Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 151/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 21 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025, với những nội dung sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ

Giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, thông qua việc ban hành các văn bản trọng tâm như sau:

- Quyết định số 1676/QĐ-UBND ngày 13/11/2014 ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới;

- Quyết định số 03/2016/QĐ-UBND ngày 27/01/2016 ban hành quy chế hoạt động của Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh;

- Kế hoạch số 916/KH-UBND ngày 26/5/2016 về Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch các năm 2018, năm 2019 và năm 2020.

- Quyết định số 205/QĐ-UBND ngày 13/3/2017 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 05/12/2016 của Tỉnh ủy về cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020;

- Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 02/02/2018 ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ngãi phiên bản 1.0;

- Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND ngày 18/10/2018 ban hành Quy chế về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;

- Quyết định số 1179/QĐ-UBND ngày 21/12/2018 về việc Quy định sử dụng biểu mẫu trong quy trình giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh;

- Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 10/4/2019 Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 của tỉnh Quảng Ngãi;

- Quyết định số 673/QĐ-UBND ngày 30/8/2019 Phê duyệt Đề án Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;

- Quyết định số 03/2019/QĐ-UBND ngày 21/02/2019 Quy định về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh;

- Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 18/5/2020 thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ và Kế hoạch số 271-KH/TU ngày 27/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

- Quyết định số 1571/QĐ-UBND ngày 28/10/2019 ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2020-2025;

- Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 12/6/2020 về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam của tỉnh Quảng Ngãi theo giai đoạn 2021-2025 và 2026 -2030.

- Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 09/10/2020 về Triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Quảng Ngãi;

II. HẠ TẦNG KỸ THUẬT

Tính đến cuối năm 2020, cơ bản hạ tầng thiết yếu phục vụ ứng dụng CNTT tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được thiết lập, vận hành.

- 100% cán bộ, công chức đã có máy tính để sử dụng thường xuyên trong công việc; 100% đơn vị hành chính trên địa bàn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh đã có mạng LAN kết nối Internet tốc độ cao - đặc biệt 100% Bộ phận một cửa tại các cơ quan hành chính, nhất là UBND cấp xã đã có tối thiểu 2 máy tính và trên 85% bộ phận có từ 3 máy tính trở lên.

- Các Trung tâm dữ liệu đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Trung tâm lưu trữ (Sở Nội vụ), Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và Môi trường được nâng cấp, vận hành đáp ứng nhu cầu và yêu cầu ứng dụng; kết hợp với việc sử dụng các hạ tầng tính toán - lưu trữ dựa trên nền tảng điện toán đám mây thông qua hình thức thuê dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu lưu trữ - tính toán dùng chung, tập trung cho những hệ thống có yêu cầu đặc thù trong tỉnh.

- Hạ tầng truyền dẫn sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng đang được khai thác, sử dụng - nhất là cơ quan khối Đảng; kết hợp với việc sử dụng các kênh truyền thương mại, đã đáp ứng nhu cầu truyền dẫn, tính toán tập trung trong triển khai ứng dụng trên địa bàn.

- Hạ tầng IoT có tốc độ phát triển mạnh trong giai đoạn 2016-2020, chủ yếu đối với cơ quan nhà nước là kết nối camera, thiết bị quan trắc. Tuy nhiên so với nhiều địa phương thì mức độ còn chưa cao.

III. CÁC HỆ THỐNG NỀN TẢNG

Đã xuất hiện nhiều nền tảng công nghệ thông tin được thiết lập, được vận hành trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là dùng trong thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2020, hệ thống nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số là chưa nhiều.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh - LGSP Quảng Ngãi được thiết lập, vận hành theo mô hình là dịch vụ tích hợp của NGSP. Bên cạnh đó một số cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh tham gia khai thác trực tiếp nền tảng LGSP cấp bộ, ngành, phổ biến là hoạt động kết nối, chia sẻ dữ liệu số với bộ, ngành theo các ứng dụng chuyên ngành, tham gia xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin dùng chung cấp bộ ngành, quốc gia.

IV. PHÁT TRIỂN DỮ LIỆU

- Việc tham gia xây dựng và khai thác các CSDL quốc gia được thực hiện theo kế hoạch do Bộ, ngành chủ trì, trong đó các CSDL về Bảo hiểm, Tài chính… sớm được khai thác ứng dụng trên địa bàn tỉnh.

- Các CSDL ngành ở phạm vi quốc gia được ứng dụng từ nhiều năm qua; như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vận hành Hệ thống thông tin và CSDL Người có công, Hệ thống thông tin và CSDL Bảo trợ xã hội và giảm nghèo, Hệ thống thông tin và CSDL Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Hệ thống thông tin Quản lý giảm nghèo và Bảo trợ xã hội, Cơ sở dữ liệu Quản lý trợ giúp xã hội và giảm nghèo (miposasoft); Sở Tư pháp vận hành Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, Hệ thống Phần mềm quản lý Lý lịch tư pháp; Sở Tài nguyên và Môi trường vận hành Hệ thống quản lý đất đai (VLAP); Sở Y tế vận hành Hệ thống báo cáo thống kê ngành Y tế....

- Giai đoạn 2016-2020 tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng nhiều CSDL và Hệ thống thông tin cấp địa phương:

Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc tỉnh Quảng Ngãi (Ban Dân tộc tỉnh); Cơ sở dữ liệu về môi trường trên địa bàn KKT Dung Quất (Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi); Cơ sở dữ liệu về kinh tế thương mại và công nghiệp (S Công Thương); Hệ thống thông tin quản lý kết cấu hạ tầng giao thông trong công tác quản lý, giám sát và bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh (SGiao thông vận tải); CSDL Hồ sơ, tài liệu về Giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo); Cổng thông tin khởi nghiệp tỉnh Quảng Ngãi (Sở Khoa học và Công nghệ); CSDL Người có công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội); Hệ thống thông tin quản lý các chương trình dự án khuyến nông, khuyến lâm hàng năm; Hệ thống thông tin quản lý tài nguyên nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT); Phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, Hệ thống phần mềm đánh giá cán bộ, công chức, viên chức tỉnh, Hệ thống Phần mềm Quản lý Thi đua khen thưởng tỉnh, Phần mềm Quản lý thanh niên (SNội vụ); Phần mềm Quản lý đoàn ra, đoàn vào, Phần mềm quản lý tàu thuyền, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, Phần mềm quản lý các Chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh (Sở Ngoại vụ); Cơ sở dữ liệu về giá trên địa bàn tỉnh, Phần mềm quản lý tiền lương, cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh (Sở Tài chính); Phần mềm webGIS công bố thông tin quy hoạch sử dụng đất tỉnh Quảng Ngãi, Phần mềm Quản lý hoạt động khoáng sản, Hệ thống thực hiện trao đổi thông tin giữa cơ quan Đăng ký đất đai và cơ quan Thuế bằng hình thức điện tử (Sở Tài nguyên và Môi trường); Hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực (Sở Tư pháp); Thư viện điện tử tỉnh (Sn hóa, Thể thao và Du lịch); CSDL về quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh (SXây dựng); Hệ thống quản lý Cơ sở dược trên địa bàn, Phần mềm Quản lý hành nghề Y, Phần mềm Quản lý các bệnh truyền nhiễm (S Y tế); Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi, CSDL Công báo tỉnh, Thư điện tử tỉnh (Văn phòng UBND tỉnh); Phần mềm du lịch ảo 360° trên cổng thông tin điện tử huyện (UBND huyện Trà Bồng).

