Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1715/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 18 tháng 9 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TỔNG KẾT VIỆC THI HÀNH LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY

Thực hiện Kế hoạch số 226/KH-BCA-C41 ngày 28/7/2017 của Bộ Công an về tổng kết việc thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) (Luật Phòng, chống ma túy), Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành kế hoạch tổng kết như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổng kết, đánh giá khách quan, toàn diện việc thi hành Luật Phòng, chống ma túy, qua đó ghi nhận kết quả đạt được; những tác động, tính phù hợp, khả thi của các quy định hiện hành; những hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong thi hành Luật Phòng, chống ma túy; mâu thuẫn, xung đột pháp lý giữa quy định của Luật Phòng, chống ma túy với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhất là với Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính; kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy phù hợp với thực tế tình hình.

2. Yêu cầu

Việc tổng kết phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan, toàn diện; nội dung tổng kết phải thiết thực, phản ánh đúng thực tế, có đánh giá, chứng minh, tránh làm theo kiểu thống kê, báo cáo thành tích.

Đánh giá đúng tình hình thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành. Làm rõ kết quả đạt được; hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; bài học kinh nghiệm trong triển khai và tổ chức thi hành Luật Phòng, chống ma túy.

Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác tổng kết thi hành Luật Phòng, chống ma túy.

II. NỘI DUNG, PHẠM VI, HÌNH THỨC TỔNG KẾT

1. Nội dung

- Phân tích rõ kết quả, đánh giá những thành công, hạn chế, sơ hở trong quy định và tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống ma túy trên các lĩnh vực: Trách nhiệm phòng, chống ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; cai nghiện ma túy; quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

- Những hạn chế, bất cập trong quy định của Luật Phòng, chống ma túy và thực tiễn tổ chức thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống ma túy trong các lĩnh vực; phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, bất cập đó.

- Rà soát, đánh giá những mối quan hệ giữa các quy định của Luật Phòng, chống ma túy với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chương XX của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

- Trên cơ sở đánh giá những bất cập trong việc triển khai Luật Phòng, chống ma túy để đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cụ thể các quy định của Luật Phòng, chống ma túy phù hợp với các bộ luật hiện hành và phù hợp với tình hình thực tiễn.

2. Phạm vi

- Các sở, ngành, địa phương và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn đều tiến hành tổng kết.

- Số liệu phục vụ tổng kết thi hành Luật Phòng, chống ma túy được tính từ khi Luật sửa đổi, bổ sung năm 2008 có hiệu lực đến ngày 30/6/2017.

3. Hình thức

Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố không tổ chức hội nghị tổng kết mà chỉ xây dựng báo cáo tổng kết.

Các sở, ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng báo cáo tổng kết theo đề cương hướng dẫn kèm theo và gửi báo cáo về Công an tỉnh để tập hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo tổng kết.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh

Chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, địa phương tổ chức tổng kết Luật Phòng, chống ma túy; tổng hợp xây dựng báo cáo chung toàn tỉnh, báo cáo Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát).

Đánh giá việc thi hành Luật Phòng, chống ma túy trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy của lực lượng Công an: Triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch phòng, chống tội phạm về ma tuý của Chính phủ, Bộ Công an; chủ trì phối hợp với lực lượng chức năng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý; tiếp nhận và xử lý thông tin về tội phạm ma tuý; tổ chức lực lượng điều tra các tội phạm về ma tuý; tiếp nhận, thụ lý điều tra các vụ án do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển đến theo quy định của pháp luật; giám định chất ma tuý; phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể trong lập hồ sơ và đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng; hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm về ma tuý.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Đánh giá việc thi hành Luật Phòng, chống ma túy trong công tác cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện: Triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch tổ chức cai nghiện ma tuý; chỉ đạo tổ chức cai nghiện ma tuý và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện; chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương xây dựng, hướng dẫn hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma tuý; dạy nghề, tạo việc làm, tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện vật chất và tinh thần để giúp đỡ người sau cai nghiện ma tuý hoà nhập cộng đồng, phòng, chống tái nghiện; chỉ đạo cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh thực hiện các hoạt động cai nghiện; hợp tác quốc tế về cai nghiện ma tuý và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện.

3. Sở Y tế

Đánh giá việc thi hành Luật Phòng, chống ma túy trong công tác quản lý thuốc có chứa chất gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất trong lĩnh vực Y tế; vấn đề xét nghiệm xác định người nghiện ma túy; hướng dẫn, theo dõi thực hiện phương pháp cai nghiện ma tuý; hỗ trợ về người, chuyên môn kỹ thuật Y tế để cai nghiện ma tuý.

4. Sở Công thương

Đánh giá việc thi hành Luật Phòng, chống ma túy trong công tác phối hợp với các ngành Công an, Hải quan trong việc kiểm soát các loại tiền chất trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo

Đánh giá việc thi hành Luật Phòng, chống ma túy trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa ma túy trong nhà trường: Đánh giá việc lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống ma tuý vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa, văn nghệ, các cuộc thi… trong nhà trường, các cơ sở giáo dục khác.

