- 1 Nghị định 62/2012/NĐ-CP quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ
- 2 Thông tư liên tịch 01/2014/TTLT-BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG hướng dẫn trình tự, thủ tục và quan hệ phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán do Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Ngoại giao ban hành
- 3 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 4 Quy chế phối hợp 2548/QCPH-LĐTBXH-CA-QP-NG năm 2022 trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Ngoại giao ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 148/KH-UBND | Bạc Liêu, ngày 24 tháng 10 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC TIẾP NHẬN, BẢO VỆ VÀ HỖ TRỢ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN
Thực hiện Quy chế số 2548/QCPH-LĐTBXH-CA-QP-NG ngày 18 tháng 7 năm 2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao về việc phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu xây dựng Kế hoạch phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong chỉ đạo, điều hành của các Sở, Ngành có liên quan (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, sau đây gọi chung là các cơ quan có liên quan) trong thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, lấy nạn nhân làm trung tâm, vì quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán.
Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của các cơ quan có liên quan trong thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nhằm ngày càng nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác phối hợp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác.
2. Yêu cầu
Bảo đảm thống nhất, kịp thời, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan có liên quan trong phối hợp thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Tuân thủ các quy định của pháp luật về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có liên quan. Bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật.
II. NỘI DUNG PHỐI HỢP
1. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Các cơ quan có liên quan chủ động rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch,... về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo đề nghị góp ý của cơ quan chức năng.
2. Truyền thông nâng cao nhận thức
Các cơ quan có liên quan thực hiện các hình thức truyền thông nâng cao nhận thức (tờ rơi, phóng sự; video clip, chuyên trang, chuyên mục, cẩm nang, sách mỏng,...); tuyên truyền, phổ biến về chính sách pháp luật, công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đồng thời đăng tải trên trang thông tin điện tử của các cơ quan có liên quan. Thực hiện việc chia sẻ các sản phẩm, tài liệu truyền thông giữa các cơ quan có liên quan để phục vụ cho công tác tuyên truyền của mỗi cơ quan hoặc tại các hội nghị, hội thảo, tập huấn,... nhằm tránh bị chồng chéo, tiết kiệm nguồn lực và nâng cao hiệu quả truyền thông.
Các cơ quan có liên quan cùng phối hợp tổ chức hoặc cử đại biểu tham dự các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trao đổi thông tin về công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp, trực tuyến, truyền thông tại cộng đồng, hướng đến nhóm nguy cơ cao như phụ nữ, trẻ em gái ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và thực hiện đánh giá kết quả để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông.
3. Đào tạo, bồi dưỡng cho người làm công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, chia sẻ tài liệu và tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho cán bộ thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và cán bộ thuộc các cơ quan có liên quan (Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng); trọng tâm về các kiến thức, kỹ năng tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân dựa trên quyền và sự hiểu biết về sang chấn tâm lý, nhạy cảm giới.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng, chia sẻ tài liệu và tổ chức tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thuộc ngành mình về những kiến thức chuyên ngành, biện pháp nghiệp vụ và các kỹ năng, tình huống có thể xảy ra trong quá trình tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
4. Tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân; tiếp nhận nạn nhân bị mua bán
Công an tỉnh thực hiện việc xác minh, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán theo Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG ngày 10 tháng 02 năm 2014 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao hướng dẫn trình tự, thủ tục và quan hệ phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân bị mua bán; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nạn nhân tự trở về, Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi có cửa khẩu mà nạn nhân nhập cảnh và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi nạn nhân đến trình báo hoặc được giải cứu để thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ và chuyển tuyến nạn nhân bị mua bán theo Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện thực hiện việc tiếp nhận thông tin về nạn nhân bị mua bán tự đến trình báo hoặc thông tin từ Ủy ban nhân dân cấp xã, công an cấp xã chuyển đến; phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp nơi nạn nhân tự đến trình báo và cơ quan giải cứu nạn nhân (Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng) thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chuyển tuyến nạn nhân về nơi cư trú hoặc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh theo nguyện vọng của nạn nhân bị mua bán.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khi thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện việc phối hợp tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Các cơ quan có liên quan thường xuyên chia sẻ thông tin, tài liệu về nạn nhân bị mua bán được tiếp nhận qua các nguồn khác nhau để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân; trường hợp nhiều nạn nhân được phía nước ngoài trao trả cùng một lúc, tổ chức đoàn liên ngành thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân.
5. Bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ theo Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ. Trường hợp cần thiết, khi phát hiện có dấu hiệu không an toàn đối với nạn nhân và người thân thích của họ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội thì thông tin ngay cho Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để phối hợp trong việc áp dụng các biện pháp bảo vệ.
