Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 159/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 01 tháng 7 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHỈ THỊ 44-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ VỀ ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC XUẤT BẢN, PHÁT HÀNH VÀ NGHIÊN CỨU, HỌC TẬP SÁCH LÝ LUẬN, CHÍNH TRỊ

Thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị (sau đây gọi là Chỉ thị 44-CT/TW), Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị 44-CT/TW với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt sâu sắc, và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 44-CT/TW của Ban Bí thư; xác định nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, đơn vị trong công tác triển khai thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW nhằm nâng cao chất, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị trên địa bàn tỉnh.

2. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách lý luận, chính trị trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới đất nước; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.

3. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, thủ tưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị, góp phần nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của sách lý luận, chính trị.

2. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập và đọc sách lý luận, chính trị cho cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao trình độ lý luận, đấu tranh phòng, chống suy thoải về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

3. Đổi mới, nâng cao chất lượng sách lý luận chính trị đa dạng về hình thức, phong phú về thể loại.

4. Đầu tư cơ sở vật chất các NXB trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng xu thế của thời đại 4.0.

5. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị.

6. Xây dựng kế hoạch đặt hàng mua sách lý luận chính trị và bố trí địa điểm đặt tủ sách phù hợp với cơ quan, đơn vị nơi công tác...

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tổ chức quán triệt, học tập Chỉ thị 44-CT/TW của Ban Bí thư

- Tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chị thị 44-CT/TW, của việc xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị trong giai đoạn hiện nay; phấn đấu hoàn thành việc tổ chức học tập, quán triệt nội dung Chỉ thị trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vào đầu quý III/năm 2020.

- Việc thực hiện học tập, quán triệt Chỉ thị 44-CT/TW gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Kết luận số 213- TB/TWngày 02/01/2009 của Ban Bí thư về “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật”, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về “Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”, Chỉ thị 06-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ và giáo dục truyền thống cách mạng”.

- Các địa phương, ban, ngành xác định nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên, là một trong những hoạt động chính trong sinh hoạt định kỳ của tổ chức cơ sở đảng.

2. Đổi mới, nâng cao chất lượng, số lượng sách lý luận, chính trị

- Các ngành, đơn vị liên quan, các cơ quan chủ quản chỉ đạo các nhà xuất bản trên địa bàn tỉnh hoạt động trên cơ sở xác định chương trình hành động, bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh và đất nước.

- Các cấp ủy Đảng, các ban, ngành, địa phương tăng cường đặt hàng đối với các nhà xuất bản biên soạn, xuất bản các xuất bản phẩm nhằm thực hiện tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị được giao. Chú trọng đặt hàng các xuất bản phẩm nghiên cứu, tuyên truyền về biển, đảo; Sách phục vụ công tác thông tin đối ngoại và người Việt Nam ở nước ngoài; sách phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

- Các Nhà xuất bản, các trung tâm chính trị trên địa bàn tỉnh cần nghiên cứu, có kế hoạch nâng cao chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu của sách lý luận, chính trị, đáp ứng yêu cầu của công tác tư tưởng trong tình hình mới. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng sách lý luận chính trị, bảo đảm đa dạng về hình thức, phong phú về thể loại, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

3. Nâng cao chất lượng hoạt động của các Nhà xuất bản trên địa bàn tỉnh

- Các nhà xuất bản trên địa bàn đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác biên soạn, biên tập, xuất bản, phát hành, cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất bản sách lý luận, chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cao; tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ biên tập viên tham gia các chương trình đào tạo, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ biên tập, xuất bản; có chính sách tuyển chọn, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

- Đổi mới công tác biên soạn, biên tập, hoạt động xuất bản, in, phát hành sách lý luận, chính trị phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Có chính sách ưu tiên, ưu đãi nhằm thu hút đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm... tham gia viết, biên soạn, biên dịch sách lý luận, chính trị.

- Hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ giá bán, cấp kinh phí dịch những cuốn sách, bộ sách có giá trị ra tiếng nước ngoài để phục vụ công tác thông tin đối ngoại.

- Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin cho các nhà xuất bản, cơ sở phát hành sách lý luận, chính trị nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu của thời đại 4.0.

4. Nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức phát hành

- Các địa phương trên địa bàn tỉnh có kế hoạch cụ thể về việc đặt hàng sách lý luận, chính trị, cấp phát sách lý luận, chính trị thiết yếu cho cơ sở. Các xã, thị trấn thực hiện bố trí đặt tủ sách tại Văn phòng Đảng ủy hoặc Ủy ban nhân dân và phân công cán bộ lập sổ quản lý sách, theo dõi việc sử dụng, khai thác và bảo quản sách theo quy định của Nhà nước..

- Các Thư viện công lập trên địa bàn tỉnh có kế hoạch bổ sung thêm nguồn sách lý luận, chính trị hàng năm; đảm bảo tỷ lệ 25% sách lý luận, chính trị trong tổng số sách của thư viện.

- Các Nhà xuất bản, đơn vị phát hành đa dạng hóa phương thức xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, đặc biệt là xuất bản sách điện tử và phát hành sách trên mạng Internet, tích cực tham gia triển lãm, hội chợ sách quốc tế trong và ngoài nước.

- Các đơn vị phát hành quan tâm phát triển mạng lưới rộng khắp trên địa bàn tỉnh: Chú trọng công tác đưa sách về vùng sâu, vùng sa, biên giới, hải đảo; tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các đợt tặng sách lý luận, chính trị cho các đồn biên phòng, các thư viện vùng khó khăn, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh.

5. Tăng cường công tác tuyên truyền

- Triển khai tuyên truyền các nội dung của Chỉ thị 44-CT/TW với các hình thức sinh động, phong phú: Thông qua các cuộc họp giao ban, các buổi sinh hoạt đoàn thể, đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, ban, ngành, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì hướng dẫn việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ tổ chức kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện để báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh.

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền nội dung Chỉ thị 44-CT/TW cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý bằng hình thức phù hợp.

- Chỉ đạo các Nhà Xuất bản, các đơn vị phát hành căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện theo chỉ đạo của Chỉ thị 44-CT/TW.

- Tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị 44-CT/TW vào hoạt động thông tin cơ sở tại địa phương.

2. Sở Văn hóa và Thể thao

- Chỉ đạo hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh thực hiện bổ sung nguồn sách lý luận, chính trị hàng năm, đảm bảo đáp ứng tỉ lệ sách lý luận, chính trị theo đúng quy định.

- Có chính sách đặt hàng đối với các xuất bản phẩm liên quan đến ngành và lĩnh vực đơn vị quản lý.

3. Các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh

- Tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chị thị 44-CT/TW, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên đối với việc xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị trong giai đoạn hiện nay.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu thực tế để xây dựng kế hoạch đặt hàng đối với các NXB trên địa bàn tỉnh tổ chức biên soạn, xuất bản các xuất bản phẩm nghiên cứu, tuyên truyền về biển, đảo; sách phục vụ công tác thông tin đối ngoại, sách cho người Việt Nam ở nước ngoài; sách phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố Huế

- Chỉ đạo, định hướng các Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao cấp huyện thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền việc triển khai Chỉ thị 44- CT/TW tại địa phương.

- Có kế hoạch xây dựng tủ sách pháp luật, cấp phát sách lý luận, chính trị thiết yếu cho cơ sở, đặc biệt quan tâm, bổ sung nguồn sách cho các thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng trên địa bàn; chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện bố trí đặt tủ sách tại Văn phòng Đảng ủy hoặc Ủy ban nhân dân và tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả.

- Có chính sách đặt hàng đối với các xuất bản phẩm liên quan đến địa phương quản lý.

5. Các Nhà xuất bản, đơn vị phát hành trên địa bàn tỉnh

- Tiếp tục quán triệt sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh trong công tác triển khai thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ để thực hiện theo chỉ đạo Chỉ thị 44- CT/TW: nâng cao chất lượng công tác biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị.

- Phối hợp chặt chẽ với địa phương, cơ quan, ban, ngành trong tỉnh để tổ chức biên tập, xuất bản các công trình nghiên cứu lịch sử, truyền thống cách mạng chất lượng phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

- Thực hiện chính sách đặt hàng các xuất bản phẩm theo định hướng: xuất bản phẩm nghiên cứu, tuyên truyền về biển, đảo; Sách phục vụ công tác thông tin đối ngoại và người Việt Nam ở nước ngoài; sách phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

6. Các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã, thành phố

- Các cơ quan báo chí tăng cường xây dựng các chương trình tuyên truyền, thông tin công tác triển khai thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW, đồng thời chú trọng tổ chức truyền thông rộng khắp trong toàn tỉnh.

- Có kế hoạch xây dựng tủ sách pháp luật, cấp phát sách lý luận, chính trị thiết yếu cho cơ sở, đặc biệt quan tâm, bổ sung nguồn sách tại đơn vị.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để kịp thời giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Cục XB – IN - PH (Bộ TT&TT);
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, TX và TP Huế;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế;
- CVP, PCVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, GD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Phan Ngọc Thọ