Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 154/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 07 tháng 9 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA ĐẢM BẢO CẤP NƯỚC AN TOÀN KHU VỰC NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2017-2025

Thực hiện Quyết định số 1566/QĐ-TTg ngày 09/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia đảm bảo cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025 và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 5742/BNN-TCTL ngày 13/7/2017, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025 với nội dung chính như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao tính bền vững; hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hoạt động quản lý, khai thác, vận hành các công trình cấp nước tập trung nông thôn; qua đó tăng cường vai trò và sự tham gia của người dân;

- Tăng cường trách nhiệm quản lý, tính tự chủ của các tổ chức, đơn vị quản lý khai thác và vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn; giảm tỷ lệ thất thoát, tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường; góp phần nâng cao sức khỏe và điều kiện sống của người dân nông thôn;

- Phấn đấu đến năm 2020 có 95% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 70% dân cư nông thôn được sử dụng nước đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 35%; Giảm thiểu 20% bệnh tiêu chảy liên quan đến nước ăn uống.

- Đến năm 2025 có 97% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 75% dân cư nông thôn được sử dụng nước đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 50%; Giảm thiểu 30% bệnh tiêu chảy liên quan đến nước ăn uống.

2. Yêu cầu

- Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút vốn đầu tư, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước tập trung nông thôn.

- Nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền các cấp, các ngành trong việc xây dựng, quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn.

- Truyền truyền sâu rộng tới người dân về nước sạch nông thôn, ý thức bảo vệ nguồn nước và công trình cấp nước; nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý vận hành công trình.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Hiện trạng cấp nước nông thôn

Đến hết năm 2016, bằng các nguồn vốn đầu tư khác nhau và công sức của nhân dân, trên địa bàn nông thôn tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng được trên 37.240 giếng đào; 5100 giếng khoan; 5050 bể chứa nước mưa và trên 5300 ống dẫn nước riêng hộ gia đình; 362 công trình cấp nước tập trung trong đó 46 công trình hoạt động bền vững chiếm 12,7%, 213 công trình hoạt động trung bình chiếm 59%, 101 công trình hoạt động kém hiệu quả chiếm 28%, 2 công trình không hoạt động chiếm 0,6%; Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2016 đạt 87%; 47% số dân nông thôn được sử dụng nước đạt quy chuẩn.

Công trình cấp nước tâp trung sau khi thi công xong đều giao cho xã quản lý; đa số các xã chưa thành lập ban quản lý nước, chưa thu tiền sử dụng nước của người dân để phục vụ quản lý vận hành, sửa chữa để đảm bảo công trình hoạt động có hiệu quả, bền vững.

2. Nội dung thực hiện

2.1. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách đảm bảo cấp nước an toàn

- Xây dựng các quy định và hướng dẫn cụ thể về thực hiện đảm bảo cấp nước an toàn phù hợp với điều kiện của địa phương; nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích và khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác cung cấp dịch vụ đảm bảo cấp nước an toàn.

- Xây dựng và phê duyệt giá nước phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

2.2. Quản lý khai thác và bảo vệ tài nguyên nước

Lập hành lang bảo vệ nguồn nước, xây dựng các phương án bảo vệ, cải tạo chất lượng nguồn nước khai thác đáp ứng yêu cầu về đảm bảo cấp nước an toàn;

- Thường xuyên theo dõi, kiểm soát các nguồn gây ông nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước; xây dựng hệ thống cảnh bảo gây ô nhiễm chất lượng nước;

- Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về xả thải, gây ông nhiễm nguồn nước, khai thác sử dụng nguồn nước trái phép.

2.3. Thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn và đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thông cấp nước tập trung nông thôn

- Hàng năm rà soát cụ thể nhu cầu sử dụng nước, xây dựng kế hoạch và phương án cấp nước cho khu vực nông thôn đặc biệt là những vùng khan hiếm nước, ông nhiễm nguồn nước, chưa có công trình cấp nước tập trung;

- Kiểm tra, rà soát hiện trạng các công trình cấp nước để có kế hoạch xây mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung đảm bảo cấp nước an toàn.

- Nghiên cứu áp dụng công nghệ xử lý nước hiệu quả, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu đảm bảo cấp nước an toàn.

2.4. Nâng cao năng lực về cấp nước an toàn

- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp quản lý lĩnh vực cấp nước trong việc tổ chức quản lý thực hiện cấp nước an toàn; kiểm soát chất lượng nước, thực hiện thỏa thuận dịch vụ cấp nước trên địa bàn;

- Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp vận hành, quản lý công trình cấp nước.

2.5. Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng

Truyền thông sâu rộng tới người dân về Chương trình quốc gia đảm bảo cấp nước an toàn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân đối với việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước, bảo vệ các công trình cấp nước.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tổng vốn giai đoạn 2017-2025

Tổng kinh phí cần thiết thực hiện cấp nước an toàn khu vực nông thôn trong giai đoạn 2017-2025 là: 176.987 triệu đồng.Trong đó:

- Truyền thông về cấp nước an toàn và nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn: 800 triệu đồng.

- Tập huấn truyền thông quản lý vận hành công trình: 387 triệu đồng.

- Xây mới 20 công trình cấp nước: 80.000 triệu đồng.

- Sửa chữa nâng cấp 100 công trình cấp nước: 95.800 triệu đồng.

2. Nguồn vốn và cơ cấu vốn

Vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

(Có biểu chi tiết kèm theo)

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Xây dựng

- Thực hiện nhiệm vụ Thường trực Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch tỉnh theo Quyết định số 2335/QĐ-UBND ngày 6/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và duy trì kế hoạch cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và duy trì kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn;

- Vận động thu hút nguồn vốn cho các hoạt động thực hiện Kế hoạch này.

3. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích và khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt kế hoạch này;

- Đề xuất, hướng dẫn cơ chế tài chính và giải quyết vướng mắc về tài chính đối với việc thực hiện các nhiệm vụ có liên quan;

- Bố trí nguồn vốn, vận động thu hút nguồn vốn ODA cho các hoạt động của kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với Cảnh sát môi trường và các cơ quan liên quan kiểm tra, thanh tra các hoạt động xả thải ra môi trường của các cá nhân, tổ chức nhằm bảo vệ nguồn nước, phòng ngừa các nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Phối hợp chỉ đạo việc khắc phục, xử lý kịp thời các sự cố, các vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước phục vụ công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh.

- Quản lý việc cấp phép khai thác, xả thải và sử dụng tài nguyên nước đảm bảo an toàn cấp nước;

- Quản lý việc sử dụng đất cho việc xây dựng các công trình phục vụ cho kế hoạch cấp nước an toàn;

- Chủ trì cùng Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố và các Doanh nghiệp cấp nước tham mưu cho UBND tỉnh xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 32 Luật Tài nguyên nước;

- Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; giám sát các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước;

- Chỉ đạo xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nước;

- Chỉ đạo kiểm tra và xử lý các vi phạm về hành lang bảo vệ nguồn nước, xả thải gây ô nhiễm nguồn nước cấp nước sinh hoạt, đề xuất các giải pháp quản lý nguồn ô nhiễm nhằm bảo vệ và duy trì chất lượng nguồn nước;

- Chỉ đạo công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước trên địa bàn, đánh giá hiện trạng nguồn nước và định kỳ báo cáo Ban chỉ đạo về chất lượng nguồn nước, các nguy cơ ảnh hưởng tới sự an toàn của nguồn nước.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì triển khai các hoạt động liên quan tới kế hoạch cấp nước an toàn tại khu vực nông thôn; báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ với Trưởng Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch tỉnh theo quy định;

- Xây dựng kế hoạch phòng ngừa, bảo vệ và xử lý, khắc phục kịp thời các vấn đề liên quan đến các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn có liên quan tới phân bổ và sử dụng nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt.

6. Sở Y tế

- Hướng dẫn áp dụng các quy định về chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt;

- Giám sát, kiểm tra đánh giá chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của các cơ sở hoạt động sản xuất, tiêu thụ nước sạch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn;

- Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng trực tiếp giám sát, kiểm tra đánh giá chất lượng nước ăn uống, chất lượng nguồn nước khai thác.

7. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp cùng các cơ quan liên quan chỉ đạo, xây dựng định hướng cho các cơ quan báo chí của tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố thông tin tuyên truyền về Kế hoạch triển khai Chương trình Quốc gia cấp nước an toàn khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2017-2025.

- Thông tin tuyên truyền về hoạt động của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc bảo vệ nguồn nước, bảo vệ hệ thống cấp nước, bảo vệ môi trường và sử dụng nước tiết kiệm.

8. Công an tỉnh

- Giúp Trưởng Ban về công tác kiểm tra, giám sát thực hiện cấp nước, bảo vệ nguồn nước, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường toàn tỉnh thực hiện các hoạt động nắm tình hình, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường nước;

- Phối hợp kiểm tra định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện các quy định về bảo đảm cấp nước an toàn theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

9. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh

- Đề xuất, thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất và giám sát chất lượng nước cấp đảm bảo đạt chuẩn theo các quy định của Bộ Y tế và việc tuân thủ các quy định về cấp nước đối với các cơ sở cấp nước trên địa bàn tỉnh;

- Đề xuất và thực hiện các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng cùng bảo vệ nguồn nước và vệ sinh các dụng cụ chứa nước tại hộ gia đình.

10. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn

Trực tiếp tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch tỉnh trong công tác quy hoạch, phát triển hệ thống cấp nước nông thôn và chịu trách nhiệm tổng hợp về công tác tổ chức lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn tại khu vực nông thôn.

11. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo UBND các xã thành lập ban quản lý nước, vận động các tổ chức và mọi người tích cực tham gia bảo vệ nguồn nước; sử dụng nước tiết kiệm. Tích cực tham gia giám sát cộng đồng về cấp nước an toàn và hoạt động xả thải của các tổ chức, cá nhân; khi phát hiện hành vi vi phạm, cần báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn, khắc phục và xử lý.

- Theo dõi, rà soát các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch các khu/cụm công nghiệp để triển khai khắc phục các hiện trạng xả thải gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến nguồn nước cấp.

- Phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện việc kiểm tra, xử lý hoạt động vi phạm về môi trường nhằm bảo vệ nguồn nước; xử lý các hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ nguồn nước và hành lang bảo vệ hệ thống ống cấp nước và các trường hợp phá hoại công trình cấp nước trên địa bàn.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các phường, xã, thị trấn, phối hợp với các đơn vị, giám sát các cơ sở, đơn vị cấp nước trong quá thực hiện cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch, phối hợp với đơn vị cấp nước trong việc việc khắc phục các sự cố về cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn, đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch kịp thời.

- Phê duyệt giá thu tiền sử dụng nước do UBND các xã trình.

12. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

Các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, hộ gia đình có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, bảo vệ các công trình cấp nước, bảo vệ môi trường, sử dụng nước tiết kiệm; giám sát, kiểm tra chất lượng nước; phát hiện và thông báo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm nhằm đảm bảo thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn.

Yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện Kế hoạch này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lý Vinh Quang