V. CÁC ỨNG DỤNG, DỊCH VỤ

Ngoài những ứng dụng, dịch vụ đã nêu chung tại Mục IV, các ứng dụng, dịch vụ điển hình được triển khai trong giai đoạn 2016-2020 như sau.

1. Về ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước:

- Hệ thống thư điện tử; Hệ thống phần mềm theo dõi nhiệm vụ của UBND tỉnh.

- Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành đã được triển khai tại 100% cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện ký số văn bản và liên thông 4 cấp.

- Hệ thống họp trực tuyến: Hệ thống họp trực tuyến tại Văn phòng UBND tỉnh được sử dụng thường xuyên với Chính phủ; ngành y tế (16 điểm cầu); ngành giáo dục (5 điểm cầu và 60 tài khoản VMEET); công tác phòng chống lụt bão (1 điểm cầu kết nối với Ban PCLB TW); huyện Mộ Đức (15 điểm cầu).

- Ngoài ra còn có nhiều hệ thống phục vụ hoạt động chuyên ngành thuộc các lĩnh vực tài chính, thuế, kho bạc, hải quan, thương mại; lao động thương binh xã hội, y tế, giáo dục; nội vụ, tư pháp; công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên, môi trường; ...

2. Về ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

- Cổng thông tin điện tử tỉnh được nâng cấp, mở rộng, ứng dụng đến cấp xã. Đến nay 100% UBND cấp xã đã có Trang thông tin điện tử, là thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh.

- Công báo tỉnh đã vận hành, khai thác hiệu quả từ nhiều năm qua.

- Hệ thống Một cửa và Cổng dịch vụ công trực tuyến: 100% các cơ quan cấp huyện, cấp xã đã thiết lập Bộ phận 1 cửa, tổ chức ứng dụng một cửa điện tử theo yêu cầu tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP; ứng dụng tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh từ tháng 4/2018.

- Có nhiều ứng dụng ngành dọc được triển khai thông suốt đến địa phương như: hóa đơn điện tử, khai báo thuế điện tử, thông quan điện tử.., triển khai theo cấp độ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

VI. NGUỒN NHÂN LỰC

- Thành lập Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.

- Các đơn vị, bộ phận chuyên trách CNTT gồm: Trung tâm CNTT và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông), Phòng Cơ yếu - CNTT (Văn phòng Tỉnh ủy), Trung tâm Công báo và Tin học (Văn phòng UBND tỉnh); Đội CNTT thuộc Công an tỉnh, Trung tâm Công nghệ Thông tin Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường). Hiện tại các đơn vị này có một số cán bộ kỹ thuật có nghiệp vụ tốt về CNTT.

- Tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố: các đơn vị có 1-2 cán bộ phụ trách CNTT. Tổng số cán bộ CNTT là 100 người, hầu hết có trình độ đại học, trên đại học về CNTT. Tuy nhiên, nguồn nhân lực CNTT trong các CQNN vẫn còn mặt hạn chế nhất định.

- Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ phụ trách CNTT trên địa bàn tỉnh với các nội dung về quản trị, vận hành các hệ thống ứng dụng dùng chung, quản trị Cổng/trang thông tin điện tử, an toàn bảo mật, ứng cứu sự cố mạng máy tính,..

VII. AN TOÀN THÔNG TIN

- UBND tỉnh đã ban hành Quy chế đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, thành lập các tổ chức chuyên trách như Tổ ứng cứu sự cố mạng máy tính,..

- Về công tác kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin theo quy định tại Nghị định 85/2016/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư 03/2017: Tổ ứng cứu sự cố mạng máy tính thường xuyên kiểm tra, giám sát an toàn thông tin đối với các Trung tâm dữ liệu tỉnh, các ứng dụng dùng chung, phát hiện và xử lý kịp thời các lỗ hổng, nguy cơ mất an toàn thông tin.

- Về tình hình lây nhiễm và bóc gỡ mã độc, trong giai đoạn 2016-2020, tình hình tấn công mạng, lây nhiễm mã độc trên địa bàn tỉnh tuy có xảy ra nhưng không đáng kể; các tình huống có tính nguy cơ được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thông tin, cảnh báo, hướng dẫn xử lý kịp thời.

- Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng được nhiều tổ chức và người dân quan tâm, thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức, do nhiều đơn vị, địa phương và các Hội, đoàn thể tổ chức. Nhờ đó trong những năm qua, hoạt động của cơ quan nhà nước và người dân trên môi trường mạng chưa có sự cố có tính nghiêm trọng xảy ra.

- Hằng năm, Tổ ứng cứu sự cố mạng máy tính được tập huấn và diễn tập về an toàn thông tin mạng với sự tham gia của các Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

- Về tình hình xây dựng và triển khai các quy định, kế hoạch về ứng phó sự cố, Quảng Ngãi đã thực hiện đầy đủ các nội dung về an toàn thông tin theo mô hình 04 lớp theo hướng dẫn tại Công văn 1552/BTTTT-CATTT. Lực lượng ứng phó sự cố thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên trách về An toàn thông tin của trung ương như Trung tâm CNTT - Giám sát ATTT (Ban Cơ yếu Chính phủ), Cục An toàn thông tin để hỗ trợ, trao đổi thông tin, chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực đảm bảo bảo mật, an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh.

VIII. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tình hình bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ, dự án ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020

Hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT, phát triển Chính quyền điện tử trong những năm qua được tổ chức thông qua các chương trình, kế hoạch 5 năm và hằng năm; trong đó bao gồm kế hoạch chung của tỉnh và kế hoạch riêng của đơn vị, ngành, địa phương. Nguồn vốn sử dụng chủ yếu là chi thường xuyên ngân sách nhà nước nên qui mô còn có những hạn chế.

2. Tình hình bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ, dự án về an toàn thông tin mạng giai đoạn 2016-2020

Dự án “Tăng cường đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025”, có tổng mức đầu tư được duyệt là 25 tỷ đồng, đã triển khai với khối lượng hoàn thành là 50%.

Các nội dung mua sắm thiết bị an toàn thông tin, bản quyền phần mềm cho các thiết bị, phần mềm an toàn thông tin được thực hiện hầu khắp tại các mạng LAN, với tổng kinh phí ước tính 50 tỷ đồng, chiếm 10% khối lượng đầu tư.

