Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1381/KH-UBND

Hà Nam, ngày 29 tháng 5 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP SẠCH LÀM VỆ TINH, LIÊN KẾT CHUỖI VỚI CÁC CƠ SỞ, DOANH NGHIỆP TIÊU THỤ SẢN PHẨM GIAI ĐOẠN 2018 - 2019.

Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa XVIII và chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch sản xuất nông nghiệp sạch làm vệ tinh, liên kết chuỗi với các cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2018 - 2019 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU.

1. Mục đích:

- Tạo phong trào phát triển sản xuất nông nghiệp sạch có năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị sản xuất cao trên đơn vị diện tích.

- Hình thành các vùng vệ tinh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch với các cơ sở, doanh nghiệp, trong đó lấy liên kết với Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Vinaseed là nòng cốt. Xây dựng thương hiệu sản phẩm có lợi thế của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.

- Xây dựng các mô hình liên kết đa dạng giữa các hộ dân, tổ hợp tác và hợp tác xã với doanh nghiệp trong việc sản xuất nông sản sạch thông qua ký kết các hợp đồng kinh tế.

2. Yêu cầu:

- Các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm phải gọn vùng, gọn thửa, có phân vùng sản xuất từng loại nông sản và kế hoạch sản xuất theo hợp đồng kinh tế đã ký kết.

- Việc xây dựng mô hình liên kết phải đảm bảo tính bền vững, thuận lợi cho việc đầu tư hạ tầng, các mô hình liên kết phải có sự phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể để tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân đăng ký tham gia.

- Lựa chọn các hộ dân có nhu cầu, đủ điều kiện sản xuất nông sản sạch để tham gia liên kết chuỗi gắn kết với việc hình thành Hợp tác xã (HTX) và Tổ hợp tác.

- Ủy ban nhân dân các xã quy hoạch các vùng đất phù hợp với cây trồng để tuyên truyền vận động các hộ dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất rau, củ, quả, nấm, lúa chất lượng cao với các doanh nghiệp.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH.

1. Chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2018 - 2019:

- Giai đoạn 2018-2019 mỗi xã tối thiểu có diện tích tích tụ, tập trung đất đai từ 10 ha trở lên để toàn tỉnh có 1.500 ha để sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh, liên kết chuỗi với các cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, trong đó: Đến hết năm 2018: có 1.000 ha đất nông nghiệp; Đến hết năm 2019 có 1.500 ha (có chỉ tiêu cụ thể kèm theo);

- Mỗi huyện, thành phố mỗi năm xây dựng ít nhất 01 mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô từ 5 ha trở lên, 03 mô hình có quy mô từ 3 ha trở lên và 5 mô hình có quy mô từ 1 - 3 ha để trồng rau, củ quả và hoa;

- Duy trì các điểm giới thiệu và cung ứng nông sản sạch cho người tiêu dùng tại các huyện, thành phố; mỗi huyện thành lập mới ít nhất 02 điểm giới thiệu và cung ứng nông sản sạch cho người tiêu dùng.

- Mỗi huyện, thành phố thành lập mới từ 1 - 2 tổ hợp tác, từ 2 - 3 hợp tác xã kiểu mới sản xuất nông nghiệp sạch để liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm.

2. Các hình thức tích tụ, tập trung đất đai để tham gia liên kết chuỗi:

- Các hộ dân trong vùng sản xuất nông sản sạch tự nguyện góp đất để sản xuất nông sản sạch;

- Các hộ dân, tổ hợp tác, HTX... thuê quyền sử dụng đất của các hộ dân trong vùng quy hoạch nhưng không tham gia sản xuất nông nghiệp sạch;

- Thuê đất công ích của Ủy ban nhân dân xã;

- Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các hộ trong vùng quy hoạch.

3. Tiêu chí lựa chọn mô hình liên kết:

- Các vùng liên kết sản xuất nông sản sạch phải gọn vùng liền thửa, bố trí khu vực diện tích gieo trồng các loại cây đảm bảo theo quy hoạch;

- Đối với các vùng sản xuất cây rau, củ quả công nghệ cao có quy mô tối thiểu phải có từ 03 ha trở lên, đối với các vùng sản xuất lúa phải có quy mô từ 20 ha trở lên.

