Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 144/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 20 tháng 9 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 2280/QĐ-BTP NGÀY 12 THÁNG 9 NĂM 2013 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI TẠI TỈNH TIỀN GIANG”

Ngày 12 tháng 9 năm 2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định 2280/QĐ-BTP phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Tiền Giang” theo Đề án số 126/ĐA-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.

Để kịp thời triển khai những quy định của pháp luật về việc thí điểm Thừa phát lại tại tỉnh Tiền Giang nhằm mục tiêu xác định sự cần thiết, tính hiệu quả của thừa phát lại trong hoạt động tư pháp; đưa ra các giải pháp, kế hoạch thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, từ đó có những đánh giá đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc tổng kết, báo cáo Quốc hội quyết định những chủ trương tiếp theo. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp, cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Quyết định 2280/QĐ-BTP ngày 12 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Tiền Giang”, với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại nhằm triển khai chủ trương xã hội hóa trong hoạt động bổ trợ tư pháp, tăng cường năng lực, hiệu quả trong hoạt động thi hành án dân sự cũng như trong công tác quản lý nhà nước và sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước đối với hoạt động thừa phát lại tại tỉnh Tiền Giang;

- Tổ chức hoạt động Thừa phát lại nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của tỉnh;

- Đảm bảo tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; quy hoạch phát triển và giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh;

- Huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng và thực hiện chế định Thừa phát lại nhằm giảm áp lực công việc, giảm chi tiêu ngân sách và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp mà trực tiếp là Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh Tiền Giang.

II. NỘI DUNG

1. Quán triệt và cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội Khóa XIII về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; Quyết định 510/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; Quyết định 1531/QĐ-BTP ngày 24 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc chọn địa phương mở rộng thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Triển khai nội dung Đề án 126/ĐA-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó tập trung các nội dung chủ yếu sau:

- Giới thiệu cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn;

- Mục tiêu của Đề án;

- Quy hoạch mạng lưới tổ chức Thừa phát lại; địa bàn, số lượng Văn phòng Thừa phát lại và thời gian thực hiện;

- Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại; điều kiện mở văn phòng Thừa phát lại; phạm vi, trình tự, thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại; giải quyết khiếu nại, tố cáo và chính sách hỗ trợ cho tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật;

- Quản lý nhà nước về Thừa phát lại trong thời gian thí điểm;

- Tổ chức thực hiện Đề án.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổ chức hội nghị triển khai

a) Ở cấp tỉnh:

- Sở Tư pháp tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định 2280/QĐ-BTP ngày 12 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Tiền Giang”.

Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai nội dung theo Kế hoạch cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cán bộ pháp chế, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Thi hành án và Tư pháp cấp huyện. Trên cơ sở đó các đại biểu tham dự hội nghị tiếp tục tổ chức triển khai trong cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị và từng bước phổ biến trong nhân dân.

Thời gian hoàn thành chậm nhất đến ngày 30 tháng 9 năm 2013.

- Đề nghị Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự tỉnh có trách nhiệm tập huấn chuyên sâu nội dung Đề án cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị và nhân dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan trong tổ chức thực hiện.

- Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp và các sở ngành có liên quan cân đối ngân sách bảo đảm đủ, kịp thời kinh phí cho việc thực hiện Đề án.

- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Tư pháp, các sở, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện việc đưa tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về Thừa phát lại.

Thời gian hoàn thành chậm nhất đến ngày 30 tháng 10 năm 2013.

b) Ở cấp huyện và cấp xã:

Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức triển khai nội dung Đề án cho thủ trưởng các phòng, ban thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện, Ủy ban nhân dân, Tư pháp, Công an xã và lực lượng tuyên truyền viên pháp luật cấp xã.

Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện những nội dung trên.

- Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức tuyên truyền nội dung Đề án Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Tiền Giang đến cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân của địa phương để mọi người thông suốt và thực hiện.

Thời gian thực hiện chậm nhất đến ngày 30 tháng 11 năm 2013.

2. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có kế hoạch quán triệt thống nhất về chủ trương thí điểm Thừa phát lại của Đảng và Nhà nước đối với nội bộ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh.

3. Đề nghị Ban Nội chính Tỉnh ủy theo chức năng thường xuyên theo dõi, đồng thời quan tâm chỉ đạo sâu hơn đối với Ban cán sự Đảng, Đảng ủy các ban ngành và cấp ủy địa phương trong triển khai thực hiện và báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại tỉnh Tiền Giang để đảm bảo thực hiện thí điểm thành công.

4. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và đề nghị Báo Ấp Bắc có chương trình, mục tin riêng tuyên truyền nội dung Đề án Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.

5. Kinh phí thực hiện:

Kinh phí phục vụ Hội nghị triển khai kế hoạch Thực hiện Quyết định 2280/QĐ-BTP ngày 12/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Tiền Giang” sử dụng từ nguồn ngân sách của Nhà nước.

6. Tài liệu:

- Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội Khoá XIII về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại;

- Quyết định 510/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”;

- Quyết định 1531/QĐ-BTP ngày 24 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc chọn địa phương mở rộng thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Đề án số 126/ĐA-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Kế hoạch thực hiện Quyết định 2280/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung của kế hoạch và gửi báo cáo về Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh (Sở Tư pháp) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Kim Mai