Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 140/KH-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 17 tháng 9 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2019 - 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 2614/QĐ-BYT ngày 16/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành “Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 và tầm nhìn đền năm 2030”,

Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh với các nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM:

1. Cung ứng thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân với chất lượng đảm bảo, giá hợp lý, phù hợp với cơ cấu bệnh tật, đáp ứng kịp thời yêu cầu đảm bảo an ninh, quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác.

2. Ưu đãi đầu tư xây dựng sản xuất thuốc generic bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu, phát triển công nghiệp hóa dược, dược liệu.

3. Phát triển hệ thống phân phối, cung ứng thuốc hiện đại, chuyên nghiệp và tiêu chuẩn hóa.

4. Sử dụng thuốc an toàn hợp lý, hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động dược lâm sàng và cảnh giác dược.

5. Quản lý chặt chẽ, hiệu quả các khâu từ sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bảo quản, lưu thông, phân phối đến sử dụng thuốc.

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Cung ứng đầy đủ, kịp thời, có chất lượng, giá hợp lý các loại thuốc theo cơ cấu bệnh tật tương ứng với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Chú trọng cung ứng thuốc cho đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, người nghèo, vùng sâu, vùng xa.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

- 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh;

- Tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước/tổng số tiền sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế/năm, phấn đấu đến năm 2020 đạt các chỉ số sau:

+ Bệnh viện tuyến tỉnh đạt tỉ lệ 50%/tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm tỉ lệ 30%;

+ TTYT tuyến huyện đạt tỉ lệ 75%/tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm chiếm tỉ lệ 30%.

- Bệnh viện tỉnh có kho thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt bảo quản thuốc - GSP”, có phần mềm quản lý thuốc đến tận khoa lâm sàng;

- 100% bệnh viện tuyến tỉnh có bộ phận dược lâm sàng, 50% TTYT tuyến huyện, bệnh viện tư nhân có hoạt động dược lâm sàng;

- Đạt tỷ lệ 2.5 dược sĩ/vạn dân, trong đó dược sĩ lâm sàng chiếm 10%.

3. Mục tiêu định hướng đến năm 2030:

- Bệnh viện, TTYT công lập có kho thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt bảo quản thuốc - GSP”, có phần mềm quản lý thuốc đến tận khoa lâm sàng.

- Cơ sở kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt kiểm nghiệm thuốc - GLP”.

- 100% bệnh viện, TTYT có bộ phận dược lâm sàng; bệnh viện đa khoa tỉnh có Dược sĩ có trình độ Thạc sỹ/Chuyên khoa I chuyên ngành dược lâm sàng (DLS).

- Đạt tỷ lệ 3.5 dược sĩ/vạn dân, trong đó dược sĩ lâm sàng chiếm 30%.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

1. Cơ chế chính sách:

a) Căn cứ các chính sách của Trung ương và thực tiễn của địa phương có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho việc nghiên cứu, sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống cây dược liệu, tham gia phát triển nuôi trồng cây dược liệu. Hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao.

b) Khuyến khích sản xuất và sử dụng thuốc trong nước, quản lý chặt chẽ giá thuốc phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo cho người dân có điều kiện tiếp cận, lựa chọn, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả với giá hợp lý.

c) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn thực hành tốt: kê đơn thuốc, phân phối thuốc, kiểm nghiệm, bán lẻ thuốc và các quy định liên quan đến hoạt động cảnh giác dược, thông tin, quảng cáo thuốc.

d) Tạo điều kiện về đất đai và chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất đầu tư nhà máy, dây chuyền sản xuất công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

2. Về quy hoạch:

a) Quy hoạch hệ thống phân phối thuốc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả.

b) Sắp xếp Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh theo quy hoạch của Bộ Y tế, định hướng đầu tư phù hợp trong trang bị thiết bị phân tích kiểm nghiệm, đảm bảo các hoạt động thiết yếu, cơ bản của Trung tâm trong giai đoạn chuyển đổi.

c) Quy hoạch phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô phù hợp; phát triển vùng nuôi trồng cây dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa bàn tỉnh.

