Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 149/KH-BYT

Hà Nội, ngày 02 tháng 3 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC ĐIỀU TRỊ PHÒNG, CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE NĂM 2012

Theo báo cáo “Tổng hợp kết quả giám sát dịch tễ sốt xuất huyết Dengue tháng 12/2011” kèm theo văn bản số 97/DP-DT ngày 03/02/2012 của Ban Điều hành chương trình phòng chống sốt xuất huyết quốc gia (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), năm 2011 cả nước có 69.680 trường hợp mắc và có 61 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết Dengue (SXHD), số tử vong giảm 48 trường hợp (44%) so với năm 2010, đã thể hiện việc khống chế thành công và duy trì tốt tỷ lệ chết/mắc (năm 2011 là 0,087%) đó là thành tựu đáng khích lệ của toàn bộ hệ thống điều trị phòng, chống dịch SXHD trong điều kiện thực tế của công tác điều trị SXHD còn gặp nhiều thách thức. Hiện số người mắc do SXHD đã giảm, nhưng số lượng bệnh nhân SXHD cần nhập viện để cấp cứu, chẩn đoán, thu dung điều trị còn khá cao, nhiều bệnh viện tại nhiều địa phương ở khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên hiện vẫn quá tải, trong thời gian diễn ra quanh năm, với nhiều bệnh nhân phải theo dõi điều trị chặt chẽ nhằm phát hiện sớm sốc có thể xảy ra để chủ động xử trí kịp thời; nhiều trường hợp có diễn biến khó lường trước, có thể chuyển mức độ nặng, vào sốc, tái sốc và thậm trí có thể tử vong nhanh, đặc biệt trên những cơ địa như phụ nữ có thai, trẻ nhũ nhi, người béo phì, người cao tuổi, người có các bệnh lý kém theo như đái tháo đường, viêm phổi, hen phế quản, bệnh tim, bệnh gan, bệnh thận, …

Nhằm tiếp tục chỉ đạo, điều hành hệ thống điều trị phòng chống dịch bệnh SXHD tích cực, chủ động và hiệu quả, đặc biệt là hạn chế tỷ lệ tử vong do SXHD, Bộ Y tế xây dựng “Kế hoạch công tác điều trị phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue năm 2012” như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tổ chức tốt hệ thống điều trị phòng, chống dịch bệnh SXHD nhằm cấp cứu, chẩn đoán, thu dung điều trị kịp thời, đúng hướng dẫn để giảm tỷ lệ tử vong.

2. Mục tiêu cụ thể

- 100% các bệnh viện xây dựng được kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai công tác điều trị SHXD nhằm cấp cứu, thu dung điều trị kịp thời, đúng hướng dẫn; hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

- Phân tuyến điều trị rõ ràng tại các bệnh viện, phân trách nhiệm cụ thể cho các cá nhân, khoa, phòng tại bệnh viện nhằm sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với những diễn biến khó lường của dịch bệnh nhằm hạn chế tối đa tử vong do SXHD.

- 100% các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện xây dựng và duy trì “Nhóm điều trị SXHD” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXHD”.

- 100% bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa Truyền nhiễm, khoa Nhi, khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Nội tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (công lập và ngoài công lập) được phổ biến và thực hiện “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXHD” ban hành theo Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 16/2/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Chỉ đạo điều hành hệ thống điều trị phòng, chống dịch bệnh SHXD

- Cục Quản lý khám, chữa bệnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho 01 đồng chí Lãnh đạo Cục và 01 chuyên viên chuyên quản phụ trách công tác điều trị SXHD để chủ động nắm bắt tình hình thực tế để báo cáo và đề xuất với Lãnh đạo Bộ Y tế để kịp thời chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc chủ động và sẵn sàng cấp cứu, thu dung điều trị kịp thời, đúng hướng dẫn.

- Tại Sở Y tế các tỉnh, thành phố phân công nhiệm vụ cụ thể cho Lãnh đạo và chuyên viên để kịp thời nắm bắt được các chỉ đạo từ Bộ Y tế và tình hình cụ thể của công tác điều trị SXHD của địa phương nhằm tham mưu cho Sở Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh, thành phố các biện pháp cần triển khai kịp thời, hiệu quả.

2. Phân tuyến điều trị phòng, chống dịch bệnh SHXD

2.1. Tuyến cuối

a) Vị trí, chức năng

- Chẩn đoán, điều trị, theo dõi, chăm sóc các trường hợp SXHD có dấu hiệu cảnh báo, SXHD nặng và các trường hợp nặng, vượt quá khả năng điều trị của tuyến dưới.