Chi cho nhân lực hoạt động an toàn thông tin, với tổng kinh phí ước tính 1 tỷ đồng.

Phần II

NỘI DUNG KẾ HOẠCH

I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH

Kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Quảng Ngãi đoạn 2021-2025 được xây dựng trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình hiện nay với tầm nhìn và yêu cầu tại các văn bản sau đây.

- Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ;

- Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế Một cửa, Một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/03/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cổng dịch vụ công quốc gia;

- Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;

- Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;

- Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 09/3/2020 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019- 2020, định hướng đến 2025;

- Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW;

- Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước;

- Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030;

- Quyết định số 2323/BTTTT-THH ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0; Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ngãi;

- Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ số đối với Bộ, ngành TW; các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành TW, các văn chỉ đạo triển khai thực hiện của UBND tỉnh Quảng Ngãi;

- Công văn số 2606/BTTTT-THH-ATTT ngày 15/7/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ số/Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025 và năm 2021.

- Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 10/4/2019 thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 của tỉnh Quảng Ngãi;

- Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 18/5/2020 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ và Kế hoạch số 271-KH/TU ngày 27/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

- Quyết định số 1537/QĐ-UBND ngày 08/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng kinh tế trọng điểm Miền trung của tỉnh Quảng Ngãi;

II. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

- Xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển Chính quyền số, Chuyển đổi số theo mục tiêu định hướng của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và tình hình thực tế của tỉnh.

- Ưu tiên cung cấp dịch vụ công trực tuyến dựa trên nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

- Phát triển Chính quyền số ở Quảng Ngãi, từng bước đưa hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước lên môi trường mạng, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép người dân và doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ.

- Giai đoạn 2021-2025 tỉnh Quảng Ngãi thực hiện “Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính, bảo đảm các giao dịch hành chính, dịch vụ công, xử lý công việc trên môi trường mạng, hướng tới cơ quan nhà nước không giấy tờ, từng bước xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số”.

III. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước

- 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

- 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, UBND cấp huyện được thực hiện trên Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh; được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ;

- 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý;

- Số hóa toàn bộ kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực, thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh; thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP;

- 80% cấp huyện tham dự các cuộc họp của Ủy ban nhân dân tỉnh bằng phương thức trực tuyến;

- 100% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển Chính quyền số được hoàn thành và kết nối, chia sẻ; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội;

- Tiếp tục nâng cao Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT (ICT index), Chỉ số cải cách hành chính (PAR IN DEX), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI Index).

2. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

- 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền;

- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, và đạt 80% trong giai đoạn 2021-2025.

- 60% các hệ thống thông tin của các sở, ngành, địa phương có liên quan đến người dân, doanh nghiệp được đưa vào vận hành, khai thác; được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu không phải cung cấp lại.

- Thực hiện Cấp bản sao điện tử và Chứng thực bản sao điện tử theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP; thực hiện cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP.

3. Về bảo đảm an toàn thông tin

- Các hệ thống thông tin được xác định và bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ theo quy định;

- Mô hình “4 lớp” về an toàn thông tin được hoàn thiện và duy trì; các hệ thống dùng chung toàn tỉnh và một số hệ thống phục vụ cục bộ trong phạm vi ngành, địa phương;

- Thiết lập Trung tâm Điều hành An ninh SOC (Security Operation Center) tỉnh Quảng Ngãi để thực hiện chức năng theo dõi, phát hiện, cách ly, xử lý các sự cố và chịu trách nhiệm về mức độ an toàn của toàn bộ hệ thống thông tin của các tổ chức với tần suất giám sát, hoạt động 24/7;

- Bảo đảm nhân lực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu ứng cứu, khắc phục sự cố ATTT trên địa bàn tỉnh;

IV. NHIỆM VỤ

1. Hoàn thiện môi trường pháp lý

- Trình Tỉnh Ủy ban hành Nghị quyết về Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

- Ban hành Khung pháp lý về Kỹ thuật cho Chính quyền số tỉnh Quảng Ngãi gắn với Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Ngãi.

- Xây dựng Đề án tổng thể phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

- Ban hành Quy chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị bằng hình thức truyền hình trực tuyến, sử dụng hệ thống họp không dùng giấy tờ;

- Ban hành Quy chế thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tỉnh Quảng Ngãi;

- Ban hành Quy chế quản lý, vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp tỉnh;

- Ban hành Quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh (bổ sung, sửa đổi);

- Ban hành Quy định việc ứng dụng chữ ký số, các nội dung về thực hiện ký số của tổ chức và cá nhân theo Nghị định 45/2020/NĐ-CP;

- Ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ kết nối, chia sẻ, tích hợp dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh.

- Ban hành Kế hoạch ứng dụng Công nghệ thông tin trong cơ quan hành chính nhà nước, phát triển Chính quyền số hàng năm.

2. Về phát triển hạ tầng kỹ thuật

- Quy hoạch hệ thống địa chỉ mạng máy tính trên phạm vi toàn tỉnh; có lộ trình chuyển đổi sang IPv6 cho toàn bộ hạ tầng mạng máy tính cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ngãi; khuyến cáo các ngành, đơn vị khác áp dụng;

- Nâng cấp, phát triển các trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán dùng chung, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây; tối ưu hóa hiệu năng hệ thống, chi phí đầu tư, sử dụng nhân lực vận hành chất lượng cao; từng bước tiến đến không duy trì các cụm thiết bị máy chủ tại các sở ban ngành, UBND cấp huyện;

- Bổ sung, thay thế thiết bị và mạng máy tính tại các cơ quan, đơn vị; nhất là đơn vị cấp xã, đảm bảo tiêu chuẩn theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP;

- Sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đồng thời phát triển kênh truyền Internet tốc độ cao; đảm bảo năng lực kết nối thiết bị IoT;

- Đối với hệ thống truyền thanh, từng bước phát triển theo hướng có ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; thực hiện truyền thanh số, truyền thanh IP, phát thanh chủ động theo vùng, miền.

- Phát triển hệ thống theo dõi, giám sát, đảm bảo khả năng kết nối phục vụ điều hành tập trung có ứng dụng công nghệ xử lý hình ảnh chất lượng cao; từng bước hình thành hệ thống điều hành đô thị thông minh của tỉnh đối với các lĩnh vực như giao thông, an ninh trật tự, thông tin trên môi trường mạng, y tế, giáo dục, du lịch, vệ sinh thực phẩm, cảnh báo môi trường và hệ thống dịch vụ công.

3. Về phát triển các hệ thống nền tảng

- Thực hiện nâng cấp để hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh phục vụ cho nhiều ứng dụng dùng chung, thực hiện đăng nhập, xác thực một lần (SSO - Single Sign-On).

- Xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Quảng Ngãi phục vụ kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nội tỉnh, kết nối với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành trung ương.

- Xây dựng nền tảng Chính quyền số tỉnh, là nền tảng tích hợp, chuẩn hóa và quản lý dữ liệu số; cung cấp các bộ dữ liệu (data set) và các dịch vụ dữ liệu (data Services) cho CSDL dùng chung trong tỉnh, đăng ký lên LGSP và NGSP.

