Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1524/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 22 tháng 8 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO VIỆC XÂY DỰNG QUAN HỆ LAO ĐỘNG HÀI HÒA, ỔN ĐỊNH VÀ TIẾN BỘ TRONG DOANH NGHIỆP

Thực hiện Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Kết luận số 96-KL/TW ngày 07/4/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05/8/2008 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; Công văn số 2497/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 19/6/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công.

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, cụ thể như sau:

I. Mục đích

Tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan Quản lý nhà nước và tổ chức công đoàn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động, góp phần hướng hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo khuôn khổ pháp luật.

II. Nội dung hoạt động

1. Tiếp tục phổ biến, quán triệt và tuyên truyền, triển khai thực hiện Kết luận số 96-KL/TW ngày 07/4/2014 của Ban Bí thư Trung ương, nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật lao động của người lao động, nhất là các doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên nhằm hạn chế các mâu thuẩn phát sinh từ quan hệ lao động có nguy cơ dẫn đến tranh chấp lao động và đình công.

2. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, trong đó tập trung vào những địa bàn có nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, những nội dung dễ phát sinh tranh chấp lao động như tiền lương, làm thêm giờ, phúc lợi, ăn ca, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

3. Nâng cao hiệu lực, hiểu quả quản lý nhà nước đối với lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật về việc làm, bảo hiểm xã hội, tiền lương tối thiểu, dạy nghề, an toàn vệ sinh lao động,...; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ quản lý; tăng cường hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về lao động; khen thưởng, biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt.

- Ban hành cơ chế, chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình phúc lợi... nhằm góp phần tạo điều kiện ăn ở, học tập, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người lao động.

- Thực hiện tốt cơ chế phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ trong quản lý nhà nước đối với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh.

4. Tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử hòa giải viên tham gia giải quyết tranh chấp lao động và miễn nhiệm hòa giải viên lao động; hướng dẫn các vấn đề về quan hệ lao động; tăng cường các thiết chế hòa giải và trọng tài theo quy định của pháp luật; tiếp tục rà soát, bổ sung và thực hiện quy chế phối hợp giữa Liên đoàn lao động tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan.

5. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động; tăng cường gắn bó giữa doanh nhân với người lao động trong doanh nghiệp; xây dựng và phát huy tốt vai trò của đội ngủ doanh nhân trên địa bàn tỉnh.

III. Tổ chức thực hiện

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1.1. Chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn việc thực hiện Bộ luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội cho người sử dụng lao động và người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong quan hệ lao động; hướng dẫn người sử dụng lao động phối hợp chặt chẽ với tổ chức Công đoàn thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách đối với người lao động; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, cải tiến kỷ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và năng suất lao động; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng Nội quy lao động, Thỏa ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, quy chế trả lương,...

- Hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập Hội đồng Hòa giải lao động cơ sở và xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng Hòa giải lao động cơ sở; đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho hòa giải viên lao động cấp huyện nhằm thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tranh chấp lao động và đình công không đúng trình tự pháp luật quy định;

- Rà soát, tham mưu bổ sung và tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh;

- Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật về việc làm, bảo hiểm xã hội, tiền lương tối thiểu, an toàn lao động... nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quan hệ lao động trong doanh nghiệp; đề xuất khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về Lao động.

1.2. Hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ trình bổ nhiệm, miễn nhiệm hòa giải viên lao động theo đúng quy định pháp luật hiện hành; thẩm định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh.

1.3. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ chuyên môn về lao động cho cán bộ quản lý nhà nước về lao động các cấp.

1.4. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, giám sát, đôn đốc thực hiện theo chỉ đạo tại Kế hoạch này; định kỳ 6 tháng (trước ngày 20/6), một năm (trước ngày 30/12) tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện gửi về UBND tỉnh; đồng thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chế độ báo cáo đột xuất (khi có yêu cầu).

2. Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan đề xuất tăng cường đầu tư xây dựng phát triển hệ thống công trình cơ sở hạ tầng; đồng thời có giải pháp kêu gọi, vận động các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động trong Khu kinh tế xây dựng các công trình phúc lợi (ưu tiên xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu kinh tế) nhằm góp phần cải thiện điều kiện ăn ở, học tập, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người lao động.

3. Bảo hiểm xã hội tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Quản lý chặt chẽ công tác thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiễm y tế, đảm bảo giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ mọi chế độ cho các đối tượng thụ hưởng.

Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động nhằm giám sát việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; phát hiện kịp thời và đề xuất các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Làm tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố các theo quy định của pháp luật.

4. Công an tỉnh

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Công an các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên nắm tình hình, phát hiện kịp thời các mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ các doanh nghiệp. Chủ động có biện pháp ngăn chặn, kiềm chế các hành động quá khích và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp kích động lợi dụng hình thức đình công, lãn công gây mất trật tự xã hội.

5. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

5.1. Tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật lao động tới người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp;

5.2. Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, giải quyết các tranh chấp lao động tại các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý; nắm bắt diễn biến tình hình thực hiện pháp luật của các doanh nghiệp tại các khu kinh tế để giải quyết các tranh chấp phát sinh; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động – TBXH) về việc chấp hành pháp luật lao động trên địa bàn quản lý.

5.3. Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt cơ chế phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với khu kinh tế trên địa bàn tỉnh theo Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

6. Đề nghị Hội doanh nghiệp tỉnh, Liên minh hợp tác xã tỉnh

6.1. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động; tăng cường sự gắn bó giữa người sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp; xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

6.2. Nêu gương những đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và phê bình nghiêm khắc những đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện không tốt chính sách, pháp luật về lao động (đặc biệt là công tác an toàn, vệ sinh lao động)

6.3. Tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

7.1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương chỉ đạo các phòng, ban có liên quan tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng quan hệ lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn; xác định những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể, đảm bảo mục tiêu ổn định chính trị, xã hội, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tạo việc làm, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động;

7.2. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lao động. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ các bộ quản lý, tăng cường công tác giám sát, hướng dẫn việc thực hiên pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý.

7.3. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, tiến hành lập hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm Hòa giải viên lao động nhằm hướng dẫn giải quyết kịp thời các vấn đề tranh chấp lao động trên địa bàn quản lý.

7.4. Chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan Liên đoàn Lao động cùng cấp hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn nhằm thực hiện vai trò đại diện người lao động; thường xuyên theo dỏi và kịp thời giải quyết những vướng mắc, mâu thuẩn phát sinh trong quan hệ lao động, không để tranh châp kéo dài dẫn đến đình công. Chủ động các biện pháp giải quyết tranh chấp lao động tập thể và quyền xảy ra trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

8. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh

- Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội cho người sử dụng lao động và người lao động; phối hợp với các ngành có liên quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Trên đây là Kế hoạch của UBND tỉnh về Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc các đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ LĐTB&XH;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- Lưu VT, VX.

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng