Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1496/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 27 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN GẶP KHÓ KHĂN DO DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;

Thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19,

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. Mục đích - yêu cầu:

1. Kịp thời triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra; góp phần ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Việc triển khai thực hiện hỗ trợ đảm bảo theo phương châm: “Tập trung, khẩn trương, trách nhiệm, đạo lý, tình cảm, chặt chẽ, làm đúng và trúng theo quy định”. Trong tổ chức thực hiện đảm bảo công khai, có kiểm tra, giám sát, không để xảy ra sai sót hoặc bỏ sót đối tượng; tránh tình trạng trục lợi chính sách.

3. Các đối tượng đã được xác lập danh trước, hoàn chỉnh và đang quản lý sẽ thực hiện hỗ trợ trước; các đối tượng cần rà soát, phát sinh theo thực tế sẽ thực hiện hỗ trợ sau khi hoàn chỉnh thủ tục theo quy định.

II. Nguyên tắc hỗ trợ:

1. Hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 bị giảm sâu thu nhập, mất việc, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu và các đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, yếu thế trong thời gian gặp khó khăn, dịch bệnh.

2. Nhà nước và người sử dụng lao động cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người lao động.

3. Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

4. Trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 02 chế độ hỗ trợ trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ do đối tượng lựa chọn hoặc chế độ hỗ trợ cao nhất; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

III. Đối tượng hỗ trợ:

1. Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

2. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh.

3. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

4. Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.

5. Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (bao gồm cả thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động hằng tháng); Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong danh sách hộ nghèo đã được phê duyệt qua rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 của địa phương; Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

6. Người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

IV. Mức hỗ trợ, điều kiện, hồ sơ và trình tự thủ tục: Thực hiện theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

V. Kinh phí thực hiện:

1. Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Trên cơ sở tổng hợp dự toán của các ngành, địa phương; Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và thực hiện cấp tạm ứng cho các địa phương thực hiện chi trả theo mức, đối tượng hỗ trợ theo quy định.

V. Phương thức, thời gian chi trả:

- Khuyến khích thực hiện chi trả trực tiếp cho đối tượng thông qua tài khoản để bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, tránh trục lợi chính sách. Đối với các huyện, thành phố đang thực hiện chi trả trợ cấp xã hội, Người có công qua cơ quan Bưu điện thì tiếp tục giao cho cơ quan Bưu điện thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng này. Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo việc chi trả cho các nhóm đối tượng khác theo quy định.

- Sau khi danh sách đối tượng thụ hưởng được cấp thẩm quyền phê duyệt, các địa phương triển khai ngay việc thực hiện chi trả cho đối tượng đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và mức hỗ trợ theo quy định.

VI. Tổ chức thực hiện:

1. Thủ trưởng các sở, ban ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục thuế tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch thực hiện và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Tổng hợp số lượng đối tượng hỗ trợ từ ngân sách do các địa phương rà soát, gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, cấp tạm ứng kinh phí cho các địa phương thực hiện chi hỗ trợ.

- Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách các nhóm đối tượng hỗ trợ do UBND các huyện, thành phố đề nghị (trừ Hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh). Tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ cho đối tượng theo quy định; kịp thời hướng dẫn hoặc đề xuất UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Phối hợp với các ngành, địa phương kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định hiện hành.

3. Sở Tài chính:

- Tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh kinh phí hỗ trợ cho các nhóm đối tượng; tham mưu cấp tạm ứng cho các địa phương để tổ chức triển khai thực hiện và đảm bảo nguồn ngân sách để thực hiện các chính sách theo quy định.

- Hướng dẫn việc quản lý, thanh quyết toán ngân sách nhà nước, kinh phí thực hiện hỗ trợ theo quy định.

4. Chi nhánh Ngân hàng CSXH:

Thực hiện cho vay đối với Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính để trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định. Tổng hợp, gửi báo cáo về việc cho người sử dụng lao động vay trả tiền lương ngừng việc cho người lao động để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

5. Cục thuế tỉnh:

Hướng dẫn Chi cục thuế các huyện, thành phố, khu vực việc thực hiện các nội dung có liên quan đến ngành trong việc hỗ trợ Hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh.

6. Bảo hiểm xã hội tỉnh:

Triển khai, chỉ đạo Bảo hiểm xã hội huyện, thành phố phối hợp cùng địa phương thống kê, xác nhận Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương và hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn theo quy định.

7. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí, tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các nội dung về đối tượng, mức hỗ trợ; tuyên truyền để người thụ hưởng sử dụng kinh phí hiệu quả, đúng mục đích.

8. Các Sở, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ có liên quan; hướng dẫn, tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19; chủ động phối hợp xử lý những vướng mắc phát sinh, định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình thực hiện, đề xuất giải pháp, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 20 hằng tháng để tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tham gia chỉ đạo hệ thống Mặt trận và đoàn thể các cấp tham gia giám sát quá trình triển khai, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng trên địa bàn.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương; chỉ đạo việc rà soát, lập danh sách đối với các nhóm đối tượng theo quy định đảm bảo đúng đối tượng, không bị trùng lắp trong quá trình xét duyệt; tổng hợp danh sách các nhóm đối tượng gửi UBND tỉnh phê duyệt (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp tham mưu phê duyệt) và tổ chức chi trả kịp thời. Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng tại địa phương theo quy định.

- Chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về chủ trương, các quy định về hỗ trợ cho dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn; tránh tình trạng khiếu nại của người dân trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

- Chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương để tổ chức thực hiện. Trường hợp có khó khăn về nguồn ngân sách thì báo cáo Sở Tài chính để tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền quyết định;

VI. Mốc thời gian và chế độ thông tin báo cáo:

- Đối với các đối tượng Người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo: UBND các huyện, thành phố có văn bản đề nghị gửi về UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) trong tháng 4/2020 để phê duyệt và tổ chức thực hiện chi trả. Thực hiện chi trả hoàn thành chậm nhất là ngày 10/5/2020.

- Đối với các nhóm đối tượng khác: UBND các huyện, thành phố có văn bản đề nghị gửi về UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để phê duyệt và tổ chức thực hiện chi trả. Thực hiện việc chi trả hỗ trợ chậm nhất là ngày 20/5/2020. Tùy tình hình thực tế, các địa phương tiếp tục rà soát kỹ các nhóm đối tượng này đảm bảo sát với quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh.

- Các Sở, ngành, địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) về kết quả thực hiện việc triển khai và hỗ trợ trước ngày 20 hàng tháng.

Trên đây là Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH;
- Văn phòng Chính phủ;
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh Lê Văn Bình;
- UBMTTQVN tỉnh, các Hội đoàn thể;
- Các Sở, Ban ngành tỉnh;
- UBND các huyện, tp;
- VPUB: LĐ, CV;
- Lưu: VT. NVT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Bình