ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 156/KH-UBND | Thanh Hóa, ngày 08 tháng 7 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ HÒA GIẢI VIÊN Ở CƠ SỞ GIAI ĐOẠN 2019 - 2022” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
Thực hiện Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải ở cơ sở để giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; tạo chuyển biến căn bản trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
- Phấn đấu đến hết năm 2020 ít nhất 95% tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; 60-75% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành; 100% đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu để hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở.
- Phấn đấu đến hết năm 2022 có 100% hòa giải viên ở cơ sở mới được bầu, bổ sung, kiện toàn hàng năm được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành; ít nhất 90% hòa giải viên ở cơ sở được tiếp cận và sử dụng Bộ Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở bằng các hình thức phù hợp để tự nâng cao năng lực, nghiệp vụ hòa giải; từ 80 - 90% hòa giải viên được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành.
- Các cấp, các ngành tích cực, chủ động trong việc củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ những người làm công tác hòa giải ở cơ sở; giảm số vụ việc phải đưa ra Tòa án và các cơ quan Nhà nước giải quyết, tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội và của Nhà nước.
- Các hoạt động triển khai Đề án phải phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị, gắn với thời gian và lộ trình thực hiện cụ thể; đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đảm bảo Đề án được triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả.
II. NỘI DUNG
1. Xây dựng đội ngũ tập huấn viên có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp để hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở
a) Xây dựng đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh (3 - 5 người), cấp huyện (4 - 8 người/huyện, thị xã, thành phố) từ nguồn cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp; cán bộ, công chức thuộc tổ chức chính trị - xã hội tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; báo cáo viên pháp luật và các cá nhân khác đáp ứng tiêu chuẩn làm hòa giải viên ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng đội ngũ tập huấn viên cấp huyện.
- Cơ quan phối hợp: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Viện Nam cùng cấp, Hội Luật gia cùng cấp; Đoàn luật sư tỉnh.
- Thời gian thực hiện: năm 2020.
b) Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện.
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
- Cơ quan phối hợp: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Hội Luật gia, Đoàn luật sư tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Hằng năm.
2. Phát hành các tài liệu dành cho đội ngũ tập huấn viên (tài liệu về phương pháp hướng dẫn kỹ năng bồi dưỡng cho hòa giải viên, bài giảng mẫu, tài liệu hỗ trợ khác).
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
- Cơ quan phối hợp: UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm.
3. Thực hiện chỉ đạo điểm
Sở Tư pháp phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn, thực hiện chỉ đạo điểm tại 12 đơn vị cấp xã tại 4 huyện, thị xã, thành phố (ưu tiên lựa chọn các xã chưa đạt tiêu chí về hòa giải ở cơ sở khi đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật). Hoạt động chỉ đạo điểm tập trung và các nội dung sau:
- Hướng dẫn tạo điều kiện cho người có kiến thức, trình độ hiểu biết pháp luật; những người đã từng công tác trong các cơ quan, lĩnh vực nghề nghiệp về pháp luật có đủ tiêu chuẩn đang cư trú tại địa phương tham gia làm hòa giải viên hoặc hỗ trợ cho tổ hòa giải ở cơ sở.
- Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ (tổ chức các lớp tập huấn, cấp phát tài liệu; tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm...) cho hòa giải viên của đơn vị cấp xã được chỉ đạo điểm; hỗ trợ nguồn lực thực hiện hòa giải các vụ việc phức tạp, tranh chấp giá trị tài sản lớn, tranh chấp đất đai và các trường hợp vi phạm pháp luật nhưng được miễn trách nhiệm hình sự do người bị hại tự nguyện hòa giải theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
- Rà soát, đánh giá, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải. Hỗ trợ, huy động nguồn lực xã hội nhằm nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên.
- Định kỳ hàng năm thực hiện đánh giá hiệu quả công tác chỉ đạo điểm; biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ hòa giải, hòa giải viên, cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở.
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
- Cơ quan phối hợp: UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm.
