Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 156/KH-UBND

Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 05 tháng 11 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Công văn số 1537/BNN-TCLN ngày 04/3/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng;

Căn cứ Quyết định số 2149/QĐ-UBND ngày 21/8/2019 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phê duyệt Đề án thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;

Để triển khai Đề án thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh đảm tiến độ và theo đúng quy định của pháp luật, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh với nội dung như sau:

I. Mục đích

- Triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp.

- Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, tạo điều kiện quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên rừng và tài nguyên đất lâm nghiệp hiệu quả.

- Nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của những đối tượng được hưởng lợi từ rừng, hoặc có các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng; thể hiện trách nhiệm, năng lực, hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng của các chủ rừng, các tổ chức, hộ nhận khoán rừng trong quá trình thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần quản lý bảo vệ rừng bền vững.

- Bảo vệ, cân bằng môi trường sinh thái; bảo tồn đa dạng sinh học; giảm thiểu, hạn chế tác hại của thiên tai (lũ lụt, hạn hán, xói lở đất, sa mạc hóa đất đai, làm sạch môi trường không khí, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu...).

II. Yêu cầu

- Bám sát nội dung của Quyết định số 2149/QĐ-UBND ngày 21/8/2019 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phê duyệt Đề án thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Xác định phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị để triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

- Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, đúng kế hoạch và đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

III. Nội dung thực hiện

1. Đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng

- Nhà máy thủy điện phải chi trả tiền dịch vụ bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối, điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện: Nhà máy thủy điện Sông Ray, huyện Châu Đức

- Các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch:

+ Công ty cổ phần cấp nước Bà Rịa-Vũng Tàu.

+ Công ty cổ phần cấp nước Châu Đức.

+ Công ty cổ phần cấp nước Phú Mỹ.

+ Công ty TNHH cấp nước Tóc Tiên.

+ Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn.

+ Trạm cung cấp nước huyện Côn Đảo.

- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phải chi trả tiền dịch vụ bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng.

2. Đối tượng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng

- Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

- Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo.

- Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Các cá nhân, hộ gia đình ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng với các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu.

3. Hình thức chi trả và mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng

a) Hình thức chi trả

- Chi trả gián tiếp (thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh). Áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thủy điện, các cơ sở sản xuất kinh doanh nước sạch và các cơ sở kinh doanh du lịch trong trường hợp không xác định được chủ rừng và tổ chức để thực hiện chi trả trực tiếp.

- Chi trả trực tiếp cho chủ rừng (không thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh). Áp dụng đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

b) Mức chi trả

- Đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy điện: 36 đồng/kwh.

- Đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước sạch: 52 đồng/m3.

- Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch:

+ Mức chi trả tối thiểu 1% trên tổng doanh thu du lịch thực hiện trong kỳ đối với các cơ sở kinh doanh du lịch đặt trụ sở kinh doanh trong rừng, sử dụng môi trường rừng dể kinh doanh các dịch vụ du lịch.

+ Mức chi trả tối thiểu 1% trên 30% tổng doanh thu du lịch thực hiện trong kỳ đối với các cơ sở kinh doanh du lịch có trụ sở ở bên ngoài khu rừng, nhưng hoạt động kinh doanh các sản phẩm du lịch trong rừng (các cơ sở trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, thành phố Bà Rịa, huyện: Xuyên Mộc, Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ).

+ Mức chi trả tối thiểu 1% trên 20% tổng doanh thu du lịch thực hiện trong kỳ đối với các cơ sở kinh doanh du lịch có trụ sở trong vùng được hưởng thụ cảnh quan thiên nhiên, không khí trong lành từ thảm thực vật rừng để thu hút khách du lịch (các cơ sở trên địa bàn huyện Côn Đảo, thành phố Vũng Tàu).

Mức chi trả dịch vụ môi trường rừng (tỷ lệ %) theo các loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch trên do bên cung ứng và bên sử dụng môi trường rừng tự thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức tối thiểu 1%.

- Không thu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch khi đã hoàn thành nộp tiền thuê môi trường rừng tối thiểu là 1% trên tổng doanh thu theo quy định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho thuê môi trường rừng.