- Phải có hợp đồng tiêu thụ nông sản.

4. Tiến độ thực hiện:

- Tháng 5/2018: Triển khai Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Tháng 6/2018: Các huyện, thành phố đăng ký mô hình thực hiện năm 2018 (Các mô hình thực hiện năm 2019 đăng ký vào tháng 12/2018); Xây dựng và triển khai Kế hoạch của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

- Hàng năm tổ chức nghiệm thu 02 lần: Lần 1 vào tháng 5 và lần 2 vào tháng 11 hàng năm. Riêng đối với các mô hình đã thực hiện năm 2017 theo Kế hoạch 1136/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh nghiệm thu vào tháng 5/2018.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN.

1. Công tác tuyên truyền:

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng của tỉnh, của huyện, thành phố về chủ trương sản xuất nông sản sạch để liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị tới cán bộ, đảng viên và nông dân trên toàn tỉnh.

Các tổ chức Hội, đoàn thể chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động các hội viên, đoàn viên tích cực tham gia chủ trương phát triển nông nghiệp sạch để liên kết sản xuất với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và trực tiếp tham gia các mô hình liên kết sản xuất (mỗi Hội đoàn thể cơ sở có 01 mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất nông sản sạch).

2. Xác định vị trí địa điểm tích tụ sản xuất nông sản sạch:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã rà soát quy hoạch sản xuất nông nghiệp, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, lựa chọn địa điểm phát triển sản xuất nông sản sạch và bố trí các loại cây trồng để liên kết sản xuất với các doanh nghiệp;

Ủy ban nhân dân các xã lựa chọn địa điểm phù hợp với đặc tính từng loại cây trồng để quy hoạch và triển khai các biện pháp tích tụ ruộng đất (theo hình thức các hộ dân gom đất lại để sản xuất) để hình thành các vùng sản xuất có quy mô lớn. Kiểm tra các vị trí, diện tích xây dựng công trình: bể xử lý nước tưới, khu sơ chế, nhà quản lý để phục vụ sản xuất nông sản sạch báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thẩm định và phê duyệt.

3. Cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh.

3.1. Hỗ trợ các mô hình có quy mô từ 3 ha trở lên trồng rau, củ quả, hoa:

3.1.1 Hỗ trợ sản xuất:

- Hỗ trợ kinh phí làm nhà màn 30.000 đồng/m2, nhà kính 100.000 đồng/m2, mức hỗ trợ tối đa không quá 500,0 triệu đồng/mô hình.

Nhà màn phải đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu sau:

+ Chiều cao nhà ≥ 3,0m;

+ Trụ thép làm bằng thép hộp kích thước 30x60x2mm, ống thép mạ kẽm Ø = 60x2mm hoặc bê tông cốt thép.

+ Móng trụ: Đổ bê tông đá 1x2 mác 200, kích thước 30x30x50cm.

+ Thanh giằng ngang bằng thép hộp mạ kẽm 30x30x1,4mm hoặc ống thép mạ kẽm Ø = 30x1,4mm (hoặc bằng dây cáp).

+ Mái và vách phủ lưới che nắng, chắn côn trùng.

+ Khoảng cách giữa các trụ là 5 m.

Nhà kính phải đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu:

+ Cột cao ≥ 3,6m, chiều cao nhà tính từ đỉnh nóc ≥ 6m;

+ Trụ thép làm bằng thép hộp mạ kẽm kích thước 50x60x2mm hoặc ống thép mạ kẽm Ø = 60x2mm.

+ Móng trụ: Đổ bê tông đá 1x2 mác 200, kích thước 30x30x50cm.

+ Thanh giằng ngang trên và dưới làm bằng thép hộp kích thước 40x40x1,4mm hoặc ống thép mạ kẽm Ø = 42x1,4mm.

+ Thanh vòm bằng ống kẽm Ø = 36x1,2mm.

+ Máng nước rộng 50 cm

+ Chân tường xây gạch cao 40 cm (không tính móng).

+ Mái phủ bằng màng nhựa PVC (plastics) hoặc nhựa PE (polyethylene).

+ Vách được phủ bằng màng polyetylen; hoặc lưới chắn côn trùng.