- Xây dựng Nền tảng Cổng Dữ liệu mở tỉnh, thực hiện mở dữ liệu cơ quan nhà nước để cung cấp cho tổ chức và công dân theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP.

- Hệ thống nền tảng thanh tra, kiểm tra là một trụ cột của Chính quyền số. Hệ thống được xây dựng, ứng dụng nhằm đáp ứng chỉ tiêu “50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý”.

4. Phát triển dữ liệu

Phát triển dữ liệu trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 tại Quảng Ngãi tuân thủ các quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP và Kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 2.0.

- Tiếp tục phối hợp xây dựng, khai thác CSDL quốc gia, các CSDL chuyên ngành do Bộ, ngành địa phương chủ trì. Tiếp tục vận hành, khai thác, phát triển hệ thống dữ liệu đã được xây dựng tại địa phương.

- Triển khai công tác số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thiết lập Kho kết quả Giải quyết Thủ tục hành chính công và cung cấp Dịch vụ công Cấp bản sao điện tử theo yêu cầu tại Nghị định 45/2020/NĐ-CP.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu và Hệ thống thông tin kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ngãi.

- Xây dựng Hệ thống thông tin Quản lý Hạ tầng kỹ thuật đô thị phục vụ triển khai việc phát triển đô thị thông minh.

- Công tác Quản lý xử lý vi phạm hành chính, kết hợp và bổ trợ cho Hệ thống nền tảng thanh tra, kiểm tra.

- Nâng cấp CSDL về kinh tế công nghiệp và thương mại.

5. Về phát triển các ứng dụng, dịch vụ

Phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong giai đoạn 2021-2025 được thực hiện theo nguyên tắc sử dụng tối đa các nền tảng, dịch vụ dùng chung để tiết kiệm chi phí, thời gian và tối ưu về dữ liệu (lưu trữ, truyền dẫn, tính toán, toàn vẹn), đồng thời tuân thủ Kiến trúc 2.0, độc lập với cấu trúc tổ chức của cơ quan nhà nước hiện hành và tuân thủ quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu số.

a) Phát triển các ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước, các nội dung sau đây sẽ được triển khai, tiếp tục triển khai:

- Tiếp tục duy trì, phát triển Hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin khác, nhất là Hệ thống một cửa và Cổng dịch vụ công trực tuyến.

- Nâng cấp, phát triển Hệ thống quản lý theo dõi nhiệm vụ UBND, Chủ tịch UBND tỉnh và UBND các cấp, tích hợp với phần mềm Quản lý văn bản và điều hành công việc, Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh.

- Triển khai Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh (cấp sở, huyện, xã); kết nối Hệ thống báo cáo Chính phủ.

- Triển khai hình thức hình phòng họp không giấy (e-Cabinet) nhằm tối ưu hóa công tác tổ chức họp, hội nghị.

- Triển khai hình thức Hội nghị truyền hình kết nối đến 3 cấp - tỉnh, huyện, xã; đảm bảo kết nối 4 cấp theo yêu cầu của Chính phủ; kết hợp e-Cabinet để thực hiện một bước về chuyển đổi số trong công tác họp, hội nghị trên địa bàn. Tiếp tục phát triển, vận hành các hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến chuyên ngành y tế, giáo dục, phòng chống lụt bão, cứu nạn cứu hộ.

- Phát triển các ứng dụng chuyên ngành, liên ngành cấp tỉnh trên nền tảng dữ liệu dùng chung; phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý nhà nước chuyên ngành cấp huyện, trong đó ưu tiên xây dựng Cơ sở dữ liệu văn bản cơ quan nhà nước cấp huyện, xã.

- Tổ chức hoạt động tập huấn, triển khác các CSDL/hệ thống thông tin/Phần mềm ứng dụng do Bộ, ngành trung ương chủ trì.

b) Phát triển ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

- Tiếp tục công tác vận hành, phát triển ứng dụng trên nền tảng Cổng thông tin điện tử tỉnh; bổ sung chức năng, tính năng kỹ thuật Trang thông tin điện tử thành phần, thiết lập các kênh thông tin tiếp nhận ý kiến hỏi đáp trên môi trường mạng, tổ chức đối thoại trực tuyến để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

- Phát triển Hệ thống Một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến, hoàn thiện việc tích hợp với các hệ thống thông tin dùng chung, chia sẻ tích hợp với hệ thống thông tin của Trung ương và địa phương nhằm hạn chế việc người dân phải gửi các giấy tờ có liên quan đến hồ sơ do cơ quan nhà nước ban hành. Thực hiện các mục tiêu tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP về Một cửa điện tử và Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/03/2019 về Cổng dịch vụ công quốc gia.

- Thực hiện cung cấp thông tin, dịch vụ thông qua môi trường số cho tổ chức và công dân như Kết quả giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ cấp bản sao điện tử; về đất đai, quy hoạch, môi trường,...bằng giải pháp kết nối các CSDL/Hệ thống thông tin hiện có với nền tảng Cổng dữ liệu mở.

- Tiếp tục phát triển các ứng dụng phục vụ người dân về y tế, giáo dục như bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, khám chữa bệnh từ xa, học tập trực tuyến (e-learning), tuyển sinh trực tuyến, sổ điểm điện tử,..

- Tiếp tục phát triển, vận hành sàn thương mại điện tử tỉnh phục vụ người dân doanh nghiệp, từng bước kết nối, cung cấp thông tin, dịch vụ theo các định hướng phát triển Kinh tế số.

6. Bảo đảm an toàn thông tin

- Kiện toàn, nâng cao năng lực và duy trì hoạt động thường xuyên của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; tham gia tích cực vào các hoạt động của Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia; tăng cường chia sẻ, cung cấp thông tin về sự cố an toàn mạng;

- Thường xuyên rà soát, cập nhật các quy chế, quy định về bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; rà soát, cập nhật, phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin theo quy định tại Thông tư 03/2017/TT-BTTTT;

- Xây dựng và triển khai kế hoạch dự phòng, sao lưu dữ liệu, bảo đảm hoạt động liên tục của cơ quan, tổ chức; sẵn sàng khôi phục hoạt động bình thường của hệ thống khi gặp sự cố mất an toàn thông tin mạng;

- Hoàn thành triển khai, nâng cấp và duy trì bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp (Kiện toàn lực lượng tại chỗ; Lựa chọn tối thiểu một tổ chức, doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; Định kỳ thực hiện kiểm tra, đánh giá độc lập; Kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia). Áp dụng hệ thống quản lý an toàn thông tin mạng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào hoạt động của cơ quan, tổ chức;

- Hoàn thành triển khai Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tỉnh (SOC); kết nối và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC);

- Thường xuyên rà soát hiện trạng, tăng cường đầu tư trang thiết bị kết hợp thuê dịch vụ chuyên nghiệp nhằm nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin, phòng chống mã độc theo mô hình tập trung, ưu tiên đối với Hệ thống trung tâm, Hệ thống cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến;

- Triển khai các giải pháp an toàn bảo mật thông tin, tích hợp chữ ký số chuyên dùng vào hệ thống công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh như: Cổng/Trang thông tin điện tử; Thư điện tử; Một cửa điện tử; phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc... Triển khai các phần mềm phòng chống mã độc đối với máy tính trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh;

- Triển khai giải pháp an toàn bảo mật thông tin đồng bộ trên nền tảng Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh. Xây dựng bảo mật mã xác thực truy nhập bằng OTP (One Time Password) trên hệ thống công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh.