- Thực hiện sự chỉ đạo trực tiếp của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, chịu trách nhiệm trong công tác đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới, đặc biệt là hỗ trợ trong chẩn đoán, điều trị các trường hợp SXHD có diễn biến phức tạp, các trường hợp có biến chứng nặng trong khu vực được phân công.

b) Các đơn vị tuyến cuối

- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương:

+ Khu vực phân công: Các tỉnh phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra).

+ Chuyên môn: Chỉ đạo chuyên môn cho SXHD người lớn và trẻ em.

- Bệnh viện Nhi trung ương:

Phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chỉ đạo chuyên môn cho SXHD trẻ em cho các tỉnh phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra).

- Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế:

+ Khu vực phân công: Một số tỉnh Vùng Bắc Trung Bộ (Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế).

+ Chuyên môn: Chỉ đạo chuyên môn cho SXHD người lớn và trẻ em.

- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh:

+ Khu vực phân công: Các tỉnh phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào).

+ Chuyên môn: Chỉ đạo chuyên môn cho SXHD người lớn.

- Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh:

+ Khu vực phân công:

* Vùng Đông Nam Bộ (thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu).

* Vùng đồng bằng sông Cửu Long (Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau).

+ Chuyên môn: Chỉ đạo chuyên môn cho SXHD trẻ em.

- Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh:

+ Khu vực phân công:

* Vùng duyên hải Nam Trung Bộ (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa).

* Vùng Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng).

+ Chuyên môn: Chỉ đạo chuyên môn cho SXHD trẻ em.

c) Người bệnh: SXHD có dấu hiệu cảnh báo, SXHD nặng và các trường hợp bệnh nặng, vượt quá khả năng điều trị của tuyến dưới.

2.2. Tuyến tỉnh

a) Vị trí, chức năng: Chẩn đoán, điều trị, theo dõi, chăm sóc các trường hợp SXHD và SXHD có dấu hiệu cảnh báo.

b) Các đơn vị tuyến tỉnh: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực thuộc tỉnh, Bệnh viện chuyên khoa Nhi thuộc tỉnh và một số Bệnh viện đa khoa trung ương.

c) Người bệnh: SXHD có dấu hiệu cảnh báo và SXHD nặng.

2.3. Tuyến huyện

a) Vị trí, chức năng: Chẩn đoán, điều trị, theo dõi, chăm sóc các trường hợp SXHD và SXHD có dấu hiệu cảnh báo.

b) Các đơn vị tuyến huyện: Bệnh viện huyện, Phòng khám đa khoa khu vực.

c) Người bệnh: SXHD và SXHD có dấu hiệu cảnh báo.

2.4. Tuyến xã

a) Vị trí, chức năng: Chẩn đoán, điều trị, theo dõi, chăm sóc các trường hợp SXHD.

b) Các đơn vị tuyến xã: Trạm y tế xã, phường, Phòng khám tư nhân và các bệnh viện dã chiến.

c) Người bệnh: SXHD.

2.5. Nguyên tắc phối hợp giữa các tuyến

- Hạn chế vận chuyển người bệnh vượt tuyến, trừ trường hợp vượt quá khả năng điều trị. Khi vượt quá khả năng cho phép, cần chuyển người bệnh lên tuyến trên phải:

+ Thông báo trước với đơn vị tiếp nhận để chuẩn bị.

+ Ghi chép đầy đủ các thông tin về diễn biến lâm sàng, các kết quả xét nghiệm, các phương pháp điều trị và các thuốc đã sử dụng.

- Thực hiện chế độ tham vấn của tuyến trên, hội chẩn liên khoa, liên viện để giải quyết các trường hợp khó.

- Duy trì liên tục "Đường dây nóng phòng chống dịch SXHD " với đơn vị tuyến cuối để có thể thường xuyên xin ý kiến hướng dẫn, trao đổi thông tin về chuyên môn, đồng thời hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới.

- Các đơn vị tuyến cuối, tuyến tỉnh và tuyến huyện thành lập "Nhóm điều trị sốt xuất huyết Dengue" tại bệnh viện. Nhóm điều trị SXHD bao gồm bác sĩ, điều dưỡng các khoa truyền nhiễm, khoa nhi, khoa hồi sức cấp cứu và khoa khám bệnh có kinh nghiệm, kiến thức và năng lực chuyên môn tốt về xử trí các trường hợp SXHD do 01 lãnh đạo bệnh viện trực tiếp phụ trách để thường xuyên thảo luận, rút kinh nghiệm điều trị và sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới trong xử lý cấp cứu, điều trị và chăm sóc SXHD.

- Tuyến trên có thể cử cán bộ tăng cường hỗ trợ chuyên môn tại chỗ cho tuyến dưới.

3. Liên tục nâng cao chất lượng của công tác điều trị phòng, chống dịch bệnh SHXD

3.1. Tiếp tục phổ biến “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXHD” ban hành theo Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 16/2/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế cho bác sĩ, điều dưỡng tại tất cả các tuyến điều trị SXHD trong toàn quốc (03 ngày/lớp với khoảng 250-300 học viên):

- Cục Quản lý khám, chữa bệnh:

+ Tổ chức xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn và cập nhật kiến thức mới về công tác điều trị, chăm sóc SXHD để thống nhất sử dụng trong toàn quốc.

+ Tổ chức 03 lớp tập huấn về công tác chẩn đoán, điều trị SXHD cho bác sĩ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên: Dự kiến tổ chức tại Quảng Bình (cho khu vực Bắc miền Trung), Phú Yên (cho khu vực Nam Miền Trung) và Đắk Lắk (cho khu vực Tây Nguyên).

+ Tổ chức 06 lớp tập huấn về chăm sóc và theo dõi SXHD cho điều dưỡng tại các tỉnh, thành phố trong toàn quốc: Dự kiến tổ chức tại Hà Nội (cho khu vực miền Bắc), Nghệ An (cho khu vực Bắc miền Trung), Khánh Hòa (cho khu vực Nam miền Trung), Gia Lai (cho khu vực Tây Nguyên), Đồng Nai (cho khu vực Đông Nam Bộ) và Kiên Giang (cho khu vực ĐBSCL).

- Các bệnh viện tuyến cuối trong công tác điều trị SXHD kết hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tập huấn cho tuyến huyện, tuyến xã và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (công lập và ngoài công lập) trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

3.2. Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp với Hội đồng chuyên môn-Bộ Y tế xây dựng các “Lưu đồ trong điều trị SXHD” để in nhằm hỗ trợ cho các bác sĩ, điều dưỡng tại các bệnh viện thuận lợi trong quá trình áp dụng “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXHD” ban hành theo Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 16/2/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

3.3. Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp với Hội đồng chuyên môn-Bộ Y tế tổ chức 03 Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác điều trị SXHD” để rút kinh nghiệm điều trị SXHD cho các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh và các Sở Y tế (02 ngày/hội thảo cho khoảng 300-350 đại biểu):

- Hội thảo cho miền Bắc dự kiến tổ chức tại Ninh Bình.

- Hội thảo cho miền Trung dự kiến tổ chức tại Đà Nẵng.

- Hội thảo cho miền Nam dự kiến tổ chức tại Cần Thơ.

3.4. Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp với Hội đồng chuyên môn-Bộ Y tế xây dựng tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác điều trị SXHD để bình bệnh án các trường hợp tử vong do SHXD tại các bệnh viện các tỉnh, thành phố trong toàn quốc.

3.5. Duy trì Hội đồng chuyên môn-Bộ Y tế trong công tác điều trị SXHD để thường xuyên

- Theo dõi hiệu quả của việc áp dụng “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXHD” ban hành theo Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 16/2/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc.

- Cập nhật kiến thức mới, nghiên cứu và đề xuất nhằm tiếp tục ngày càng hoàn chỉnh hướng dẫn chẩn đoán, điều trị.

- Chỉ đạo các bệnh viện tuyến cuối trong công tác điều trị SXHD có các hoạt động nhằm hướng dẫn các cơ sở trong chuyên môn, đặc biệt là xử trí các trường hợp khó, rút kinh nghiệm điều trị, đặc biệt là các trường hợp tử vong do SXHD.

4. Kiểm tra giám sát công tác điều trị phòng, chống dịch bệnh SXHD

- Bộ Y tế thành lập các đoàn kiểm tra giám sát công tác điều trị SXHD tại các bệnh viện các tỉnh, thành phố.

- Thành phần đoàn gồm Cục Quản lý khám, chữa bệnh, các thành viên Hội đồng chuyên môn-Bộ Y tế và một số chuyên gia trong lĩnh vực điều trị SXHD.

- Nội dung kiểm tra, giám sát:

+ Tiến hành kiểm tra về kế hoạch của công tác điều trị phòng, chống dịch SXHD của các Sở Y tế và các bệnh viện trong toàn quốc.

+ Kiểm tra việc tổ chức công tác chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới.

+ Tiến hành kiểm tra công tác tổ chức tiếp nhận, cấp cứu, thu dung điều trị bệnh nhân SHXD tại các bệnh viện.

+ Tiến hành kiểm tra, giám sát việc áp dụng “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXHD” ban hành theo Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 16/2/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế của bác sĩ, điều dưỡng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

5. Về nghiên cứu khoa học

Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp xây dựng đề tài nghiên cứu cấp Bộ về các yếu tố có liên quan đến các trường hợp tử vong do SXHD để đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả của công tác điều trị.