- Hỗ trợ chi phí làm nhà sơ chế (diện tích xây bể chứa nước rửa, diện tích lán - Theo mẫu chung của tỉnh) mức hỗ trợ tối đa là 1.000.000 đồng/m2 và không quá 100 triệu đồng/mô hình. Trong khu vực nhà sơ chế phải có hệ thống xử lý nước thải, chất thải;

+ Kết cấu nhà sơ chế phải đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu sau: Chiều cao tối thiểu ≥ 3,5m; tường xây gạch hoặc thưng tôn; mái lợp tôn hoặc proximăng; bên trong phải có bể chứa nước rửa và hệ thống xử lý nước thải.

- Hỗ trợ kinh phí làm hệ thống tưới tự động, bán tự động trong nhà kính: 20.000 đồng/m2, mức hỗ trợ tối đa 100,0 triệu đồng/mô hình. Hệ thống phải đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu sau:

+ Máy bơm nước - tăng áp lực nếu áp lực nước yếu.

+ Đường ống dẫn nước: Dẫn nước tới các vị trí cây trồng.

+ Vòi phun, bec phun nhỏ giọt hoặc phun mưa: Có nhiều mức điều chỉnh lưu lượng khác nhau.

+ Các phụ kiện khác...

- Hỗ trợ 50% tiền mua máy móc (làm đất, máy lên luống) phục vụ sản xuất (mỗi loại được hỗ trợ 01 chiếc, công suất từ 6 - 7 mã lực), mức hỗ trợ tối đa không quá 40,0 triệu đồng/mô hình;

- Hỗ trợ lãi suất vốn vay: mỗi mô hình được hỗ trợ lãi suất vốn vay 01 lần với số tiền vay không quá 500 triệu để đầu tư sản xuất theo dự án được phê duyệt, thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng, hình thức hỗ trợ qua quỹ hỗ trợ HTX;

- Hỗ trợ tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật: Hỗ trợ mỗi huyện, thành phố có từ 10 ha đất tích tụ để trồng rau củ quả, hoa trở lên 01 lớp tập huấn kỹ thuật/năm cho các lao động trực tiếp sản xuất và quản lý mô hình sản xuất. Nội dung tập huấn do các cơ sở sản xuất đăng ký với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Phòng Kinh tế thành phố để tổ chức thực hiện. Mức hỗ trợ 30 triệu đồng/lớp.

3.1.2. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm:

- Hỗ trợ một lần kinh phí làm giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm: 4 triệu đồng/mô hình.

- Hỗ trợ một lần chứng nhận VietGap: 70,0 triệu đồng/mô hình.

3.1.3. Hỗ trợ tiêu thụ:

Năm 2018, hỗ trợ mỗi huyện, thành phố thành lập mới 02 điểm giới thiệu, cung ứng nông sản sạch trên địa bàn trong thời gian 6 tháng, mức hỗ trợ 2.000.000 đồng/tháng (bao gồm: tiền công bán hàng, thuê dụng cụ bán hàng). Năm 2019 các địa phương tự duy trì, nhân rộng.

3.2. Hỗ trợ cho các mô hình sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao có quy mô từ 20 ha trở lên:

Hỗ trợ 01 lần chi phí tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp cho xã có mô hình quy mô từ 20 ha trở lên, mức hỗ trợ 20 triệu đồng/xã.

3.3. Hỗ trợ các mô hình đặc thù:

Ủy ban nhân dân tỉnh có cơ chế hỗ trợ tối đa cho 01 mô hình đặc thù là 250 triệu đồng đối với các mô hình sản xuất dưa lưới, hoa công nghệ cao liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ thông qua ký kết hợp đồng mua bán được tỉnh hỗ trợ 18 mô hình (mỗi huyện, thành phố 3 mô hình):

+ Làm nhà kính có quy mô từ 500 - 2.000 m2, mức hỗ trợ 100.000 đồng/m2, (không quá 200 triệu đồng/mô hình).

+ Hỗ trợ hệ thống tưới tự động, bán tự động trong nhà kính, mức hỗ trợ 20.000 đồng/m2, (không quá 40 triệu đồng/mô hình).

+ Hỗ trợ 50% kinh phí mua máy làm đất, lên luống công suất từ 6 - 7 mã lực (không quá 10 triệu đồng/mô hình).

