ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14582/KH-UBND | Đồng Nai, ngày 24 tháng 11 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC DÂN SỐ CÁC CẤP GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
Căn cứ Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;
Căn cứ Quyết định số 520/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp giai đoạn 2021 - 2030.
Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp và cộng tác viên dân số có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân số trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi Kế hoạch hành động giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Đồng Nai thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 (Kế hoạch số 10205/KH-UBND ngày 25/8/2020 của UBND tỉnh).
2. Yêu cầu
a) Việc đào tạo cán bộ, công chức, viên chức dân số phải được thực hiện hàng năm, đảm bảo cân đối giữa nhân lực tham dự đào tạo và nhân lực thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị.
b) Thông tin mới về dân số và phát triển phải được đưa vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp và cộng tác viên dân số, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác dân số giai đoạn 2021 - 2030.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bao gồm năng lực tham mưu, quản lý, tổ chức, triển khai công tác dân số trong tình hình mới cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ công tác dân số cho cộng tác viên dân số khu phố, ấp.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp
Đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác dân số.
b) Công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp
- 100% công chức được bồi dưỡng kiến thức dân số cơ bản.
- 100% viên chức làm công tác dân số cấp huyện, xã được bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp dân số.
- 95% nhân viên y tế cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại huyện/xã có kiến thức, kỹ năng cung cấp các dịch vụ dân số và phát triển.
- 80% lãnh đạo y tế cấp huyện, cấp xã được bồi dưỡng về quản lý dân số và phát triển để thực hiện quản lý công tác dân số được giao.
- Hàng năm tập huấn cho cộng tác viên dân số theo nhu cầu nhiệm vụ.
III. NỘI DUNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức
a) Các kiến thức về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số; các nội dung về dân số và phát triển.
b) Cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp quản lý chuyên ngành; kiến thức, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.
c) Nội dung tư vấn và cung ứng các dịch vụ dân số.
d) Nội dung thông tin, thống kê chuyên ngành, gồm các kỹ năng xử lý văn bản điện tử trên hệ thống phần mềm văn phòng; nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin; các phần mềm chuyên ngành dân số; phương pháp thẩm định phúc tra số liệu.
đ) Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học: kỹ năng thực hành phương pháp nghiên cứu định tính, định lượng, vấn đề chọn mẫu, chuẩn hóa công cụ và thang đo, thiết kế và phân tích số liệu nghiên cứu, số liệu cơ bản, phân tích số liệu định tính sử dụng NVIVO, phân tích hồi quy và năng lực, kỹ năng khác về dân số.
e) Cơ chế chính sách, quy định pháp luật về dân số, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
2. Đối với cộng tác viên
a) Các kiến thức cơ bản về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số.
b) Phương pháp thực hiện nhiệm vụ được giao tại cộng đồng.
c) Kỹ năng cập nhật thông tin số liệu dân số trực tuyến bằng thiết bị di động thông minh.
d) Chính sách, quy định pháp luật về dân số.
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về dân số
a) Khuyến khích tự học và đào tạo trình độ sau đại học cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số phù hợp với chuyên môn, gắn với quy hoạch sử dụng lâu dài.
b) Từng bước chuẩn hóa trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm dân số các cấp phù hợp với vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
c) Tổ chức các khóa bồi dưỡng về Quản lý dân số và phát triển cho cán bộ quản lý dân số tuyến huyện, tuyến xã.
d) Nhiệm vụ hàng năm:
- Tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức dân số.
- Bồi dưỡng kiến thức về dân số và phát triển cho cán bộ các sở, ban, ngành, đoàn thể, hội, các phóng viên báo, đài kiêm nhiệm công tác dân số và phát triển. Cung cấp thông tin mới về công tác dân số và phát triển cho cán bộ lãnh đạo y tế cấp tỉnh, huyện, xã.
- Tập huấn cho cộng tác viên dân số kiến thức, kỹ năng thực hiện công tác dân số và phát triển theo yêu cầu nhiệm vụ.
đ) Đưa nội dung về dân số và phát triển lồng ghép trong hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh.
2. Nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên dân số tuyến tỉnh, huyện; Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm triển khai công tác dân số.
a) Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý về dân số tuyến tỉnh, huyện có chất lượng, đủ năng lực để tham gia giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ dân số và phát triển cho công chức, viên chức tại tỉnh, huyện và cộng tác viên dân số.
b) Đẩy mạnh trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm với các tỉnh về công tác dân số để vận dụng vào thực tiễn tại địa phương.
c) Khuyến khích các tổ chức cá nhân hỗ trợ kinh phí hợp pháp để triển khai Kế hoạch.
3. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
a) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch hàng năm tại tỉnh, huyện, xã nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng về dân số và phát triển, thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch.
b) Ứng dụng quy trình ISO về quản lý các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng từ nguồn kinh phí hàng năm được cấp cho hoạt động dân số của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
2. Kinh phí của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm vụ có liên quan.
3. Kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2030
a) Đến năm 2025:
- Tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn của Trung ương, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh.
- Bồi dưỡng nghiệp vụ dân số cho công chức cấp tỉnh và viên chức dân số cấp huyện, xã.
- Bồi dưỡng kiến thức về quản lý dân số và phát triển cho lãnh đạo y tế cấp huyện, xã.
- Đào tạo cho nhân viên y tế, đủ điều kiện theo quy định, để cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại tuyến huyện, tuyến xã.
b) Hàng năm:
- Tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức dân số.
- Bồi dưỡng kiến thức về dân số và phát triển cho cán bộ các sở, ban, ngành, đoàn thể, hội, các phóng viên báo, đài kiêm nhiệm công tác dân số và phát triển; cung cấp thông tin mới về công tác dân số và phát triển cho cán bộ lãnh đạo y tế tỉnh, huyện, xã.
- Tập huấn cho cộng tác viên dân số theo nhu cầu nhiệm vụ.
2. Trách nhiệm thực hiện của các sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương
a) Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các nội dung của kế hoạch.
- Kiểm tra, giám sát, đánh giá; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện kế hoạch, báo cáo Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
b) Sở Tài chính
Căn cứ khả năng ngân sách, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí đào tạo trong kinh phí hoạt động dân số hàng năm của các cơ quan, đơn vị để thực hiện kế hoạch.
c) Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Trường Đại học phối hợp với Sở Y tế đưa các nội dung về dân số và phát triển vào các chương trình, hoạt động giáo dục cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
d) Các ban, ngành, đoàn thể: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh căn cứ chức năng và nhiệm vụ được giao lồng ghép nội dung của kế hoạch này vào các kế hoạch, chương trình, dự án của đơn vị.
đ) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch; bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách phân cấp cho huyện, thành phố để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức cấp huyện, xã các nội dung về dân số và phát triển.
- Kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng về dân số và phát triển cấp huyện, xã.
Trên đây là Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Ủy ban nhân dân tỉnh giao các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo việc triển khai thực hiện kế hoạch và kết quả đạt được gửi Sở Y tế tổng hợp (trước ngày 10 tháng 12 hàng năm) báo cáo Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Nghị quyết 09/2018/NQ-HĐND về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2025, chiến lược đến năm 2030
- 2 Quyết định 2117/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09/2018/NQ-HĐND về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2025, chiến lược đến năm 2030
- 3 Kế hoạch 8111/KH-UBND năm 2021 về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030