- Tập huấn về an toàn thông tin; Nâng cao kỹ năng an toàn thông tin cho đội ngũ công chức viên chức trên môi trường số. Tổ chức đào tạo hoặc cử cán bộ chuyên trách/phụ trách về an toàn thông tin/công nghệ thông tin tham gia các khóa đào tạo về quản lý, kỹ thuật về an toàn thông tin;

- Tổ chức các chương trình diễn tập, tập huấn về bảo đảm an toàn thông tin mạng với các phương án, kịch bản phù hợp thực tế cho cán bộ chuyên trách/phụ trách về an toàn thông tin của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp;

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức nhà nước và người dùng Internet trên địa bàn;

- Bảo đảm tỷ lệ kinh phí chi cho các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng đạt mức tối thiểu 10% trong tổng kinh phí triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm, giai đoạn 5 năm 2021-2025.

7. Phát triển nguồn nhân lực

- Nâng cao kỹ năng khai thác, ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức viên chức, nhất là đối với cấp huyện, xã. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Kiến tạo môi trường cho tổ chức, cá nhân tham gia mạng học tập mở. Thực hiện theo lộ trình phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh mạng đạt trình độ cơ bản cho người dân. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa số trong cộng đồng;

- Thực hiện nâng cao trình độ quản trị, vận hành và đảm bảo an toàn thông tin cho bộ phận chuyên trách CNTT tại các cơ quan, đơn vị. Tổ chức các khóa đào tạo cập nhật, nâng cao tại tỉnh kết hợp phương án cử cán bộ tham gia đào tạo chuyên đề theo yêu cầu vận hành của Bộ, ngành trung ương. Có phương án sử dụng tối ưu nguồn lực hiện có, nhất là nguồn lực trong cơ quan nhà nước trong điều kiện hạn chế về chỉ tiêu biên chế hiện nay.

- Phát triển nguồn nhân lực tại tỉnh thông qua hoạt động đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới bằng giải pháp “đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng”.

- Phát triển doanh nghiệp công nghệ số theo Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 12/6/2020 của UBND tỉnh kết hợp hình thức thuê dịch vụ đối với các doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn để khai thác nguồn nhân lực phục vụ triển khai Kế hoạch.

V. GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp

- Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về tính cấp thiết của việc xây dựng Chính quyền điện tử/Chính quyền số. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số trong cơ quan với Nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành.

- Tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền cảm hứng, chuyển đổi nhận thức trong toàn xã hội về thực hiện các mục tiêu Kế hoạch.

- Khai thác Cổng đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến nhằm tạo môi trường học tập, đào tạo, thi; kết hợp hình thức hội nghị, hội thảo, tập huấn trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức.

- Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số. Khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số. Phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, hình thành công dân điện tử.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động lựa chọn một xã/phường để triển khai thử nghiệm mô hình “Chính quyền số”; tổng kết kinh nghiệm và có lộ trình mở rộng phạm vi thực hiện phù hợp.

2. Phát triển các mô hình hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp

- Huy động doanh nghiệp bằng các hình thức thuê dịch vụ, tham gia các hoạt động có liên quan tại Kế hoạch này theo quy định.

- Thử nghiệm sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số một cách có kiểm soát, xác định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm, để khuyến khích đổi mới, sáng tạo.

- Phối hợp doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ công thông qua mạng bưu chính công cộng, mạng xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số.

3. Nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ

- Nghiên cứu áp dụng công nghệ hành chính hiện đại, tối ưu hóa mẫu biểu, quy trình để tổ chức áp dụng trong môi trường số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

- Nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ số vào triển khai Chính quyền điện tử/Chính quyền số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối,...

- Áp dụng công nghệ mới nhất về truyền thông xã hội (Social media), truyền thông số; cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính một cách đơn giản, thuận tiện trên thiết bị di động, cung cấp sự trải nghiệm tốt nhất, thân thiện nhất cho người dùng.

4. Thu hút nguồn lực CNTT

- Sử dụng nguồn ngân sách trung ương thông qua các dự án trọng điểm quốc gia và theo ngành dọc để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng CNTT và phát triển nhân lực ứng dụng.

- Cân đối bố trí ngân sách của địa phương cho các chương trình, kế hoạch, dự án ứng dụng CNTT trọng tâm, trọng điểm.

- Ưu tiên bố trí kinh phí thường xuyên của các cơ quan đơn vị để đầu tư máy tính, nâng cấp mạng nội bộ, triển khai ứng dụng nội bộ tại mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp công nghệ số, tập đoàn viễn thông để phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ và sản phẩm số với những nội dung có liên quan đến Kế hoạch.

- Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

5. Tăng cường hợp tác

- Đẩy mạnh thu hút hợp tác về khoa học, công nghệ với các đối tác, đặc biệt là các Cục, Vụ, Học viện, các trường đại học,.. có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến; khuyến khích đội ngũ tại tỉnh chủ động tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

- Lồng ghép các nội dung về liên kết, thu hút hợp tác, đầu tư về khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và các nội dung làm việc với các đối tác nước ngoài cũng như các hoạt động đối ngoại nói chung, nhất là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với một số tỉnh/thành phố về cơ chế, chính sách phát triển mô hình Chính quyền số cấp tỉnh, huyện, xã. Chủ động hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin để triển khai hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại.

VI. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Về hạ tầng CNTT:

- Từ đầu năm 2021, hạ tầng cho Chính quyền điện tử được hoàn thành mức cơ bản, đáp ứng yêu cần vận hành Một cửa điện tử tại các xã, phường. Đến cuối năm 2023, hạ tầng cho Chính quyền số cơ bản được hoàn thành.

- Đến cuối năm 2023, Trung tâm dữ liệu và tính toán số của tỉnh đảm bảo năng lực triển khai Chính quyền số và Đô thị thông minh.

- Năm 2023, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) đi vào hoạt động kết nối với hạ tầng IoT về giao thông và an toàn trật tự, giao thông.

2. Về phát triển hệ thống nền tảng cho Chính quyền số

- Nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung được đưa vào khai thác từ cuối năm 2021, hoàn thiện vào cuối năm 2022; kết nối tất cả các hệ thống thông tin, CSDL và các phân hệ ứng dụng có nhu cầu khai thác dữ liệu dùng chung.

