Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13697/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 05 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC PHƯƠNG ÁN CHO HỌC SINH, HỌC VIÊN VÀ SINH VIÊN TRỞ LẠI TRƯỜNG HỌC SAU THỜI GIAN THỰC HIỆN GIÃN CÁCH XÃ HỘI

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (viết tắt là Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ); Văn bản số 6666/BYT-MT ngày 16/8/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị (viết tắt là Văn bản số 6666/BYT-MT của Bộ Y tế) và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 về việc ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP (viết tắt là Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế); Văn bản số 4726/BGDĐT-GDTC ngày 15/10/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục (viết tắt là Văn bản số 4726/BGDĐT-GDTC của Bộ Giáo dục và Đào tạo); Kết luận số 41-KL/BCĐ ngày 13/10/2021 của đồng chí Phó trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh tại cuộc họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 23/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về các biện pháp tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai các phương án cho học sinh, học viên và sinh viên đi học trở lại trường học sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện các hoạt động giáo dục, đào tạo theo các quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đối với các hoạt động giáo dục, đào tạo; xác định thời gian và các phương án tổ chức cho học sinh, học viên và sinh viên đi học trở lại tại từng địa phương trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn và phù hợp với cấp độ dịch, tình hình phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương.

2. Yêu cầu

a) Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương; đảm bảo an toàn, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục khi tổ chức cho học sinh, học viên và sinh viên đi học trở lại.

b) Căn cứ các biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế; Văn bản số 4726/BGDĐT-GDTC của Bộ Giáo dục và Đào tạo để quy định về thời gian và hình thức dạy học cho học sinh, học viên và sinh viên đối với từng cấp học ở từng địa phương theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh, học viên và sinh viên đi học trở lại.

c) Căn cứ các biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế; Văn bản số 4726/BGDT-GDTC của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xác định các tiêu chí đảm bảo đảm an toàn tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Các nhiệm vụ trọng tâm khi tổ chức cho học sinh, học viên và sinh viên trở lại trường học tập trực tiếp

a) Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và Giáo dục thường xuyên:

- Nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trước khi học sinh đến trường, các cơ sở giáo dục chủ động thực hiện các nhiệm vụ sau:

Chủ động nhận bàn giao cơ sở vật chất từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương (nếu cơ sở giáo dục được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19); khẩn trương tổ chức dọn vệ sinh, khử khuẩn các phòng học, phòng chức năng và toàn bộ khuôn viên nhà trường ít nhất 01 tuần trước khi cho học sinh đi học trở lại.

Rà soát tình hình cơ sở vật chất, kiểm tra, thống kê cơ sở vật chất bị hư hỏng, tùy vào mức độ cần sửa chữa, các cơ sở giáo dục chủ động đề xuất với các cấp có thẩm quyền để sửa chữa đúng theo quy định.

Xây dựng kế hoạch giáo dục, giải pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong nhà trường phù hợp với thực tiễn dịch bệnh tại địa phương.

Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, phương tiện phòng dịch, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chú ý yếu tố liên quan đến người khuyết tật.

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, công tác y tế trường học cho học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên thông qua sổ liên lạc điện tử, hệ thống sổ tay phòng, chống dịch COVID-19, tài liệu hướng dẫn công tác y tế học trường học hoặc hệ thống thông tin sẵn có của nhà trường.

Yêu cầu học sinh, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà và đeo khẩu trang trên đường đến trường.

Thực hiện vệ sinh, khử trùng phòng học, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón học sinh (nếu có) theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Kiện toàn bộ phận thường trực hoặc kiêm nhiệm công tác y tế trường học; bố trí phòng cách ly tạm thời, phòng y tế đảm bảo theo quy định, tổ chức hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường.

- Nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi học sinh học tập tại trường, các cơ sở giáo dục chủ động thực hiện các nhiệm vụ sau:

Bảo đảm an toàn cho học sinh khi được đưa đến trường, các cơ sở giáo dục thực hiện vệ sinh các khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, phương tiện đưa đón học sinh (nếu có) sau mỗi lần đưa đón theo quy định, bố trí thùng rác có nắp đậy và đặt tại vị trí phù hợp.

Các cơ sở giáo dục kiểm tra, bổ sung kịp thời xà phòng, dung dịch sát khuẩn và các vật dụng cần thiết khác phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh để chuẩn bị cho các buổi học tiếp theo.