3.4. Các mô hình tích tụ có quy mô dưới 3 ha để tham gia liên kết chuỗi sản xuất nông sản sạch do Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn căn cứ điều kiện của địa phương xác định các khoản hỗ trợ theo cơ chế của tỉnh.

3.5. Hỗ trợ thành lập hợp tác xã và tổ hợp tác:

Hỗ trợ thành lập mới HTX thực hiện theo Thông tư: 340/2016/TT-BTC ngày 29/12/2016 do Liên minh HTX tỉnh hướng dẫn thủ tục thành lập hợp tác xã, thanh toán kinh phí hỗ trợ. Mức hỗ trợ theo Quyết định 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 là 30 triệu đồng/HTX;

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố hướng dẫn thành lập Tổ hợp tác.

4. Điều kiện hỗ trợ:

- Chủ mô hình phải đăng ký các nội dung đề nghị hỗ trợ trước khi thực hiện gửi về Ủy ban nhân dân xã, Ủy ban nhân dân xã tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân huyện tổng hợp gửi Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Có hợp đồng thuê đất hoặc hợp đồng góp đất để hợp tác, liên kết sản xuất nông sản sạch trong thời gian từ 10 năm trở lên;

- Có hợp đồng ký kết tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch với các cơ sở, doanh nghiệp.

- Các sản phẩm sản xuất ra phải có giấy chứng nhận sản xuất đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Vietgap).

- Hoàn thiện các thủ tục đề nghị hỗ trợ theo hướng dẫn của sở Tài chính.

5. Nguyên tắc hỗ trợ:

- Hỗ trợ sau đầu tư, toàn bộ kinh phí hỗ trợ được chuyển khoản thông qua tài khoản của chủ mô hình mở tại Ngân hàng hoặc kho bạc các huyện, thành phố.

- Ủy ban nhân dân các xã hướng dẫn các tổ hợp tác hoàn thiện thủ tục đề nghị hỗ trợ theo hướng dẫn của Sở Tài chính gửi về Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thông qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thẩm định hồ sơ (có biên bản thẩm định), lập tờ trình đề nghị hỗ trợ gửi về Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trước ngày 30/11 hàng năm.

- Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tổ chức nghiệm thu tổng hợp số liệu một năm 2 lần vào tháng 5 và tháng 12 hàng năm và lập tờ trình đề nghị hỗ trợ gửi Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

6. Kinh phí thực hiện:

- Tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước: 45.737 triệu đồng (Bốn mươi lăm tỷ bảy trăm ba mươi bảy triệu đồng), gồm:

TT

Khoản mục

Số lượng

Mức hỗ trợ tối đa
(trđ/mô hình)

Kinh phí hỗ trợ (trđ)

Đvt

2018

2019

Định mức

2018

2019

I

Hỗ trợ mô hình ≥3ha

 

 

 

 

 

 

39.972

1

Nhà màn, nhà kính

Mô hình

24

24

500

12000

12000

24.000

2

Hệ thống tưới

Mô hình

24

24

100

2400

2400

4.800

3

Nhà sơ chế

Mô hình

24

24

100

2400

2400

4.800

4

Hỗ trợ máy móc

Mô hình

24

24

40

960

960

1.920

5

Tập huấn (có dự toán KP tập huấn 1 lớp gửi kèm)

Lớp

6

6

30

180

180

360

6

Giấy chứng nhận ĐKAT

Mô hình

24

24

4

96

96

192

7

Chứng nhận VietGAP

Mô hình

24

24

70

1680

1680

3.360

8

Hỗ trợ thành lập HTX

HTX

9

9

30

270

270

540

II

Hỗ trợ mô hình đặc thù

 

 

 

 

 

 

4.500

1

Nhà kính

Mô hình

9

9

200

1800

1800

3.600

2

Hệ thống tưới

Mô hình

9

9

40

360

360

720

3

Máy làm đất

Mô hình

9

9

10

90

90

180

III

Hỗ trợ MH lúa ≥20ha

 

30

30

20

600

600

1.200

IV

Chi phí xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch

 

 

 

 

 

 

65

Tổng cộng

 

 

 

 

 

 

45.737

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:

- Là cơ quan chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai kế hoạch sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh, liên kết chuỗi với các cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đến các huyện, thành phố. Thường xuyên đôn đốc tiến độ thực hiện, tổng hợp tình hình báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Hướng dẫn quy chuẩn kỹ thuật, mẫu thiết kế làm nhà màn, nhà kính và khu sơ chế sản phẩm phù hợp với quy mô của mô hình;

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các lao động sản xuất nông sản sạch;

- Là cầu nối giữa các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp sạch ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch.

- Phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn thủ tục nghiệm thu, tổ chức nghiệm thu và tổng hợp kinh phí hỗ trợ lập tờ trình gửi về Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

2. Liên minh Hợp tác xã tỉnh:

- Hướng dẫn quy trình, thủ tục thành lập tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp sạch đảm bảo các thủ tục đơn giản.

- Phối hợp với các Sở, ngành triển khai công tác xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức, phối hợp với các doanh nghiệp làm cầu nối tiêu thụ sản phẩm cho các HTX.

- Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, tổ chức tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn khoa học kỹ thuật cho các HTX.

- Bố trí nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX, tham mưu với UBND tỉnh hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho các mô hình liên kết sản xuất nông sản sạch theo hình thức thanh toán lãi suất trực tiếp với các ngân hàng.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Là cơ quan quản lý nhà nước, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan triển khai thực hiện kế hoạch trên địa bàn toàn tỉnh đạt hiệu quả.

- Hướng dẫn phương pháp thu gom, xử lý chất thải, nước thải trong quá trình sản xuất và chế biến.

- Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt - BVTV, Chi cục quản lý chất lượng nông sản phối hợp với Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xây dựng các chương trình lồng ghép để tập huấn quy trình sản xuất nông sản sạch, hướng dẫn thủ tục thành lập tổ hợp tác theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP hoặc hợp tác xã theo Nghị định 193/2013/NĐ-CP với thủ tục đơn giản, hướng dẫn quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGap....

- Phối hợp với Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện kế hoạch, nghiệm thu mô hình và tổng hợp tình hình, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc kịp thời.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, lồng ghép bố trí nguồn vốn để thực hiện kế hoạch.

5. Sở Tài chính:

- Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, lồng ghép bố trí nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện kế hoạch.

- Hướng dẫn các thủ tục thanh, quyết toán, kiểm tra việc hỗ trợ kinh phí cho các hộ và các Hợp tác xã, tổ hợp tác.

- Tham gia đoàn nghiệm thu kết quả thực hiện các mô hình.

6. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả mô hình.

- Hướng dẫn, hỗ trợ việc xây dựng và phát triển thương hiệu, lô gô, nhãn mác, tem truy xuất đối với các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh.

7. Sở Công thương:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng cường công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý quỹ đất theo quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn thủ tục thực hiện tích tụ đất đai và chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Xây dựng Kế hoạch của các huyện, thành phố và tổ chức thực hiện Kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo sản xuất nông sản sạch do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố làm Trưởng ban và các ngành liên quan tham gia thành viên, báo cáo danh sách Ban chỉ đạo về Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 15 tháng 4 năm 2018.

- Thẩm định, phê duyệt các vị trí sản xuất nông sản sạch theo quy hoạch (đặc biệt lưu ý những vị trí diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất). Những vị trí thay đổi mục đích sử dụng đất từ trồng cây hàng năm sang trồng cây lâu năm phải báo cáo và được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép.

- Hỗ trợ kinh phí xây dựng địa điểm giới thiệu, cung ứng rau quả sạch ... tại trung tâm các huyện, thành phố;

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã rà soát các mô hình đã tích tụ ruộng đất có đủ các tiêu chuẩn về diện tích hướng dẫn lập dự án chuyển đổi sang sản xuất nông sản sạch và phê duyệt dự án. Tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân, tổ hợp tác ... mở rộng quy mô để tham gia chương trình liên kết sản xuất nông sản sạch.

- Chỉ đạo các xã tổ chức thực hiện sản xuất nông sản sạch theo chuỗi giá trị phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

- Chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các ngành của tỉnh hỗ trợ nguồn cung ứng giống, tập huấn quy trình canh tác, công nghệ sản xuất, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản ... cho các hộ, hợp tác xã và tổ hợp tác.

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã hướng dẫn các tổ chức, hộ dân xây dựng dự án trình Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phê duyệt và lập thủ tục đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ theo quy định.