- Nền tảng cho Chính quyền số tỉnh Quảng Ngãi cơ bản được đưa vào ứng dụng vào cuối năm 2024.

- Nền tảng Cổng Dữ liệu mở tỉnh được hình thành vào cuối năm 2023, đáp ứng ngay nhu cầu tổ chức và công dân về khai thác dữ liệu mở của cơ quan nhà nước.

- Nền tảng thanh tra, kiểm tra số đi vào hoạt động từ cuối năm 2022, từng bước kết nối phục vụ nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra số, từng bước tiến đến đạt chỉ tiêu 50% vào năm 2025 theo Kế hoạch đề ra.

(Chi tiết tại Phụ lục kèm theo)

VII. DANH MỤC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

(Chi tiết tại Phụ lục kèm theo)

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai ứng dụng CNTT tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

- Căn cứ Kế hoạch này, thực hiện điều chỉnh Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2025 (phân kỳ thực hiện hàng năm) của ngành, địa phương và triển khai thực hiện năm đầu Kế hoạch (2021). Định kỳ từ năm thứ hai trở đi (2022-2025), tiến hành sơ kết Kế hoạch năm, trên cơ sở đó ban hành Kế hoạch năm tiếp theo; đồng thời tổng hợp nhiệm vụ và dự toán ngân sách chung của cơ quan, đơn vị, địa phương, gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện.

- Chịu trách nhiệm phối hợp với đơn vị chủ trì triển khai các chương trình, dự án, nội dung ứng dụng CNTT tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Chủ động điều chỉnh các quy định về quan hệ phối hợp, các quy trình hành chính phù hợp với việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại Kế hoạch này một cách phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương.

- Cập nhật tình hình hoạt động ứng dụng CNTT của đơn vị, địa phương mình và phần mềm Quản lý hoạt động ứng dụng CNTT tỉnh.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

- Tăng cường công tác tham mưu về hoạt động Ban chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức, triển khai; hướng dẫn các ngành, địa phương triển khai thực hiện năm đầu Kế hoạch (2021). Định kỳ từ năm thứ hai trở đi (2022-2025), tiến hành sơ kết Kế hoạch năm, trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch năm tiếp theo; chịu trách nhiệm cập nhật và tham mưu điều chỉnh Kế hoạch để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc tham mưu phân bổ nguồn lực và phân kỳ thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch, đảm bảo đạt mục tiêu cụ thể và tổng thể của Kế hoạch.

- Cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, chính sách có liên quan đến việc triển khai Kế hoạch.

- Thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc triển khai Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ và các nhiệm vụ theo nội dung chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.

- Theo dõi, kiểm tra, thực hiện chế độ thông tin báo cáo về triển khai thực hiện Kế hoạch.

3. Sở Nội vụ

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng nội dung chương trình các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với nhu cầu triển khai Kế hoạch này và yêu cầu về thực hiện Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu sắp xếp, bố trí công chức, viên chức làm CNTT nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực hiện có trong việc đáp ứng nhu cầu, yêu cầu triển khai Kế hoạch này và các chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính liên quan.

- Tham mưu công tác bố trí, sắp xếp các tổ chức chuyên trách về Công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu, yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp trong việc tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh phương thức phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước; các quy trình hành chính phù hợp với lộ trình đầu tư, triển khai Kế hoạch này theo mục tiêu chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai nhiệm vụ lồng ghép tiêu chí đánh giá về chuyển đổi số vào bộ chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.

4. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn chi thường xuyên, nguồn kinh phí cải cách hành chính và kinh phí hoạt động khoa học công nghệ theo kế hoạch trung hạn, hàng năm; đảm bảo điều kiện triển Kế hoạch này.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn chi đầu tư phát triển cho các nhiệm vụ, dự án tại Kế hoạch này.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

- Ưu tiên kinh phí triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông có liên quan đến nội dung triển khai Kế hoạch.

- Theo dõi, đánh giá, tham mưu đề xuất các nội dung liên quan đến công tác triển khai Kế hoạch này trong mối quan hệ tổng thể về triển khai Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 18/5/2020 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ và Kế hoạch số 271-KH/TU ngày 27/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

7. Sở Công Thương

Chủ trì nghiên cứu, tham mưu các nội dung triển khai Kế hoạch này trong mối quan hệ với chiến lược phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì nghiên cứu, tham mưu các nội dung triển khai Kế hoạch này trong mối quan hệ với chiến lược phát triển xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, nếu có phát sinh vướng mắc hoặc cần phải cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung liên quan cho phù hợp thực tiễn, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để xem xét, chỉ đạo thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ VN tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Quảng Ngãi;
- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh;
- VPUB: CVP, PCVP, các phòng, Ban, đơn vị. CBTH;
- Lưu: VT, KGVXbnt.

CHỦ TỊCH




Đặng Văn Minh

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, PHÁT TRIỂN CHÍNH CHÍNH QUYỀN SỐ TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 21/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi)

ĐVT: Triệu đồng

TT

Danh mục nhiệm vụ, dự án

quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Giai đoạn thực hiện - hoàn thành

Tổng kinh phí

Kinh phí dự kiến theo năm kế hoạch

Nguồn vốn

2021

2022

2023

2024

2025

 

TỔNG

 

 

 

1.229.294

220.736

280.734

285.178

250.458

192.188

 

I

Hoàn thiện môi trường pháp lý

 

 

 

3.180

2.480

700

0

0

0

 

1

Tham mưu Nghị quyết của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Sở Thông tin và Truyền thông

Văn phòng UBND tỉnh; Sở KH&ĐT

2021

 

 

 

 

 

 

 

2

Xây dựng Khung pháp lý về Kỹ thuật cho Chính quyền số gắn với Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Ngãi

Sở Thông tin và Truyền thông

Sở Xây dựng

2021

800

800

 

 

 

 

CTX

3

Xây dựng các Chương trình Đề án triển khai, sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên

Các Sở ngành, UBND cấp huyện

 

2021-2022

380

180

200

 

 

 

CTX

4

Xây dựng các Chương trình Đề án triển khai, sử dụng nguồn vốn chi đầu tư phát triển

Các Sở ngành; UBND cấp huyện

 

 

2.000

1.500

500

 

 

 

CĐTPT

II

Phát triển hạ tầng kỹ thuật

 

 

 

361.700

42.500

83.000

92.500

88.300

55.400

 

1

Chuyển đổi IPv6 cho toàn bộ hạ tầng mạng máy tính cơ quan nhà nước tỉnh

Sở Thông tin và Truyền thông

Các DN viễn thông và cơ quan đơn vị liên quan

2021-2024

800

500

100

100

100

 

CTX

2

Phát triển trung tâm dữ liệu số của tỉnh Quảng Ngãi từ Trung tâm dữ liệu hiện có, đảm bảo năng lực triển khai Chính quyền số và Đô thị thông minh.