4. Việc tạm ứng, thanh toán, quyết toán triền chi trả dịch vụ môi trường rừng:

Thực hiện theo quy định tại Điều 71 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

5. Kiểm tra, giám sát, công khai tài chính:

Thực hiện theo quy định tại Điều 72 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

6. Việc miễn giảm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng:

Thực hiện theo quy định tại Điều 73, 74, 75 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

7. Xử phạt vi phạm hành chính về chi trả dịch vụ môi trường rừng:

Các trường hợp vi phạm quy định về chi trả dịch vụ môi trường rừng: Không ký hợp đồng chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; Không kê khai số tiền dịch vụ môi trường rừng phải chi trả; Không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ số tiền dịch vụ môi trường rừng; Chi trả không đúng hạn tiền dịch vụ môi trường rừng chi đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng; Biện pháp buộc khắc phục hậu quả thực hiện xử phạt theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp.

8. Thời gian thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng: Từ ngày 01/01/2020.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm:

- Lập danh sách các cơ sở kinh doanh du lịch phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo 3 tiêu chí quy định tại Quyết định số 2149/QĐ-UBND ngày 21/8/2019 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Danh sách phải có ký xác nhận của UBND huyện, thị xã, thành phố và gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 15/11/2019 tổng hợp; đồng gửi Sở Du lịch, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Quỹ bảo vệ và phát trin rừng tỉnh và các đơn vị, cơ sở phải chi trả tiên dịch vụ môi trường rừng để biết và thực hiện).

- Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc; khẩn trương báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30 hàng tháng để rà soát, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ rừng tổ chức mời các cơ sở kinh doanh du lịch phải chi trả tiền dịch vụ môi trường phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến việc các đơn vị phải thực hiện các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định.

- Cập nhật và điều chỉnh lại nội dung pháp lý của Quyết định số 2552/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, tham mưu trình UBND tỉnh theo quy định.

- Tổng hợp và công bố chính thức Danh sách các cơ sở có sử dụng DVMTR trên địa bàn từng huyện, thị xã, thành phố bao gồm 3 đối tượng nêu ở mục III.1 nói trên để theo dõi, quản lý trong quá trình thực hiện Đề án kể từ 01/01/2020 trở đi.

- Chỉ đạo 04 đơn vị chủ rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất nêu trên căn cứ bản danh sách các cơ sở du lịch trên địa bàn có xác nhận của UBND cấp huyện, tiến hành ký hợp đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng trực tiếp với từng cơ sở kinh doanh du lịch có liên quan.

- Xây dựng tiến độ triển khai có mốc thời gian cụ thể báo cho từng đơn vị để biết thực hiện.

- Điều chỉnh mức thu tiền dịch vụ môi trường rừng khi Chính phủ điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng.

- Hướng dẫn, phân bổ kinh phí từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng đã thu được trước ngày 01/01/2020 cho các chủ rừng để lập hồ sơ chi trả môi trường rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng, gồm bản đồ và số liệu diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng (đã quy đổi hệ số K), hợp đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng; Cách tính đơn giá chi trả tiền DVMTR tham khảo trong Đề án DVMTR đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng:

+ Ký hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng với các đối tượng phải chi trả dịch vụ môi trường rừng (theo hình thức thức gián tiếp) theo mẫu số 01 Phụ lục VI kèm theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ. Việc ký hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng phải hoàn thành trong Quý IV năm 2019.

+ Hướng dẫn các chủ rừng: Ký hợp đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng với các cá nhân, hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng theo đúng quy định; Ký hợp đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng trực tiếp với các cơ sở kinh doanh du lịch.

+ Hàng năm, tổng hợp, xác định tiền thu, chi dịch vụ môi trường rừng và xây dựng Kế hoạch thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ thông qua, trình UBND tỉnh phê duyệt; Thông báo kế hoạch, kết quả thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm cho các đối tượng phải chi trả và được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng và gửi quyết định phê duyệt kế hoạch thu chi hàng năm của UBND tỉnh về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam.

+ Cách tính đơn giá chi trả tiền DVMTR cho đối tượng cung ứng DVMTR tham khảo trong Đề án DVMTR đã được UBND tỉnh phê duyệt.

+ Hàng năm, chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, chủ rừng xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở chồng xếp bản đồ kết quả kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng của các chủ rừng.

+ Trước ngày 15 tháng 03 hằng năm, chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và chủ rừng là tổ chức xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng năm trước trên cơ sở cập nhật bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng từ kết quả theo dõi diễn biến rừng năm trước (tổ chức kiểm tra, xác minh diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với trường hợp có kiến nghị); Tổng hợp diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng của chủ rừng theo Mẫu số 02 Phụ lục V kèm theo Nghị định này làm cơ sở thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

+ Hàng năm lập dự toán chi tiền quản lý của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ thông qua, trình UBND tỉnh phê duyệt.

+ Việc sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thực hiện theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 70 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

+ Thực hiện kiểm toán độc lập báo cáo tài chính.

+ Phối hợp với đơn vị tư vấn điều tra bổ sung các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp và cơ sở nuôi trồng thủy sản phải chi trả dịch vụ môi trường rừng.

- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm:

+ Phối hợp với các chủ rừng rà soát, xác định bản đồ, số liệu về vị trí, phạm vi, diện tích, trạng thái rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng thống nhất giữa bản đồ và thực địa, báo cáo UBND tỉnh những trường hợp giao đất, giao rừng, khoán rừng không đúng quy định của pháp luật.

+ Phối hợp với các chủ rừng rà soát việc giao khoán cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn theo quy định hiện hành của pháp luật để làm cơ sở ký hợp đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng.

3. Các chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng có trách nhiệm:

- Rà soát, xác định bản đồ, số liệu về vị trí, phạm vi, diện tích, trạng thái rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng thống nhất giữa bản đồ và thực địa, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm).

- Rà soát, thống kê danh sách các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhận khoán, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm) trước ngày 15/11/2019 để kiểm tra, xác định đối tượng được chi trả dịch vụ môi trường rừng theo đúng quy định. Hồ sơ giao khoán rừng phải được số hóa bản đồ, rõ ràng về phạm vi, ranh giới, hiện trạng rừng để làm cơ sở kiểm tra, giám sát việc bảo vệ rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng.

- Ký hợp đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng trực tiếp với đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng là các cơ sở kinh doanh du dịch có liên quan trên địa bàn quản lý của chủ rừng theo danh sách do UBND cấp huyện cung cấp. Mẫu hợp đồng tham khảo theo Mẫu số 01 Phụ lục VI kèm theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ (ký theo hình thức trực tiếp với cơ sở du lịch, không ủy thác qua Quỹ BV&PTR).

- Ký hợp đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng với các cá nhân, hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng theo đúng quy định.

- Quản lý, sử dụng số tiền được chi trả theo đúng quy định của pháp luật.

- Thực hiện chế độ báo cáo thu, chi hàng năm theo quy định nhà nước.

4. Các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng:

- Có trách nhiệm kê khai đầy đủ doanh thu và số tiền dịch vụ môi trường rừng phải chi trả theo tỷ lệ hoặc mức tối thiểu nhà nước quy định và thỏa thuận với bên cung ứng, ký hợp đồng ủy thác với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hoặc ký hợp đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng trực tiếp với các đơn vị chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng (đối với các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng là các cơ sở kinh doanh du dịch).

- Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đầy đủ và đúng hạn theo hợp đồng cho chủ rừng trong trường hợp chi trả trực tiếp và cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh trong trường hợp chi trả gián tiếp.

5. Giao Sở Du lịch, Sở Công thương, Sở Xây dựng có trách nhiệm thông báo kế hoạch này đến các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc ngành mình theo dõi, quản lý để biết và thực hiện.

6. Giao Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tổ chức, tuyên truyền, phổ biến về pháp luật liên quan đến lâm nghiệp và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thông tin công khai danh sách các đơn vị cung ứng và sử dụng DVMTR trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để nhân dân, các doanh nghiệp biết và thực hiện chính sách này.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị kịp thời báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý theo đúng quy định./.

 


Nơi nhận:
- TTr-Tỉnh ủy (b/c);
- TTr-HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT-UBND tỉnh (b/c);
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các Sở: NN và PTNT, XD, CT, DL, TT-TT, VH-TT, Đài PT-TH;
- Lưu VP.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Tuấn Quốc