Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 161/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 19 tháng 09 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NHÀ Ở ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG GIAI ĐOẠN 2 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 22/2013/QĐ-TTG NGÀY 26/4/2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/7/2017 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công (NCC) với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 2047/LĐTBXH-NCC ngày 25/5/2017 và Công văn số 4619/LĐTBXH-NCC ngày 11/11/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thẩm định đề án hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở; UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch triển khai Thực hiện Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2 theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC VÀ PHẠM VI ĐỐI TƯỢNG

1. Mục tiêu, nguyên tắc hỗ trợ

a) Mục tiêu: Hỗ trợ về nhà ở cho khoảng 25.157 hộ (11.704 hộ xây mới và 13.453 hộ sửa chữa) hộ gia đình có người có công với cách mạng, đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thẩm định.

b) Nguyên tắc hỗ trợ:

- Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình có một hoặc nhiều người có công với cách mạng có nhà ở bị hư hỏng, dột nát (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây mà nay nhà ở đã bị hư hỏng, dột nát) để các hộ gia đình này xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa nhà ở hiện có, bảo đảm nâng cao điều kiện nhà ở của người có công với cách mạng.

- Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng phải đảm bảo công khai, minh bạch, tránh thất thoát, bảo đảm phân bổ đúng thứ tự ưu tiên, công bằng hợp lý các nguồn lực hỗ trợ.

- Việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được thực hiện theo phương châm Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hộ gia đình; Kết hợp, lồng ghép với các chương trình đầu tư, hỗ trợ khác của Trung ương và địa phương để phát huy hiệu quả chính sách.

- Việc hỗ trợ người có công với cách mạng xây dựng mới nhà ở hoặc sửa chữa nhà ở phải đảm bảo yêu cầu sau đây:

+ Đối với trường hợp nhà ở phải phá dỡ để xây dựng lại thì nhà ở mới phải đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), có diện tích sử dụng tối thiểu là 30m2 (nếu là những hộ độc thân thì có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn 30m2 nhưng không thấp hơn 24m2), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên;

+ Đối với trường hợp nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở thì sau khi sửa chữa phải đảm bảo 2 cứng (khung - tường cứng, mái cứng), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên, nhưng không yêu cầu phải đúng tiêu chuẩn về diện tích sử dụng trên.

2. Đối tượng, phạm vi áp dụng

Các đối tượng được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg nằm trong danh sách các hộ đã rà soát năm 2015 của cấp huyện, đã gửi Sở Xây dựng tổng hợp và đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thẩm định.

II. NỘI DUNG

1. Công tác tổ chức tuyên truyền phổ biến chính sách

Tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan; Tăng cường tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng và thông qua hội nghị của UBND các cấp nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân về Chính sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

2. Công tác triển khai thực hiện

- Hướng dẫn việc lập danh sách các hộ gia đình được hỗ trợ trên địa bàn tỉnh theo thứ tự ưu tiên hỗ trợ cho các đối tượng; lập và phê duyệt danh sách hộ theo đúng thứ tự ưu tiên để triển khai thực hiện theo trình tự sau:

+ Lập danh sách số lượng hộ thuộc diện được hỗ trợ nhưng chưa được Nhà nước cấp kinh phí mà đã tự ứng trước kinh phí để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở để hoàn trả ngay cho các hộ này sau khi có kinh phí từ ngân sách Trung ương trong năm 2017;

+ Lập danh sách số lượng hộ thuộc diện được hỗ trợ nhưng đã chết mà vợ (hoặc chồng) còn sống có hộ khẩu thường trú và đang ở tại nhà ở đó để hỗ trợ theo mức quy định theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg để xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở;

+ Lập danh sách số lượng hộ thuộc diện được hỗ trợ mà cả người có công và vợ (chồng) của người đó đều đã chết, hiện nay con của họ đang sinh sống tại nhà ở đó. Trường hợp con của họ thực sự có khó khăn về nhà ở, Sở Xây dựng sẽ báo cáo UBND tỉnh để xem xét, bố trí từ ngân sách và các nguồn khác để thực hiện hỗ trợ;

+ Lập danh sách số lượng hộ (số hộ còn lại ngoài các danh sách trên mà đang còn sống) thuộc diện được hỗ trợ đúng thứ tự ưu tiên theo hướng dẫn tại Thông tư 09/TT-BXD ngày 01/7/2013 của Bộ Xây dựng để thực hiện hỗ trợ khi có kinh phí từ ngân sách Trung ương.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình xây dựng nhà ở; cải tạo, sửa chữa nhà ở đã có đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng theo quy định.

- Kiểm tra, giám sát, tổng hợp báo cáo việc thực hiện Chính sách theo đúng quy định.

III. THỜI GIAN, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Công tác chuẩn bị

a) Đối với UBND cấp xã:

- Chỉ đạo cấp thôn tổ chức phổ biến nội dung chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/7/2017, Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg tới tất cả các đối tượng là người có công với cách mạng trên địa bàn thôn.