6. Sở Tư pháp

Phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực phòng, chống ma túy; đánh giá sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Phòng, chống ma túy với các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đề xuất, kiến nghị sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy phù hợp với thực tiễn.

7. Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh

Đánh giá việc thi hành Luật Phòng, chống ma túy trong công tác truy tố, xét xử, phối hợp thi hành án các vụ án ma túy. Tòa án nhân dân tỉnh đánh giá việc xét xử lưu động các vụ án điểm về ma túy; việc lập, xét hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.

8. Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Đánh giá việc thi hành Luật Phòng, chống ma túy trong công tác phối hợp giữa lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển với cơ quan Công an về kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các hoạt động phạm tội về ma túy ở khu vực biên giới, cửa khẩu, trên biển.

9. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội

Đánh giá việc thi hành Luật Phòng, chống ma túy trong công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy: Việc phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền, giáo dục nhân dân kiến thức, pháp luật về phòng, chống ma tuý; vận động thành viên của các hội, nhân dân tham gia phòng, chống ma tuý; phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng vận động cai nghiện ma tuý; tham gia giáo dục, dạy nghề, tìm việc làm và giúp đỡ người đã cai nghiện ma tuý hoà nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện.

10. Các sở, ngành cấp tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh

Đánh giá việc thi hành Luật Phòng, chống ma túy trên lĩnh vực theo chức năng, việc tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy cho toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức và công tác phòng, chống ma túy tại cơ quan, đơn vị mình.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Đánh giá việc thi hành Luật Phòng, chống ma túy tại địa phương; việc chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền cấp cơ sở triển khai thực hiện các giải pháp: Tuyên truyền giáo dục; đấu tranh phòng, chống ma túy; quản lý người nghiện ma túy, nhất là việc cai nghiện tại ma túy tại gia đình, cộng đồng; lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện ma túy sau cai nghiện ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị các sở, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức tổng kết việc thi hành Luật Phòng, chống ma túy và gửi báo cáo đến Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh) trước ngày 15/10/2017 để tập hợp chung.

2. Kinh phí thực hiện công tác tổng kết thi hành Luật Phòng, chống ma túy trích từ kinh phí hoạt động thường xuyên của các đơn vị, địa phương.

Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các sở, ngành, địa phương phản ánh kịp thời với Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh) để được hướng dẫn./.

 

 

Nơi nhận:
- C41 - BCA;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- VP UBND tỉnh;
- Các sở, ngành, CQ TW đóng trên địa bàn tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng

 

ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO TỔNG KẾT

ĐÁNH GIÁ VIỆC THI HÀNH LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY
(Kèm theo Kế hoạch số     /KH-UBND-NC ngày    /     /2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VIỆC THI HÀNH CÁC QUY ĐỊNH CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY

1. Đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy và trong thực tiễn tổ chức thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống ma túy

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, đề nghị các sở, ngành, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đánh giá theo nội dung:

- Đánh giá trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy (theo quy định từ Điều 6 đến Điều 14, Chương II Luật Phòng, chống ma túy).

- Đánh giá việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy (được quy định từ Điều 15 đến Điều 24, Chương III Luật Phòng, chống ma túy).

- Đánh giá công tác cai nghiện ma túy (được quy định từ Điều 25 đến Điều 35, Chương IV Luật Phòng, chống ma túy).

- Đánh giá công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy và trách nhiệm được phân công cho các ngành, địa phương (được quy định từ Điều 36 đến Điều 36 đến Điều 45, Chương V Luật Phòng, chống ma túy).

- Đánh giá công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy (được quy định từ Điều 46 đến Điều 51 Chương VI Luật Phòng, chống ma túy).

- Đánh giá công tác khen thưởng và xử lý vi phạm (được quy định từ Điều 52 đến Điều 54, Chương VII Luật Phòng, chống ma túy).

2. Đánh giá sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa quy định của Luật Phòng, chống ma túy với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan

Đánh giá nội dung trong các quy định ở Luật Phòng, chống ma túy có sự chồng chéo hoặc mâu thuẫn so với quy định của các văn bản pháp luật, nhất là Luật Xử lý vi phạm hành chính và Chương XX của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

3. Xác định những vấn đề phát sinh trong thực tiễn công tác phòng, chống ma túy chưa được Luật Phòng, chống ma túy quy định và cần được pháp luật điều chỉnh

Trong trường hợp các sở, ngành, địa phương thấy những nội dung phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống ma túy thuộc lĩnh vực quản lý của mình nhưng chưa được pháp luật quy định và cần được pháp luật điều chỉnh thì đề nghị các sở, ngành, địa phương tổng kết, đánh giá và đề xuất những nội dung đó.

4. Đánh giá về các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống ma túy

II. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CƠ BẢN NHẰM SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

- Về kết cấu của Luật Phòng, chống ma túy

- Theo các vấn đề được nêu ở Mục I đề cương báo cáo, nêu kiến nghị, đề xuất.