3. Thanh tra, kiểm tra:

a) Quản lý chất lượng thuốc trên địa bàn, tăng cường các giải pháp để đảm bảo thuốc lưu hành trên thị trường có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn đã đăng ký.

b) Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, lưu thông, phân phối, cung ứng thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường.

c) Thực hiện các biện pháp quản lý giá thuốc, tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm kiểm soát, bình ổn giá thuốc.

4. Nghiên cứu khoa học:

Khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, tập trung cho đầu tư nghiên cứu thuốc có nguồn gốc từ dược liệu.

5. Đào tạo:

a) Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của ngành Dược, chú trọng đào tạo đội ngũ dược sĩ, dược sĩ lâm sàng. Có chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ dược công tác ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

b) Liên kết với các trường Đại học có uy tín trong việc đào tạo, bồi dưỡng về dược lâm sàng cho các dược sĩ đại học trong tỉnh.

6. Sản xuất thuốc:

Thu hút đầu tư xây dựng được nhà máy sản xuất thuốc tân dược, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu.

7. Cung ứng thuốc:

a) Tiếp tục duy trì hệ thống phân phối đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc - GDP”, “Thực hành tốt bán lẻ thuốc - GPP” và “Thực hành tốt bảo quản thuốc - GSP”.

b) Tổ chức đấu thầu mua thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh theo hình thức tập trung cấp địa phương.

c) Công khai, minh bạch trong việc xây dựng danh mục, mua, cấp phát và sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế.

8. Sử dụng thuc:

a) Hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh xây dựng phác đồ điều trị, hướng theo ưu tiên sử dụng thuốc được sản xuất trong nước.

b) Xây dựng kế hoạch thực hiện hoạt động dược lâm sàng.

c) Đẩy mạnh hoạt động thông tin, hướng dẫn sử dụng thuốc, dược lâm sàng, theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ADR). Chấn chỉnh việc thực hiện quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn tại các cơ sở khám chữa bệnh.

d) Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động cùa Hội đồng thuốc và điều trị tập trung vào một số hoạt động chủ yếu: tư vấn lựa chọn, xây dựng danh mục thuốc, xây dựng và thực hiện các phác đồ điều trị, xác định và phân tích các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc.

e) Quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân giới thiệu quảng cáo thuốc sai quy định, quảng cáo thuốc không chính xác, không trung thực.

f) Tiếp tục vận động nhân dân khôi phục phong trào trồng, sử dụng các “cây thuốc gia đình”.

9. Kiểm nghiệm thuốc:

Đầu tư, nâng cấp, xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm, song song với việc đào tạo nhân lực, đảm bảo đạt tiêu chuẩn thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc - GLP.

10. Bảo quản thuốc:

Xây dựng lộ trình thực hiện thực hành tốt bảo quản thuốc - GSP cho các kho thuốc bệnh viện, TTYT.

11. Phát triển thuốc y học cổ truyền:

a) Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách Quốc gia về y dược học cổ truyền. Củng cố hệ thống tổ chức y dược học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh phát triển đông dược và dược liệu; các văn bản hướng dẫn quy trình kỹ thuật điều trị bằng y học cổ truyền và quy trình điều trị kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại đối với một số bệnh mà y học cổ truyền có khả năng điều trị đạt kết quả tốt;

b) Quy hoạch và phát triển vùng nuôi trồng cây, con làm thuốc, bảo hộ, bảo tồn nguồn gen và phát triển những loài dược liệu quý hiếm trên cơ sở tăng cường đầu tư kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, kết hợp với kinh nghiệm truyền thống. Nghiên cứu, mở rộng việc nuôi trồng các cây, con làm thuốc có hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh;

c) Khuyến khích và ưu tiên các dự án nuôi trồng, chế biến dược liệu đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái thuốc” (GACP-WHO) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Xây dựng và đề xuất các chính sách ưu đãi đối với công tác nuôi trồng và chế biến dược liệu;

d) Nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại các cơ sở y tế. Tăng cường khai thác, sử dụng các phương pháp khám chữa bệnh bằng thuốc y học cổ truyền trong công tác phòng bệnh và chữa bệnh;

e) Nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền của tỉnh đạt hạng II để đáp ứng được chức năng đầu ngành trong chỉ đạo phát triển y học cổ truyền. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập các loại hình khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền theo quy định của pháp luật.