- Ban hành cơ chế hỗ trợ các mô hình sản xuất nông sản sạch không được thụ hưởng cơ chế hỗ trợ của tỉnh hoặc bổ sung cơ chế hỗ trợ của địa phương.

- Thường xuyên kiểm tra đôn đốc tiến độ thực hiện của các tổ chức, cá nhân tham gia mô hình liên kết, chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện liên kết.

- Thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

10. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Nam:

Chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn phối hợp với UBND các huyện thành phố triển khai có hiệu quả chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ.

11. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức Hội đoàn thể các cấp:

Tăng cường công tác tuyên truyền vận động thành viên, hội viên tích cực tham gia sản xuất nông sản sạch. Giao chỉ tiêu cho các Hội đoàn thể cơ sở mỗi tổ chức Hội, đoàn thể cơ sở có 01 mô hình sản xuất nông sản sạch và liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp.

12. Đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình liên kết:

- Công khai các loại nông sản sạch tham gia chương trình liên kết, bộ tiêu chí chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn liên kết tiêu thụ; hướng dẫn quy trình sản xuất, tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT ....

- Thực hiện nghiêm những điều khoản theo hợp đồng đã ký kết. Tạo điều kiện hỗ trợ cho các hộ dân, tổ hợp tác giống vốn, vật tư

13. Ủy ban nhân dân cấp xã:

- Chủ động bố trí vị trí sản xuất và các loại nông sản sạch tham gia chương trình liên kết.

- Rà soát các mô hình tích tụ ruộng đất có đủ các tiêu chuẩn về diện tích, chất lượng nông sản sạch, hướng dẫn các hộ dân, tổ hợp tác lập dự án sản xuất nông sản sạch (trong dự án cần xác định vị trí, diện tích cần thiết để làm hồ xử lý nước, khu sơ chế....) và trình Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phê duyệt dự án.

- Lựa chọn các loại sản phẩm, các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn, tạo điều kiện hỗ trợ cho các hộ dân, các tổ hợp tác thực hiện sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn xã.

- Tổ chức thực hiện tích tụ ruộng đất để sản xuất nông sản sạch tham gia liên kết phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Nghiệm thu sơ bộ, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế cấp huyện.

- Thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, kiểm tra việc thực hiện xây dựng các công trình cố định phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch đảm bảo đúng dự án được phê duyệt, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, lợi dụng chủ trương để vụ lợi làm thay đổi mục đích sử dụng đất;

- Nắm bắt kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để báo cáo kịp thời Ủy ban nhân dân huyện và các ngành chức năng xem xét giải quyết.

14. Các hộ nông dân, tổ hợp tác tham gia:

- Chủ động gom đất của các hộ dân trong vùng quy hoạch để lựa chọn trồng nông sản sạch cho phù hợp, thực hiện đầu tư theo quy trình hướng dẫn của dự án và yêu cầu của các doanh nghiệp;

- Thực hiện đúng quy hoạch, tiến độ đầu tư và kế hoạch sản xuất theo dự án đã được phê duyệt; ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch với các doanh nghiệp và thực hiện nghiêm các điều khoản theo hợp đồng đã ký kết;

Trên đây là Kế hoạch Sản xuất nông nghiệp sạch làm vệ tinh, liên kết chuỗi với các cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2018 - 2019. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành liên quan;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các Hội, đoàn thể chính trị;
- VPUB: LĐVP (2), NN, KT;
- Lưu VT.
C-NN/2018

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trương Minh Hiến

 

PHỤ LỤC 1:

CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH TÍCH TỤ, TẬP TRUNG ĐẤT ĐAI ĐỂ SẢN XUẤT NÔNG SẢN SẠCH CỦA CÁC HUYỆN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2018-2019.

TT

Huyện, thành phố

Kết quả năm 2017 (ha)

Kế hoạch năm 2018 (ha)

Kế hoạch năm 2019 (ha)

1

Duy Tiên

108.8

180

270

2

Kim Bảng

155.8

230

320

3

Lý Nhân

52.6

150

270

4

Bình Lục

102.3

180

300

5

Thanh Liêm

129.3

200

240

6

Phủ Lý

29.0

60

100

Tổng cộng

577.8

1.000

1.500