Công an tỉnh chỉ đạo Công an các cấp áp dụng các biện pháp bảo vệ nạn nhân và người thân thích của họ theo thẩm quyền; cử lực lượng phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện để bảo vệ nạn nhân khi được đề nghị.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đồn Biên phòng áp dụng các biện pháp bảo vệ nạn nhân và người thân thích của họ theo thẩm quyền; cử lực lượng phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện để bảo vệ nạn nhân khi được đề nghị.
6. Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại cho nạn nhân trong quá trình tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Trường hợp nạn nhân bị mua bán trong nước được phát hiện, giải cứu: Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các cấp thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và bố trí chỗ ở tạm thời cho nạn nhân bị mua bán khi được giải cứu, thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và phối hợp chuyển tuyến nạn nhân về nơi cư trú hoặc vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh theo nguyện vọng của nạn nhân bị mua bán.
Trường hợp nạn nhân bị mua bán tự đến trình báo hoặc được phát hiện, giải cứu tại khu vực biên giới, trên biển: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nơi đó kịp thời hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, bố trí chỗ ở tạm thời cho nạn nhân bị mua bán trong thời gian lưu trú tại đơn vị. Đồng thời, thông báo đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để chuyển tuyến nạn nhân vào Trung tâm Bảo trợ xã hội hoặc về nơi cư trú theo nguyện vọng của nạn nhân.
Trường hợp nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài được giải cứu, trao trả trở về; bị mua bán ra nước ngoài tự trở về và các trường hợp khác thực hiện theo Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, bố trí chỗ ăn, ở phù hợp với giới tính, lứa tuổi; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý, tư vấn học nghề, việc làm,... cho nạn nhân trong thời gian lưu trú tại Trung tâm Bảo trợ xã hội; phối hợp với cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nạn nhân cư trú để liên hệ với gia đình hoặc người thân trước khi đưa trở về nơi cư trú; trường hợp trẻ em mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa thì làm thủ tục hưởng chế độ bảo trợ xã hội theo quy định; tổ chức các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng.
7. Kiểm tra việc thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Các cơ quan có liên quan hàng năm tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn bị mua bán theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Khi cần thiết thì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và có văn bản đề nghị các cơ quan có liên quan cử cán bộ tham gia.
Căn cứ kết quả kiểm tra việc thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, các cơ quan có liên quan cùng trao đổi, phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và những phát sinh trong thực tiễn tại địa phương.
8. Thống kê, báo cáo về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện việc thống kê số liệu về tiếp nhận nạn nhân bị mua bán; bố trí chỗ ở tạm thời, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chi phí đi lại cho nạn nhân; các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích của họ.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp thông tin, báo cáo kết quả, thống kê số liệu về công tác tiếp nhận, các biện pháp bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Chế độ báo cáo, thống kê số liệu về công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện định kỳ 6 tháng (gửi báo cáo vào ngày 15/6) và 1 năm (gửi báo cáo vào ngày 15/12). Các cơ quan có liên quan gửi báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo cơ quan chức năng (Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm thi hành
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch này; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; hàng năm đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo cơ quan chức năng theo quy định.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch này; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc phạm vi quản lý đảm bảo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; báo cáo kết quả thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo định kỳ 6 tháng, 01 năm để tổng hợp, báo cáo cơ quan chức năng.
2. Hình thức phối hợp
Hội nghị, họp liên ngành; trao đổi trực tiếp, trao đổi bằng văn bản và các hình thức trao đổi khác (điện thoại, email,...).
Tổ chức đoàn liên ngành để thực hiện việc tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giải quyết các vấn đề phát sinh đột xuất và kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Các hình thức phối hợp khác do các cơ quan có liên quan thống nhất thực hiện.
3. Kinh phí thực hiện
Các cơ quan có liên quan bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; các nguồn tài trợ, viện trợ và các nguồn huy động hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ tại Kế hoạch này.
4. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật
Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật viện dẫn trong Kế hoạch này bị bãi bỏ được thay thế bởi văn bản quy phạm pháp luật khác thì thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Trong quá trình triển khai, thực hiện Kế hoạch nếu có phát sinh, vướng mắc đề nghị các cơ quan phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Nghị định 62/2012/NĐ-CP quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ
- 2 Thông tư liên tịch 01/2014/TTLT-BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG hướng dẫn trình tự, thủ tục và quan hệ phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán do Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Ngoại giao ban hành
- 3 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 4 Quy chế phối hợp 2548/QCPH-LĐTBXH-CA-QP-NG năm 2022 trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Ngoại giao ban hành