- Chậm nhất đến ngày 25/9/2017: UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, lập “Danh sách hộ gia đình có công được hỗ trợ về nhà ở giai đoạn 2” theo đúng thứ tự ưu tiên (được nêu tại Điểm 2 Mục II trong kế hoạch này) gửi UBND cấp huyện để tổng hợp.

b) Đối với UBND cấp huyện:

Căn cứ vào báo cáo và danh sách của UBND cấp xã lập, UBND cấp huyện tổng hợp và phê duyệt danh sách số hộ do UBND cấp xã trình, đồng thời tổng hợp báo cáo về Sở Xây dựng trước ngày 29/9/2017.

2. Thời gian thực hiện, tiến độ thực hiện

Tổ chức thực hiện Kế hoạch hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở dứt điểm trong thời gian 02 năm: 2017 và 2018.

- Năm 2017:

+ Hoàn trả ngay kinh phí (sau khi có kinh phí từ ngân sách Trung ương) cho số lượng hộ thuộc diện được hỗ trợ nhưng chưa được Nhà nước cấp kinh phí mà đã tự ứng trước kinh phí để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở;

+ Hỗ trợ số lượng hộ thuộc diện được hỗ trợ nhưng đã chết mà vợ (hoặc chồng) còn sống có hộ khẩu thường trú và đang ở tại nhà ở đó để hỗ trợ theo mức quy định theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg để xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở;

+ Hỗ trợ số lượng hộ thuộc diện được hỗ trợ mà cả người có công và vợ (chồng) của người đó đều đã chết, hiện nay con của họ đang sinh sống tại nhà ở đó. Trường hợp con của họ thực sự có khó khăn về nhà ở, Sở Xây dựng sẽ báo cáo UBND tỉnh để xem xét, bố trí từ ngân sách và các nguồn khác để thực hiện hỗ trợ;

- Năm 2018: Hỗ trợ số lượng hộ còn lại thuộc diện được hỗ trợ đúng thứ tự ưu tiên tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/7/2017, Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09/TT-BXD ngày 01/7/2013 của Bộ Xây dựng để thực hiện hỗ trợ ngay khi có kinh phí từ ngân sách Trung ương. Trong đó ưu tiên theo thứ tự sau:

+ Hộ gia đình người có công mà nhà ở có nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng;

+ Hộ gia đình mà người có công cao tuổi;

+ Hộ gia đình người có công là dân tộc thiểu số;

+ Hộ gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn;

+ Hộ gia đình người có công thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành

a) Sở Xây dựng

- Là cơ quan thường trực, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch và Đề án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Trong quá trình thực hiện, Sở Xây dựng phối hợp các Sở, ngành để hướng dẫn, kiểm tra, giải quyết những vướng mắc kịp thời đảm bảo việc thực hiện không bị gián đoạn.

- Tham gia, phối hợp với Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí vốn đối ứng và chi phí quản lý theo quy định.

- Chủ trì thực hiện công tác báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh để giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện.

b) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với các ban ngành chức năng rà soát, kiểm tra, đảm bảo đúng đối tượng thuộc diện được hỗ trợ theo quy định.

- Phối hợp với các sở ban, ngành chức năng trong công tác giải quyết các khiếu nại, tố cáo và giải quyết các vướng mắc, phát sinh liên quan đến đối tượng, điều kiện được hỗ trợ trong quá trình triển khai thực hiện.

c) Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kịp thời vốn đối ứng ngân sách tỉnh để thực hiện chính sách theo quy định; báo cáo chủ tịch UBND tỉnh.

- Chủ động đấu mối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để có kế hoạch báo cáo, tiếp nhận và phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí quản lý 0,5% (tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ) để thực hiện chính sách theo quy định.

- Sở Tài chính hướng dẫn công tác lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đảm bảo chính sách đến từng hộ; không để xảy ra thất thoát, tiêu cực.

c) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Phối hợp với chính quyền cấp huyện, xã các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tích cực vận động tạo thêm nguồn lực hỗ trợ hộ người có công xây dựng, cải tạo nhà ở; đồng thời thực hiện chức năng giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đảm bảo đúng mục tiêu và yêu cầu.

d) Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Hội Doanh nghiệp tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa

- Tích cực tham gia trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách; vận động các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng ủng hộ bằng tiền, vật liệu xây dựng hoặc ngày công lao động để giúp đỡ các hộ xây dựng, cải tạo nhà ở;

- Chỉ đạo Đoàn Thanh niên huyện, xã có đối tượng được hỗ trợ tham gia xây dựng nhà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật...).

2. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, từ đó nhằm huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ cho người có công với cách mạng xây dựng nhà ở.

- Thành lập hoặc kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng cấp huyện để tổ chức thực hiện hỗ trợ nhà ở, kiểm tra, đôn đốc thực hiện; xây dựng kế hoạch trong thời gian 02 năm, từ năm 2017 - 2018 theo Kế hoạch này.