4. Xây dựng đội ngũ hòa giải viên có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng nhu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở
a) Tổ chức rà soát, thay đổi, bổ sung hòa giải viên đối với những tổ hòa giải còn thiếu hòa giải viên hoặc có hòa giải viên hoạt động mang tính hình thức, không hiệu quả; bảo đảm các tổ hòa giải có đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở.
- Cơ quan chủ trì: UBND các xã, phường, thị trấn.
- Cơ quan phối hợp: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã.
- Thời gian thực hiện: Năm 2019 và các năm tiếp theo.
b) Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên
- Cơ quan chủ trì: UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Cơ quan phối hợp: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm.
5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động hòa giải ở cơ sở
a) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở.
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông.
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2020 và các năm tiếp theo.
b) Đăng tải Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên ở cơ sở, các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng, các ấn phẩm khác về hòa giải ở cơ sở trên cơ sở dữ liệu về phổ biến, giáo dục pháp luật, trên mạng xã hội, các phương tiện phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở.
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
- Cơ quan phối hợp: Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2020 và các năm tiếp theo.
6. Tổ chức hội nghị, tọa đàm, đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, trao đổi, đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, vấn đề mới phát sinh trong công tác hòa giải ở cơ sở
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Cơ quan phối hợp: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận cùng cấp, các tổ chức và cá nhân có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm.
7. Huy động nguồn lực từ xã hội hỗ trợ hoạt động hòa giải ở cơ sở
- Huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho công tác hòa giải ở cơ sở theo tinh thần nâng cao trách nhiệm xã hội của tổ chức, doanh nghiệp.
- Khuyến khích Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, các trung tâm tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư hỗ trợ tài liệu, tư vấn, tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở; vận động và tạo điều kiện cho thành viên của tổ chức mình tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở.
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Cơ quan phối hợp: Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2019 và các năm tiếp theo.
8. Tổ chức kiểm tra, tổng kết thực hiện Đề án; tôn vinh, biểu dương, khen thưởng những hòa giải viên, tổ hòa giải ở cơ sở điển hình, xuất sắc, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, UBND các cấp.
- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận các cấp.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí triển khai thực hiện các hoạt động tại Kế hoạch này được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định phân cấp ngân sách của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Việc lập dự toán, bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải ở cơ sở thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước trên cơ sở nội dung Kế hoạch thực hiện Đề án đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện Đề án theo từng năm; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tham mưu khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Kế hoạch thực hiện đề án và tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp, UBND tỉnh.
2. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông tuyên truyền về các nội dung, nhiệm vụ triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án, các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở và tình hình, kết quả hòa giải ở cơ sở; phối hợp hướng dẫn các sở, ngành, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
3. Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản khác có liên quan.
4. Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến trên báo, đài các quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở và tình hình triển khai thi hành pháp luật về hòa giải ở cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh: Phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng Kế hoạch, theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng kết việc triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức thành viên ở địa phương phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ thuộc Kế hoạch; tăng cường hoạt động truyền thông, vận động thuyết phục thành viên, hội viên và nhân dân tham gia giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở.
6. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh: Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; hỗ trợ, cung cấp tài liệu, tổ chức xây dựng mô hình huy động luật gia, luật sư, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký tòa án, kiểm sát viên, hỗ trợ nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án tại địa phương thuộc phạm vi quản lý; bố trí ngân sách hàng năm để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tư pháp.
Trên đây là Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị báo cáo, đề xuất gửi Sở Tư pháp để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Kế hoạch 112/KH-UBND năm 2019 thực hiện Quyết định 428/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022 tại tỉnh Thái Nguyên
- 2 Kế hoạch 2885/KH-UBND năm 2019 thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022 trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 3 Kế hoạch 271/KH-UBND năm 2019 thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022 trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- 4 Quyết định 428/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
- 6 Bộ luật hình sự 2015
- 7 Bộ luật tố tụng hình sự 2015
- 8 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 9 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013
- 1 Kế hoạch 112/KH-UBND năm 2019 thực hiện Quyết định 428/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022 tại tỉnh Thái Nguyên
- 2 Kế hoạch 2885/KH-UBND năm 2019 thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022 trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 3 Kế hoạch 271/KH-UBND năm 2019 thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022 trên địa bàn tỉnh Lào Cai