Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1601/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 20 tháng 08 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG VÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN MỨC ĐỘ 4 CỦA TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2021-2022

Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025; Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và các văn bản hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch xây dựng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2022, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Hoàn thành sớm các chỉ tiêu về cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.

- Cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong giai đoạn 2021-2022 nhằm đơn giản hóa, tạo thuận lợi tối đa cho cá nhân và tổ chức trong thực hiện TTHC; giúp cho hoạt động của cơ quan nhà nước được minh bạch, mang tính phục vụ cao, góp phần đẩy mạnh cải cách nền hành chính nhà nước của tỉnh.

- Hoàn thành sớm tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến được kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia vào cuối năm 2022 so với lộ trình của Chính phủ giao.

2. Yêu cầu

- Tuân thủ các quy định của pháp luật về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước.

- Tận dụng hệ thống công nghệ thông tin sẵn có, chủ động bố trí, huy động nguồn lực tại chỗ để sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của tất cả các TTHC. Hoàn thành việc nâng cấp các dịch vụ công mức 2 và 3 lên mức độ 4; từng bước nâng cấp Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh để xử lý hồ sơ hoàn toàn trên môi trường mạng.

- Hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác, cung cấp có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 áp dụng tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

Các sở ban, ngành thuộc UBND tỉnh tiếp tục rà soát các TTHC đã đủ điều kiện và kiến nghị đơn giản hóa, sửa đổi quy trình thực hiện, thành phần hồ sơ của các TTHC chưa đủ điều kiện thuộc ngành, lĩnh vực quản lý (cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) để đưa vào triển khai xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo yêu cầu sau:

1. Đối với các TTHC tại Danh mục TTHC đủ điều kiện xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 giai đoạn 2021-2022 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Kế hoạch này (gồm 1106 TTHC):

Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh theo chức năng quản lý ngành, lĩnh vực trên địa bàn khẩn trương phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và chính thức đưa vào khai thác, sử dụng, cung cấp cho tổ chức, cá nhân.

2. Đối với các TTHC tại Danh mục TTHC chưa đủ điều kiện xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Kế hoạch này (gồm 719 TTHC):

a) Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh theo chức năng quản lý ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh chủ trì xây dựng kế hoạch và tổ chức rà soát đơn giản hóa TTHC để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quy trình thực hiện, thành phần hồ sơ đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo hướng dẫn tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn Phòng Chính phủ.

b) Kế hoạch rà soát phải được ban hành chậm nhất trước ngày 31/10/2021.

c) Dự thảo văn bản tổng hợp kết quả rà soát, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để đơn giản hóa TTHC, trình UBND tỉnh ban hành chậm nhất trước ngày 30/4/2022.

3. Chỉ tiêu xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4:

a) Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn (cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) được chính thức đưa vào khai thác, sử dụng, cung cấp cho tổ chức, cá nhân so với tổng số TTHC thuộc ngành, lĩnh vực quản lý đến hết năm 2021 đạt tỷ lệ tối thiểu 40% (theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 521/UBND-KSTT ngày 08/4/2021); đến năm 2022 đạt tỷ lệ tối thiểu 60% đối với TTHC cấp tỉnh, 50% đối với TTHC cấp huyện, 40% đối với TTHC cấp xã.

Trường hợp nguyên nhân do văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương quy định về quy trình thực hiện, thành phần hồ sơ chưa được sửa đổi, đơn giản hóa theo Kết quả tổng hợp rà soát, kiến nghị của UBND tỉnh tại khoản 2 Mục này để phù hợp với yêu cầu xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, dẫn đến không đạt các chỉ tiêu tỷ lệ nêu trên thì các sở, ban, ngành lập danh sách cụ thể các TTHC kèm theo nguyên nhân, trình UBND tỉnh để báo cáo tiến độ xây dựng dịch vụ công trực tuyến theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019.

b) Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu số lượng hồ sơ nộp trực tuyến so với tổng số hồ sơ tiếp nhận của các dịch vụ công trực tuyến đã xây dựng đến hết năm 2021 đạt tỷ lệ tối thiểu 10% (theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 521/UBND-KSTT ngày 08/4/2021); đến năm 2022 đạt tỷ lệ tối thiểu tối thiểu 30% đối với TTHC cấp tỉnh, 20% đối với TTHC cấp huyện, 15% đối với TTHC cấp xã.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Xây dựng quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trình UBND tỉnh phê duyệt

a) Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh theo chức năng quản lý ngành, lĩnh vực (đối với cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức xây dựng quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trình UBND tỉnh phê duyệt; gửi Sở Thông tin và Truyền thông để thiết lập lên Cổng dịch vụ công của tỉnh và tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trong đó:

- Việc xây dựng các bước trình tự thực hiện phải nêu chi tiết, cụ thể cách thức lập, hoàn thiện hồ sơ điện tử; cách thức nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến; cách thức khai thác các thành phần hồ sơ thay thế thông qua các nguồn cơ sở dữ liệu đã sẵn sàng tích hợp, chia sẻ (nếu có); cách thức giao dịch, trao đổi thông tin, luân chuyển hồ sơ điện tử trong quá trình xử lý và cung cấp dịch vụ; cách thức thanh toán phí, lệ phí trực tuyến…

- Cung cấp địa chỉ email và số điện thoại đầu mối liên hệ của cơ quan giải quyết TTHC tương ứng với mỗi dịch vụ công trực tuyến.

- Đính kèm các mẫu đơn, tờ khai, các biểu mẫu hồ sơ, mẫu kết quả và nội dung hướng dẫn điền hồ sơ, biểu mẫu.

b) Trong trường hợp để xây dựng dịch vụ công trực tuyến, cần thiết phải trình UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung một số quy định về quy trình thực hiện TTHC, cách thức nộp hồ sơ, cách thức giao dịch, luân chuyển hồ sơ trong quá trình xử lý, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thì các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh theo chức năng quản lý ngành, lĩnh vực (đối với cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) có trách nhiệm rà soát, xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình UBND tỉnh theo thẩm quyền ban hành TTHC.

2. Xây dựng và kiểm thử dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công/ Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh và tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia

 a) Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức thiết lập các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã được UBND tỉnh phê duyệt và thông báo cho sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã có dịch vụ công biết để phối hợp kiểm thử, hoàn thiện. Thời hạn hoàn thành trong vòng 45 ngày kể từ thời điểm UBND tỉnh phê duyệt quy trình dịch vụ công trực tuyến.

b) Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thiết lập cấu hình, đăng ký tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức kiểm thử, hoàn thiện đối với từng dịch vụ công trực tuyến, báo cáo UBND tỉnh kết quả kiểm thử và thông báo thời điểm chính thức đưa vào cung cấp dịch vụ. Thời hạn hoàn thành kể từ ngày nhận được văn bản thông báo kiểm thử của Sở Thông tin và Truyền thông trong vòng 15 ngày đối với dịch vụ công của các sở, ban, ngành; 30 ngày đối với dịch vụ công của các huyện, thị xã, thành phố; 02 tháng đối với dịch vụ công của các xã, phường, thị trấn.

3. Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trong đó:

- Thông báo tối thiểu 01 lần trên phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức các hình thức công khai khác đối với các dịch vụ công trực tuyến của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để tuyên truyền, phổ biến về dịch vụ công trực tuyến đã được xây dựng, cung cấp.

- Chỉ đạo bộ phận một cửa các cấp trực tiếp giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến lần đầu; hỗ trợ, khuyến khích người dân, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong các lần nộp hồ sơ tiếp theo.

- Chỉ đạo tăng cường xử lý hồ sơ công việc tại các cấp trên môi trường điện tử; bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến.

- Thường xuyên theo dõi, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị và đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân để cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến.

4. Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên rà soát, cập nhật các yêu cầu đổi mới để nâng cấp, hoàn thiện Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, đáp ứng các quy định, tiêu chí về chức năng, tính năng kỹ thuật theo chỉ đạo của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh được ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định, phân cấp quản lý hiện hành.

2. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ưu tiên đầu tư nâng cấp, hoàn thiện Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một của điện tử của tỉnh và xây dựng, duy trì vận hành ổn định các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Kế hoạch này đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trực thuộc; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong quá trình thiết lập cấu hình, chuẩn hóa quy trình điện tử, kiểm thử, hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến và tổ chức cung cấp dịch vụ đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch này.

2. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại Kế hoạch này.

3. Văn phòng UBND tỉnh hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện việc xây dựng quy trình dịch vụ công trực tuyến; phối hợp, hướng dẫn các sở, ban, ngành rà soát, kiến nghị đơn giản hóa, sửa đổi, bổ sung các TTHC để đáp ứng điều kiện xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định dự án nâng cấp, hoàn thiện các chức năng của Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh bảo đảm đáp ứng cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, trình UBND tỉnh phê duyệt.

5. Sở Tài chính chủ trì, tham mưu UBND tỉnh cân đối nguồn kinh phí, thẩm định các hạng mục dự trù kinh phí để xây dựng, chuẩn hóa, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo nội dung nhiệm vụ của Kế hoạch này.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Bình, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện tốt công tác truyền thông, thông tin để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm thực hiện Kế hoạch này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- BTV Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo QB, Đài PT&TH;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KSTT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ An Phong