Các cơ sở giáo dục/Ban chỉ đạo/các Tổ an toàn COVID-19 của nhà trường phân công cán bộ kiểm tra giám sát công tác, phòng chống dịch theo hướng dẫn tại Văn bản số 6666/BYT-MT và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Khi kết thúc các buổi học, đảm bảo cho học sinh, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên thực hiện giãn cách hợp lý, đeo khẩu trang khi rời trường và trên đường về nhà; bảo đảm an toàn cho học sinh khi học sinh ra về (cha mẹ học sinh, người đưa đón học sinh không vào khuôn viên nhà trường trừ cấp học mầm non).

b) Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trường Đại học ở các vùng cấp độ dịch Cấp 1 (nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh, tình hình bình thường mới) và các địa phương được xác định ở độ dịch cấp 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng) tổ chức cho học viên, sinh viên đi học trở lại và thực hiện công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn tại Phụ lục 2 quy định về an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đối với các học viện, trường Đại học, trường Cao đẳng và khu ký túc xá kèm theo Văn bản số 4726/BGDĐT-GDTC của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Các phương án cho học sinh, học viên và sinh viên trở lại trường học sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội

UBND các huyện, thành phố căn cứ các biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 4800/QD-BYT của Bọ Y tế; Văn bản số 4726/BGDĐT-GDTC của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xác định mức độ an toàn của các cơ sở giáo dục và quy định thời gian cụ thể cho học sinh các cấp học trên địa bàn đi học trở lại (các tiêu chí đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đối với cơ sở giáo dục tại Phụ lục kèm theo kế hoạch này).

Thời gian cho học sinh trở lại trường học bắt đầu thực hiện từ ngày 22/11/2021 đến ngày 01/12/2021; mỗi huyện, thành phố chọn từ 01 đến 04 cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh đi học trở lại và phải đảm bảo các quy định về an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn tại Văn bản số 4726/BGDĐT-GDTC của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Văn bản số 6666/BYT-MT của Bộ Y tế. Sau ngày 01/12/2021, các huyện, thành phố rà soát, đánh giá quá trình tổ chức cho học sinh đi học tại các cơ sở giáo dục và tình hình thực tiễn dịch bệnh tại địa phương để có những quyết định tiếp theo về việc tổ chức cho học sinh, học viên và sinh viên trở lại trường học.

a) Đối với các xã, phường, thị trấn được xác định ở độ dịch cấp 1 (nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh, tình hình bình thường mới) và các xã, phường, thị trấn được xác định ở độ dịch Cấp 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng) trong điều kiện các cơ sở giáo dục đã đảm bảo được công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế, các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh, học viên và sinh viên trên địa bàn đi học trở lại với một số phương án sau:

- Đối với giáo dục mầm non: Tổ chức cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi đi học trước, tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở ngoài công lập hoạt động đúng quy định, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Thời gian đầu, không tổ chức ăn sáng, bố trí thời gian đưa, đón trẻ lệch giờ. Sau mỗi tuần, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo đánh giá độ an toàn và các điều kiện để điều chỉnh phương án theo hướng mở dần đối với trẻ lứa tuổi nhà trẻ (có thể tổ chức cho trẻ ăn sáng theo nhu cầu đăng ký của phụ huynh).

- Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên:

Thời gian đầu ưu tiên cho học sinh khối lớp 1, 2 (Tiểu học), khối lớp 9, 12 (Trung học), học viên Giáo dục thường xuyên khối lớp 12 đi học trước, sau đó đến các khối lớp 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11. Sau mỗi tuần, các cơ sở giáo dục đánh giá mức độ an toàn và xin ý kiến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID- 19 địa phương để tăng dần số lượng học sinh.

Ưu tiên mở lớp dạy bù cho những học sinh không đủ điều kiện tham gia học tập trực tuyến và học tập trên truyền hình của tất cả các khối lớp.

Củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học trực tuyến và học tập trên truyền hình khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Lưu ý: Các trường Trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục thường xuyên phải xây dựng phương án tổ chức cho học sinh đi học trở lại phù hợp và xin ý kiến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 địa phương xem xét, phê duyệt trước khi thực hiện.

- Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trường Đại học trên địa bàn tỉnh tổ chức cho học viên và sinh viên đi học trở lại khi đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn tại Văn bản số 4726/BGDĐT-GDTC của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Văn bản số 6666/BYT-MT của Bộ Y tế.

- Đối với các trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, giáo dục kỹ năng sống được tổ chức dạy học trực tiếp sau khi đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID- 19 theo hướng dẫn tại Văn bản số 6666/BYT-MT của Bộ Y tế; đảm bảo số lượng học viên tham gia học tập tại các trung tâm không quá 50% học viên/trên lớp.

b) Đối với các xã, phường, thị trấn được xác định ở độ dịch cấp 3 (nguy cơ cao, tương ứng với màu cam) và các xã, phường, thị trấn được xác định ở độ dịch Cấp 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ) các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh, học viên và sinh viên trên địa bàn đi học trở lại với một số phương án sau:

- Đối với giáo dục mầm non: Không cho trẻ đến trường.

- Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên: Tổ chức dạy học trực tuyến và dạy trên truyền hình.

- Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trường Đại học: Tổ chức dạy học trực tuyến.

- Đối với các trung tâm Ngoại ngữ - tin học, giáo dục kỹ năng sống: Tạm ngừng hoạt động.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao trách nhiệm Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan

a) Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh, công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại kế hoạch này; kịp thời tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

b) Chỉ đạo rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Đối với các các cơ sở giáo dục đang trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch cần nhanh chóng sửa chữa, hoàn thiện, khử khuẩn để sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại.

c) Phối hợp chặt chẽ Sở Y tế tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh; phối hợp chặt chẽ với gia đình theo dõi, quản lý sức khỏe của người học để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhằm xử lý, ngăn chặn kịp thời theo hướng dẫn tại Văn bản số 1398/BGDĐT-GDTC ngày 23/4/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại và xử lý trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trong trường học và Văn bản số 1244/BYT-MT ngày 13/3/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn xử lý các trường hợp bị sốt, ho, khó thở tại trường học.

d) Chủ trì, phối hợp Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố căn cứ các biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế và Văn bản số 4726/BGD&ĐT-GDTC của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đề xuất hình thức dạy học cho học sinh các cấp học tại các địa phương.

e) Phối hợp Sở Y tế xây dựng và chỉ đạo thực hiện các phương án an toàn phòng, chống COVID-19 tại các cơ sở giáo dục.

g) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai kế hoạch tổ chức dạy và học trực tuyến tại các cơ sở giáo trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai tổ chức dạy học trên truyền hình. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, giúp học sinh có nhiều kênh để lựa chọn học tập, đặc biệt những học sinh không có đủ điều kiện tham gia học tập trực tuyến và học qua truyền hình.

h) Triển khai thực hiện hỗ trợ kịp thời cho học sinh và phụ huynh học sinh gặp khó khăn trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như: chính sách miễn học phí cho học sinh, cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục; thực hiện kịp thời các nhiệm vụ được giao về công tác tiếp nhận và phân bổ trang trang thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh trên địa bàn tỉnh, Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

2. Sở Y tế

a) Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho học sinh, học viên, sinh viên và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường.

b) Chủ trì, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cùng các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, chuẩn bị phương án cụ thể tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh; tổ chức tiêm chủng kịp thời, chặt chẽ, nhanh chóng đảm bảo an toàn, tuân thủ nguyên tắc 5K, không tập trung đông người theo quy định.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục tư thục và dân lập theo hướng dẫn tại Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19.

b) Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường truyền thông, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và tổ chức cho học viên trở lại trường học theo mức độ đánh giá cấp độ dịch ở từng địa phương.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Tăng cường, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Văn bản số 12002/UBND-KGVX ngày 01/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 23/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về các biện pháp tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

b) Chỉ đạo Trung tâm Y tế và các đơn vị chức năng tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 cấp huyện đánh giá, xác định chính xác cấp độ dịch theo từng địa bàn ở địa phương theo đúng quy định để làm cơ sở thí điểm cho học sinh đi học trở lại.

c) Lựa chọn các cơ sở giáo dục và thời gian tổ chức cho học sinh đi học trở lại theo lộ trình của kế hoạch này đề ra; chỉ đạo sửa chữa, khử khuẩn và bàn giao cơ sở vật chất tại các đơn vị trường học được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các điều kiện đảm bảo trong việc phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục trước khi cho học sinh đi học trở lại.

d) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, chất lượng; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có trang thiết bị học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng, khách quan và phân bổ kịp thời đến các em học sinh.

Trên đây là Kế hoạch triển khai các phương án cho học sinh, học viên và sinh viên trở lại trường học sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo nêu trên. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính Phủ;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- Các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh, PCVP. UBND tỉnh (KGVX);
- Lưu: VT, KGVX (Nam).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Sơn Hùng

 

PHỤ LỤC

CÁC TIÊU CHÍ ĐẢM BẢO AN TOÀN TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 ĐỐI VỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI KHI TỔ CHỨC CHO HỌC SINH, HỌC VIÊN VÀ SINH VIÊN ĐI HỌC TRỞ LẠI
(Kèm theo Kế hoạch số 13697/KH- UBND ngày 05 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

I. CÁC TIÊU CHÍ CẦN ĐẠT

Số TT

Tiêu chí

Yêu cầu cần đạt

Căn cứ các quy định và hướng dẫn tại các Văn bản

Ghi chú

1

Giáo viên/Giảng viên, cán bộ, nhân viên làm việc trực tiếp tại cơ sở giáo dục

Từ 70% Giáo viên/Giảng viên, cán bộ, nhân viên làm việc trực tiếp tại cơ sở giáo dục phải có mã QR xanh có thể hiện lịch sử tiêm chủng trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc PC-Covid. Người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 06 tháng phải có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng. Trường hợp đã tiêm nhưng không có mã QR xanh, xuất trình giấy xác nhận đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã tiêm mũi 1 đối với vắc xin phòng Covid-19 ít nhất 14 ngày.

- Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế.

- Văn bản số 4726/BGDĐT-GDTC ngày 15/10/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Văn bản số 6666/BYT-MT ngày 16/8/2021 của Bộ Y tế.

 

2

Học sinh, học viên và sinh viên

- Trên 70% học sinh, học viên và sinh viên từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã tiêm mũi 1 đối với vắc xin phòng Covid-19 ít nhất 14 ngày.

- Các đối tượng học sinh còn lại các thành viên gia đình các em đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã tiêm mũi 1 đối với vắc xin phòng Covid-19 ít nhất 14 ngày.

- Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế.

- Văn bản số 8688 /BYT-DP ngày 14/10/2021 của Bộ Y tế.

 

3

Quản lý học sinh, học viên và sinh viên khi tổ chức học trực tiếp

- Quản lý học sinh, học viên và sinh viên trong phạm vi lớp học và cho học sinh giải lao tại lớp đảm bảo an toàn.

- Không tổ chức các hoạt động tập thể cấp trường.

- Văn bản số 4726/BGDĐT-GDTC ngày 15/10/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để đảm bảo ngồi giãn cách

4

Vệ sinh và khử khuẩn

- Học sinh, học viên và sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc nước sát khuẩn trước khi vào lớp; thực hiện vệ sinh khử khuẩn bàn ghế, sàn nhà, nhà vệ sinh, sân chơi, đồ dùng, đồ chơi đối với mầm non, bãi tập đúng quy định.

- Đảm bảo định mức 01 vòi rửa tay có xà phòng/30 người; mỗi phòng học, phòng làm việc đều có đủ nước rửa tay sát khuẩn, mỗi người có dụng cụ uống nước sạch riêng biệt.

- Văn bản số 4726/BGDĐT-GDTC ngày 15/10/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Văn bản số 6666/BYT-MT ngày 16/8/2021 của Bộ Y tế.

 

5

Đeo khẩu trang

100% học sinh, học viên, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên đeo khẩu trang khi làm việc, học tập tại cơ sở giáo dục (không thực hiện đối với trẻ mầm non tại lớp).

6

Khai báo y tế

Học sinh, học viên và sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên làm việc và học tập tại cơ sở giáo dục phải quét mã QR trước khi vào trong trường.

7

Phòng học, phòng làm việc, phòng cách ly và phương án phòng, chống dịch Covid-19

Phòng học, phòng làm việc thông khí tốt; có phòng cách ly đúng quy định; không sử dụng hệ thống máy lạnh; đã xây dựng và tổ chức quán triệt, tập huấn, diễn tập phương án phòng, chống dịch Covid-19 khi có trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại đơn vị.

8

Tổ an toàn Covid-19

Thành lập các Tổ an toàn Covid-19 và tổ chức làm việc hàng ngày tại đơn vị.

9

Tổ chức hoạt động bán trú, căn tin, xe đưa rước

Không tổ chức hoạt động bán trú, căn tin, xe đưa rước (trừ bậc học mầm non).

10

Cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức hoạt động nội trú

Tổ chức hoạt động nội trú đảm bảo phòng, chống dịch đúng quy định.

 

 

II. Cách thức đánh giá mức độ an toàn:

- Cơ sở giáo dục đảm bảo được 8-10 tiêu chí (bắt buộc phải đạt các tiêu chí 1,2,4,5,6,7): Mức độ an toàn cao (cơ sở giáo dục được tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp).

- Cơ sở giáo dục đảm bảo được 6-7 tiêu chí (bắt buộc phải đạt các tiêu chí 1,2,4,5,6,7): Mức độ an toàn (cơ sở giáo dục được tổ chức hoạt động dạy học; trong vòng 48 giờ phải khắc phục các tiêu chí không đạt để đạt ít nhất 8 tiêu chí).

- Cơ sở giáo dục chỉ đảm bảo được 5 tiêu chí: Chưa đảm bảo an toàn, cơ sở giáo dục không được tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp; phải khắc phục các tiêu chí không đạt để đạt ít nhất 8 tiêu chí (bắt buộc phải đạt các tiêu chí 1,2,4 ,5,6,7) mới được tổ chức hoạt động dạy học.