Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5) Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6) Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

 



[1] Lưu ý đại biểu và khách mời cấp cao (Lãnh đạo chủ chốt và nguyên Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ) thực hiện theo chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Kỳ họp, thông qua Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.