6. Về hợp tác quốc tế

Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức đoàn tham quan học tập tại một số nước trong khu vực có kinh nghiệm về điều trị SXHD.

7. Về truyền thông cho công tác điều trị SXHD

Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe-Bộ Y tế xây dựng kịch bản và tổ chức sản xuất phim quảng cáo về công tác điều trị SXHD để nhân dân, cũng như các cấp, các ngành nắm bắt được tình hình thực tiễn, hiểu và hợp tác với các bệnh viện, hợp tác với các bác sĩ, các điều dưỡng trong công tác điều trị và chăm sóc SXHD.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cục Quản lý khám, chữa bệnh

- Chỉ đạo, điều hành công tác điều trị phòng, chống dịch bệnh SXHD trong toàn quốc. Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng của công tác điều trị phòng, chống dịch bệnh SXHD.

- Tổ chức các buổi làm việc của Hội đồng chuyên môn-Bộ Y tế về công tác điều trị phòng, chống dịch bệnh SXHD (khi cần thiết), nắm bắt thông tin về diễn biến về tình hình điều trị bệnh nhân SXHD để có chỉ đạo kịp thời.

- Tổ chức kiểm tra công tác điều trị phòng, chống dịch của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc (công lập và ngoài công lập).

- Tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, truyền thông.

2. Cục Y tế dự phòng

Phối hợp với Cục Quản lý khám, chữa bệnh trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động chỉ đạo, điều hành hệ thống điều trị phòng, chống dịch bệnh SXHD.

3. Vụ Kế hoạch-Tài chính

Tham mưu để cấp đủ kinh phí cho hoạt động của công tác điều trị phòng, chống dịch bệnh SXHD, chuẩn bị nguồn kinh phí dự phòng trong trường hợp cần thiết.

4. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo công tác điều trị phòng, chống dịch bệnh SXHD trên địa bàn.

- Hướng dẫn và kiểm tra công tác điều trị phòng, chống dịch của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn.

- Chỉ đạo các bệnh viện thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác điều trị phòng, chống dịch bệnh SHXD, bảo đảm đủ giường bệnh, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị cũng như nhân lực nhằm chủ động, sẵn sàng cấp cứu, thu dung điều trị bệnh nhân SXHD.

- Bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc men...cho công tác điều trị phòng, chống dịch bệnh SXHD.

VI. KINH PHÍ

1. Bộ Y tế và Chương trình phòng, chống sốt xuất huyết quốc gia bố trí kinh phí cho các hoạt động điều trị phòng, chống dịch bệnh SXHD của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (có phụ lục kèm theo).

2. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố thực hiện công tác chỉ đạo và tổ chức các hoạt động điều trị phòng, chống dịch SXHD trên địa bàn.

3. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn kinh phí riêng cho Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện chuyên khoa Nhi và Bệnh viện đa khoa khu vực thuộc tỉnh làm nhiệm vụ chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới.

Căn cứ nội dung của kế hoạch công tác điều trị phòng, chống SXHD nêu trên, yêu cầu Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Chánh văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục của Bộ Y tế, Giám đốc bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng y tế các ngành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch điều trị phòng, chống dịch bệnh SXHD năm 2012 và báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Quản lý khám, chữa bệnh) 138A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đ/c Thứ trưởng (để phối hợp);
- Các BV, Viện có giường bệnh trực thuộc BYT (để thực hiện);
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- Website Bộ Y tế, Website Cục QLKCB (để đăng tin);
- Lưu: NV, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuyên

 

PHỤ LỤC

KINH PHÍ CÁC HOẠT ĐỘNG TRỊ PHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE CỦA CỤC QUẢN LÝ KHÁM, CHỮA BỆNH NĂM 2012
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số: 149/KH-BYT Ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Stt

Hoạt động

Kinh phí (đồng)

1.

Tổ chức 08 lớp tập huấn về trị và chăm sóc SXHD

500000000

2.

Xây dựng và in “Lưu đồ trong điều trị SXHD”

200000000

3.

Tổ chức 03 Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác điều trị SXHD”

200000000

4.

Hội đồng chuyên môn-Bộ Y tế

50000000

5.

Kiểm tra giám sát công tác điều trị SXHD

200000000

6.

Xây dựng đề cương đề tài nghiên cứu cấp Bộ

100000000

7.

Học tập kinh nghiệm nước ngoài

300000000

8.

Xây dựng kịch bản và tổ chức sản xuất phim về công tác

điều trị SXHD

100000000

 

Tổng cộng:

1650000000

(Bằng chữ: Một tỷ, sáu trăm, năm mươi triệu đồng).