Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 150/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 03 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP SINH HỌC NGÀNH CÔNG THƯƠNG ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030” (việt tắt là Quyết định số 1600), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1600 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tuyên truyền sâu rộng và triển khai kịp thời, có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được xác định trong Quyết định số 1600. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc cụ thể hóa Quyết định số 1600.

- Tích cực ứng dụng những thành tựu mới trong nghiên cứu, phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh, phát huy tiềm năng của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, tiếp nhận ứng dụng và chuyển giao công nghệ quy mô công nghiệp nhằm tăng số lượng, giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Xác định các nhiệm vụ cụ thể của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố nhằm triển khai hoàn thành các nội dung yêu cầu tại Quyết định số 1600.

- Phát huy tối đa mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền về phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương

a) Tuyên truyền sâu rộng và triển khai kịp thời, có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được xác định trong Quyết định số 1600 và nội dung Kế hoạch này đến cán bộ công chức, viên chức, người lao động, lãnh đạo doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.

- Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan Báo, Đài thực hiện công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị, địa phương.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

b) Tổ chức tuyên truyền các thông tin về công nghiệp sinh học ngành Công Thương trên trang thông tin điện tử thành phần cơ quan.

- Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương.

- Đơn vị phối hợp: Sở Khoa học và Công nghệ, các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

2. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương

a) Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh đối với việc hỗ trợ ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ sinh học hiện đại trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghiệp sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, hỗ trợ chuyển giao, nhập khẩu công nghệ và bí quyết công nghệ, phát triển thị trường công nghệ tiên tiến trong nước và các quy định có liên quan đến sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp sinh học ngành Công Thương.

- Đơn vị chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

- Đơn vị phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Năm 2022-2030.

b) Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù riêng của tỉnh về thu hút đầu tư các dự án FDI nhằm nâng cao hiệu quả phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương và khai thác hiệu quả năng lực, kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

- Đơn vị chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Đơn vị phối hợp: Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2022-2030.

c) Thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong việc sở hữu trí tuệ, xây dựng hình ảnh, tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại các sản phẩm hàng hóa được tạo ra từ các doanh nghiệp công nghiệp sinh học để đẩy nhanh sản phẩm tiêu thụ trong thị trường nội địa và xuất khẩu.

- Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương.

- Đơn vị phối hợp: Sở Khoa học và Công nghệ, các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Năm 2022-2030.

3. Xây dựng, phát triển tiềm lực công nghệ sinh học ngành Công Thương

a) Tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn cho đội ngũ quản lý, công nhân tại các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ để làm chủ công nghệ được chuyển giao, nâng cao khả năng tiếp nhận công nghệ và tự chủ triển khai hoạt động sản xuất.

- Đơn vị chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

- Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Năm 2022-2030.

b) Hình thành các đơn vị kết nối hỗ trợ doanh nghiệp (công lập, tư nhân) nhằm hỗ trợ các nhà khoa học hoàn thiện sản phẩm; kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong cung cấp, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến theo chuỗi cung ứng hoàn chỉnh.

- Đơn vị chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

- Đơn vị phối hợp: Sở Công Thương, các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Năm 2022-2030.

4. Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương

a) Ứng dụng và phát triển các công nghệ sinh học trong lĩnh vực ngành Công Thương ở quy mô công nghiệp, tập trung vào các công nghệ theo chuỗi công nghệ khép kín, sản xuất tuần hoàn đối với từng nhóm nguyên liệu chủ yếu ngành công thương.

- Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương.

- Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Năm 2022-2030.

b) Ứng dụng và phát triển các công nghệ sinh học trong lĩnh vực ngành Công Thương ở quy mô công nghiệp, tập trung vào các công nghệ theo chuỗi công nghệ khép kín, sản xuất tuần hoàn đối với từng nhóm nguyên liệu chủ yếu ngành nông nghiệp.

- Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Năm 2022-2030.

c) Ứng dụng và phát triển các công nghệ sinh học trong lĩnh vực ngành Công Thương ở quy mô công nghiệp, tập trung vào các công nghệ theo chuỗi công nghệ khép kín, sản xuất tuần hoàn đối với từng nhóm nguyên liệu chủ yếu ngành y tế.

- Đơn vị chủ trì: Sở Y tế.

- Đơn vị phối hợp: các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Năm 2022-2030.

d) Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, nhận chuyển giao công nghệ mới trong nước, từ nước ngoài,... trong lĩnh vực công nghệ sinh học nhằm phát triển theo hướng phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học. Tập trung hỗ trợ các đề tài, dự án, đề án nhằm nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ nguồn, công nghệ lõi trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng, năng lượng, thương mại.

- Đơn vị chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

- Đơn vị phối hợp: Sở Công Thương, các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Năm 2022-2030.

e) Triển khai các biện pháp quản lý, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp sinh học, các tổ chức, cá nhân liên quan thuộc mọi thành phần kinh tế tăng cường đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ sinh học, ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm, hàng hóa chủ lực do công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.

- Đơn vị chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

- Đơn vị phối hợp: Sở Công Thương, các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Năm 2022-2030.

f) Phát triển các chế phẩm sinh học trong công tác bảo vệ môi trường: tập trung ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý các loại rác thải, nước thải, chất thải gây ô nhiễm tại cơ sở, nhất là ở các khu công nghiệp, các bệnh viện, các trung tâm thương mại, chợ, các khu dân cư, khu đô thị,...; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học để phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên (tài nguyên biển, rừng,..).

- Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2022-2030.

5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế vè phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện các đề tài, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng, chuyển giao công nghệ, dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến giữa đơn vị khoa học và công nghệ, doanh nghiệp trong nước với các đi tác (viện, trường, doanh nghiệp,...) ở các nước có nền công nghệ sinh học tiên tiến trên thế giới.

- Đơn vị chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

- Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Năm 2022-2030.

b) Hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động hợp tác và tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất công nghiệp sản phẩm công nghệ sinh học có lợi thế cạnh tranh từ nước ngoài.

- Đơn vị chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

- Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Năm 2022-2030.

c) Tổ chức các hội thảo, diễn đàn nhằm kết nối cung cầu về công nghệ sinh học giữa các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và chuyên gia nhằm thúc đẩy hợp tác, ứng dụng, chuyển giao để phát triển sản phẩm.

- Đơn vị chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

- Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Năm 2022-2030.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Hàng năm, trên cơ sở Kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và dự toán chi tiết để thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch do các sở, ban, ngành, địa phương lập; Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định hiện hành.

2. Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch gồm: Nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ, nguồn lực tài chính từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thực hiện Kế hoạch và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Việc lập, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách thực hiện hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này. Bổ sung nhiệm vụ vào kế hoạch hàng năm của cơ quan, đơn vị để thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện (qua Sở Công Thương) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Tài chính: Hàng năm trên cơ sở Kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và dự toán chi tiết để thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch do các sở, ban, ngành lập, Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các quy định hiện hành.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Cân đối, bố trí vốn chi đầu tư phát triển thực hiện Đề án theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định liên quan pháp luật về đầu tư công, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch.

4. Các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến công nghiệp sinh học ngành Công Thương: Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh để được hỗ trợ, tham gia thực hiện nội dung của Kế hoạch.

5. Sở Công Thương có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ báo cáo và tham mưu đề xuất UBND tỉnh các biện pháp cần thiết để đảm bảo thực hiện Kế hoạch đồng bộ và đạt hiệu quả; theo dõi, tham mưu UBND tỉnh sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, nếu có phát sinh vướng mắc hoặc cần phải cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung liên quan cho phù hợp thực tiễn, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan kịp thời báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Công Thương) để xem xét, chỉ đạo thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công Thương (b/cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- Báo Quảng Ngãi, Đài PT-TH tỉnh;
- VPUB: CVP, PCVP, TH, CBTH;
- Lưu: VT, KTN.toan279

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Phước Hiền