Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/KH-UBND

Thái Bình, ngày 15 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 178/NQ-CP NGÀY 31/10/2023 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 49-KL/TW NGÀY 28/02/2023 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 31/10/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức quán triệt sâu sắc, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 31/10/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Thái Bình, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình hành động đã đề ra.

- Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và phân công nhiệm vụ, trách nhiệm nhằm tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 31/10/2023 của Chính phủ, qua đó tạo sự nhất quán, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị nhằm thực hiện tốt định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Yêu cầu

- Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 31/10/2023 của Chính phủ; các quy hoạch, chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh có liên quan để xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể theo chức năng, lĩnh vực cho các sở, ngành, đơn vị có liên quan, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, không chồng chéo.

- Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, doanh nghiệp và người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vận tải đường sắt.

Đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong phát triển giao thông vận tải đường sắt; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện phát triển đường sắt.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

Sau năm 2030 nghiên cứu, đề xuất Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 (đoạn tuyến đường sắt trên qua địa phận tỉnh đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh).

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các sở, ban ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân về vai trò, vị trí, lợi thế của phương thức giao thông vận tải đường sắt, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong phát triển giao thông vận tải đường sắt. Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đường sắt đồng bộ với phát triển ngành giao thông vận tải.

- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, tập trung quán triệt các nội dung của Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 31/10/2023 của Chính phủ với hình thức đa dạng, phong phú để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động ở các cấp, các ngành về vai trò, vị trí chiến lược và tầm quan trọng của vận tải đường sắt phù hợp với thực tiễn của tỉnh Thái Bình.

2. Công tác triển khai quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống công trình kết nối với tuyến đường sắt

- Thực hiện đồng bộ Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trọng tâm đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đường bộ định hướng kết nối với tuyến đường sắt phù hợp với thực tế và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Nghiên cứu đầu tư xây dựng các cảng biển, cảng cạn và trung tâm logistics, kho bãi, cảng, bến thủy nội địa... làm đầu mối tổ chức vận tải, lưu thông, trung chuyển, giao nhận hàng hóa, kết nối thuận lợi và phát huy lợi thế của vận tải đường sắt. Phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các ngành nghề dịch vụ đồng bộ, phù hợp với hạ tầng tuyến đường sắt.

- Ưu tiên dành quỹ đất để đầu tư xây dựng tuyến đường sắt, các khu vực quanh các khu ga đường sắt.

3. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực đường sắt

- Khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ về quản lý vận tải về đường sắt.

- Thúc đẩy hợp tác chia sẻ dữ liệu, phát triển nền kinh tế số trong lĩnh vực đường sắt.

- Đảm bảo an toàn giao thông, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng.

4. Phát triển nguồn nhân lực đường sắt

Chú trọng đào tạo, thu hút nguồn nhân lực khoa học, công nghệ về lĩnh vực đường sắt, kết cấu hạ tầng giao thông.

IV. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Sở Giao thông vận tải

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường sắt; tham mưu triển khai đầu tư xây dựng các cảng biển, cảng cạn và trung tâm logistics, kho bãi, cảng, bến thủy nội địa để kết nối, làm đầu mối tổ chức vận tải, lưu thông, trung chuyển, giao nhận hàng hóa, kết nối thuận lợi và phát huy lợi thế của vận tải đường sắt.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối với đường sắt.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công cho các chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kết nối với tuyến đường sắt thuộc cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các nội dung trong Kế hoạch.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch, phương hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt tỉnh Thái Bình tới các đơn vị và người dân hiểu được vị trí, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của vận tải đường sắt.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

Hướng dẫn xây dựng, đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt.

6. Sở Công Thương

Tham mưu khuyến khích các doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường đầu tư để phát triển ngành công nghiệp đường sắt.

7. Sở Xây dựng

Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp, Sở Giao thông vận tải trong quá trình tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị - nông thôn đảm bảo phù hợp với quy hoạch tuyến đường sắt.

8. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Chủ động thực hiện các dự án, nhiệm vụ có liên quan và tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các định hướng phát triển phù hợp với quy hoạch tuyến đường sắt.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở nội dung của Kế hoạch này, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức quán triệt và tập trung chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được phân công.

2. Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị có liên quan rà soát, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình, kết quả triển khai thực hiện các nội dung nêu tại Kế hoạch này.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Giao thông vận tải) để xem xét, giải quyết./

 


Nơi nhận:
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử;
- Lưu: VT, CTXDGT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Quang Hưng