12. Các dự án ưu đãi đầu tư:

Ban hành chính sách hỗ trợ các công ty dược đầu tư nhà máy sản xuất trong tỉnh.

13. Về hợp tác và hội nhập quốc tế

a) Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về dược;

b) Tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm, năng lực quản lý của các nước và các tổ chức quốc tế để phát triển ngành Dược.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Y tế:

a) Chủ trì và phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược trên địa bàn, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng nhân lực dược nhằm khắc phục tình trạng thiếu cán bộ dược, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa;

c) Tổ chức triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”;

d) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện; làm đầu mối tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chiến lược.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với Sở Y tế, các Sở, Ngành liên quan tham mưu với UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách nhằm huy động và thu hút các nguồn lực đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất thuốc.

3. Sở Tài chính:

Tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động của kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và khả năng cân đối ngân sách hàng năm.

4. Sở Nội vụ:

Phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực dược nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhân sự dược, nhất là ở những vùng khó khăn, nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Phối hợp với Sở Y tế triển khai quy hoạch các vùng nuôi, trồng dược liệu; nghiên cứu chọn tạo các loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng; phổ biến các kỹ thuật canh tác cây dược liệu;

b) Đẩy mạnh và phát triển nhanh việc thực hiện GACP-WHO trong trồng trọt, thu hái dược liệu và chuyển đổi nền sản xuất dược liệu từ manh mún, tự phát sang tập trung, có quản lý theo cơ chế sản xuất hàng hóa dược liệu.

6. Sở Công Thương:

a) Chủ trì triển khai thực hiện Quyết định số 2142/QĐ-UBND ngày 02/8/2017 của UBND tỉnh ban hành danh mục sản phẩm ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chất lượng cao và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020;

b) Triển khai đến các doanh nghiệp văn bản của Bộ Công Thương về việc tuyển chọn, giao trực tiếp các đề tài, dự án SXTN hàng năm thuộc Chương trình hóa dược;

c) Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, phân phối, cung ứng thuốc, mỹ phẩm trên thị trường;

d) Triển khai các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược trên địa bàn tỉnh;

e) Phối hợp với các ngành tìm kiếm nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện các dự án đầu tư phát triển công nghiệp dược.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Phối hợp với các Sở, ngành liên quan liên quan trong việc thỏa thuận vị trí, bố trí địa điểm xây dựng phù hợp để thực hiện việc xây dựng nhà máy sản xuất thuốc.

8. Sở Thông tin và Truyền thông:

Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” và các nội dung tuyên truyền khác liên quan đến Kế hoạch này.

9. Sở Khoa hc và Công nghệ:

Tăng cường phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngành Y tế trong công tác nghiên cứu đề tài, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại và tập trung cho đầu tư nghiên cứu thuốc có nguồn gốc từ dược liệu,... theo kế hoạch hàng năm.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Căn cứ Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh, chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động của địa phương; ưu tiên về quỹ đất cho xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp dược, ưu tiên bố trí giao đất cho các dự án phát triển dược liệu. Áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế nhằm khuyến khích phát triển ngành Dược địa phương trong giai đoạn mới.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Yêu cầu các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc chủ động báo cáo về Sở Y tế tổng hợp, tham mưu đề xuất trình UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- TTr.TU; TTr.HĐND tỉnh (b/c);
- Q.Chủ tịch và các PCT.UBND tỉnh;
- CVP UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- Trung tâm CB-TH tỉnh;
- UBND các huyện, TX, thành phố;
- Lưu: VT, VX3

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Tuấn