- Tổng hợp và phê duyệt danh sách hộ gia đình có công được hỗ trợ về nhà ở giai đoạn 2 theo đúng thứ tự ưu tiên, gửi về Sở Xây dựng và các sở ban, ngành có liên quan làm cơ sở theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc và tổ chức thực hiện.

- Kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong quá trình thực hiện; thanh tra, kiểm tra xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong việc thực hiện hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg và Thông tư 09/2013/TT-BXD.

- Hàng năm đánh giá kết quả thực hiện và gửi báo cáo về Sở Xây dựng trước ngày 20 tháng 11; hàng quý báo cáo định kỳ kết quả thực hiện gửi Sở Xây dựng trước ngày 20 để tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng và UBND tỉnh.

- Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện chính sách chậm nhất đến quý I năm 2019.

3. Trách nhiệm của UBND cấp xã

- Kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng của xã, (gồm đại diện chính quyền cấp xã, đại diện Mặt trận tổ quốc cấp xã, đại diện Hội Cựu chiến binh) để tổ chức thực hiện hỗ trợ theo quy định.

- Kiểm tra, lập “Danh sách hộ gia đình có công được hỗ trợ về nhà ở giai đoạn 2” theo đúng thứ tự ưu tiên (được nêu tại Điểm 2 Mục II trong kế hoạch này) gửi UBND cấp huyện để tổng hợp đúng thời hạn. Niêm yết công khai danh sách và mức hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg và Thông tư 09/2013/TT-BXD tại trụ sở của UBND cấp xã.

- Tổ chức việc lập Biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo giai đoạn và Biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng theo quy định. Lập hồ sơ hoàn công cho từng hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở. Chỉ đạo, giám sát để các hộ gia đình sử dụng tiền hỗ trợ về nhà ở đúng mục đích, bảo đảm chất lượng nhà ở xây dựng mới hoặc sửa chữa theo quy định.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình xây dựng, cải tạo nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng theo quy định và vận động các hộ gia đình tự tổ chức xây dựng. Đối với hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật...) không thể tự xây dựng được thì UBND cấp xã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của địa phương tổ chức xây dựng cho các đối tượng này.

- Tổng hợp, báo cáo UBND cấp huyện về kết quả thực hiện hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn và kiến nghị các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện trên địa bàn.

- Lưu trữ toàn hộ hồ sơ theo quy định.

V. NGUỒN VỐN, KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Mức hỗ trợ

Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) với mức hỗ trợ sau:

- Hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với những hộ gia đình phải phá dỡ để xây mới nhà ở.

- Hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ đối với những hộ gia đình phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.

2. Số lượng hộ, số vốn hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở

Tổng số hộ cần hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở là: 25.157 hộ (11.704 hộ xây mới và 13.453 hộ sửa chữa), tương ứng nguồn vốn ngân sách nhà nước là 737.220 triệu đồng.

a) Trong năm 2017 dự kiến như sau:

- Số lượng hộ: Thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho khoảng 7.600 hộ (chiếm 30%); trong đó số hộ xây mới là 3.536 hộ; số hộ cải tạo là 4.064 hộ (bao gồm cả số hộ đã tự ứng trước kinh phí để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà).

- Nguồn vốn: Tổng số vốn hỗ trợ: 222.720 triệu đồng; trong đó, nguồn vốn Trung ương dự kiến (95%) là 211.584 triệu đồng, vốn ngân sách tỉnh (5%) là 11.136 triệu đồng.

b) Trong năm 2018 dự kiến như sau:

- Số lượng hộ còn lại: Thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho 17.557 hộ (chiếm 70%); Trong đó số hộ xây mới là 8.217 hộ; số hộ cải tạo là 9.340 hộ.

- Nguồn vốn: Tổng số vốn hỗ trợ: 515.474 triệu đồng; trong đó nguồn vốn Trung ương dự kiến (95%) là 489.700 triệu đồng, vốn ngân sách tỉnh (5%) là 25.774 triệu đồng.

Yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND cấp xã thực hiện nghiêm Kế hoạch này. Giao Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này, đồng thời tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Các Bộ: XD, KHĐT, Tài chính (để b/c);
- TTr; Tỉnh ủy và HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UB MTTQ VN tỉnh Thanh Hóa;
- Các sở: XD, LĐTBXH, KHĐT, TC (th/hiện);
- UBND các huyện, thị xã, TP (th/hiện);
- UBND cấp xã (giao UBND cấp huyện triển khai);
- NH Chính sách xã hội - CN Thanh Hóa;
- Đoàn TNCS HCM tỉnh;
- Hội LH Phụ nữ tỉnh; Hội DN tỉnh;
- CN Phòng CN&TM Thanh Hóa;
- Chánh VP, Phó CVP UBND tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Thanh Hóa (đưa tin);
- Cổng Thông tin điện tử - VPUB;
- Lưu: VT, VX, CN.(M9.4)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Phạm Đăng Quyền