Các Sở: TT&TT, TC, NV, TNMT; Văn phòng PUB tỉnh

 

2022-2025

119.500

 

19.500

50.000

40.000

10.000

CĐTPT

3

Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT tại UBND cấp huyện và cấp xã (bao gồm thiết bị cho Bộ phận 1 cửa)

UBND cấp huyện

UBND cấp xã

2021-2025

74.600

14.000

17.600

13.400

15.200

14.400

CTX

4

Nâng cấp thiết bị và mạng máy tính tại các Sở, ban, ngành; đơn vị hành chính thuộc tỉnh

Sở, ban, ngành; đơn vị sự nghiệp

 

2021-2025

86.800

15.000

15.800

16.000

20.000

20.000

CTX

5

Kết nối mạng diện rộng của tỉnh bằng mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Nhà Nước và triển khai Internet tập trung cho hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh

Sở Thông tin và Truyền thông

Các DN viễn thông và cơ quan đơn vị liên quan

2021-2025

15.000

3.000

5.000

3.000

3.000

1.000

CTX

6

Dự án Xây dựng Hệ thống Đài truyền thanh cơ sở

Ứng dụng Công nghệ thông tin - Viễn thông

Sở Thông tin và Truyền thông

UBND cấp huyện, cấp xã

2021-2023

45.000

10.000

25.000

10.000

 

 

CĐTPT

7

Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC)

Sở Thông tin và Truyền thông

Các đơn vị liên quan

2023-2025

20.000

 

 

 

10.000

10.000

CĐTPT

III

Phát triển các hệ thống nền tảng

 

 

 

97.400

20.200

6.250

16.250

25.350

29.350

 

1

Nâng cấp Hệ thống thư điện tử công vụ

Văn phòng UBND tỉnh

 

2023-2025

1.200

 

 

1.000

100

100

CTX

2

Dự án Xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP) tỉnh Quảng Ngãi

Sở Thông tin và Truyền thông

Sở, ban ngành

2021-2022

20.000

20.000

 

 

 

 

CĐTPT

3

Xây dựng nền tảng Chính quyền số tỉnh (nền tảng CSDL thực hiện theo Nghị định 47/2020/NĐ-CP)

Sở Thông tin và Truyền thông

Các Sở ban ngành; UBND cấp huyện

2022-2023

51.000

 

4.000

5.000

16.000

26.000

CTX

4

Xây dựng Nền tảng Cổng Dữ liệu mở tỉnh

Sở Thông tin và Truyền thông

Các Sở ban ngành; UBND cấp huyện

2023-2024

12.000

 

 

8.000

4.000

 

CTX

5

Quản lý, vận hành các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu

Sở Thông tin và Truyền thông

 

2021-2025

1.200

200

250

250

250

250

CTX

6

Hệ thống nền tảng thanh tra, kiểm tra

Thanh Tra Tỉnh

Thanh tra Sở, Huyện

2022-2025

12.000

 

2.000

2.000

5.000

3.000

CTX

IV

Phát triển dữ liệu

 

 

 

337.800

72.550

83.050

65.100

65.050

52.050

 

1

Phối hợp xây dựng, khai thác CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành do Bộ, ngành Trung ương chủ trì

Các Sở, ban ngành

Sở ban ngành, UBND cấp huyện, xã

2021-2025

10.000

2.000

2.000

2.000

2.000

2.000

CTX

2

Xây dựng CSDL, phát triển Hệ thống thông tin Quản lý chuyên ngành, liên ngành cấp tỉnh

Các Sở, ban ngành

Sở TT&TT

2021-2025

124.000

20.000

28.000

28.000

28.000

20.000

CTX

3

Số hóa Kết quả giải quyết Thủ tục hành chính theo Nghị định 45/2020/NĐ-CP

Sở TT&TT, VPUB, Sở NV

Sở ban ngành, UBND cấp huyện, xã

2021-2025

125.000

20.000

25.000

25.000

30.000

25.000

CTX

4

Kho kết quả Giải quyết Thủ tục hành chính và Dịch vụ công cấp bản sao điện tử (triển khai Nghị định 45/2020/NĐ-CP)

Sở Thông tin vả Truyền thông

TT PV HCC Tỉnh; Sở ngành liên quan

2021-2022

5.000

2.000

3.000

 

 

 

CTX

5

Xây dựng Cơ sở dữ liệu và Hệ thống thông tin kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ngãi

Sở Thông tin và Truyền thông

Sở ban ngành, UBND cấp huyện, xã

2021-2023

48.500

23.500

20.000

5.000

 

 

CĐTPT

6

Hệ thống thông tin Quản lý Hạ tầng kỹ thuật đô thị

Sở Xây dựng

Phòng QLĐT, KTHT cấp huyện

2021-2025

25.000

5.000

5.000

5.000

5.000

5.000

CĐTPT

7

Duy trì, phát triển CSDL Kinh tế công nghiệp và thương mại

Sở Công Thương

Doanh nghiệp, người dân

2021-2025

300

50,0

50,0

100,0

50,0

50,0

CTX

V

Phát triển các ứng dụng, dịch vụ

 

 

 

303.514

42.406

73.334

90.828

55.358

41.588

 

V.1

Phục vụ hoạt động nội bộ của CQNN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Phát triển Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (thuê dịch vụ)

Sở Thông tin và Truyền thông

Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, xã

2021-2025

12.500

2.500

2.500

2.500

2.500

2.500

CTX

2

Nâng cấp Hệ thống Quản lý công việc UBND tỉnh (bao gồm ứng dụng tại c Sở ban ngành, UBND cấp huyện, xã)

Văn phòng UBND tỉnh

Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, xã

2023

5.000

 

 

5.000

 

 

CTX

3

Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh (cấp sở, huyện, xã); kết nối Hệ thống báo cáo Chính phủ (Thuê dịch vụ)

Văn phòng UBND tỉnh

Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, xã

2021-2025

8.000

1.600

1.600

1.600

1.600

1.600

CTX

4

Hệ thống phòng họp không giấy (Thuê dịch vụ)

Văn phòng UBND tỉnh

Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, xã

2021-2025

8.500

1.700

1.700

1.700

1.700

1.700

CTX

5

Hệ thống Hội nghị truyền hình 3 cấp - tỉnh huyện xã; đảm bảo kết nối 4 cấp theo yêu cầu của Chính phủ

Sở TT&TT; UBND cấp huyện

VP UBND tỉnh, sở, ngành, DN Viễn thông

2021-2025

58.996

8.568

13.534

12.168

11.098

13.628

CĐTPT

6

Phát triển các ứng dụng chuyên ngành, liên ngành cấp tỉnh dựa trên hệ CSDL ngành, liên ngành; phát triển CSDL và phần mềm QLNN chuyên ngành cấp huyện

Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện

Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, xã

2021-2025

93.000

9.000

18.000

30.000

21.000

15.000

CTX

7

Hệ thống khai thác dữ liệu văn bản cơ quan nhà nước cấp huyện, xã

UBND cấp huyện

UBND cấp huyện, xã; tổ chức và công dân

2023-2025

2.600

 

 

600

1.200

800

CTX

8

Tập huấn, triển khai các Hệ thống thông tin/Phần mềm ứng dụng do Bộ, ngành trung ương chủ trì

Sở, ban ngành

UBND cấp huyện, xã

2021-2025

6.500

1.000

1.200

1.400

1.400

1.500

CTX

9

Dự án chuyển đổi số hoạt động cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Ngãi; xây dựng kho dữ liệu số phục vụ phát triển kinh tế số

Sở Thông tin và Truyền thông

Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, xã

2021-2024

50.000

500

19.500

20.000

10.000

 

CĐTPT

V.2

Phục vụ người dân, doanh nghiệp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Vận hành, phát triển ứng dụng trên nền tảng Cổng thông tin điện tử tỉnh (thuê dch vụ)

Văn phòng UBND tỉnh

Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, xã

2021-2025

8.500

1.700

1.700

1.700

1.700

1.700

CTX

2

Vận hành, phát triển Hệ thống Một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến (thuê dịch vụ)

Sở Thông tin và Truyền thông

TT PPHCC; Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, xã

2021-2025

9.000

1.800

1.800

1.800

1.800

1.800

CTX

3

Cung cấp dữ liệu mở cho người dân bằng kết nối CSDL/Hệ thống thông tin ngành với Cổng dữ liệu mở

Sở Thông tin và Truyền thông

Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện

2021-2025

 

 

 

 

 

 

 

4

Thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử (tiếp tục); bệnh án điện tử; khám chữa bệnh từ xa (năm 2021: 5 điểm; 18 điểm kể từ 2023)

Sở Y Tế

Bệnh viện, Trung tâm Y tế

2021

7.418

2.938

700

1.260

1.260

1.260

CTX

5

Xây dựng hệ thống điều hành thông minh mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện 115 trên địa bàn tỉnh

Sở Y Tế

Doanh nghiệp thực hiện mô hình đối tác công tư

2021-2023

33.000

11.000

11.000

11.000

 

 

CTX

6

Vận hành Sàn thương mại điện tử tỉnh Quảng Ngãi

Sở Công Thương

Doanh nghiệp, người dân

2021-2025

500

100

100

100

100

100

CTX

VI

Bảo đảm an toàn thông tin

 

 

 

95.200

34.500

28.300

14.400

10.300

7.700

 

1

Tập huấn, diễn tập về an toàn thông tin

Sở Thông tin và Truyền thông

các Sở, ban ngành; UBND cấp huyện

2021-2025

1.500

300

300

300

300

300

CTX

2

Nâng cao kỹ năng an toàn thông tin cho đội ngũ công chức viên chức trên môi trường số

các Sở, ban ngành; UBND cấp huyện

Sở Thông tin và Truyền thông

2021-2025

16.500

3.300

3.300

3.300

3.300

3.300

CTX

3

An toàn thông tin cho các mạng LAN: Thiết bị và phần mềm

các Sở, ban ngành; UBND cấp huyện

Sở Thông tin và Truyền thông

2021-2025

19.000

3.800

3.800

3.800

3.800

3.800

CTX

4

Bản quyền phần mềm an ninh mạng cho các Trung tâm dữ liệu

VPUB; các Sở: TT&TT, TC; NV, TNMT

 

2021-2025

6.500

 

3.000

3.500

 

 

CTX

5

Bản quyền phần mềm an ninh mạng cho thiết bị an ninh tại điểm đấu nối mạng LAN của các Sở, ban, ngành, UBND các cấp

Sở Thông tin và Truyền thông

các Sở, ban ngành; UBND cấp huyện

2021-2025

4.000

 

4.000

 

 

 

CTX

6

Triển khai hệ thống phần mềm diệt virus tập trung cho các sở, ban, ngành tỉnh

Sở Thông tin và Truyền thông

các Sở, ban ngành; UBND cấp huyện

2021-2025

6.800

2.000

2.000

2.000

800

 

CTX

7

Triển khai công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng

Sở Thông tin và Truyền thông

các Sở, ban ngành; UBND cấp huyện

2021-2025

6.200

1.600

1.600

1.200

1.800

 

CTX

8

Dự án Tăng cường đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025 (Chuyển tiếp)

Sở Thông tin và Truyền thông

các Sở, ban ngành; UBND cấp huyện

2021

13.500

13.500

 

 

 

 

CĐTPT

9

Xây dựng Hệ thống giám sát an toàn thông tin tỉnh Quảng Ngãi (SOC)

Sở Thông tin và Truyền thông

các Sở, ban ngành; UBND cấp huyện

2021-2022

20.000

10.000

10.000

 

 

 

CĐTPT

10

Quản lý, vận hành hệ thống giám sát điều hành an ninh mạng (SOC)

Sở Thông tin và Truyền thông

các Sở, ban ngành; UBND cấp huyện

2021-2025

1.200

 

300

300

300

300

CTX

VII

Phát triển nguồn nhân lực

 

 

 

30.500

6.100

6.100

6.100

6.100

6.100

 

1

Tổ chức triển khai, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Sở Nội vụ; Sở TT&TT; UBND cấp huyện, xã

CQ HC-SN thuộc UBND các cấp; MT và các Hội Đoàn thể

2021-2025

14.000

2.800

2.800

2.800

2.800

2.800

CTX

2

Đào tạo cán bộ kỹ thuật vận hành hệ thống

Sở Thông tin và Truyền thông

Sở ban ngành, UBND cấp huyện

2021-2025

7.500

1.500

1.500

1.500

1.500

1.500

CTX

3

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp

Sở Nội vụ; Sở TT&TT; UBND cấp huyện

Các Sở ban ngành; UBND cấp xã

2021-2025

9.000

1.800

1.800

1.800

1.800

1.800

CTX

 

TỔNG

 

 

 

1.229.294

220.736

280.734

285.178

250.458

192.188

 

 

TỔNG HỢP NHU CẦU KINH PHÍ PHÂN THEO NĂM KẾ HOẠCH VÀ THEO NGUỒN VỐN:

 ĐVT: Triệu đồng

Tổng

NHU CẦU KINH PHÍ THEO NĂM KẾ HOẠCH

Phân theo nguồn vốn

2021

2022

2023

2024

2025

806.798

128.168

167.700

183.010

174.360

153.560

CTX (Chi Thường xuyên)

422.496

92.568

113.034

102.168

76.098

38.628

CĐTPT (Chi đầu tư phát triển)

1.229.294

220.736

280.734

285.178

250.458

192.188

 

Ghi chú:c nội dung, nhiệm vụ và kinh phí sẽ được điều chỉnh và chuẩn xác trong quá trình xây dựng Kế hoạch hàng năm và triển khai thực hiện.